CHƯƠNG 2. Bệnh viện Garibaldi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

24 tháng 6 năm 1987
 

Một tòa nhà màu kem được xây dựng theo phong cách thế kỷ XIX nằm ở số 1249 đường Visasoro. Đó là bệnh viện của người Ý có tên Giuseppe Garibaldi, người đã vinh dự được tạc tượng tại Rosario Plaza de Italia. Ông là một nhân vật nổi tiếng, được biết đến như “Người hùng của hai thế giới”. Trong suốt thời gian sống lưu vong ở Nam Mỹ, ông đã tham gia các trận đánh dọc sông Paraná.

Thời kỳ đó, đội quân Red Shirt (Áo Đỏ) của ông luôn để lại dấu ấn ở bất kỳ nơi nào họ đến, ví dụ như thành phố Rosario và bệnh viện Buenos Aires, được thành lập bởi những nhà chính trị lưu vong, những người ủng hộ Mazzini, Garibaldi và công đoàn công nhân của họ. Bệnh viện đa khoa Rosario được khánh thành vào ngày 2 tháng 10 năm 1892 để phục vụ cộng đồng người Ý, mà tại thời điểm đó, nó đại diện cho hơn 70% dân nhập cư, những người đã đến từ phía bên kia Đại Tây Dương.

Ngày nay, đó là bệnh viện phụ sản tốt nhất thành phố. Nơi đây câu chuyện của Lionel Messi, cậu con trai thứ ba của gia đình Messi - Cuccittini đã bắt đầu vào lúc 6 giờ trong một buổi sáng mùa đông.
Cha của anh, Jorge, 29 tuổi là trưởng một bộ phận tại công ty sản xuất thép Acindar ở Villa Constitución, cách trung tâm Rosario khoảng 50km.

Mẹ của anh, Celia, 27 tuổi, làm việc trong một xưởng sản xuất nam châm. Họ gặp nhau như bao thanh niên khác trong khu phố Las Heras, trước đây được biết đến với tên Estado de Israel và nay là San Martín, nằm ở phía nam thành phố, nơi ở của các cư dân nổi tiếng cần cù chăm chỉ.

Cha của Celia, Antonio là một thợ cơ khí - ông sửa chữa tủ lạnh, máy điều hòa không khí và các mặt hàng điện dân dụng khác. Mẹ bà, cũng tên là Celia, là một nhân viên môi trường nhiều năm. Ông nội của Messi, Eusebio dành phần lớn cuộc đời mình trong ngành xây dựng, bà nội, Rosa María, cũng là một lao công. Hai gia đình sống cách nhau khoảng 100m.

Giống như nhiều gia đình khác ở khu này, họ có tổ tiên là người Ý và Tây Ban Nha. Tên họ Messi có nguồn gốc từ vùng Porto Recanati thuộc tỉnh Macarata của đất nước hình chiếc ủng, tại đây người dân đã chứng kiến sự ra đời của nhà thơ nổi tiếng Giacomo Leaopardi và ca sỹ giọng nam cao Beniamino Gigli.

Nơi đây cũng là quê hương của Angelo Messi, người đã bỏ xứ ra đi trên một trong nhiều con thuyền hướng đến Mỹ vào cuối thế kỷ XIX để tìm kiếm một cuộc sống mới, ở một thế giới mới tốt đẹp hơn như rất nhiều người di cư khác mang trong mình tấm vé hạng ba. Họ Cuccittini cũng có nguồn gốc Ý thuộc đằng nội. Mặc dù gia đình này đến từ vùng đồng cỏ ẩm ướt ở khu vực Nam Mỹ nhưng cũng tới định cư trong thành phố.

Cách thủ đô Buenos Aires khoảng 305km, với khoảng một triệu dân, Rosario là thành phố lớn nhất ở tỉnh Santa Fe, chạy dọc theo hai bờ sông Paraná. Thành phố Costanera kéo dài hai bên bờ tới tận cầu Sẽnora Nuestra del Rosario, cây cầu bắc qua sông và nối liền những hòn đảo trên sông với thành phố Victoria.

