Chương 8.2, Quảng Ninh, tháng 12 năm 1996

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Lẽ ra dì Hạnh không nên đến trường của con", Du nói, "Bởi việc này là của bố Hà, hoàn toàn không phải của dì."

Bà Hạnh không trả lời. Ánh mắt bà buồn bã khi nhìn Du.

"Và dì nên trả lại bài kiểm tra văn cho con, được chứ?"

Bà Hạnh gật đầu và đưa tờ giấy kiểm tra văn của Du ra trước mặt. Không có điểm số từ giáo viên, mục phê bình kèm theo một lời đề nghị bằng bút mực đỏ, "Em hãy mời phụ huynh đến gặp cô."

"Và dì đừng vào phòng của con, càng không nên lục đồ riêng của con."

Bà Hạnh không lục đồ riêng của Du ngoài việc dọn dẹp, lau chùi trong căn phòng nhỏ đó. Trong lúc sắp xếp lại sách vở trên giá gỗ, bài kiểm tra được kẹp trong một quyển vở vô tình rơi ra. Bà đau đớn. Và bà đã chủ động đến gặp giáo viên của Dun gay trong ngày hôm đó.

Nhận lại bài kiểm tra, Du quay lưng bước về phòng riêng. Du ghét sự im lặng, ghét vẻ cam chịu, và từ chối mọi sự gần gũi mà bà Hạnh muốn mang lại cho cô.

Ngồi lặng yên trên bệ cửa sổ, Du lặng người nhìn cây bàng già trơ trụi cành khô dưới cổng nhà.
Du ngắm làn mưa bụi vẫn đang bay lất phất. Du nghĩ về những mùa đông vẫn luôn nhuộm một màu xám xịt bao trùm từng góc phố nhỏ. Du nghĩ về tương lai của mình, lớn lên trong căn phòng này, rồi đi đâu đó thật xa cùng với một chiếc máy ảnh. Du muốn được ở một mình. Và Du khao khát sự tự do trong cô độc.

Nhưng giấc mơ của Du bị bỏ ngỏ. Du nghe thấy tiếng bố Hà ở dưới nhà. Du căng tai để hi vọng có thể nghe thấy một lời lẽ đáp trả nào đó từ bà Hạnh như: con gái riêng của chồng hỗn láo, con bé chẳng coi mẹ kế ra gì...

Nhưng không, thay vì tố cáo và phàn nàn về Du, bà Hạnh quay người vào bếp để chuẩn bị bữa cơm chiều.

Dựa người vào thành cầu thang, Du đắn đo và nghĩ ngợi. Nhưng ở cái tuổi lên mười ngây thơ, ngang bướng muốn chứng tỏ mình đã lớn khôn, những gì Du hiểu từ hành động của bà Hạnh chỉ là sự nịnh bợ. Và Du muốn tự mình đối mặt với người bố đã không chấp nhận sự vắng lặng vốn có trong căn nhà mà lại cưới thêm một người đàn bà khác. Và Du muốn ông Hà thừa nhận rằng, ông đã lừa phỉnh cô về khái niệm, 'thế nào là một người mẹ đúng nghĩa'.

Ông Hà đang ở trong bếp, "Ở nhà, chuyện gì đã xảy ra? Chắc chắn là con bé đã gây ra chuyện gì đó với em?" Du nghe tiếng bố cô nói. "Em phải kể phần nào những sự việc đã xảy ra với anh chứ? Anh là bố của con bé mà!"

Bà Hạnh chỉ lắc đầu. Đầu bà hơi cúi và tỏ ra tập trung với công việc của một người nội trợ.
Bà không quan tâm đến sự tồn tại của Du nữa? Hay bà đang cố tình giấu nhẹm nỗi xấu hổ mà sự xúc phạm ghê gớm của Du đã mang lại. Hay bà vẫn muốn là một 'mụ ghẻ nhân từ, độ lượng' trong suy nghĩ của bố Hà. Du bặm môi, nghĩ ngợi.

