Chương 6, Quảng Ninh, tháng 8 năm 1996

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 6, Quảng Ninh, tháng 8 năm 1996

          Mẹ kế của Du tên Hạnh – bà là công nhân trong vùng khai thác mỏ than của thị trấn, đồng thời là nhân viên cấp dưới của bố Du. So với độ tuổi cần lập gia đình và tính đến chuyện con cái thì bà Hạnh đã bị coi là già ở cái tuổi ba mươi tư. Nhan sắc của bà ở mức trung, với mái tóc cuộn gọn gàng ra sau, cùng với nước da bánh mật. Bà ít khi cười và cũng kiệm lời như bố Du. Bởi thế, căn nhà lớn dù đã thêm nhân khẩu nhưng vẫn bình lặng và yên ắng như ngày chỉ có hai bố con Du.

          Du nhớ mãi buổi ăn tối đầu tiên có sự góp mặt của cả ba người – bữa ăn được diễn ra sau một tuần kể từ ngày cưới bởi ông Hà và bà Hạnh phải làm việc riêng theo ca ngày – ca đêm.

Đó là một sự im lặng gần như là tuyệt đối.

{{{

          Ông Hà phải có mặt ở ngoài vùng than cả ngày hôm đó, còn bà Hạnh thi được nghỉ ngơi theo chế độ một ngày phép trong tháng của công ty. Du cũng được nghỉ học thêm và cô chẳng thiết tha gì với những lời mời mọc đi chơi hè đầy chế giễu của đám bạn trong phố.

          “Du đi chơi với tụi tao đi. Vì bố đã mang mẹ về cho Du, nên bọn tao sẽ không để mày một mình Du một nhóm nữa đâu.”

          Du cáu bẳn. Mắt Du trừng trừng. Hai bàn tay Du vơ nhanh những quả bàng chín rụng trước cổng, và ném về phía đám trẻ. Sự tức tối trong Du càng tăng lên khi tiếng cười của chúng im bặt, rồi đột nhiên bỏ chạy.

Du ngoảnh đầu lại, bà Hạnh đang ở ngay phía sau và nhìn cô mới ánh mắt ấm áp, “Con ổn cả chứ?”

Du trong mắt bà Hạnh đang thực sự không ổn ư? Những quả bàng chin bị siết chặt đến mức rỉ nước ra khỏi kẽ ngón tay Du. Du không thích sự quan tâm từ bà. Du càng bực bội với bản thân hơn vì đã để bà chứng kiến sự tổn thương của mình trong hoàn cảnh ấy. Vịn tay vào cánh cửa sắt, Du đứng nhanh dậy, “Chứng kiến cảnh này, hẳn là dì thấy vui lắm!”

Bà Hạnh tỏ ra bất ngờ, cũng có vẻ tổn thương, nhưng bà chỉ mỉm cười, “Mạnh mẽ lên, con gái!”

Như bị hòn đá lớn ném thẳng vào đầu, Du choáng váng. Không phải Du lạ lẫm với nụ cười hiền từ của bà Hạnh, bà hai từ ‘con gái’ nghe vừa gần gũi – vừa xa xôi. Du quay lưng bỏ đi, cố gắng phớt lờ cảm giác khó gọi thành tên đang nhen nhóm và sục sôi trong trái tim non trẻ của mình.

Ngồi trên bệ cửa sổ trong phòng riêng, Du không nghĩ được gì ngoài việc đánh lừa bản thân: Mụ ghẻ đang cố tình lấy lòng mình.

Ở phía dưới sân nhà, bà Hạnh vẫn cặm cụi ngồi băm nhỏ đám lá cây thảo mộc để phơi khô, dung làm nước nấu sôi để nguội cho Du tắm.

Du bặm môi, chẳng phải cách đây hai hôm, cô đã gắt gỏng, “Không cần đám lá khô này nữa. Không cần! Đã nói là không cần!!!”

Những lúc ông Hà không có ở nhà, Du thường ăn cơm trước rồi về phòng riêng. Mỗi khi bà Hạnh có thắc mắc, Du chỉ gật đầu, hoặc nhìn chăm chăm, hoặc đáp trả trống không như đứa trẻ không được giáo dục. Nhưng chưa một lần bà Hạnh tỏ ra khó chịu, hoặc có những lời lẽ dọa dẫm sẽ mách lại mọi chuyện về cách cư xử hỗn láo của Du với ông Hà. Điều này lại càng làm Du khó chịu hơn.

Du luôn luôn nhắc nhở bản thân, đó chỉ là một cái bẫy giữa mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng mà thôi.

“Du ơi”, những tiếng gõ cửa rất khẽ và thưa thớt, “Mở cửa cho dì đi con.”

“Chuyện gì vậy ạ?” Du không nhận ra bản thân mình đã vừa tỏ ra ngoan ngoãn hơn khi trả lời câu hỏi  này. Cô tiến về cánh cửa và nắm chặt lấy chốt khóa.

“Trời có lẽ sẽ mưa to lắm đấy!” Giọng bà Hạnh đều đều, “Những cơn mưa cuối cùng của mùa hạ. Con có muốn đi cùng dì ra ngoài để lượm cá rô không?”

