Kiểm tra GK2 ĐTQG 11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của việc học hỏi không ngừng trong cuộc sống.

1. Mở đoạn: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận

2. Thân đoạn:

- Học hỏi không ngừng chính là việc ta miệt mài, chăm chỉ trau dồi, tìm tòi và nghiên cứu kiến thức về một lĩnh vực, một kỹ năng... Học hỏi không ngừng còn là quá trình ta dấn thân kiếm tìm, lĩnh hội tri thức về cuộc sống xung quanh, sao cho ta không chỉ biết, không chỉ hiểu mà còn thấu tường tận mọi ngõ ngách những vấn đề hiện hữu ở đời.

* Biểu hiện:

- Học hỏi không ngừng là khi ta luôn cố gắng, nỗ lực học tập, tìm kiếm tri thức một cách say mê, chẳng thể dừng lại được và ở bất kì nơi đâu; Học hỏi không ngừng là khi ta tự đốc thúc chính bản thân mình phấn đấu, tự ý thức về việc học của mình, không để người khác phải nhắc nhở... Học hỏi không ngừng là biểu hiện của sự say mê, hứng thú, mong muốn giải đáp những thắc mắc, băn khoăn, suy tư của bản thân về một hay nhiều vấn đề trong cuộc sống hoặc muốn hoàn thiện chính mình.

* Vai trò của việc không ngừng học hỏi:

- Việc học hỏi không ngừng sẽ giúp cho chúng ta thể nghiệm được những tri thức phong phú, mới mẻ trong cuộc sống. Học tập không ngơi nghỉ là cách ta tự làm giàu đời sống tinh thần, tri thức của bản thân.

- Muốn nâng tầm, nâng chất chính ta, học hỏi là phương cách hữu hiệu nhất. Học hỏi không ngừng cải thiện tư duy ta, giúp ta suy nghĩ thấu đáo, nhạy bén ứng biến trước bất kì tình huống nào xảy đến. Việc được thể nghiệm những tri thức độc đáo, thực sự có giá trị, sẽ hình thành sự khôn ngoan và tiến bộ trong ta. Việc không ngừng học tập là chiếc chìa khóa mở ra trước mắt ta cánh cửa của sự thành công.

- Một người có vốn hiểu biết phong phú, có kỹ năng sống sẽ trở thành đối tượng được xã hội trọng dụng, mọi người quý trọng. Xã hội liên tục thay đổi, những ai biết tự "cập nhật", "nâng cấp" chính bản thân mình chính là vốn liếng, nguyên khí của quốc gia.

- Việc không ngừng tìm tòi, học hỏi những tri thức được đúc kết từ cả một quá trình dày công nghiên cứu của những người đi trước không chỉ là trang bị cho ta một nền tảng vững chắc mà về sau còn giúp ta phát hiện thêm nhiều điều mới lạ, hình thành trong ta sự sáng tạo.

- Dẫn chứng:

+ "Cụ" sinh viên Hoàng Ân sinh năm 1933 vẫn miệt mài đi học, mặc tuổi tác đã cao.

+ Để viết được tập tùy bút "Sông đà" thành công vang dội nhà văn Nguyễn Tuân đã phải trải qua quá trình đào luyện, học tập không ngừng nghỉ. Ông không chỉ hòa mình vào đại cuộc để có những trải nghiệm thực tế ở núi rừng Tây Bắc mà ông còn liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực từ quân sự, bóng đá đến cả điện ảnh chỉ để tái hiện một cách chân thực nhất về hình ảnh của con sông Đà, về con người nơi rừng thiêng nước độc.

* Mở rộng – Phản đề:

- Dù việc học hỏi không ngừng mang đến cho ta nhiều giá trị và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống nhưng không ít cá nhân vẫn chưa thực sự nhận thức được điều đó. Đây là thực trạng đáng buồn và ta cần rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh.

