Chương 1: Mùa hè

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Mày lại chạy đi đâu rồi hả Dũng ơi!!" Giọng của dì Năm vang khắp cả xóm khiến con Miu nhà bác Bình đang thiêm thiếp ngủ giật mình tỉnh giấc. 

"Dì Năm lại đi tìm cháu Dũng đó à?" Cô Châu hàng xóm đạp xe qua hỏi.  

Như thường lệ, cứ 3 giờ chiều hàng ngày, giọng dì thân yêu của Dũng lại văng vẳng như tiếng trống đình làng. Kể cũng buồn cười, tiếng gọi của người đàn bà lực điền này chẳng khác gì tiếng bom sát bên tai đối với những người dân ở xóm Đa yên bình trầm lặng này. Để đáp lại câu hỏi của cô Châu, dì Năm liền "vui vẻ" mà dùng hết sức bình sinh để hét như thể đang gọi một cậu Dũng từ thành phố khác chứ không phải người cháu mà dì hết mực "yêu quý" đang núp ở một cái xó xỉnh nào đó trong xóm này: 

"Mày liệu mà về đây ngay cho tao không thì..." Câu nói của dì Năm bị bỏ lửng vì cuối cùng dì cũng đã chú ý đến cô gái trẻ đang sững sờ vì giọng ca vàng anh của dì lại có thể "khủng bố" như vậy.

"Cô Châu đó hả? Tôi chờ cô mãi! Đây để tôi lấy cho cô một ít lá trà." Dì Năm niềm nở nói và lật đật đi vào nhà, bỏ lại cô Châu vốn chưa hết sửng sốt giờ lại được thêm một phen bất ngờ. 

Sở dĩ cô không quá ngạc nhiên vì những người dân ở đây đã quá quen với màn hò hét của dì cháu này rồi. Họ thường gọi đùa nhau rằng đây là loa phát thanh 3 giờ. Cô Châu nhìn dáng người dì của Dũng đang khuất dần mà phì cười. Cô nhớ lại về ngày đầu được chứng kiến "loa phát thanh 3 giờ" là như thế nào.

Cô vốn là người thành phố nhưng vì cảm thấy không thể chịu nổi cuộc sống gấp gáp ở nơi thành thị, cô đã chuyển về đây sống cùng bố mẹ của mình, mặc cho lời phản đối của người anh gia trưởng. Hôm cô về đến nơi cũng là lúc dì Năm bắt đầu khúc trường ca quen thuộc. Vừa bước chân xuống xe, thứ chào đón cô không phải con Miu hay mái đầu hói của bố cô, mà chính là giọng của dì khiến cô giật mình suýt nữa trượt chân đánh rơi cái túi xuống con kênh bên cạnh. Bác Bình vừa ra đón con thấy cảnh đó không nhịn được cười khiến cô Châu ngượng đỏ cả mặt. Để chữa thẹn, cô Châu hỏi lảng sang chuyện khác:

 "Con không còn là trẻ con đâu mà ba, ba cứ để con tự đi về cũng được mà!"

 "Tao nhớ con tao thì tao ra đón thôi, ai cấm được tao?" Bác Bình nói với tâm trạng vui vẻ.

Lí do vì sao bác Bình cáu kỉnh mọi hôm lại đột ngột đổi thái độ thì chắc hẳn ai cũng biết. Quanh năm sống trong cái xóm nhỏ bé ít nói này thì đến tượng đá cũng  phát chán, nói gì là con người. Nay đứa con gái trước đây từng nhất nhật đòi lên thành phố về lại đây, bác Bình không giấu nổi niềm hạnh phúc lộ rõ trên gương mặt.

"Ba đừng cười con nữa à!"

Cô Châu không hiểu suy nghĩ của bác Bình, chỉ thấy ba mình hôm nay cứ cười tủm tỉm nên cứ nghĩ là bác Bình vẫn đang cười cô chuyện vừa nãy mà càng đỏ mặt tợn. Hẳn là thành phố đã biến cô thành một con người giàu cảm xúc hơn, nên chỉ vì một vài câu nói của bác Bình cô cũng có thể khiến cô lúng túng, điều mà chắc chắn bản thân cô một năm trước sẽ chỉ tỉnh bơ mà cười cùng ba cô.

