12. Lần cuối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi ngước nhìn, phát hiện người vừa lên tiếng, đồng thời tốt bụng trả tiền giúp mình là gã Lý Thuận thì giật thót. Những lời dặn dò của Khắc Duy về việc cảnh giác với Thuận trôi ào ào trong tâm trí, tôi lắp bắp:

"Anh... anh Thuận đấy à! Là... là anh Duy đưa tôi nhầm túi ấy. Lát... lát về tôi sẽ bảo anh ấy gửi lại anh tiền... nhé!"

"Vài đồng lẻ thôi, cô Dương đừng khách sáo." Lý Thuận mỉm cười, gương mặt điển trai ánh lên vẻ tinh quái. Anh ta chỉ tay ra phía sau lưng, nói khẽ: "Mà... hình như có người đang tìm cô thì phải?"

Nghe thấy thế, tôi nhanh chóng quay đầu theo hướng anh ta chỉ. Đập vào mắt ngay lúc đấy là gương mặt đằng đằng sát khí của ông hàng thịt cùng con dao bầu bén ngọt trên tay. Nhớ lại khi nãy bản thân đã gây ra tội lỗi gì, tôi nuốt ực một cái, nụ cười ngớ ngẩn trên môi tắt ngấm.

"Bỏ mẹ, thịt cúng..."

Thuận tò mò hỏi: "Có chuyện gì thế?"

"À, không... chỉ là... chỉ là..." Tôi méo mặt, hết nhìn Lý Thuận rồi lại nhìn ông hàng thịt đang tiến đến gần. Sắc mặt ông ta u ám với đôi mắt hừng hực lửa giận. Không còn thời gian để nghĩ, tôi hít sâu, nở một nụ cười sượng trân với Lý Thuận:

"À, anh Thuận này... tình hình là tôi có chút chuyện, tôi phải đi trước..."

Dứt lời, tôi lập tức co giò chạy biến, sống chết cũng không quay đầu mặc cho tiếng ông hàng thịt tru tréo sau lưng:

"Mả cha mày, đứng lại cho ông! Cái phường mất dạy kia!"

Tôi xin lỗi, tôi không biết gì hết. Tất cả là tại Khắc Duy, là tại hắn đưa nhầm tiền cho tôi. Nếu muốn hỏi tội, xin hãy tìm gặp hắn, đừng tìm tôi làm gì!

*

Chạy trối chết cả một quãng xa, mãi tới khi về gần quán trọ, tôi mới dám thả bước chậm dần, sau đứng lại ôm ngực thở dốc. Những tưởng kiếp nạn của ngày hôm nay sắp kết thúc, ngờ đâu vừa đặt chân vào phòng, Khắc Duy đã vội vã lôi ngược tôi trở ra.

"Nhanh lên Dương, chuẩn bị hết giờ Ngọ rồi." Hắn gấp rút nói, chân sải từng bước lớn. Biết lỗi do mình chậm trễ, tôi đành cun cút bám theo dù tứ chi đang kêu gào muốn gãy.

Chúng tôi vòng ra sân sau quán trọ, chọn lấy một góc khuất để hành sự. Đầu tiên, Khắc Duy đặt xuống đất một cái bát tô miệng rộng, dưới đáy đựng ít bột màu xám tro. Sau khi dùng than củi vẽ thêm hai vòng tròn xung quanh cái bát, hắn vẫy tôi, bảo mang gạo, muối đến đổ vào.

"Đừng để rơi ra ngoài đấy."

"Có ít thôi, không rơi nổi đâu." Tôi chép miệng, cẩn thận trút hết hai cái túi vào bát. Thực ra, lúc mới cầm chúng lên, tôi đã hiểu vì sao mụ Tám lại tỏ thái độ khó chịu với mình. Năm đồng gạo, năm đồng muối nhìn chung vừa đủ lấp đầy bát tô kia. Mà đa số đều là gạo chứ muối chỉ được một nắm nhỏ. So sánh chút sẽ thấy, thời xưa họ bán muối đắt hơn gạo nhiều.