- Việc học hỏi không ngừng phải có sự phối hợp hài hòa giữa "học" và "hành". Suy cho cùng "mọi lý thuyết đều là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi".

- Khi nghiên cứu học tập, ta phải biết chọn lọc kiến thức. Bởi không phải nguồn tài liệu nào, kiến thức nào cũng đúng, cũng thực sự chuẩn xác, đôi khi có sự sai lệch ẩn hiện đâu đó trong tài liệu mà ta phải thực sự tỉnh táo, sáng suốt, có sự soi chiếu để tránh việc tiếp thu "rác". Và để làm được điều ấy, ta phải có kiến thức cơ bản về những gì ta tìm hiểu.

3. Kết đoạn:

Tựu trung lại, việc học hỏi không ngừng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Vì thế, mỗi chúng ta phải ra sức phấn đấu, nỗ lực học tập, xây dựng cho bản thân một nền tảng kiến thức có thể không phong phú, đa dạng nhưng phải vững vàng, phải chắc chắn... Và muốn bản thân giỏi giang, thông thạo chỉ có một con đường duy nhất là "học nữa, học mãi"...

( Dàn ý ban đầu của mình )


Còn đây là bài làm chính thức sau khi đọc xong quyển Dưỡng tâm giàu có, dưỡng thân nghèo khó.

Bài NLVH 

Phân tích khổ thơ cuối Tràng Giang.

Nhà thơ Gaxum Gamazatop từng tuyên thệ: "Thơ ca nếu không có người tôi đã mồ côi". Từ thuở khai thiên lập địa, thơ ca tựa như người mẹ hiền chở che và nuôi nấng tâm hồn cho biết bao người con. Người mẹ thơ ca dịu hiền mang đến cho lòng người một lối thoát của cảm xúc. Tìm đến những áng thi ca, ta như tìm đến một tiểu vũ trụ của tâm hồn. Ở tiểu vụ trụ ấy, những gì thẳm sâu trong mỗi con người như được giải phóng, như được tỏ bày, như được sẻ chia và đồng cảm. Bởi thế, thi sĩ Phùng Quán dõng dạc khẳng định: "Có những phút ngã lòng – Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy". Và đau đớn lòng trước cảnh nước mất nhà tan, vận nước lòng nguy mà bản thân lại lực bất tòng tâm, Huy Cận đã thả hồn mình vào "Tràng giang" – nơi đeo đậu của những tâm hồn lạc lõng, bơ vơ, vô định giữa thế cuộc, để gửi gắm nỗi đau đời của chính mình... Người đã dùng câu chữ để vá lấp những vết thương lòng đương hở toang và rỉ máu. Và khổ cuối của thi phẩm "Tràng giang" đã thể hiện một cách sâu sắc "thập phần khổ lụy tinh thần" thi nhân đang gánh vác:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Thi phẩm "Tràng giang" được thi sĩ Huy Cận -"người đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á", chấp bút sáng tác vào năm 1939. Khi ngắm nhìn cảnh sông Hồng mênh mang, bao la, bất giác, lòng thi nhân dâng trào xúc cảm, ấy là cảm xúc, là niềm ưu tư, trăn trở được nỗi buồn da diết bao trùm. Để rồi, chính từ giây phút cảm xúc đương mãnh liệt, Huy Cận đã thai nghén và sinh thành nên một áng thơ đượm buồn kiệt xuất mang tên "Tràng giang". Sở dĩ, nhà thơ chọn hai chữ "Tràng giang" mà chẳng phải là "Trường giang" đều có dụng ý nghệ thuật cả. Bởi lẽ, với từ "Tràng giang" thì nỗi buồn – mạch cảm xúc chính của thi phẩm, sẽ được nhân lên gấp bội. Nhờ vào vần "ang" đi liền sát nhau đã tạo nên dư âm vang xa, gợi âm hưởng thật trầm lắng, mênh mang và lan tỏa. Nỗi buồn của thi nhân như vang ngân giữa một khoảng trời mênh mông, bát ngát. Đồng thời, với đôi vần "ang" được sử dụng càng tô đậm sự bao la vô cùng tận của dòng sông. Giữa đất trời rộng lớn kia, chao ôi là buồn, là cô độc khôn xiết...Tâm tư của một tri thức yêu nước nhưng lực bất tòng tâm trước thời cuộc như ta, tha nhân liệu có thấu cảm? Hay chỉ một mình ta cảm thấu?