"Mà, xóm mình có lễ hội hả Ba?"

"Không, lấy đâu ra. Con biết là cái xóm bé tẹo này không bao giờ tổ chức được cái gì ra hồn mà." Bác Bình nói, nụ cười đã tắt ngúm trên môi ông khi nhắc tới xóm Đa mà ông đang ngày đêm sinh sống.

"Thế sao...?"

"À, đó chỉ là tiếng "loa phát thanh 3 giờ" thôi." Bác Bình hấp háy mắt một cách bí ẩn "Thôi nói chuyện đủ rồi, nhanh chóng về nhà đi, má con cũng đang ngóng con lắm đó"

Cô Châu chỉnh lại ba lô rồi rảo bước về nhà, lòng không khỏi băn khoăn về những vừa được nghe. Cô hi vọng đây không phải là một trò đùa nữa của ba cô. Trong lúc cô còn đang mải suy nghĩ thì giọng nói như sấm rền kia lại vang lên một lần nữa, cắt đứt dòng suy nghĩ của cô. Ngay lập tức, cô hướng tầm mắt của mình về  nguồn phát ra tiếng nói. Tưởng như cô sẽ thấy một con quái vật khủng khiếp hay bét nhất cũng phải là một đoàn người đang phẫn nộ hò hét nhưng tất cả những gì cô Châu thấy chỉ là một người phụ nữ trung niên đang đỏ mặt tía tai tìm kiếm ai, hay một cái gì đó.

"Bác Bình đó à. Bác có thấy cháu Dũng đâu không ạ? Cái thằng ôn đó..." Trước khi cô Châu kịp phản ứng thì người phụ nữ nọ đã tiến về phía hai ba con bác Bình. 

"Chẹp, tôi không thấy.'' Bác Bình lắc đầu chép miệng "Kể cũng lạ, ngày nào dì cũng phải đi tìm thằng nhóc nghịch ngợm đó đến mệt phờ, vậy mà hè nào dì cũng muốn nó về đây để được hò hét rát họng. Tôi không hiểu nổi."

"Thì, nhà tôi vắng người, có nó về đây cũng vui." Dì Năm điều chỉnh tông giọng nhẹ nhàng một cách bất thường. Dì biết những điều bác Bình nói là đúng, nên dì chỉ có thể bấm bụng hạ giọng xuống, phần cũng vì hòa khí xóm làng, phần vì dì biết dì đang làm phiền mọi người, và người hàng xóm đây đang gián tiếp phàn nàn với dì về việc nọ. Nhưng những gì mà dì Năm vừa nói là hoàn toàn đúng. Chồng mất sớm, nhà của dì sớm chiều chỉ có một mình. Nay có thêm thằng cháu về, dì phấn khởi lắm.

"Kìa ba, ba cũng chẳng muốn con về đây lắm hay sao, tháng nào cũng gọi điện mà." Cô Châu nói xen vào. Cô hiểu ba cô đang muốn phàn nàn với dì Năm, nên cô đã nhanh trí nói đỡ cho dì. Cô cảm thấy áy náy vì chính cô cũng là đối tượng để bị bác Bình phàn nàn mỗi khi nói chuyện.

"A, là Minh Châu đó hả?" Dì Năm cuối cùng cũng chú ý tới cô gái trẻ đi cạnh bác Bình "Ngày xưa suốt ngày đòi kẹo của cô đây mà!"

"Ơ... là cô Năm bán kẹo đó ạ?" Những bánh răng quá khứ bám bụi trong đầu cô Châu lúc đó bắt đầu chuyển động "Cháu xin lỗi vì đã bỏ đi đột ngột như vậy, cháu cứ nghĩ thành phố sẽ tốt hơn nơi này..." Cô Châu lúng túng vuốt mái tóc dài.

"Ái chà, cháu Châu lớn thật rồi nhỉ, ăn nói chững chạc ghê ấy!" Dì Năm cười và xoa đầu cô "Nói thật chứ có tiền thì tôi cũng lên thành phố lớn một phen cho biết ấy. Mà nay công ty cho nghỉ hay sao mà lại tay xách nách mang về quê thế này?"