Đợi tôi làm xong, Khắc Duy dùng tay không trộn đều tất cả, vừa trộn vừa lầm rầm niệm chú. Nhìn thao tác của Duy, tôi đoán hắn định vận phép tìm vong.

Trong tín ngưỡng dân gian, gạo và muối là hai thứ có khả năng trừ tà cực mạnh, được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài những biện pháp phổ biến như ném gạo muối xua tà khí, mua muối đầu năm, đặt muối trong phòng tẩy uế... nhiều cô đồng, thầy pháp còn kết hợp gạo, muối với trứng gà để giải những loại bùa ngải đơn giản. Nếu cao tay hơn, họ hoàn toàn có thể dùng gạo muối làm nguyên liệu chính để truy tìm các vong linh tà ác lẩn trốn trong đồ vật. Tất nhiên, chẳng ai khẳng định mấy chuyện kỳ quái đó có thật ngoài đời hay không. Trường hợp của tôi, vì từng tận mắt chứng kiến Khắc Duy hô biến cho cả đống đồ mất tích nên giờ muốn không tin hắn cũng khó.

Chờ thêm năm phút để phép hoàn tất, hắn chia đều hỗn hợp trong bát vào hai cái túi. Nhận một túi từ tay Duy, tôi nhanh chóng lùi ra góc sân, bắt chước hắn ném từng vốc rải rác xung quanh. Khu vực này đối diện với cửa sổ phòng nghỉ, cũng là chỗ đám âm binh đi qua. Do lượng gạo muối có hạn, tôi cố gắng vung mạnh tay để chúng trải đều khắp nơi. Nháy mắt, khoảng sân rộng đã phủ đầy những đốm trắng lấm tấm trên nền đất đen.

Kết thúc màn ném muối gạo, tôi trở lại bên cạnh Khắc Duy. Xác nhận mọi thứ đã đâu vào đấy, hắn thẳng chân đạp vỡ cái bát tô. Tức thì, những luồng gió lạnh mang theo hương trầm ngai ngái ồ ạt thổi tới. Dị biến cũng đồng thời xảy ra: mặt đất vốn trống trải bỗng xuất hiện hàng trăm dấu chân lớn nhỏ đan xen, thoạt nhìn thấy cả dấu tay.

"Đây là nghĩa địa à?" Tôi kinh hãi thốt lên. "Sao lắm vong thế?"

Khắc Duy tặc lưỡi, mắt chăm chú quan sát: "Chừng này còn ít, nhưng luyện thế là khá rồi."

Tôi lén quệt mồ hôi trên trán, không hiểu khái niệm "ít" của hắn là như thế nào.

"Kẻ luyện binh chắc đang ở đâu đó trong quán trọ." Duy cúi xuống thu nhặt mấy mảnh bát vỡ đoạn ném ra giữa sân. Vài giây sau, chúng cùng với dấu chân âm binh từ từ biến mất. Hắn quay sang nhỏ giọng nói:

"Từ giờ đến trưa mai em hạn chế tiếp xúc người lạ trong quán. Đi đâu thì gọi ta, ta sẽ đưa em đi."

"Tại sao?" Tôi há miệng thắc mắc. Hắn đáp ngay:

"Người thiếu hồn phách lại sở hữu mắt âm dương, mấy tay tà đạo thích lắm. Giết xong luyện thành quỷ tướng là vừa đẹp." Duy cười nửa đùa nửa thật. "Nếu không phải tình thế bắt buộc, ta sẽ không can thiệp chuyện khác ngoài nhiệm vụ chính. Em giữ mạng mình cho cẩn thận."

"Vậy phải ở yên trong phòng ư?" Tôi lẩm bẩm, nghĩ tới hai mươi tư giờ kế tiếp quanh quẩn bên cạnh Khắc Duy mà không khỏi ngao ngán.