Mở đầu bài thơ là câu thơ đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" đã bạn đọc cảm nhận được sự u uất, vô định nơi tâm hồn của kẻ tri thức yêu nước. Lúc bấy giờ, trong tâm tư chàng ta như rơi vào bể hồ nghi, băn khoăn, trăn trở "Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước" và rồi người trai đau đớn lòng nhận ra "Củi một cành khô lạc mấy dòng". Với đảo ngữ "Bâng khuâng" sự vô định, lạc lõng và bơ vơ ấy càng được biểu lộ rõ nét. Và giữa sự mênh mông của đất – trời, thi nhân đã nỗ lực để kéo gần khoảng cách rộng lớn, thu hẹp lại sự cách trở và xa xôi vô ngần giữa "trời rộng" "sông dài" bằng nỗi nhớ. Nhưng con người quá bé nhỏ, nỗi nhớ kia dù có mênh mang, tha thiết cách mấy cũng chẳng thể giúp người trai kéo gần khoảng cách của đất trời, để trời đất thôi rộng lớn, nỗi buồn thôi bao la. Có lẽ, mơ ước kia muôn đời bất thành ở thực tại do vậy thi nhân mới gói ghém gửi vào từng câu chữ trên trang viết. Chỉ với một lời đề từ súc tích nhưng đã giúp bạn đọc định hướng được cảm xúc chủ đạo của toàn thi phẩm, mạnh nguồn xúc cảm ấy chính là nỗi bâng khuâng trước không gian bao la rợn ngợp... Qua câu đề từ của bài thơ, còn cho bạn đọc bao không ngừng nghĩ suy và cảm nhận, tuy con người ta nhỏ bé là thế, nhưng mong ước, khát vọng bao giờ cũng phi thường. Nếu Huy Cận mong chắp vá trời đất, kéo gần chúng lại hơn bằng nỗi nhớ thì chàng thi sĩ mộng mơ – Xuân Diệu lại khao khát "tắt nắng", "buộc gió" để lưu giữ những gì tinh túy nhất, tốt đẹp nhất, là hương, là sắc cho cuộc đời (Vội vàng). Có thể thấy, ước nguyện của mỗi thi nhân mỗi khác, những các anh đều gửi gắm vào đấy bằng những cảm xúc với cường độ thật mãnh liệt. Kẻ thì ôm trong lòng nỗi buồn da diết, dai dẳng, lắm lúc cái hồn buồn kia lại bao trùm cả một vùng trời; kẻ lại ôm ấp ủ trong trái tim ấm nóng bao hoài bão, bao mong ước của tuổi trẻ và say đắm với nó cho đến những phút giây cuối cùng. Vốn dĩ, gốc rễ của thi ca muôn đời nay là tình, là cảm xúc. Bởi thế, Diệp Tiếp khẳng định: "Thơ là tiếng lòng" quả chẳng sai. Bước chân vào những vần thơ ta như được phiêu du, trải qua bao cung bậc cảm xúc, có khi chân thực, có lúc lại diệu vợi, xa vời. Đọc thơ ca còn là cách ta làm phong phú, nuôi dưỡng đời sống nội tâm của chính ta...

