Phần 1. Độ tuổi bé nhỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

               21 tuổi, ai xung quanh cái Mị cũng nói 21 tuổi là độ tuổi thật đẹp, là độ tuổi chứa rất nhiều năng lượng để có thể làm được nhiều thứ. Nhưng đối với Mị thì lại khác, độ tuổi mà Mị cảm thấy tươi đẹp nhất trong cuộc đời mình cho tới hiện tại đó là khoảng thời gian còn nhỏ độ chừng 8 - 9 tuổi, lúc ấy không phải bận tâm bất cứ chuyện gì, cha mẹ, ông bà, anh chị em, ai cũng rất trẻ và mạnh khỏe.

             Mị là một đứa nhóc bị sinh non, cơ thể con bé nhỏ xíu, đầu thì không có lấy nổi cọng tóc đến nổi mà thấy được cọng gân xanh bên trong da đầu. Với cơ thể ốm yếu, mẹ đã chăm sóc nó rất khó khăn, một năm 365 này thì con bé đã bệnh gần như 360 ngày. Khi ấy, gia đình nó rất nghèo. Vào những năm 2000 thì một ổ bánh mì chỉ tầm 1000đ, nhưng nhà nó còn chẳng có tiền để mà mua, mỗi lần bánh mì rao ngang qua nhà là mẹ phải ẳm cái Mị ra phía sau nhà, đi trốn, vì mẹ sợ nó khóc nó đòi mà mẹ chẳng có để mà cho nó. Mỗi lần như thế thì lòng mẹ lại quặn thắt, thương con càng trách bản thân mình hơn, không cho con được no đủ như người ta. 

             Nuôi cái Mị rất khó, có lẽ trong xóm nó là đứa nhỏ khó nuôi nhất, khóc lóc thì suốt ngày, uống được vài ngụm sữa từ mẹ thì bị ọc ra hết, lỗ mũi lúc nào cũng chảy nước mũi lò thò lại còn hay khó ngủ. Cha nó khi đó nghiện cờ bạt, đâu có quan tâm gì tới mẹ con nó. Vậy mới nói, mẹ đã nuôi nó cực tới chừng nào, thời đó, xóm Mị chưa có điện, trước nhà chỉ toàn là đất, hai bên nhà và đằng sau là cỏ sậy, cây lức mọc um tùm, nhà thì được lợp bằng mái tôn, vách lá hai bên. Thời đó, dưới xóm Mị người ta phải khoang cây nước rồi dùng sức người để bơm nước lên, lúc mà Mị lớn, biết tự mình bơm nước thì nhìn cái tướng bơm của nó tức cười lắm. Thân nó nhỏ xíu con mà cây nước nhà nó lại to, thế là Mị phải nhảy đu cả người lên tay cầm mới kéo được nước lên. Mỗi lần đu lên không biết là do áp lực của nước hay sao nhưng khi có nước chảy xuống rồi thì tay cầm sẽ bị giựt lên như có lò xo phía trong thân cây. Mỗi lần bơm khá nặng nên để bơm đầy một thùng nước khá vất vã, đặc biệt là vào buổi sáng, phải đổ nước vào lỗ trên thân cây rồi bơm nhiều lần thì mới có đà nước lên được.

                                                           Nguồn: Internet

            Cô út của Mị kể lại với nó rằng khi nó còn nhỏ, út nhớ mang máng là lúc học mẫu giáo, cũng là khoảng thời gian ông nội của Mị còn sống. Nhà nội nằm đối diện nhà nó nhưng cách nhau bởi một con sông, một ngày nọ nó được đưa qua nhà nội chơi, lúc trời bắt đầu đổ mưa tầm tã, nó chạy lại gặp ông nội nói với ông rằng:

- Con muốn dề nhà

- Lát hết mưa rồi nội kêu út đưa con dề 

- Nội không đưa con dề thì con lội sông con dề - Nó gào lên

Dứt câu nó chạy nhanh xuống dưới bến sông, phóng một cái "đùng" xuống sông, ông nội cùng cô út nó hú hồn chạy theo phía sau vớt nó lên. Ông nội nhìn nó không nói một lời nào, chỉ duy nhất đánh một cái "bốp" vào mông nó rồi đi thẳng lên nhà. Còn Mị thì vừa đi vừa khóc cùng cô út lên lại nhà để tắm rửa, út hỏi nó:

- Nải con ở dưới sông có thấy gì dưới đó không?

- Dạ không, con thấy nước không à - Nó mếu máo trả lời

- Là chời, thứ gì mà gan thấy ớn, không biết sợ là gì hã. Có biết nội dí út hết hồn cỡ nào không hã.