"Phòng xa thôi, nước sông chẳng phạm nước giếng." Duy kéo tay áo tôi dắt đi, không quên nhắc nhở. "Về nghỉ ngơi, đêm mai có biến."

*

Qua đến giờ Mùi (1), tôi chính thức "sập nguồn", nằm bẹp dí trên giường. Liên tục vận động mạnh từ đêm qua, cộng thêm việc thiếu ngủ đã khiến thể lực tôi sớm cạn kiệt. Tạm quên đi sự hiện diện của Khắc Duy trong căn phòng chật chội, tôi ụp cái gối bông lên đầu rồi đánh một giấc không biết trời trăng gì.

Ngủ mê man suốt gần hai canh giờ, lúc tỉnh dậy đã là chập tối. Vác tấm thân mỏi mệt xuống nhà dưới, tôi tắm gội qua loa xong liền ra sân tìm Khắc Duy như lời hắn dặn.

Bên ngoài, người ta thắp đèn sáng trưng, trong không khí dậy lên mùi dầu hăng hắc. Quán trọ này tính ra khang trang hơn những nhà khác cùng làng, sân trước sân sau đều rộng rãi. Buổi tối, ông chủ còn kê thêm bàn ghế ngoài sân cho khách dùng bữa, thưởng trà. Phục vụ nhiệt tình là thế nhưng lượng khách trải nghiệm đếm được trên đầu ngón tay, cụ thể là ba người!

Tôi nheo mắt, nhận ra một trong số ấy là Khắc Duy. Hắn đang ngồi uống rượu với hai người còn lại, không cần đoán cũng biết họ là ai.

Lặng lẽ tiến lại gần, tôi kéo ghế ngồi, cố giảm sự tồn tại của mình xuống thấp nhất có thể. Thật lòng mà nói, sau phi vụ đáng xấu hổ trưa nay, tôi không hề muốn gặp Lý Thuận chút nào. May sao, gã có vẻ đã ngà ngà say, sự chú ý dành trọn cho câu chuyện trước đó:

"Vậy hai thanh kiếm là tác phẩm của cha anh à?"

"Đúng thế!" Khắc Duy gật gù, hơi men ngấm dần vào giọng nói. "Cha tôi là thợ rèn, nhà có họ với ông Trần Huy (2) dưới trướng Tướng quân Chỉ huy sứ Đinh Nga (3). Nghe kể khi còn nhỏ, ông đã luôn ngưỡng mộ các bậc Tiên đế, mong có ngày được góp công phò trợ. Tiếc là sau này ông bệnh nặng quá, không qua khỏi."

Tới đây, hắn khẽ thở dài, làm ra vẻ tiếc nuối: "Cha gửi hy vọng vào tôi, những mong tôi tiếp nối ý chí của ông. Nhưng tôi chưa hoàn thành được, tôi còn phải lo cho Dương. Con bé mắc bệnh giống cha, nếu không chữa khỏi, chỉ e cũng sẽ..."

Duy bỏ lửng câu nói, ánh mắt chất chứa một nỗi buồn thê lương. Tôi nhặt vội mấy hạt lạc trong đĩa bỏ vào miệng, cố nhai để ngăn tiếng cười lọt ra bên ngoài. Vẫn biết câu chuyện nghe rất bi thương, nhưng tôi không thể đồng cảm khi rõ mười mươi là chẳng có "ông bô" nào như thế ở đây cả. Được cái, tên này diễn kịch đạt quá, từ ngữ điệu đến biểu cảm trên mặt đều dễ dàng thuyết phục hai gã kia tin sái cổ.

"Thật tiếc cho anh." Lê Trung rót mời hắn một chén rượu, đôi mắt lạnh lùng thoáng lướt qua tôi. "Anh định tìm thầy nào ở Ái Châu? Tôi có vài mối quen dưới ấy, nếu anh gặp khó, tôi sẽ giúp."