Nếu những khổ đầu của bài thơ đưa bạn đọc vào miền vô định của một "cõi người mắc cạn" (tên một truyện dài của nhà văn trẻ Hoàng Khánh Duy), chẳng biết đi đâu về đâu, lòng người lại "sầu trăm ngả", lại "lạc mấy dòng" thì đến với khổ cuối của bài thơ, người đọc không chỉ cảm thấy choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ mà còn đau đáu lòng với nỗi "thiếu quê hương", nỗi nhớ về cố quận trong lòng nhà thơ Huy Cận:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Ở khổ thơ này, nhà thơ Huy Cận đã vẽ nên trước mắt bạn đọc một bức tranh thiên nhiên rộng lớn, kì vĩ, tràn đầy sức sống và phảng phất nét đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa"

Chỉ với những hình ảnh cổ điển, ước lệ quen thuộc như "mây", "núi", "cánh chim" nhưng thi nhân lại sử dụng chúng một cách thật tài tình và khéo léo. Ông đã đặt cánh chim bé nhỏ cất đôi cánh mỏi mòn bay giữa một khoảng không gian bao la, kì vĩ và hùng tráng với "lớp lớp mây cao đùn núi bạc". Chính việc vận dụng những hình ảnh tương phản này, đã giúp cho thi nhân lột tả và biểu lộ nỗi cô đơn, quạnh hiu đến cùng cực nơi cõi lòng mình. Đứng giữa mênh mông đất trời, con người quá đỗi bé nhỏ nhưng nỗi cô đơn, sự đơn độc ngự trị trong chính ta đôi khi lại bao trùm lên cả trời đất.

Nếu như chàng thi sĩ "hiền hậu và say mê, với mái tóc như mây vương trên đài trán thơ ngây" – Xuân Diệu mang trong lòng mình một nỗi ám ảnh về thời gian, đau đớn lòng trước sự chảy trôi không ngừng của năm tháng thì Huy Cận – người "triền miên trong cảnh xưa" lại ôm vào lòng một nỗi khắc khoải khôn nguôi về không gian. Bởi thế, những trang thơ của thi nhân dù trước hay sau Cách Mạng Tháng Tám vẫn gợi lên trong tâm trí độc giả về một vùng trời, một miền không gian nghệ thuật hết sức rộng lớn, tráng lệ và bao la vô cùng tận. Thi sĩ luôn hướng mắt nhìn về những khung cảnh trác tuyệt và vĩ đại. Thả hồn vào những vần thơ ông viết, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được thiết lập nơi miền tâm tưởng của ta, khi nhìn xuống, ta bắt gặp mênh mông tràng giang, sóng nước gợn trùng trùng điệp điệp tựa như những làn sóng của nỗi buồn vỗ từng đợt vào cõi lòng người nghệ sĩ, và rồi khi ta ngước nhìn lên cao, ta choáng ngợp với cảnh những đám mây ngồn ngộn lớp lớp "đùn núi bạc". Phía xa kia, không chỉ có những hòn núi được ánh hoàng hôn chiếu vào như dát bạc mà còn có những núi mây được tạo thành từ lớp lớp mây trắng. Hơn nữa, với động từ "đùn", nhà thơ còn tạo nên ấn tượng sâu sắc với độc giả về sự vận động, phát triển không ngừng từ bên trong của thiên nhiên đất trời. Phải có trí tưởng tượng phong phú, có trực giác nghệ thuật thật nhạy bén và có tài năng biểu hiện, nhà thơ Huy Cận mới tạo nên những liên tưởng hết sức độc đáo như thế.

Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu ta vô tình bỏ qua chi tiết "Chim nghiêng cánh nhỏ". Để tạo thêm sự bao la, mênh mang của không gian, thi nhân đã điểm xuyết thêm hình ảnh của một cánh chim bé nhỏ, bay mỏi mòn về phía chân trời xa xăm. Hình ảnh cánh chim không chỉ gợi thời gian, báo hiệu với ta: "bóng chiều sa" mà hình ảnh này còn cho ta cảm nhận được sự cô đơn, bơ vơ và lạc lối của hồn người. Cả bầu trời như đè nặng lên đôi cánh chim bé nhỏ thế nhưng nó vẫn mãi bay về nơi xa dù chẳng biết là về đâu... Huy Cận đương khi ấy cũng vậy. Là một trí thức yêu nước, thi nhân mang trong mình biết bao ước mơ khát vọng của tuổi hai mươi, song lại mất đi phương hướng giữa cuộc đời, bất khả kháng trước thế cuộc. Và ở độ tuổi tưởng chừng như đẹp nhất đời người kia hóa ra lại buồn thảm nhất, "còn tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi" (trích trong "Thi nhân Việt Nam") . Do vậy, nhà thơ mới neo đậu hồn buồn của mình nơi "Tràng giang".

Mọi cảm xúc của con người đều có nguyên do khởi phát của nó. Không đơn thuần vì ngắm cảnh mà lòng thi nhân nảy sinh xúc cảm. Vốn là kẻ mang trong mình nhiều mơ ước hoài bão, khát vọng của một trí thức trẻ hết mực yêu nước, yêu nhân dân, ấy vậy sự đời trớ trêu, cảnh huống éo le nên chàng Huy Cận ôm trong mình nỗi sầu u uất. U uất vì chứng kiến cảnh nước mất nhà tan nhưng chẳng thể đủ sức lực để "Trí chúa hữu hoài phù địa trục" ("Cảm hoài" – Đặng Dung); u uất vì đứng trên mảnh đất quê hương nhưng sâu tận tâm can người trai trẻ lại cảm thấy "thiếu quê hương"... Phải chăng vì yêu quê hương, yêu dáng hình xứ sở mà nỗi u uất kia mới hình thành trong nhà thơ ? Hai câu thơ cuối của thi phẩm đã thể hiện cho nỗi tâm tình thực sự của thi nhân. Sau bao lớp ngụy trang mang tên "nỗi buồn", giờ đây tâm tư, nỗi niềm thi nhân như bộc phát, không thể kiềm nén lại được nữa dù chỉ trong một phút giây:

"Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"

Lòng đã mang nỗi u hoài, nay đứng giữa cảnh giang sơn hùng vĩ, thi nhân càng cảm thấy lòng thành một cõi trơ trọi, điêu tàn, buồn xác xơ. Ngước nhìn ngắm núi non, thi nhân hãy còn nhỏ bé, lòng người hãy còn rợn ngợp một nỗi cô đơn điệp điệp trùng trùng. Ngắm nhìn sự chuyển động của dòng "Tràng giang", sóng giữa dòng trong phút chốc thành sóng giữa lòng người. Thẳm sâu nơi tâm hồn của kẻ đã héo úa vì đau đáu một nỗi "thiếu quê hương" kia, nay lại phải chịu thêm từng đợt sóng lòng tác động. Chàng Huy Cận đã buồn đương khi ấy càng sầu não và man mác buồn thêm. Trong thi nhân khi ấy không gì tâm trạng người ủ dột thêm khi "Lòng quê dợn dợn vời con nước". Với từ láy "dợn dợn" nỗi niềm chất chứa nơi nhà thơ hiển hiện một cách khéo léo, hết sức trên trang viết. Lúc này sóng chẳng gợn "buồn điệp điệp" thay vào đó "dợn dợn vời con nước". "Lòng quê" trong thi nhân lúc nào cũng âm ỉ, cũng "dợn dợn", nó cứ tăng lên mãi và ta sẽ chẳng bao giờ đón định được nó sẽ dứt khi nào cả. Ta chỉ một điều rằng, ngày nào người còn sống ngày ấy nỗi niềm kia hãy còn trăn trở. Thậm chí, ngày người rời xa chốn trần thế, tâm sự kia hãy còn được tha nhân nhắc mãi... Bởi người đã bất tử hóa chúng trong những trang thơ, do đó, chỉ khi nào cả thảy nhân loại chẳng còn tồn tại, lúc đấy, nỗi niềm kia mới thôi chấm dứt.