"Là con đã gây ra chuyện." Lấy hết sự cao ngạo và bản lĩnh lì lợm, Du lên tiếng trong lúc rời khỏi những bậc thang cuối cùng. Du hơi run. Là vì thị trấn nơi cô ở vừa đón thêm một đợt gió mùa đông bấc, hay là vì... sự hối lối với người phụ nữ đang ở phía sau lưng ông Hà cũng đang run rẩy, lắc đầu và ánh mắt đau đáu như muốn Du đừng lên tiếng, mọi chuyện chỉ là hiểu nhầm, hoặc chỉ là tự bà gây ra mối phiền hà cho bản thân.

Ông Hà quay lưng. Chân mày ông co lại. Ông nhìn Du, chăm chăm.

Hai chân Du khựng lại. Người Du run lên. Đôi bàn tay lạnh giá siết chặt lấy tờ giấy kiểm tra ở phía sau lưng. Du có quen người đàn ông ở trước mặt – người vốn có đôi mắt luôn nhìn cô với vô vàn sự yêu thương ẩn chứa – người luôn nở nụ cười hiền hậu mỗi khi bắt gặp Du dù rất mệt mỏi sau một ngày lao động dưới hầm than nằm sau hàng chục mét dưới lòng đất – người thường mở rộng vòng tay ôm Du vào lòng và thì thầm bảo, 'Đông này con sẽ không bị lạnh nữa, bởi bàn tay bé nhỏ tay luôn được ủ ấm trong lòng ngực của ta'.

"Vậy con đã gây ra chuyện gì?" Ông Hà lên tiếng sau nhiều phút chờ đợi.

"Không đâu! Không đâu!" Bà Hạnh nắm lấy cánh tay ông, giọng bà van vỉ, "Con bé không có nói gì cả. Là lỗi tại em. Là do em sai."

Những ngón tay sạm nắng sạm gió của ông ôm lấy mu bàn tay của bà. Nhưng đôi mắt ông vẫn chiếu ánh nhìn giận dữ về phía Du. "Em còn định bênh vực con bé đến bao giờ nữa. Có phải càng được nuông chiều nên càng không biết phân biệt đúng sai?"

Cả người Du run lên. Nhưng Du chắc là mình đã mặc áo quần đủ ấm. Thở dốc, Du đưa tờ giấy kiểm tra ra trước mặt ông Hà, "Chuyện là vậy, thưa bố!"

Ông nhìn Du, nhìn xuống tờ giấy và đôi mắt ông nhắm nghiền lại với hai bên thái dương đập rần rật. "Cái con bé này", giọng ông sít lại, "Càng lớn càng hỗn hào."

Bàn tay bà Hạnh rơi khỏi tay ông. Cơ thể ông di chuyển rát nhanh về phía góc nhà, ông túm lấy cây chổi và đi về lại căn bếp.

Du chớp mắt. Đầu gối Du khụy xuống. Tâm trí Du lộn nhào với nghĩ suy, "Bố Hà không còn yêu thương cô nữa."

Bà Hạnh chạy nhanh tới cản đường. Hai cánh tay bà ôm lấy người ông, "Tôi xin ông. Con bé còn nhỏ. Là tôi không tốt. Là tôi đã sai."

Ông Hà không trả lời. Mắt ông khóa lấy người Du đang co lại ở mép tường. Ông hất bàn tay bà Hạnh ra khỏi cơ thể mình. Và cũng đột ngột, ông đứng lại, cách Du một khoảng bằng cái với tay, "Con nghĩ, mình làm như vậy có đúng không?"

Nuốt nước miếng, Du trả lời hấp tấp, "Thưa bố, con không nghĩ là mình đã làm gì sai."
Bất ngờ, cán chổi bị đưa lên không khí, sau một khắc, nó nện xuống đôi chân Du. Không kịp phản ửng, Du khụy đầu gối xuống nền nhà.

Bà Hạnh hét lên can ngăn. Nhưng những gì bà nhận được chỉ là sự từ chối của cả hai bố con Du.
Ông nói, "Là bà sai. Là bà không biết dạy con đúng không? Vậy tôi là bố con bé, tôi đang dạy nó cách làm người, tại sao bà lại ngăn cản."

"Mong dì tránh giùm cho", Du nói thêm, "Đây là việc của hai bố con. Hi vọng, dì đừng tỏ ra nhân từ và tốt bụng thêm nữa. Hãy cứ là một mụ ghẻ theo đúng nghĩa đen đi."