Út giáo huấn nó một chập xong tạnh mưa bèn bơi xuồng đưa nó về nhà rồi méc mẹ nó. Mà nghĩ cũng ngộ, con người ta khi lớn lên thì những ký ức ngày bé sẽ dần mờ nhạt, nhưng hình bóng ông nội vẫn rõ ràng trong tâm trí nó. Mị còn nhớ mái tóc của ông đã ngã màu, tướng ông gầy nhom, đôi mắt ông chỉ nhìn được một bên và cũng vì ông đã già nên mỗi lần muốn coi vô tuyến, nội kéo cái ghế dây bằng gỗ gần sát lại màn hình thì mới thấy được. Mị cũng bắt chước lấy cái ghế nhỏ để sát bên ghế của ông cùng ngồi coi chương trình. Giờ đây nó nhớ ông, muốn được lần nữa nghe tiếng ông, ngồi gần ông coi vô tuyến, nhưng có được đâu. Ông nội bị bệnh nên đã ra đi trước ông  cố, nó vừa nhớ nội vừa nhớ ông cố, cứ mỗi lần nó qua nội là cố hôn lên trán của nó, những sợi râu bạc lởm chởm đâm vào chán nó nghe châm chít, nhưng nó chưa bao giờ đẩy ông ra một lần nào, mỗi lần được cố hôn, nó cười tươi. Giờ đây nó cũng muốn được cố hôn, được thấy dáng cao lều khều, ốm o của cố mà cũng có được đâu, chỉ còn lại là những hình ảnh không biết khi nào biến mất khỏi trái tim bé nhỏ của nó.

          Ngày ông mất, không hiểu sao nó không rơi một giọt nước mắt nào. Nó còn nhớ như in hôm ấy khi vừa đi học về, thấy mẹ ẳm em đứng kế bên cửa sổ ở nhà trên, nó thắc mắc lại gần nhìn mẹ thấy mắt mẹ đỏ hoe, nó quay sang nhìn vào phía trong cửa thấy ông nội đang nằm trên chiếc giường gỗ kế cửa, trên người đắp một chiếc mền vừa đủ ấm, xung quanh là cha và cô chú của nó đang khóc, những tiếng khóc kêu thật to "Ba ơi", kéo dài và man mác. Trong đầu Mị không suy nghĩ gì, nó không hiểu và không muốn biết rằng ông nó đã ra đi mãi mãi, Mị không khóc cũng không nói gì, nó lẳng lặng đi chỗ khác, từ ngày đó mỗi lần qua nội chơi nó chẳng còn nhìn thấy ông nội đi loanh quanh nhà hay ngồi xem vô tuyến. Thời gian dần trôi, mỗi khi nhớ đến ông nội thì không hiểu sao nó lại khóc, những giọt nước mắt như dồn nén từ ngày nội ra đi, nó khóc nấc từng đợt, một mình và lặng lẻ. Những ký ức chỉ là của riêng nó, nó muốn cất vào một cái kho, không bao giờ để chúng biến mất, muốn lưu giữ nó mãi mãi, ông luôn sống, sống mãi trong tim nó mà thôi.

Cái Mị ăn rất chậm, hầu như thức ăn nào vào miệng đều được ngậm lại, cứ ngậm thôi và không thấy nuốt, mỗi lần về nhà ngoại chơi khi đến giờ ăn cơm thì Mị được ưu tiên mẹ hoặc các dì đúc ăn trước. Nó ăn cứ ăn, thời gian trôi cứ trôi, đến lúc người lớn trong nhà đã ăn cơm xong và dọn dẹp xong hết thì nó vẫn còn ăn cơm, và thế là mẹ nó quyết định bưng chén cơm tiếp tục đúc nó ăn từ trên xuồng về tới nhà nó, về tới nhà thì một thoáng sau Mị mới ăn hết được phần ăn của mình, vị chi thời gian ăn cơm của Mị lớn hơn 2h đồng hồ. Mỗi lần tới giờ nó ăn là cha mẹ thay nhau khua mâm vỗ chén tạo không khí sôi động để nó có hứng thú ăn cơm, vì thế Mị ăn cơm giờ nào thì cả xóm đều biết. Đến lúc nó lớn ai gặp nó cũng nhắc lại cái khoảng thời gian hãi hùng đó, nỗi ám ảnh không chỉ của nó mà còn của cha mẹ, những người đã từng đúc cơm cho Mị. 

Đặc biệt, xóm Mị có một bí ẩn mang tên "Ông Kẹ", không chỉ Mị mà đứa trẻ con nào trong xóm mỗi lúc quậy phá hay khóc nhè thì "Ông Kẹ" lại xuất hiện như một vị thần thông qua lời nói của người lớn. Không biết ông ấy có 72 phép thần thông như Tôn Ngộ Không hay không, nhưng mỗi lần có một đứa trẻ nào khóc thì chỉ cần người lớn nói:"Ông Kẹ tới kìa" thì đứa nhỏ liền nín khóc, tự biết kiềm giọng lại chỉ còn nghe những tiếng nấc đáng thương. Đứa trẻ nào mà nghịch ngợm thì "Ông Kẹ tới kìa" là chạy một mạch lại người lớn, không phá phách nữa. Ông Kẹ là nỗi ám ảnh rất lớn đối với những đứa nhỏ tại quê Mị, mỗi lần ông xuất hiện dù chỉ bằng lời nói của người lớn thôi là lũ nhỏ sợ khiếp vía dù chả bao giờ thấy mặt ổng một lần nào. Khi mà Ông Kẹ dần mất hết phép thuật thì "Bà Kẹ" lại xuất hiện như một vị cứu tinh, cũng như Ông Kẹ thì công việc của Bà Kẹ tương tự, ấy thế bọn trẻ vẫn khiếp sợ dù cũng chẳng thấy mặt Bà Kẹ một lần nào. Nhân vật vô hình này đã cứu vớt cuộc đời của người lớn tại xóm Mị, bởi đứa trẻ nào mà ngoan biết nghe lời thì cha mẹ chúng đỡ vất vã, còn những đứa như Mị thì mỗi lần khóc là phải gào thét, quậy phá từ sáng cho đến chiều tối, tới khi đi ngủ mới thôi. 

Trẻ con quê Mị hay tập trung lại chơi cùng nhau, chúng có một nguồn năng lượng dồi dào, cứ chơi là không mệt, cuộc chơi của bọn chúng kéo dài vô tận và đằng đẳng. Chúng cùng nhau bẻ lá dừa, bẻ sậy để xếp chong chóng lá dừa, đây là thứ dễ xếp nhất, hầu như đứa nào cũng biết xếp. Sau khi dùng lá dừa xếp xong chong chóng, chúng được đặt vào lõi của cây sậy, chờ gió lên để chong chóng quay, nếu không may không có gió thì đứa nào đứa nấy đua nhau chạy cho cái chong chóng của mình quay, không biết có gì vui mà chúng cười tít cả mắt. Rồi chúng học thêm một số cách xếp khác như xếp cào cào lá dừa, phức tạp và khó xếp hơn cái chong chóng. Mị phải học rất lâu, hi sinh vô số anh em lá dừa mới xếp được, ngày xếp được nó vui như mở hội, và thế là những ngày sau, ngày nào nó cũng xếp, đến khi chán mới dừng. Trước nhà Mị có một mô đất nhỏ gần dưới mé sông, cứ mỗi buổi chiều, nó cùng đám trẻ tụ tập tại đó, quê Mị lúc ấy rất ít con gái chạc tuổi nó thế nên nó toàn được chơi với con trai, mỗi đứa có hoàn cảnh riêng, nhưng khi tụ tập cùng nhau thì chỉ còn niềm vui, chúng cùng chơi cá sấu lên bờ đến khi mặt trời lặn, rồi những hôm khác chơi nhảy dây, keng - cứu, chạy rượt, chọi cầu, chọi lon,...Mị là con gái nhưng không ngại các trò chơi nào, tới mùa bắn đạn thì nó bắn đạn, mùa đập hình thì nó cùng những đứa trẻ khác đập hình, rồi thảy đá, đánh bài, không ngán bất kỳ trò chơi nào cả. 

Nhưng dần lớn, ai cũng có một lý tưởng riêng cho riêng mình, thằng Linh, lớn hơn nó 1 tuổi, lúc ấy không hiểu sao, trẻ con chơi chung với Mị dù lớn hay nhỏ tuổi đều xưng hô mày - tao với nhau, Linh được ở dí bà ngoại, Mị còn nhớ những lúc bà ngoại nó nhậu xỉn, hay trấn nước nó, nhờ người trong xóm can ngăn mà nó thoát chết vô số lần. Học đến hết cấp 3, Linh lên Bình Dương làm việc, cả năm còn chẳng thấy nhau. Rồi thằng Phil, sau khi học xong nó đi nghĩa vụ, đến giờ vẫn còn trong quân trại học lên công an hay cái gì đó, Mị thì học đại học cũng ít hỏi thăm chỉ nghe qua lời mẹ kể. Thằng Tẹt, em thằng Phil, nhỏ hơn Mị chỉ 2 tuổi, lúc nhỏ cũng chơi chung với Mị, học hết cấp 2 cũng bỏ học, đi lên Cần Thơ phụ hồ cùng với chú. Thời gian trôi nhanh thật, đến nay đứa nào cũng 18 20 tuổi, gặp lại nhau, cái cảm xúc cũng chẳng còn nô nức như thời Mị còn bé, cái thời Mị đi học về, mau chóng ăn cơm nhanh, chạy ra trước sân lượng lờ, nhìn thấy tụi nó thì xúm xít, bàn luận ngày hôm nay chơi cái gì. Bây giờ gặp lại chỉ còn là những lời hỏi thăm vu vơ dăm ba câu, phải chăng thời gian trôi đi cũng đã cuốn theo những cảm xúc non nớt ấy. Nhưng dù thế nào đi nữa thì những hình ảnh, cảm xúc có khi ấy vẫn còn vẹn nguyên mỗi khi Mị hồi tưởng lại, vui buồn đan xen lẫn lộn vào nhau. Mị vui vì bản thân đã có một thời như thế.






Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net