Paraná luôn là tuyến quốc lộ quan trọng đối với các hoạt động giao thương trên con sông lớn này: Tại đây rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu tới Mercosur - như đậu nành, trong thời gian gần đây, mang lại sự thịnh vượng cho khu vực, đồng thời khiến khu vực này trở nên sầm uất hơn. Các tòa nhà mới, nhà chọc trời và nhiều biệt thự lớn mọc lên trước bãi biển và quanh khu vực sông. Rosario thật sự là một thành phố tuyệt vời của xứ sở Tango.

Một nhóm học sinh mặc những bộ đồ trắng tinh đang chụp ảnh tại đài tưởng niệm lá cờ, được xây dựng theo phong cách Xô Viết cũ, khánh thành vào năm 1957 để đánh dấu nơi Tướng Manuel Belgrano đã ra lệnh nâng cao lá quốc kỳ lần đầu tiên, ngày 27 tháng 2 năm 1812.

Rosario là một thành phố của con cháu những người di cư, của những khu nhà ổ chuột và những ngôi nhà mái lá. Nhưng chúng ta hãy bỏ qua một bên những câu chuyện về người nhập cư, sự pha trộn của các nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống, những thứ vốn đã trở thành đặc thù của đất nước Argentina để trở về với chủ đề Jorge và Celia, những người đã yêu nhau và hẹn hò khi còn rất trẻ.

Ngày 17 tháng 6 năm 1978, họ kết hôn ở nhà thờ Corazón de María. Khi đó, cả đất nước bị cuốn vào những đường bóng lăn của World Cup - cho nên, dù cặp vợ chồng mới cưới này đi hưởng tuần trăng mật tại Bariloche nhưng vẫn không bỏ lỡ trận cầu giữa Argentina và Brazil diễn ra ở Rosario. Kết quả chung cuộc của trận đấu là 0-0.

Tám ngày sau, tại SVĐ Monumental của River Plate ở Buenos Aires, đội tuyển Argentina của HLV César Luis Menotti, có biệt danh Albiceleste (nghĩa là trắng và xanh da trời), đã đánh bại Hà Lan với tỷ số 3-1 để giành chiến thắng tại World Cup. Fillol, Olgún, Galvan, Passarella, Tarantini, Ardiles, Gallego, Ortiz, Betoni, Luque và Kempes dường như xóa tan tất cả những ký ức về Proceso de Reogarnización Nacional.

Những bất đồng giảm bớt, hơn 30 nghìn công dân “biến mất”, những vụ tra tấn khủng khiếp của Tướng Jorge Rafael Videla và chế độ độc tài quân sự đẫm máu, bắt đầu vào ngày 24 tháng 3 năm 1976 với việc lật đổ Isabel Perón. Trên đường phố Buenos Aires, bạn vẫn có thể nhìn thấy từ “Inmundo mundial” – Cúp thế giới nhơ nhớp − được sơn trên sân cỏ một SVĐ với lời đề “1978”.

Hai năm sau cuộc đảo chính, đất nước vẫn phải chịu sự đàn áp khủng bố, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Celia và Jorge trở thành cha mẹ: Rodrigo Martín sinh ngày 9 tháng 2 năm 1980. Con trai thứ hai, Matías Horacio, được sinh ra trong thời khắc đen tối nhất của lịch sử đất nước Argentina - ngày 25 tháng 6 năm 1982, chỉ 11 ngày sau khi cuộc chiến tranh trên quần đảo Falklands kết thúc. Argentina thất trận, 649 người chết và hơn 1.000 người bị thương, đây là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của những người phải sống hơn hai tháng trong lửa đạn.