"Người ta mách tôi tìm ông Thanh Đề, nhưng tôi không chắc lắm. Anh biết đấy, bệnh phát từ tâm, không phải ai cũng chữa được." Hắn lắc đầu cảm thán.

Lý Thuận đột ngột chen ngang, lè nhè nói: "Hay đưa về kinh thành, ở đó có các thái y đương triều..."

"Thuận!" Lê Trung đằng hắng, thúc mạnh eo gã. "Say rồi, đừng uống nữa."

"Chưa hết nửa bình mà." Gã cười khà khà, tay nâng chén rượu đưa tận miệng Lê Trung. "Anh uống ít nhất, kính anh chén này."

"Đúng đúng, anh Trung uống ít quá, chén nữa đi!" Khắc Duy vỗ tay cười hùa theo Thuận.

Hai gã thay phiên nhau chuốc rượu Lê Trung. Thoạt đầu, anh ta bày ra vẻ mặt bất đắc dĩ sau nhanh chóng nhập cuộc, rượu rót bao nhiêu uống hết bấy nhiêu. Tôi tự xới một bát cơm, gắp chút thức ăn rồi ngoan ngoãn ngồi xem bọn họ chè chén. Trước đi tiệc tôi hay nghe mấy đàn anh ở cơ quan nói đùa, rằng "các cụ" nước mình ngày xưa uống rượu ngang uống nước lã. Nay được mục sở thị, tôi mới biết mấy lời đó không hẳn là đùa. Trên bàn, đồ nhắm chưa vơi bao nhiêu song rượu đã lần lượt cạn đáy, hết vò này tới vò khác. Ba gã kia uống rất nhiều, tửu lượng khủng khiến tôi một phen mở mang tầm mắt.

Rượu vào thì lời ra, những câu chuyện của ba gã bay mỗi lúc một cao, một xa. Nói chán về gia đình, họ chuyển sang luận bàn chuyện binh đao, chiến sự. Lê Trung tỏ ra đặc biệt ưa thích chủ đề này. Vừa hay, Khắc Duy lại là người vô cùng am hiểu võ thuật. Bàn rượu phút chốc biến thành talkshow "Anh hỏi - Tôi trả lời". Những thứ họ nói về sau vượt khỏi tầm hiểu biết nên tôi chỉ thấy bên tai ù ù cạc cạc.

Giữa lúc cuộc vui đang lên, ông chủ quán từ trong nhà hào hứng bưng ra thêm hai vò rượu cùng một đĩa thịt luộc để tiếp lửa. Lê Trung thấy thế vội vẫy ông ta, giọng nhờ nhợ:

"Thêm rượu thôi, chúng tôi không gọi thịt."

Ông chủ quán liền trỏ Lý Thuận: "Thịt này là vị quan khách kia gửi quán làm hộ, gửi từ trưa rồi."

Tim tôi bỗng giật mạnh, suýt cắn vào lưỡi khi Lý Thuận quay sang, xua tay cười xòa: "Đúng rồi anh Trung, cái này... hức... là... là tôi... hức..."

Mặc dù câu chữ thốt ra nghe không còn rõ, vậy mà anh ta vẫn kịp trao tôi một cái nháy mắt đầy ẩn ý. Là kẻ có tật, tôi chỉ đành im lặng cúi đầu, vờ như chưa nhìn thấy. "Nay cơm hơi khó nuốt", tôi thầm nghĩ, tay lựa gắp miếng cà muối thay cho những lát thịt thơm ngon, nóng hổi.