Men theo cảm xúc được khơi gợi từ hai tiếng "lòng quê", độc giả sẽ thêm phần ấn tượng, xúc động trước tình yêu quê hương thắm thiết, sâu nặng của thi nhân khi đọc câu thơ cuối: "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Xưa Thôi Hiệu phải vịn vào ngoại cảnh, nương nhờ hồn mình nơi khói sóng để mà thương, mà nhớ chốn nước non hữu tình, để rồi cảm hứng tức thì, ông chấp bút: "Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?" Phải nhờ vào khói sóng mà bóng hình quê hưởng mới được khơi gợi, ông mới nhớ một thoáng quê hương đã "khuất bóng hoàng hôn". Nhưng nay Huy Cận đâu cần nương nhờ vào ngoại cảnh, đâu cần phải neo đậu hồn mình trong cảnh vật để mà nhớ, mà thương quê hương đất nước "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Hồn thơ thi nhân thả vào giữa cõi, giữa đất trời, nó vô định, phảng phất, không bám, không víu vào bất kì điểm tựa ngoại cảnh nào. Với Huy Cận, lòng người chỉ có một điểm tựa tinh thần duy nhất là "lòng quê", là nỗi "nhớ nhà". Chính những cảm xúc ấy đã níu giữ cái hồn buồn Á Đông kia, để nó không phải chịu kiếp "Cõi người mắc cạn"... Mượn tứ thơ cổ, Huy Cận đã đẩy cảm xúc lên một cấp độ cao hơn: chẳng cần đến "khói sóng", dáng hình xứ sở vẫn hiển hiện một cách rõ ràng, thi nhân vẫn "nhớ nhà". Bởi chúng đã ăn sâu vào tận tiềm thức của nhà thơ. Có thể thấy, cảm xúc vô đinh của "Tràng giang" cũng đã tìm được về nơi neo đậu, đó là chốn quê hương của mỗi tâm hồn...

Tựu trung lại, chỉ với bốn câu thơ nhưng tác giả lại thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình một cách sâu sắc và rõ nét. Đó là những trang viết như trải lòng mình của thi nhân, nói đúng hơn là một chàng trai trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ, trước những biến thiên, thâm trầm của thời đại. Nhờ vào sự tài tình trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật; khéo léo sắp xếp, chắt lọc từ ngữ, đã giúp cho thi nhân làm nổi bật lên giá trị nội dung, tư tưởng, những triết lý nhân sinh thẳm sâu được nhà thơ gửi gắm trong từng câu, từng chữ. Và khổ thơ cuối cùng của thi phẩm đã nhấn mạnh cảm xúc toàn bài, tạo thành một chuỗi cảm xúc tưởng như sẽ mãi buồn man mác, sẽ mãi vô định, hóa ra miền xúc cảm kia lại có một điểm tựa tinh thần, một trụ đỡ tinh thần hết sức vững vàng mang tên là "nhớ nhà", "lòng quê"...

"Tràng giang" là bài thơ tuyệt bút tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận thời tiền chiến. Các chi tiết nghệ thuật được chọn lọc tinh tế. Ngôn ngữ hàm súc cổ điển. Cảnh đẹp mà buồn. Cành củi khô, bèo dạt... đầy ám ảnh, mở ra một liên tưởng đầy màu sắc suy tưởng. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của khách li hương tạo nên chất thơ, hồn thơ đẹp, để "Tràng giang" thấm sâu vào lòng người, trở thành "một bài thơ ca hát non sông, đất nước" như Xuân Diệu đã từng nhận xét.

( Bài viết được thực hiện bởi Lê Thị Nhã My - HS Lớp Chuyên Vật Lý khóa 32 )


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#văn10