Những người lính trẻ thiếu kinh nghiệm, không được trang bị đầy đủ, các tình nguyện viên ra sức biểu tình bằng lòng yêu nước với ước nguyện mong muốn quân Anh rời khỏi quần đảo Falklands, nơi họ chiếm đóng từ năm 1833.
Trong một vài tuần, người Anh buộc phải tiêu diệt quân đội Argentina càng sớm càng tốt − một thảm họa dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền quân sự và sự ra đời của thể chế dân chủ năm đó.

Tuy nhiên, thời kỳ phục hồi của Malvinas − tên Argentina của quần đảo Falklands − giúp Argentina củng cố sức mạnh và tiếp tục hành trình Rosario. Ở Công viên Quốc gia Parque Nacional de la Bandera, một tượng đài đã được xây dựng để tôn vinh những người hùng sống trên quần đảo Malvinas. Hiến pháp năm 1994 đã liệt kê nó vào danh sách không được phá bỏ.
Bốn năm sau, khi Celia đang mang thai đứa con thứ ba, tình hình chính sự vẫn hết sức căng thẳng. Vào dịp tuần thánh Semana Santa năm 1987, Argentina đang trên bờ vực của cuộc nội chiến.

Các sĩ quan trẻ được Đại Tá Aldo Rico chỉ huy đã đứng dậy chống lại chính phủ, yêu cầu chấm dứt tất cả các thử nghiệm pháp lý chống lại nhân quyền, vi phạm cam kết trong chế độ quân sự. Các chỉ huy quân sự không tuân lệnh Tổng thống. Những người dân xuống đường để bảo vệ nền dân chủ. Tổng liên đoàn lao động tuyên bố một cuộc tổng đình công.

Ngày 30 tháng 4, Raúl Alfosín, phát biểu giữa đám đông tụ tập tại Plaza de Mayo rằng “Mọi chuyện đã đâu vào đó, Chúc Mừng lễ Phục Sinh" − một câu nói đã đi vào lịch sử, bởi nó đã lột tả được thực tế. Không có quyền lực thống trị lực lượng vũ trang, Tổng thống đã phải đàm phán với các sĩ quan trẻ, đảm bảo cho họ một kết thúc tốt đẹp trong lĩnh vực quân sự. Bộ luật Obediencia Debida đã ân xá cho các cán bộ sĩ quan với nhiều tội ác man rợ vì tất cả những gì họ làm đều tuân theo “đơn đặt hàng” của cấp trên. Nó có hiệu lực vào ngày 23 tháng 6 năm 1987, cùng ngày Celia được nhập hộ sinh tại bệnh viện Garibaldi.

Con trai lớn, Rodrgio lên bẩy và Matias lên năm ở nhà với bà ngoại, trong khi Jorge đưa Celia đến bệnh viện. Sau khi có hai cậu con trai, ông rất muốn có được một cô con gái, nhưng Celia lại mang thai con trai. Trong suốt thời kỳ mang thai, mọi thứ đều ổn, nhưng vài giờ trước khi sinh, mọi chuyện không được như ý muốn. Bác sĩ phụ khoa, Norberto Odetto chẩn đoán thai nhi có thể bị ngạt và quyết định can thiệp để tránh bất kỳ ảnh hưởng lâu dài đến em bé.

Jorge vẫn nhớ nguyên nỗi sợ hãi trong những khoảnh khắc ấy, và thật sự hoảng sợ khi bác sĩ nói rằng ông ta sẽ sử dụng kẹp, và như những cha mẹ khác, Jorge đã khẩn thiết xin bác sĩ cố gắng hết sức để tránh sử dụng dụng cụ này, sau khi ông đã được nghe những câu chuyện “rùng rợn” ảnh hưởng đến em bé sau sinh. 

Nhưng cuối cùng thì các bác sĩ cũng không cần phải dùng đến kẹp. Một vài phút trước sáu giờ sáng, Lionel Andrés Messi được sinh ra, nặng 3 kg và dài 47 cm, da đỏ au với một bên tai bị gập lại sau những nỗ lực của các bác sĩ để kéo cậu bé ra. So với nhiều trẻ sơ sinh, Messi vẫn may mắn vì bên tai đó đã trở lại bình thường sau vài giờ. Sau những phút sợ hãi, niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt Jorge, Lionel được sinh ra tuy hơi nhỏ nhưng khỏe mạnh.