"Dạ... cháu cảm thấy không hợp với thành phố cô ạ... Ở đây dù không được nhộn nhịp như thành phố nhưng lại rất thanh bình..." Cô Châu vừa nói vừa bồi hồi hoài niệm lại những lần đi thả diều trên cánh đồng xa.

"Ô thế hả... tôi tưởng thành phố phải vui lắm chứ, đủ thứ hiện đại gì cơ mà, còn có cả những tòa nhà cao vút nữa."

"Vâng, nhưng ... cháu không thấy hợp với cuộc sống ở đó lắm ạ."

"Đây, lá trà tươi mới được cho đấy cô ạ, ngon lắm!" Giọng của dì Năm kéo cô trở lại hiện tại "Cô mang về cho cả bác Bình nữa nhé, bác ấy rất thích loại trà này đó!" Nói rồi, không để cô Châu kịp từ chối hay cảm ơn, dì Năm lật đật rảo bước đi tìm Dũng tiếp khiến cô Châu chỉ biết trơ mắt ếch cầm túi lá trà mà đạp xe đi.

Trong khi đó, nhân vật chính của ta đang lững thững bước đi dọc con đường đất dẫn vào xóm Đa, tay cầm quả ổi nó vừa trộm được mà gặm một miếng thật lớn, chép chép miệng: "Sống thế này mới là sống chứ" như một người trải đời thực thụ.

"Ê Dũng, đi đâu đấy, tao nghe tiếng Dì năm đang tìm mày kìa." Thằng Thịnh "chăn bò" đi ngang qua hỏi. Sở dĩ, mọi người gọi nó là Thịnh chăn bò vì thằng này chăn bò rất giỏi, con nào con nấy béo ú, mập mạp, nhìn rất sướng mắt, và cũng vì thằng này nhận chăn bò thuê nữa.

"Xì, suốt ngày phải ngủ trưa với lại ở yên trong ngôi nhà ấy, tao chán lắm. Tao về đây là để tận hưởng cuộc đời cơ!"

Dũng làm oai với Thịnh vì nó biết thằng Thịnh chăn bò giỏi nhưng rất chậm chạp, ngây ngô, dễ bị lừa, và đúng kiểu loại Dũng ghét nhất. Thằng Dũng quậy bao nhiêu thì Thịnh chăm ngoan bấy nhiêu. Nó không bao giờ nghịch phá như Dũng, cũng không bao giờ trốn ra khỏi nhà chỉ để làm việc hết sức không hay như trộm ổi của ông Sáu làng bên. Thế nên Dũng hay bị Dì so sánh với thằng này, dẫn đến việc Dũng càng ngày càng ghét Thịnh, dù Thịnh chưa hề động đến một cọng lông chân của Dũng nhà ta. 

"Tận hưởng cuộc đời? Tận hưởng cuộc đời là như thế nào?" Thịnh ngây thơ hỏi, không biết nó đã rơi vào bẫy của Dũng bày ra.

"Tận hưởng cuộc đời á? Là phải đi trộm ổi, bắn chim, tắm ao, thả diều, đánh nhau. Chứ ai suốt ngày chỉ quanh quẩn với mấy con bò như mày!" Dũng vừa khua tay vừa bĩu môi.

Thằng Thịnh gãi gãi cái đầu đinh của nó. Từ nhỏ tới lên, Thịnh chưa bao giờ dám làm thử những trò mà bố mẹ nó mạt sát không tiếc lời như vậy. Trong mắt bố mẹ nó, chỉ lũ mất dạy mới làm mấy trò đó. Ba nó còn đe: "Tao mà thấy mày nghịch như thế tao đánh cho què chân.". Chính vì thế mà thằng Thịnh đành "quanh quẩn với mấy con bò" như Dũng nói, khiến chẳng ai muốn làm bạn với nó, dù trong lòng nó thực sự rất muốn thử những trò "mất dạy" như thế với ai đó một lần trong đời. Nhưng vì hãi ba nó mà trong bụng nghĩ vậy nhưng nó vẫn đáp:

"Thôi, tao sợ lắm."

