6. Thiên phạt vô luân hồi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sử sách viết: Ngày hai mươi tháng Tám năm Canh Tý 1300, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời tại phủ đệ Vạn Kiếp, thọ hơn bảy mươi tuổi.

Những bức tượng của Đức Thánh Trần ngày nay thường mô tả ngoại hình ngài vào thời điểm khi tuổi đã cao, với chỏm râu dài và đôi mắt sáng cương nghị. Lần cuối tôi trông thấy tượng của ngài chính là vào cái hôm tới điện thờ nhà dì Diệu. Mặc dù mắc chứng prosopagnosia (1) nhưng tôi chắc chắn không thể quên bức tượng trên ban Trần Triều mà hàng tháng mình vẫn đều đặn ghé để qua lau dọn.

Do đó, khi được chứng kiến dung mạo thật của ngài, tôi không tránh khỏi việc nghi ngờ. Trực giác khẳng định đây chính là Hưng Đạo đại vương, còn lý trí thì liên tục thắc mắc vì sao ngài lại trẻ tới vậy? Trông ngài chỉ như mới độ tứ tuần. Gương mặt vô cùng anh tuấn với những đường nét thanh tú, sống mũi cao thẳng và đặc biệt là đôi mắt dưới hàng mày kiếm ánh lên tinh quang thấu tỏ nhân gian. Đôi mắt ấy tuy nghiêm nghị nhưng cũng rất mực ôn hòa. Ngài không mặc giáp song dáng vẻ cường tráng cùng khí thế uy nghiêm áp đảo kia giống hệt những gì tôi từng mơ thấy.

"Dương, ngươi nhận ra ta chứ?"

Thanh âm trầm ấm vừa cất lên, đầu tôi liền đau nhói bởi vài hình ảnh vụn vặt chợt xuất hiện. Rồi sau đó, vô số mảnh ký ức hỗn độn thuộc về miền xa xăm nào đấy đồng loạt trỗi dậy. Chúng chảy trôi trước mắt, dần tạo thành câu chuyện hoàn chỉnh. Trái tim tôi quặn thắt vì đau đớn, nước mắt cứ thế tuôn rơi lã chã. Tôi nghẹn ngào, từ sâu trong tâm thức bật ra tiếng gọi khe khẽ: "Thầy... đúng là thầy rồi..."

Ngài mỉm cười trìu mến, cúi xuống đưa tay xoa đầu tôi. Sự dịu dàng và ấm áp của ngài cho người ta cảm giác được vỗ về, che chở. Có lẽ, ở một thời không nào đó, ngài đã từng nhiều lần xoa đầu tôi, ân cần chỉ dạy, bảo ban. Có những tháng ngày xưa cũ tôi được cùng ngài rong ruổi trên lưng ngựa, không tiếc thân mình xông pha nơi chiến trường, dốc lòng bảo vệ non sông.

Ở thời không ấy, ngài là thầy của tôi!

"Thầy ơi... đệ tử có mắt mà như mù, không biết thầy vẫn luôn ở đây. Nhận được lệnh của thầy cũng không biết đường đi tìm... đệ tử tắc trách... xin thầy tha tội..."

Tôi cúi gục đầu, khóc rấm rứt. Dường như trong tôi vừa có thêm sự hiện diện của một người khác. Một "Dương" mang theo đôi phần ký ức từ quá khứ hàng trăm năm trước, là đệ tử thân cận bên cạnh Quốc công, tiết chế Trần Hưng Đạo (2). Cảm giác của tôi lúc này giống như đứa con xa nhà đã lâu mới được gặp lại người thân, muốn ngưng khóc cũng không thể.

"Âm dương cách biệt nghìn trùng, ta nào có trách tội ngươi." Ngài nhẹ nhàng vỗ lên lưng tôi an ủi, trong giọng nói nghe ra mấy phần xúc động. "Mới khi xưa còn là đứa bé con, nay đã lớn thế này."

"Năm nay con hai mươi ba tuổi rồi thầy ơi... mà sao thầy vẫn trẻ quá..." Tôi sụt sịt ôm lấy cánh tay ngài, cảm nhận sự gần gũi, thân thương đã rời xa mình suốt mấy trăm năm. Tuy không đầy đủ nhưng một phần nhỏ ký ức của kiếp sống trước đã trở về, đủ để tôi biết mình từng là ai, mình đóng vai trò gì trong cuộc đời oanh liệt của ngài.