Tuy nhiên, bên ngoài hành lang bệnh viện, tình hình trở nên nguy cấp hơn. Một quả bom đã phát nổ trong thành phố và cả ở Villa Constitución, nơi Jorge làm việc. Trong suốt cuộc chiến tranh, đây là vụ nổ thứ 15, phản ứng lại bộ luật Obediencia Debida. Không có nạn nhân nào trong vụ nổ, chỉ thiệt hại về vật chất. Nhưng quả bom này báo hiệu đất nước Argentina đã bị chia cắt, bị áp đảo bởi sức mạnh quân sự và cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Bộ trưởng Thương mại nội địa vừa công bố thi hành giá mới cho các yếu phẩm: Giá sữa và trứng tăng 9%, đường và ngô tăng 12%, điện tăng 10% và khí đốt tăng 8% − sự gia tăng gây khó khăn cho tầng lớp lao động giống như gia đình Messi Cuccittini, mặc dù họ có chút tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng. Được cha hỗ trợ, Jorge đã xây một căn nhà có diện tích 300m² trên mảnh đất của gia đình. Ngôi nhà hai tầng, nằm trong khu phố Las Heras, được xây bằng gạch, có một sân sau để các con trai của ông có thể chơi đùa. Lionel được chuyển về đây ngày 26 tháng 6, khi Celia xuất viện.

Sáu tháng sau, Lionel xuất hiện trong album ảnh gia đình, hai má mũm mĩm, đang cười trên giường, cậu bé mặc chiếc quần cộc màu xanh và áo sơ mi trắng. Mười tháng sau, cậu bé chập chững theo sau các anh trai của mình. Và tai nạn đầu tiên đã xảy ra với Messi. Cậu bé đi ra khỏi nhà − mà không ai hay - có lẽ là để chơi với những đứa trẻ khác trên phố, trên con đường ít xe cộ qua lại. Một chiếc xe đạp đã đụng phải cậu bé trong lúc cậu mải chơi không để ý. Messi khóc lặng đi, tất cả mọi người trong nhà dổ dồn ra đường. Có vẻ như không có gì nghiêm trọng, chỉ là do cậu bé quá sợ hãi.

Nhưng suốt đêm, Messi kêu la vì cánh tay trái đã bị sưng lên. Họ đưa cậu bé đến bệnh viện - xương trụ bị gãy. Leo cần phải bó bột. Vài tuần sau đó, vết thương lành. Các chú dì mua tặng Leo một chiếc áo số nhân dịp sinh nhật đầu tiên của cậu bé, họ đã ra sức “dụ dỗ” đứa trẻ ủng hộ đội bóng Newell’s Old Boys. Nhưng vẫn còn quá sớm.

Lên ba tuổi, Leo thích các thẻ hình và chơi bi. Leo thường giành chiến thắng trong những lần chơi với bạn bè, túi cậu bé lúc nào cũng đầy bi và hình. Ở nhà trẻ hoặc ở trường mẫu giáo, Messi luôn có cơ hội tiếp xúc với những đồ chơi dạng hình tròn. Cha mẹ đã tặng cậu bé một trái bóng trắng với những viên kim cương giả màu đỏ đính quanh vào sinh nhật bốn tuổi.

Có lẽ từ đó niềm đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn bắt đầu tựa như tiếng sét ái tình vậy. Cho đến một ngày, Leo khiến tất cả mọi người bất ngờ. Cha và các anh trai đang chơi bóng trên phố và Leo quyết định lần đầu tiên nhập hội. Trong nhiều dịp khác, Leo thích chơi bi hơn nhưng lần này thì không. “Chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy những gì thằng bé thể hiện”, Jorge nói. “Hồi đó nó chưa biết đá bóng là gì.”


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net