"Mày sợ cái gì mới được. Yên tâm đi theo tao, không lo bị bắt. Tao biết mấy chỗ hay lắm."
Dũng khoa tay múa chân loạn lên, nhưng trong đầu nó đang toan tính nhiều điều lắm. Ngay từ giây phút thằng bé đen nhẻm trước mặt nó từ chối, nó đã cáu tiết lắm rồi. Nó không quen bị ai từ chối cả. Nhưng vì "kế hoạch vĩ đại", mình sẽ kiên nhẫn với thằng đần này vậy. Bụng bảo dạ vậy, nó yên chí nhử thằng Thịnh tiếp:

"Đi với tao cho biết mùi vị cuộc đời. Bộ mày muốn làm thằng chăn bò cả đời mà không tận hưởng à?" Dũng chơi bài khích tướng.

"Nhưng... còn ba tao. Ba tao dọa đánh gãy chân tao đó." Thịnh vừa nghe bị khích tướng đã hoảng hồn, nhưng xem ra nỗi sợ ba nó vẫn lấn át được sự tò mò trong lòng nó.

Tới lúc này thì Dũng đã nổi khùng:

"Kệ xác ba mày. Đi chơi mà còn sợ. Mày không đi thì thôi, thằng chăn bò nhà quê!"

Thịnh thấy Dũng đột nhiên cao giọng thì im ru. Cũng may cho Dũng, thằng Thịnh vì chăn bò suốt ngày, dãi nắng dầm mưa nên có thể nói nó khỏe hơn công tử bột thành phố như Dũng rất nhiều, nhưng vốn bản tính hiền lành cục mịch, nó chỉ biết làm thinh mà tự hỏi mình đã đối đáp gì sai mà khiến chàng nhà ta bực hay sao, chứ thằng Thịnh mà cáu tiết đòi đánh nhau thì Dũng chắc khó sống.

Thằng Dũng thấy Thịnh im im cũng thấy hơi tội. Nó hạ giọng thủ thỉ, ngọt ngào như rót mật vào tai, đến đá cũng mủi lòng:

"Tao xin lỗi, tao có hơi mất bình tĩnh. Cũng tại mày thôi. Mày dốt lắm. Đi với bọn tao, có mười ba mày cũng không biết. Bọn tao "tận hưởng cuộc đời" quen rồi, với lại bọn tao có nhiều chỗ để trốn lắm, anh em cũng đông nữa. Quý lắm bọn tao mới cho đi theo đấy."

Thịnh bây giờ chẳng khác gì nằm trong lòng bàn tay của cậu công tử thành phố. Dù vẫn còn nghi ngờ vì không ngờ thằng ngày nào cũng lơ nó đi hôm nay lại ngọt ngào như mía lùi với nó vậy, nhưng vốn là người đơn giản, Thịnh không nghĩ nhiều. Ngay từ lúc thằng Dũng cất tiếng, Thịnh đã bùi tai rồi. Mãi mới có ai đó rủ nó đi chơi mà. Giờ khi nghe phần bảo đảm, nó càng thêm phần yên tâm:

"Vậy còn bò của tao để đâu? Không được làm mất đâu đó, bò này tao đi chăn thuê mà." Thịnh thật thà nói, không ngờ lại làm nảy ra một ý định xấu xa trong đầu Dũng.

"Úi xời, yên tâm." Tách một cái, hai bóng người trông chẳng khác lũ ma cô đầu đường xó chợ xuất hiện từ sau cái cây gần đó, tiến lại chỗ Dũng và Thịnh.

"Tao là Tèo."

"Tao là Tí."

Hai thằng bé trước mặt gần như đồng thanh, không khỏi khiến Thịnh rùng mình dù trong tiết trời hừng hực của mùa hè. Thịnh bất giác lùi lại một bước.

"Không phải sợ, đây là anh em của tao. Hai thằng sinh đôi này trông bò không thua kém mày đâu." Dũng vừa nói vừa lén tuồn những tờ giấy bạc cho hai anh em Tí và Tèo, làm những khuôn mặt hốc hác kia nở nụ cười, trông chẳng khác những tên sát nhân máu lạnh.

"Cứ yên tâm giao bò cho chúng nó, mất đền gấp đôi!"

"Thật không đó?" Thịnh bán tín bán nghi.

"Đảm bảo mà." Tèo và Tí cùng lên tiếng, nhe nhởn cười trông phát sợ.

"Đây, nhớ cho bò ăn đúng giờ nhé!" Thịnh lo lắng đưa dây dẫn cho hai anh em trước mặt, lòng không khỏi thấp thỏm.