Bà Hạnh cứng họng. Ông Hà nổi cơn giận dữ, "Con bé này. Mau đứng dậy. Nhanh." Ông hét lên, "Đứng dậy. Nhanh."

Vịn tay vào bức tường, Du đu người đứng lên. Cô không sợ, không khóc, vì cô đã trả lời rằng, 'không nghĩ là mình đã làm gì sai'.

"Tại sao, con lại hành xử như vậy?"

"Vì thực tế, đó là sự thật!"

Ông hét lên, "Vậy con nghĩ, người đang chăm sóc con, giặt giũ áo quần và lo cơm nước mỗi ngày cho con là ai chứ?"

Ngẩng cao đầu, ánh mắt Du khóa lấy ánh mắt của bố Hà, "Thưa bố, là dì ghẻ!"

Bà Hạnh choáng váng.

Là mụ ghẻ.

Cơn thịnh nộ bùng nổ trong ông. Cán chổi thứ hai giáng xuống người Du, và cô lại ngã gục xuống. "Mau đứng lên cho ta. Con nhỏ hỗn láo này. Mau đứng lên!"

Dù vết thương có đau tái tê giữa cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông thì Du vẫn sẽ ngẩng cao đầu. Và côm lại lồm cồm đứng dậy.

"Con còn dám có những suy nghĩ bẩn thỉu như vậy? Tại sao?"

"Vì bố từng nói, bố sẽ mang mẹ về cho con. Nhưng mẹ của con đâu, thưa bố? Đó không phải là mẹ, mà là một mụ ghẻ!"

Những cán chổi tới tấp táp xuống cơ thể Du. Những gì Du vừa tuyên bố là những vết chém rất sâu, rất mạnh vào cả hai tâm hồn vốn đã bị tổn thương sâu sắc.

"Không những bố nói dối con, mà sau cái mùa hè tồi tệ ấy, đã một lần bố xin lỗi con vì đã đưa một người khác về nhà và yêu cầu con xưng hô một điều mẹ hai điều con? Hay cả cái mùa đông rét mướt chết tiệt này, đã một lần nào như những năm trước, bố ôm con hay cõng con lên chân đồi phía sau nhà máy than chỉ để hái nấm vào những ngày nắng lên?"

Ông Hà sững người. Mắt ông ướt nước. Ông nhanh chóng bỏ đi với nỗi đau dài.

Chỉ còn những tiếng khóc nức nở,

Của bà Hạnh,

Và của Du nữa...

{ { {

Đêm đông rét mướt, từng đợt gió lạnh căm căm lùa qua ô cửa sổ. Du co mình trên tấm nệm dày. Du khóc.
Du không nhận phần sai về mình. Du đổ lỗi tất cả là tại bố Hà. Du trách số phận đã áp đặt và rót những nỗi đau đắng đót lên mình. Du đau đớn.

Quá nửa đêm, vẫn là ô cửa sổ - nơi nương tựa suy nhất của Du, cô ngồi lên trên bệ, hà hít vị không khí lạnh lẽo có phần ẩm mốc, và đón nhận những đợt gió lạnh cắt da cắt thịt táp vào khuôn mặt mình. Du hành hạ bản thân. Du muốn mình bị thương tổn và đau đớn hơn nữa.

Và khi đã tái tê đi vì lạnh, vì gió, vì mưa, khóe mắt Du mới hé mở nhìn về phía khoảng không.

Một hình ảnh lờ mờ như vệt trắng đung đưa trước mắt Du...? Là vì Du đã hoa mắt, hay cũng là vì có ai đó đang cất giấu nỗi buồn bằng cách tự làm khó bản thân?

Du dụi dụi mắt để chắc rằng những gì mình nhìn thấy không phải ảo ảnh. Và... người đó cười với Du – một nụ cười sáng bừng trong đêm đông lạnh lẽo.

"Là học sinh mới!" Du lẩm bẩm trước sự thật không thể chối cãi này.

"Không phải! Là Lê Nhất Thành!"

Du gắt gỏng, "Tên dở hơi! Sao đêm hôm thế này mà còn ở đó dọa ma. Nhưng...? Du ngập ngừng, "Không lẽ cậu sống ở nhà bên cạnh?"