Hóa ra, Phan Lê Nhật Dương cũng có một kiếp người huy hoàng như thế.

Đợi cảm xúc trong lòng bình ổn lại, bấy giờ tôi định đứng lên. Nhưng do đã quỳ quá lâu, hai chân tôi tê dại đi, người mất đà suýt bổ nhào xuống đất. May thay, có ai đó kịp thời túm cổ áo tôi kéo ngược ra đằng sau. Người đó xốc tôi dậy, cằn nhằn: "Người gì như rau muống luộc..."

Tôi ngơ ngác nhìn, bắt gặp gương mặt một gã thanh niên trẻ tuổi. Hắn ta đang đỡ tôi nhưng thái độ hằn học cực kỳ khó chịu. Hình như, đây là "cái bóng" đứng sau lưng ngài khi nãy. Thấy tôi nhìn mình, hắn sừng sộ quát:

"Nhìn cái gì? Trông ta lạ lắm à?"

Tôi sợ rúm người, bèn vội vàng đứng lùi sang một bên. Kẻ lạ mặt trừng mắt, tay siết thành nắm đấm. Tôi cảm tưởng nếu không có Hưng Đạo đại vương ở đây, hắn sẽ cho tôi ăn đánh thật.

"Khắc Duy!" Ngài nghiêm mặt, lấy cây quạt gõ lên đầu tên đó. "Con bé bây giờ là người phàm, ngươi đừng cư xử như vậy."

Hành động của ngài sao mà quen mắt đến lạ, tôi khịt mũi, nhận ra cây quạt kia ở tiền kiếp cũng đã không ít lần "hạ cánh" trên đầu mình. Trong phần ký ức được gợi về, "tôi" chính là đệ tử chân truyền dưới trướng ngài, một tay ngài nuôi dạy từ nhỏ để trở thành cấm quân bảo vệ Trưởng công chúa. Nhưng cũng chỉ nhớ tới đó thôi, còn vị công chúa ấy là ai thì chắc tôi sẽ hỏi sau. Quá nhiều thứ lạ lùng xảy đến trong cùng một thời điểm khiến đầu óc tôi loạn cào cào. Thậm chí, tôi vẫn bán tín bán nghi không biết có phải mình chưa tỉnh ngủ, hoặc là bị "mơ chồng mơ".

"Đi thôi Dương, chúng ta vào nhà nói chuyện."

Hưng Đạo Vương xoay người, rảo bước về phía đền thờ. Tôi lập tức chạy theo ngài, sau lưng là người tên Duy đang mặt nặng mày nhẹ. Không rõ ai làm gì hắn mà tên này cứ hậm hực từ nãy tới giờ. Tôi chủ động đi cách xa hắn một mét, mấy tên khó ở thế tốt nhất không nên động vào.

"Này, cô đứng yên đó!"

Tiếng quát của hắn làm cả tôi lẫn Hưng Đạo Vương đều phải dừng chân, quay đầu nhìn lại. Bất chợt, hắn vươn tay túm lấy vai tôi, dí sát mặt tới. Đôi mắt màu xám đảo đi đảo lại mấy vòng, sắc mặt của hắn càng lúc càng khó coi.

"Thôi xong..." Hắn thất thần lùi mấy bước, câu tiếp theo nói ra khiến cõi lòng tôi chết lặng:

"Bắt thiếu mất một phách rồi!"

*

Dân gian quan niệm, một con người hoàn chỉnh sẽ có "tam hồn thất phách" hay chính là "ba hồn bảy vía" mà các cụ vẫn nói. Mất đi một trong mấy cái đó đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh mệnh (3). Đã có rất nhiều trường hợp người đi đêm, đi rừng bị ma quỷ bắt mất hồn vía, trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn rồi bị lạc. Nếu không chết vì đói lạnh, tai nạn thì cũng sẽ mất mạng vì bị ma quỷ xâu xé linh hồn.

Tôi may mắn hơn, bị câu mất hồn phách khi đang ở nhà, phách còn thiếu vẫn kẹt đâu đó trong thân xác - như lời tên Duy trình bày. Tóm lại thì tôi chưa chết, nhưng việc không đủ phách đã làm tôi có một số lối suy nghĩ, cách cư xử hơi trì trệ hơn bình thường. Lúc mới tỉnh dậy ở đây, tôi phải mất một hồi lâu mới nhận ra sự khác biệt. Rất may, với sáu phách ba hồn còn lại, tôi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn chán. Có chăng, thỉnh thoảng hành động của tôi sẽ mất kiểm soát một chút.

Ngồi bó gối trên trường kỷ, tôi im lặng nghiền ngẫm những thông tin vừa nhận được. Nghe gọng điệu giải thích của Duy, tôi cảm giác hắn đang ngầm so sánh mình với người bệnh tâm thần, đột nhiên thấy hơi buồn cười.

"Nói chung không ảnh hưởng đâu, miễn cô đừng phá làng phá xóm là được." Hắn nhàn nhã thưởng trà, gương mặt khôi ngô đã bớt vẻ cau có. Trông hắn cũng trạc tuổi tôi, chắc do hay gắt gỏng nên nhìn có phần trưởng thành hơn.

Ngồi đưa chuyện cùng hắn một lúc, tôi được gỡ rối thêm một vài vấn đề xoay quanh tình hình hiện tại.

Thứ nhất, nơi tôi đang có mặt về cơ bản chính là đền Kiếp Bạc tọa dưới "cõi âm" mà người ta thường nói. Trần sao âm vậy, không có sự khác biệt nhiều. Các ngài vẫn thường về ngự tại cửa đền cửa điện nên trong tục hầu đồng mới có khái niệm "ứng bóng".

Thứ hai, tôi chính là "con nhà Ngài", nghĩa đen. Tiền kiếp, tôi được ngài nhận nuôi rồi đích thân dạy dỗ, tất tần tật từ kinh sách đến võ nghệ. Mục đích là để trở thành cấm vệ quân, sau được phân phó theo sát bảo vệ Thiên Thành công chúa - vợ của ngài, trong trận chiến với quân Nguyên - Mông năm 1285.

Và cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất:

Với tư cách là "Nhật Dương" - đệ tử chân truyền của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, tôi được đưa về đây để thực hiện một nhiệm vụ.

Đó là tất cả những gì khai thác được từ Khắc Duy trong lúc đợi Hưng Đạo đại vương quay lại. Tôi còn muốn hỏi tiếp nhưng hắn đã bỏ ra ngoài đi đâu đấy không rõ. Tôi ngồi mân mê mấy chiếc chén nhìn như đồ cổ thêm một lát thì ngài bước ra, trên tay cầm theo một thanh kiếm lớn.

"Dương, mau qua đây!" Ngài vẫy tôi đến, đoạn hào hứng đưa thanh kiếm ra trước mặt tôi. "Ngươi cầm thử ta xem."

Tôi rón rén bước tới, dùng cả hai tay đón lấy. Vốn tưởng binh khí sẽ nặng, không ngờ tôi lại có thể nâng nó một cách dễ dàng. Thanh kiếm dài khoảng một mét, chuôi kiếm được nạm bạc, chạm khắc hình mặt trời tinh xảo. Tôi rút nó ra khỏi vỏ, ánh kim loại lóe sáng dọc theo lưỡi kiếm sắc lạnh. Cảm giác thanh kiếm này rất vừa tay tôi, nếu biết sử dụng thì chắc chắn nó sẽ là thứ vũ khí cực kỳ lợi hại.

"Anh Quang kiếm, bảo kiếm hộ thân của ngươi." Ngài nói, tay chỉ vào hai chữ được khắc trên thân kiếm. "Chắc ngươi không đọc được nữa, nhưng đây là tên kiếm! Trước đây ta đã ban nó cho ngươi để bảo vệ Thiên Thành. Giờ ngươi cần nó để làm nhiệm vụ tiếp theo."

Tôi đè tay lên ngực ngăn trái tim đập loạn, áp lực vô hình từ đâu ập xuống: "Nhiệm vụ... là gì vậy ạ?"

Đôi mắt người đối diện ánh lên một tia nhìn phức tạp, ngài cười như có như không, đáp ngắn gọn:

"Câu hồn đoạt phách!"

Bốn chữ nặng nghề tựa búa tạ giáng vào đầu. Mặt tôi lại nghệt ra, đầu óc vốn đã mông lung nay càng như người mù lần mò trong bóng tối. Hưng Đạo Vương tiếp lời:

"Ta cần ngươi quay về quá khứ hơn một ngàn năm trước, đợi đến thời điểm thích hợp rút lấy hồn phách của một người."

Ngài điềm tĩnh ngồi xuống trường kỷ, vừa rót trà vừa thản nhiên nói như đang kể một câu chuyện:

"Y cũng là bậc đế vương, công tội đều có đủ. Khi xưa lúc băng hà y phải chịu tội với cõi âm, không được quỷ sai dẫn lối. Hiện giờ linh hồn vẫn đang lưu lạc trong vòng thiên phạt, chưa luân hồi kiếp khác. Nay nhờ hương hỏa, công đức của nhân dân thờ phụng y đã tích đủ, lại từng góp công giúp nước. Sắp tới ngày xá tội vong nhân (4), y sẽ được giải thoát khỏi vòng thiên phạt, điều kiện là có người quay lại thời điểm y sắp mất để dẫn hồn. Quỷ sai không nhận làm vì chuyện đã qua lâu, mà nếu không giúp thì y sẽ chẳng có cách nào về cửu huyền cùng các tiên đế để phù hộ cho dân tộc ta."

Tôi nghe mà lưng ướt đẫm mồ hôi lạnh. Từng lời ngài nói tuy nhẹ nhàng nhưng thật ra chính là mệnh lệnh. Tôi giơ tay, đánh bạo hỏi: "Nhưng thầy ơi, tại sao thầy lại chọn đệ tử ạ? Con là người phàm, vừa bất tài lại vô dụng. Con không có tài phép gì...sa... sao dám đảm đương nhiệm vụ này... "

Mấy chữ cuối khó khăn lắm tôi mới dám trình bày ra. Quả thật, dù bây giờ đã nắm rõ tình hình nhờ chút ký ức tiền kiếp ít ỏi, nhưng tôi dẫu sao cũng chỉ là một người bình thường không hơn không kém. Để mà tiếp cận được "đối tượng" sừng sỏ kia thì xem chừng là tôi không có cửa!

Cố dùng ánh mắt đáng thương nhất hòng mong ngài hồi tâm chuyển ý, song cái vỗ vai đầy tín nhiệm sau đấy làm tôi muốn gục ngã luôn tại chỗ:

"Không ai phù hợp hơn ngươi đâu, Dương! Mệnh của ngươi và y có duyên, chỉ ngươi mới đủ tư cách ngược dòng thời gian. Ta tin đệ tử của ta làm được. Đừng lo lắng, ta đã cử Khắc Duy cùng một người nữa đi với ngươi. Hắn đã tới đó sắp xếp trước rồi."

Cuối cùng, tất cả được chốt hạ bằng một câu: "Sáng sớm mai khởi hành, ngươi ở lại đây chuẩn bị cùng Duy! Ta có việc ở phủ Thiên Trường, giờ ta phải đi trước."

Lời vừa dứt, hình bóng ngài cũng biến mất vào thinh không.

Thêm một lần nữa, tôi lại tự tát vào mặt mình. Đau quá!

Có ai biết, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thời trẻ "vui tính" thế này không?

Mấy trăm năm đã trôi qua, ký ức của Nhật Dương thời nhà Trần và ấn tượng của Nhật Dương thời hiện đại sao mà khác xa nhau quá.

Tôi ôm thanh bảo kiếm trên tay, khóc trong lòng nhiều chút.

Phải làm sao bây giờ?

---
*Chú thích:

1, Prosopagnosia là hội chứng quên mặt (hay mù mặt). Người mắc hội chứng này không thể phân biệt hay nhận ra gương mặt của bất kỳ ai, kể cả những người thân nhất trong gia đình hay thậm chí là bản thân. Trong truyện, nhân vật Dương chỉ bị ở mức độ nhẹ, khó nhận diện người lạ mới gặp hoặc ít gặp.

2, "Quốc công, tiết chế", cách viết này đúng với quan chế nhà Trần, thay cho cụm "Quốc công tiết chế" thường thấy, dẫn theo một số báo đính chính: https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Sai-lac-ve-chu-nghia-o-mot-so-di-tich-moi-trung-tu-ton-tao-i599318/

3, Quan niệm dân gian

4, Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân theo quan niệm dân gian, phân biệt với ngày lễ Vu Lan của đạo Phật


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net