Ba gã thanh niên ngồi uống với nhau đến tận cuối giờ Tuất (4), tuy say mềm người nhưng không gã nào muốn dừng. Ngược lại, Lê Trung càng nói càng hăng, Khắc Duy cũng chẳng kém cạnh. Bọn họ đứng dậy khoác vai, thề sống thề chết, nhận làm anh em... đủ thứ khẩu hiệu mà hội bợm nhậu có thể nghĩ ra. Nói dai, nói dài ắt sẽ tới lúc nói dại, Khắc Duy vỗ lưng Lê Trung thùm thụp đoạn cao hứng nói:

"Anh Trung biết không, một ông thầy... hức... của tôi từng bảo, muốn giữ nước thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc (5), ấy là... hức... thượng sách... hức... anh có thấy... hức... chí lý không?"

"Chí lý... rất... hức... chí lý..." Lê Trung líu lưỡi đáp lại, anh ta thậm chí không thể giữ thẳng cái cổ của mình, đầu nghiêng hẳn sang một bên.

Tôi trợn mắt há miệng nhìn Khắc Duy. Tên này say tới độ dám to gan mang luôn câu nói nổi tiếng của Hưng Đạo đại vương ra "khoe". Nghiêm trọng hơn, hắn còn định đàm đạo về nghệ thuật quân sự trong "Binh thư yếu lược (6)" với Lý Thuận. Chịu không nổi nữa, tôi nghiến răng, đạp thật mạnh vào chân hắn:

"Anh say rồi Duy, về nghỉ thôi."

"Yên nào Dương, để bọn anh nói chuyện... nhỡ mai... hức... không gặp được nhau..."

Lý Thuận cả người đã nằm bò ra bàn, cánh tay èo uột giơ lên rồi buông thõng xuống. Gã bất tỉnh ngay sau đó. Như hiệu ứng dây chuyền, nối gót Lý Thuận là Lê Trung lăn ra ngủ ngất, cuối cùng mới đến lượt Khắc Duy. Trước khi bị con ma men đánh gục, hắn bỗng dưng xoa đầu tôi, nở nụ cười rất tình:

"Ngoan lắm."

Rồi chìm vào giấc ngủ.

Còn lại một mình, tôi đưa tay sờ lên cổ, thấy da gà da vịt nổi đầy người.

"Giờ thì hay rồi, làm gì với mấy gã này đây?" Đưa mắt nhìn ba gương mặt đẹp đẽ đang ngủ vắt lưỡi, khóe miệng tôi co rút, trong đầu âm thầm hiện ra vài câu chửi thề. "Còn sợ không gặp được nhau, ngủ luôn cùng rồi đấy thây?"

Ấy thế nhưng, Lý Thuận không hề nói đùa dù gã say khướt. Đó quả thật là lần cuối tôi và Khắc Duy gặp mặt hai gã.

---
*Chú thích:

1, Giờ Mùi: 13h00 - 15h00

2 + 3, Dẫn theo Wikipedia: Danh nhân thời Đinh: Đinh Nga tập hợp trai tráng quanh vùng với những người tài giỏi như Đinh Thiết, Đinh Ngân, Phạm Đức, Trần Huy, Đinh Mỹ. Họ đã giúp ông huấn luyện binh sĩ, xây dựng căn cứ. Đinh Nga sau theo về ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh, ông từng đem quân đến giải vây cho Đinh Bộ Lĩnh và thừa thắng tấn công tiêu diệt Đỗ Cảnh Thạc tại Đỗ Động Giang. Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua đã ban thưởng cho Đinh Nga chức Tướng quân Chỉ huy sứ và cử về trấn trị tại địa bàn cũ, được hưởng lộc ấp ở huyện Cổ Bảng.

Ở đây Khắc Duy bịa chuyện nên đã chọn một người ít liên quan nhất đến triều chính là Trần Huy, một người dưới trướng Đinh Nga để hợp thức hoá thân phận.

4, Giờ Tuất: 19h00 - 21h00
5, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Đức Thánh Trần - trước khi mất hai tháng, đã tâu với vua Trần Anh Tông: "Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước". Khắc Duy vô thức mượn lời Hưng Đạo đại vương trong cơn say.
6, Binh thư yếu lược: tác phẩm được cho là của Hưng Đạo đại vương


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC