1. Căn cao số nặng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vạn năm lịch sử, ngàn câu chuyện bị lãng quên, trăm huyền thoại trôi về miền ký ức. Ngược dòng thời gian, chiếc chìa khóa khai mở cánh cửa giao thoa giữa quá khứ và hiện tại đang nằm ở nơi nào?

*

Người ta vẫn hay mỉa mai, rằng: "Nhỏ không học, lớn làm nhà báo".

Thỉnh thoảng, sẽ có những lúc tôi ước điều đó là sự thật. Ước gì không cần đi học vẫn có thể viết báo, không cần trầy trật lăn lộn khắp nơi mà tin bài vẫn lên đều đều, không phải một ngày nọ leo sáu lần thang bộ chỉ để nghe tin cơ quan nghỉ làm...

Ước gì!

"Bài được duyệt đăng, nhưng đi chụp lại ngay cho chị! Chỉnh thông số máy sang chế độ ngoài trời, mà setup đèn kiểu gì để ảnh cháy sáng hết thế hả Dương?"

"Sếp lớn" ở bên kia đầu dây nói như hét vào điện thoại, âm lượng đẩy cao đến mức tôi giơ máy cách một đoạn mà vẫn nghe rõ mồn một. Đợi sếp nổi trận lôi đình xong, bấy giờ tôi mới áp tai lại gần, nhỏ nhẹ nói: "Thế không được cái nào hả chị? Một cái..."

"Nửa cái cũng không!" Giọng nói đã hạ bớt tông nhưng ngữ điệu sặc mùi thuốc súng. "Biết điều thì mang ảnh về trước sáu giờ tối nay, không cô đừng mơ lấy đủ nhuận tháng. Đi luôn đi, cấm lằng nhằng đấy!"

Dứt lời, chị lạnh lùng cúp máy, quyết không chừa cho tôi cơ hội thoái thác.

Nhìn màn hình tối đen trên tay, tôi bình tĩnh uống nốt cốc nước, đồng thời cân nhắc xem mình có thực sự cần công việc này nữa không. Hiện tại đang là một giờ chiều, nhiệt độ ghi nhận ngoài trời dao động từ bốn chín tới năm mươi độ. Các chuyên gia đã cảnh báo người dân thủ đô hạn chế ra đường vì dễ sốc nhiệt. Ấy vậy mà chị trưởng ban không những bắt tôi đi chụp, còn nằng nặc đòi set đèn trong bối cảnh ở môi trường ánh sáng mạnh (1). Quả là một người chị "vui tính"!

*

"Ôi bể khổ, chưa hết khổ là chưa hết đời!"

Tôi thở dài thườn thượt, gắng sức kéo chiếc vali đựng thiết bị lên xe bus. Tuy không mấy cam tâm, nhưng bởi sức ép của đồng tiền quá lớn, tôi buộc phải chấp nhận thi gan cùng thời tiết.

Tìm một chỗ trống trên xe, tôi thả người xuống ghế, tranh thủ mở mạng tìm kiếm các công thức chụp. Tôi là phóng viên, nhưng không phải phóng viên ảnh. Dù đã nhấn mạnh một ngàn lẻ một lần với cấp trên nhưng chẳng ai chịu nhớ, thành thử tôi phải đảm đương hai công việc viết, chụp cùng lúc. Như một lẽ tất nhiên, những kỹ thuật ảnh chuyên nghiệp hay iso, khẩu, tốc... gì đấy đều nằm ngoài chuyên môn chính của tôi.

Chiếc xe bus từ từ dừng lại trước cổng di tích Hoàng thành Thăng Long. Vừa đặt chân xuống xe, tầm mắt tôi va ngay vào một người đeo kính trông rất quen. Người đó hình như cũng thấy tôi. Hai bên ngờ ngợ nhìn nhau một lúc thì đối phương lên tiếng trước: "Có phải Nhật Dương đấy không?"

"Ơ, là anh Nghĩa thật này!" Nhận ra bạn cũ, tôi kéo vali chạy đến cạnh anh, cười toe toét. "Lâu lắm mới gặp anh, nay đoàn lại làm việc ạ?"

"Ừ, bọn anh tiếp tục khai quật bên khu khảo cổ." Nghĩa mỉm cười, trán lấm tấm mồ hôi. So với lần cuối gặp nhau, gương mặt vốn thư sinh của anh nhìn đầy đặn hơn chút. Anh chỉ vào tấm bảng biểu trên tay, tỏ ý là mình đang bận. "Đến chụp triển lãm à? Vậy tranh thủ đi, khoảng ba giờ bọn anh có buổi thuyết trình, nếu cô qua chơi thì anh ở chỗ thềm Rồng nhé!"

"Vâng, xong việc em qua ngay!" Tôi hào hứng đáp lời.

Vì cả hai đều vội nên chúng tôi hẹn nhau lúc ba giờ kém mười. Anh Nghĩa bận rộn với công việc khảo cổ còn tôi tranh thủ tới khu triển lãm hiện vật ngoài trời, nhân lúc vắng người dựng softbox để chụp lại bộ ảnh. Không biết do may mắn hay nhờ ơn trên phù hộ, tôi vừa set xong đống đèn thì trời bỗng râm mát hẳn. Có vài đám mây lớn mới từ đâu thình lình kéo đến, che khuất bóng mặt trời. Nắng dần tắt, tôi đưa máy lên bấm lia lịa.

Triển lãm lần này bao gồm ba mươi hai hiện vật lịch sử tiêu biểu trải dài từ thời Hồng Bàng đến năm 1945. Trong điều kiện môi trường thuận lợi, mặc dù thông số điều chỉnh đã "công nghiệp" hết mức song tôi vẫn mất khoảng một tiếng để có đầy đủ ảnh. Buổi chụp cuối cùng kết thúc muộn hơn dự kiến ban đầu độ năm phút. Ngó đồng hồ thấy đã quá giờ, tôi cất đồ xong liền tức tốc sang điểm hẹn tìm Nghĩa.

Nhớ lại, bốn năm trước tôi gặp Nghĩa lần đầu cũng tại di tích này. Ngày đó, anh là chàng sinh viên năm cuối chuyên ngành Khảo cổ học của một trường đại học nổi tiếng, tôi thì đang học năm hai. Vì những thành tích nổi bật giúp tên tuổi Nghĩa trở thành "truyền kỳ" trong giới sinh viên, tôi đã chọn anh làm nhân vật cho bài báo đầu tay của mình. Chúng tôi thống nhất lấy Hoàng thành làm địa điểm phỏng vấn bởi cả hai cùng chạy việc part-time tại đây. Anh thực tập theo ngành còn tôi làm mẫu ảnh cho một studio chuyên áo dài và Việt phục. Bài báo viết về Nghĩa sau được đăng lên trang nhất, anh và tôi cũng trở thành bạn từ đấy.

Trong ấn tượng của tôi, Nghĩa là một gã mọt sách ưa nhìn, luôn tươi cười và lạc quan trước mọi hoàn cảnh. Anh chưa bao giờ để lộ sự mệt mỏi hay nhụt chí bất kể công việc có gặp nhiều khó khăn. Một người như thế, chẳng hiểu sao nay lại ngồi trước bậc thềm điện Kính Thiên với vẻ mặt bơ phờ, ánh mắt thất thần vô định. Trên tay anh cầm một tập A4 đã bị siết tới nhăn nhúm. Thấy chuyện không ổn, tôi lo lắng chạy xộc đến, đoạn vỗ vai anh: "Này, anh sao đấy?"

Gọi tới lần thứ ba, Nghĩa giật mình quay sang. Thấy tôi, anh bối rối cười gượng, trong giọng nói phảng phất chút bàng hoàng: "Dương đấy à..."

"Có chuyện gì xảy ra với anh thế?" Tôi nóng ruột hỏi. "Sao mỗi mình anh ở đây vậy?"

Nghĩa lại bần thần một hồi rồi mới trả lời, nghe chừng rất mông lung: "Anh cũng không biết nữa... hay cô tự xem thử đi."

Nói đoạn, anh lảo đảo đứng dậy, chẳng nói chẳng rằng dẫn tôi đi một mạch đến chiếc lán của đoàn khảo cổ. Bình thường, đây là nơi người lạ không được phép vào vì có nhiều trang thiết bị lẫn tài liệu quan trọng bên trong. Nhưng nay Nghĩa không câu nệ chuyện đó, anh dừng lại trước bàn sắt ở giữa lán, kéo tấm vải phủ bên trên ra.

"Bọn anh vừa đào được thứ này." Nghĩa nặng nề nói, tay đặt lên chiếc hộp kính chuyên dụng dựng hiện vật. Tôi tiến lại gần để nhìn, bất giác hít vào một ngụm khí lạnh.

Vật được họ tìm thấy hóa ra là một cây trâm cài tóc cỡ lớn, tình trạng còn khá nguyên vẹn. Phân nửa thân trâm vẫn đang nằm trong lớp đất dày. Trên mảnh giấy dán ngoài hộp kính in dòng ghi chú bằng mực đỏ:

Phỏng đoán niên đại hiện vật: thời Đinh - Tiền Lê.

"Vậy là hơn nghìn năm trước?" Tôi thốt lên đầy hoài nghi, cảm thấy hết sức khó tin.

Tuy không có kiến thức về khảo cổ học nhưng tôi nắm tương đối rõ tiến trình lịch sử nước ta. Thuở xưa, kinh đô Thăng Long vốn khởi phát từ vương triều nhà Lý (2), đến nay đã trải qua biết bao đời vua và cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Tại đây cũng diễn ra hàng trăm lần xây dựng và trùng tu tòa thành. Chưa kể, cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp lúc xâm lược đã thẳng tay phá bỏ hành cung điện Kính Thiên để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh. Vì chiến tranh oanh tạc liên miên cùng thời gian tuyến tính nên các di vật khảo cổ khai quật lên sau này phần lớn đều vỡ, ít có thứ nào lành lặn. Việc một món đồ từ tận thời Đinh - Tiền Lê xuất hiện ở Hoàng thành Thăng Long với trạng thái gần như hoàn hảo vậy quả là chuyện lạ.

"Đấy chưa phải vấn đề chính đâu." Sắc mặt Nghĩa càng lúc càng tệ, anh đưa cho tôi chiếc kính lúp, đồng thời khởi động máy quét. Một cảm giác bất an bỗng cuộn lên trong lòng tôi. Dưới sự hướng dẫn của Nghĩa, tôi thực hiện phóng đại chi tiết trâm qua thấu kính, không quên xem cả ảnh cắt lớp trên màn hình.

Rốt cuộc, điều bất thường cũng lộ diện trước mắt.

Nhờ máy quét, chúng tôi thấy được hình dáng cụ thể của cây trâm. Tạm bỏ qua những vết tích cũ nát bên ngoài bởi bề mặt trâm không có khác biệt so với những món đồ mang lên từ dưới đất, đều in dấu thời gian cả trăm nghìn năm. Điểm đáng chú ý là cách thiết kế nó: phần thân trơn thẳng, dài khoảng hai mươi lăm centimet, đầu mũ trâm điêu khắc phỏng theo nguyên bản hình hoa hướng dương. So sánh chính xác thì tổng thể cây trâm khá giống một cành hoa, cực kỳ sống động.

"Kết quả phân tích... có chuẩn không vậy ạ?" Tay cầm chuột máy tính của tôi hơi run lên.

Trước đây, tôi từng xem nhiều hiện vật trang sức cổ là trâm rồng, trâm phượng... song loại trâm có phần mũ hoa hướng dương chắc chỉ gặp trên sàn thương mại điện tử, hoặc trong các shop phụ kiện, số lượng hầu như rất hiếm. Đặt chung vào bối cảnh thời phong kiến, mẫu trâm kia mang những đường nét quá đỗi hiện đại, thực sự rất khập khiễng nếu so với chuẩn mực nghệ thuật đương thời.

"Các kết quả từ thiết bị mới có độ chính xác lên đến chín mươi phần trăm. Giám định chất liệu và thành phần cũng ước chừng được phần nào tuổi thọ hiện vật." Nghĩa quả quyết nói, mắt ngước lên nhìn màn hình máy quét. "Anh tự hỏi, đây liệu có phải là một phát hiện vĩ đại đối với nền khảo cổ Việt Nam, hay đơn thuần chỉ là trò đùa ác ý của ai đấy?"

Tôi im lặng, không biết trả lời anh thế nào vì những điều này đã vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, tay tôi vẫn tiếp tục lật qua lật lại đống ảnh tư liệu. Có điều gì không đúng ở đây, nhưng tôi không thể giải thích được.

Nghi vấn mơ hồ dần kích thích trí tò mò tới cực đại, tôi ngỏ ý muốn mở hộp để xem trực tiếp hiện vật. Dĩ nhiên là anh Nghĩa không từ chối đề nghị của tôi. Nhưng ngay khoảnh khắc tay tôi vừa chạm vào lớp kính, một luồng khí ẩm ướt, rờn rợn như rắn trườn từ đỉnh đầu xuống thắt lưng khiến toàn thân tôi ớn lạnh, gáy châm chích như có đôi mắt vô hình đang nhìn chòng chọc. Tôi kinh hãi rụt tay về, đồng thời quay ngoắt ra đằng sau. Cửa lán vẫn khép kín, ngoài tôi và Nghĩa ra thì không có ai trong này cả. Tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân nhưng nỗi sợ bị theo dõi không ngừng bám riết. Biết chắc mình lại gặp người khuất mặt khuất mày (3), tôi hít sâu, nở một nụ cười gượng gạo: "Chắc là thôi anh ạ, em nghĩ em không nên động vào thì tốt hơn."

"Sao thế?"

"Dạ không sao! Mà anh ơi, liệu em có thể xin chụp một bức ảnh không?"

Nghĩa ngẫm nghĩ đôi chút đoạn gật đầu: "Được, nhưng cô giữ bí mật nhé! Hiện chưa thẩm định xong nên đoàn anh không muốn công bố ra truyền thông đâu."

"Em hiểu mà, anh cứ yên tâm." Tôi nói, tay thoăn thoắt thao tác trên màn hình máy ảnh. Cảm giác rờn rợn ở lưng khiến người tôi bứt rứt khó chịu, mắt bên trái có dấu hiệu mờ dần. Tôi bấm vội mấy tấm rồi lấy cớ phải về cơ quan để trả ảnh triển lãm, hẹn gặp Nghĩa lần khác và nhanh chóng rời khỏi lán.

Tuy rất hiếu kỳ muốn được biết thêm về cây trâm, nhưng dưới tác động của "yếu tố thứ ba", tôi không thể ở lại lâu hơn với Nghĩa. Vốn ngày sinh trùng với rằm tháng Bảy âm lịch (4), trực giác của tôi cảm nhận được những thứ không thuộc về thế giới này.

Như lời dì tôi - một "cô đồng" đã ra hầu nhà Thánh gần hai mươi năm - tôi là người có "căn". Hơn nữa, căn số của tôi cực kỳ nặng. Dù không quá mê tín, song tôi vẫn thường nằm mơ những giấc mơ quái quỷ, đôi khi còn trông thấy những bóng người mờ nhạt đi lại xung quanh. Trong ký ức hồi còn bé, tôi "sát âm" tới độ không phân biệt được kẻ đứng trước mặt có phải "người" hay không. Dần dà, khi tâm trí trở nên vững vàng hơn, niềm tin vào thế giới duy vật được củng cố, tôi mới có thể phần nào lờ chúng đi, tiếp tục cuộc sống bình thường mặc cho những thứ vô hình vẫn luôn lảng vảng bên cạnh.

Hôm nay cũng là một ngày như vậy.

*

Trở về nhà từ khu di tích, tôi xuất toàn bộ file ảnh gửi cho tòa soạn. Chỉ riêng bức ảnh về chiếc trâm cài là giữ lại trong máy. Đôi ba lần cũng định nhấn nút xóa, nhưng hễ nhìn nó, tôi đều không thể rời mắt mà để mặc lý trí cuốn theo những dự cảm kỳ quái. Thâm tâm tôi mơ hồ cảm nhận được điều gì đó ẩn chứa đằng sau món đồ này, một bí mật từ xa xưa không ai chạm tay tới được.

Có câu: "Cô đã thương, muốn làm người thường cũng khó".

Tôi không hề hay biết, thời điểm nhìn thấy cây trâm ở Hoàng thành đã mở ra một thế giới mà trong những giấc mơ hoang đường nhất, tôi cũng chẳng dám tin nó tồn tại.

---
*Chú thích:

1, Trong điều kiện môi trường có ánh sáng mạnh, nếu sử dụng thêm các thiết bị đèn hỗ trợ mà người chụp không làm chủ được thông số thì ảnh dễ bị cháy sáng

2, Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên thành Thăng Long
3, Ý chỉ vong linh, người đã mất
4, Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, nhiều người cho rằng đây là ngày âm phủ mở để cô hồn dã quỷ trở lại dương gian, âm khí cực thịnh.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net