Chẳng nói chẳng rằng, Tí và Tèo dẫn bò đi. Chờ khi không còn thấy bóng dáng của cặp anh em kia, Thịnh quay sang Dũng:

"Anh em mày ai cũng... như vậy á?"

"Đừng lo, bề ngoài vậy thôi chứ chúng nó tốt lắm, anh em của tao mà lị!" Dũng vỗ vai Thịnh trấn an, thầm nghĩ kế hoạch đã bước đầu thành công.

"Giờ thì, mày muốn làm gì đầu tiên. Hay đi bắn chim với bọn tao nhé!"

Không để Thịnh kịp trả lời, Dũng kéo tay nó về phía cánh đồng xanh bạt ngàn, không giấu nổi nụ cười toe toét đầy hiểm độc vì những trò vui nó sắp được xem.

Cánh đồng tưởng như trải dài vô tận. Dũng vốn là người thành phố, không quen đi xa nên mới đi được nửa đường, nó ngồi bịch xuống, thở dốc:

"Tao mệt quá. Mình nghỉ đã rồi đi tiếp."

"Ừ." Thằng Thịnh đáp cụt lủn rồi ngồi xuống cạnh Dũng, dù nó chẳng mệt tẹo nào.

Đối với nó, một thằng bé  chăn trâu từ khi mới học lớp ba, thì quãng đường này chả thấm tháp vào đâu cả. Từ lúc sinh ra đến bây giờ, thời gian Thịnh đi chăn trâu kể ra còn nhiều hơn thời gian nó học. Nhưng, trách sao được nó đây. Nhà nghèo, đông anh em, mẹ nó là người dân tộc, đi làm ruộng thuê cho nhà người khác, ba nó thì mở một tiệm sửa xe đạp nhỏ ở đầu làng. Tiền lương chỉ vừa đủ để cả gia đình có những bữa ăn đạm bạc qua ngày. Thằng Thịnh hiểu điều đó, nên nó không bao giờ đòi hỏi cái gì cả, ngay cả khi cái quần của nó đã rách tả tơi, đũng quần sờn chỉ, lấm lem bụi đất, nó vẫn giữ im lặng cho đến khi ba nó chú ý thằng con của mình cứ lấm la lấm lét giấu cái đũng quần. Nó cũng là đứa tự nguyện nghỉ học đi chăn trâu kiếm tiền cho hai đứa em được đi học, mặc cho ba mẹ phản đối. Đó cũng là lần đầu tiên thằng Thịnh dám cãi lại bậc sinh thành.

Thằng Dũng không biết điều đó. Trong mắt Dũng, Thịnh chẳng khác gì "con nhà người ta" mà dì với ba mẹ nó toàn đem ra khi mắng nó. Chẳng chóng thì chầy, Dũng đâm ghét thằng này. Chính vì không biết hoàn cảnh gia đình của Thịnh, nó càng không ưa. Nó  nghĩ Thịnh đang diễn trò con ngoan, còn thực ra lại là một thằng nghịch ngợm không ai bằng. Nhưng sau một tháng "điều tra", nó chưng hửng nhận ra thằng bé trước mặt mình thực sự đúng như những gì mà dì nó hay nói ở nhà. Đã không thu được gì, nó còn báo hại hàng xóm phải nghe "loa phát thanh" suốt cả một tháng nên thằng Dũng bị cư dân ở khu nó ở trong mùa hè gọi nó là thằng quỷ, khiến nó tức càng thêm tức. Nó rắp tâm biến Thịnh thành một thằng quậy phá như những gì nó vẫn nghĩ, nên nó mới phải bấm bụng bỏ tiền bạc, uốn ba tấc lưỡi nịnh nọt, khích tướng,  rủ ri với Thịnh, chứ mọi khi, có cho vàng Dũng cũng không thèm dây dưa với cái thằng đen nhẻm, quanh năm chỉ biết chăn trâu này.

"Cố lên, sắp đến nơi rồi. Mày sắp được trải nghiệm vị đời rồi." Dũng nói như cổ vũ cho chính mình, không quên bồi thêm một câu để nhắc nhở thằng Thịnh, sợ nó bỏ về giữa chừng, đoạn đứng dậy.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net