Tiếng sấm lớn vừa lúc đó vang lên, nghe rền rền. “Tại sao phải đi chung cơ? Cháu không muốn!” Nhưng Du cũng không chắc là mình đang muốn ở nhà!

“Vậy à?” Giọng bà Hạnh nhỏ dần. “Nếu ở nhà, con phụ dì mang quần áo ở ngoài dây phơi vào nhé!”

Du không trả lời và muộn màng nhận ra bản thân đang cố ghì tai vào vách gỗ để lắng nghe những bước chân di chuyển êm ru của bà Hạnh. Rồi vài phút sau, Du nghe tiếng khóa sắt lách cách dưới sân nhà.

Quăng mình lên chiếc giường, Du nhoài người lên bệ cửa sổ. “Dì Hạnh! Dì chờ với! Chúng ta sẽ đi chung, nhé!”

Dưới nền trời âm u xám ngắt, nụ cười hiền từ của bà Hạnh trông buồn thương đến uể oải.

{{{

          Ngâm mình trong bồn tắm với nước lá thơm, Du ngu ngớ nhớ về những nụ cười khanh khách của mình khi vừa nhẩy cóc vừa cố chộp lấy con cá rô nhảy lăn lộn trên bờ đường gạch; hay những lần bàn tay nhỏ xinh của Du nằm ngoan ngoãn trong cái nắm tay siết chặt đầy yêu thương từ bàn tay thô ráp của bà Hạnh. Cứ vô tình quên đi, trái tim Du lại cảm thấy thật ấm áp. Nhưng một vài lần như choàng tỉnh trong cơn mơ màng ngủ quên giữa buổi hạ oi nồng, Du lại vội vàng thu bàn tay bé nhỏ của mình giấu nhẹm vào dưới lớp áo mỏng ở sau lưng.

          Du lẩm  bẩm, “Mình đang làm gì thế này?”

          Vội vàng lau khô  người, mặc bộ quần áo mà bà Hạnh đã chuẩn bị sẵn đặt ngay mép tủ, Du rón rén từng bước chân rất khẽ như một con mèo nhỏ xuống dưới phòng bếp.

          Đứng trước đĩa cá rô rán thơm vàng, Du cau mày nhớ lại sự gần gũi mà bà Hạnh đã có được với cô trong chiều nay. Cùng lúc, Du nghe tiếng chổi che quét loạt xoạt ở trước sân nhà, hay tiếng cười trầm đục của người đàn ông sau một ngày lao động cực nhọc trở về mái ấm.

          Chân Du bắt đầu run lên. Cô không quen thứ cảm xúc này. Đây không phải là hạnh phúc. Tất cả chỉ là ngộ nhận mà thôi.

          “Meo… meo… meo”, Du lẩm bẩm trong lúc đi tìm còn mèo mướp, “Có cá đây… meo… meo… meo… Cá chin vàng thơm ngon đây!!!”

{{{

          Du hắt hơi liên tục trong lúc di chuyển từ phòng riêng xuống bàn ăn trong căn bếp. Ông Hà ngồi đọc báo, thi thoảng lại ngẩng đầu nhìn về phía bà Hạnh đang lụi cụi làm món ăn mới. Trên chiếc ghế kế bên ông, con mèo mướp với cái bụng căng tròn đang nằm dài ra ngủ. Du bặm môi. Một cảm giác tội lỗi vừa xâm chiếm lấy cảm xúc của cô. Dù vậy, Du vẫn không muốn quay trở lại cảm xúc ban chiều. Đó là ảo tưởng, là cái bẫy mà mụ ghẻ muốn Du sa lầy.

          “Con ốm đấy à, Du?”

          Du giật mình ngoảnh đầu lại. Ông Hà nhìn cô chằm chằm với sự lo lắng lộ rõ trên khuôn mặt khắc khổ.

          Du gật đầu thay vì phải nói điều gì đó. Cùng lúc, bà Hạnh ngoảnh đầu về phía hai bố con Du. Môi bà mấp máy định nói vài điều. Nhưng nhanh chóng, Du muốn chấm dứt mọi ‘cảm xúc ngớ ngẩn’ cứ luẩn quẩn trong đầu cô. “Hôm nay, trời mưa rào. Dì Hạnh bắt con ra ngoài lượm cá rô. Dù ốm, ừm, rất khó chịu, nhưng on mong là cả nhà chúng ta sẽ có bữa cơm tối vui vẻ.”

          Choáng váng trước lời cáo buộc của Du, bà Hạnh không thể thốt lên lời ngoài việc biểu lộ cảm xúc không hài lòng đến tức giận qua đôi mắt.

          Du tiếp tục hắt hơi, đến mức bản thân cô cũng cảm thấy thật khó chịu khi phải đóng kịch như thế.

          Ông Hà cố lờ đi câu chuyện đang bỏ dở.

          Bà Hạnh chôn chân ở vị trí gác bếp.

          Đó là một sự im lặng đến ngột ngạt vào buổi tối muộn của ngày cuối hạ trong bữa cơm đầu tiên của gia đình Du.

          

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net