Thành gật đầu, "Nhà mới của tớ đấy! Nhưng mà chẳng biết ai dở hơi hơn ai nhé. Nửa đêm nửa hôm có đứa ra ngồi ôm cửa sổ và khóc lóc."

Du giật mình. Không lẽ, cậu ta đã nhìn thấy hết, nghe thấy hết rồi sao? Du ngu ngốc hỏi, "Cậu theo dõi tôi?"

Thành chỉ cười giả lả.

"Cậu theo dõi tôi?" Du gắt lên, "Ôi! Cái tên học sinh mới đáng ghét này!"

"Phải! Là tôi đã theo dõi cậu đấy, thì sao nào?" Thành lên giọng thách thức, "Nhân tiện đây, tôi cho Du hay, cậu không chỉ có thêm một học sinh mới đâu, mà còn có thêm một người hàng xóm mới nữa đấy!"

Du chỉ cảm thấy chuyện này rất nực cười. Xưa nay, Du vốn chỉ thích một mình, Du chẳng bao giờ nghĩ đến khái niệm bạn bè hay hàng xóm. "Chúng ta sẽ không làm bạn đâu! Đừng có mơ tưởng nữa đi!"

Và Du thu người lại. Nhưng trước khi cánh cửa được khép, giọng nói 'rất Hà Nội' của Thành lại vọng qua, "Từ từ đã, rốt cuộc là có chuyện gì mà Du khóc to thế? Lại còn khóc sướt mướt hết gần buổi tối nữa!"

Nhoài hẳn người ra ngoài cửa sổ, Du đã định bụng sẽ hét lên nhưng khi nhận ra nét mặt Thanh không có gì là ghẹo trêu kiểu 'đứa không có mẹ', cô lại bặm môi không biết phải nói gì?

"Cậu đã nghe thấy hết mọi chuyện rồi ạ?" Du lẳng lặng hỏi nhỏ.

Thành lắc đầu, "Cũng chỉ một chút thôi. Nhưng có gì mà phải buồn bã đến mức làm khổ bản thân thế này!"

"Đến đây thì không còn chuyện của cậu nữa rồi," Du cảnh cáo, "Và khi lên lớp, tôi mong là cậu đừng hùa theo đám bạn buôn chuyện để ba hoa về gia cảnh của người khác. Chúc ngủ ngon."
"Khoan đã!" Thành vội kêu lên, "Du nhận lấy đi."

Du bắt lấy chiếc máy bay giấy và trong đầu thoáng nghĩ ngay đến việc sẽ bỏ vào sọt rác. Nhưng Thành vẫn kịp dặn dò thêm câu cuối cùng, "Du phải đọc đấy! Và chúc Du ngủ ngon!"

Du nhún vai. Cô gỡ chiếc máy bay giấy một cách cẩn thận. Trong ánh điện mờ, những dòng chữ màu mực tím nghiêng nghiêng trước tầm nhìn của cô.

"Đề bài: Viết về người mẹ cùng những hi sinh to lớn mà bà đã dành cho con cái."

"Bài làm: Thưa cô, em sống cùng với dì ghẻ. Mà dì ghẻ thì không được coi là mẹ, đúng không ạ? Vậy mong cô đồng ý cho em kết thúc bài làm của mình."

"Lời phê bình của giáo viên: Thành – học sinh mới của lớp 5A, cô và em sẽ có buổi nói chuyện sau giờ học nhé!"

Du nhoài người ra ngoài ô cửa sổ. Cô không chắc mình cần phải nói gì, nhưng ít nhất cô muốn nhìn thấy khuôn mặt cậu ta vào lúc này.

Phía sân thượng nhà bên trống vắng người. Cánh cửa nối liền hướng ra cũng đã khép lại. Du không biết nên khóc cho số phận, hay cười thật to để giả vờ bản thân rằng mình đã có thêm đồng minh trong hoàn cảnh bất hạnh như thế.

Quỳ gối dưới sân nhà, Du khóc thút thít...

Những con chữ màu mực tím nghiêng nghiêng lại hằn lên trong tâm trí cô...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net