TÂY TIẾN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CẢM NHẬN TẤT TẦN TẬT BÀI THƠ "TÂY TIẾN"

​Đoạn 1: Thiên nhiên miền Tây nơi đoàn quân Tây Tiến đi qua vừa hoang sơ, dữ dội vừa lãng mạn, trữ tình, làm êm dịu tâm hồn người chiến sĩ
- Khúc dạo đầu trong bài thơ “Tây Tiến” là nỗi nhớ “chơi vơi” thiết tha, quyến luyến, lắng sâu trong tâm hồn:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Hai dòng thơ đã thâu tóm cảm xúc chủ đạo mà Quang Dũng triển khai ở toàn bài thơ: thời Tây Tiến máu lửa, oai hùng đã trôi qua, giờ đây chỉ còn là kỉ niệm đọng lại trong lòng Quang Dũng – một người lính từng dấn thân vào Trung đoàn 52 – Tây Tiến. Cảm xúc ấy bấy giờ được thi sĩ gọi tên thành “nhớ chơi vơi” (một nỗi nhớ nhẹ nhàng mà lắng sâu, chiếm trọn không gian, chiếm trọn thời gian, chiếm cả tâm hồn người chiến sĩ trên bước đường chiến đấu).
Nỗi nhớ đơn vị cũ trào dâng, không kìm nén nỗi đã thốt lên thành tiếng gọi thân thương, da diết: “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!”. Kiểu câu cảm thán này đã bộc lộ sự tiếc nuối của nhà thơ khi phải rời xa đoàn quân Tây tiến. Hình ảnh “sông Mã” thân thương đã cùng chia sẻ vui buồn và nhớ thương trong cuộc đời người lính. “Rừng núi” yêu thương in đậm dấu chân hành quân trong những lần chiến đấu. Tất cả nay đã lùi xa vào dĩ vãng, cuộc hành binh quả cảm năm nào đã đi qua, kí ức hiện về trong cõi nhớ.
- Sau khúc dạo đầu ấy là tất cả những kỉ niệm thời Tây Tiến hiện về trong nỗi nhớ trên mang màu sắc lung linh, đẹp lạ kì. Kỉ niệm một thời chinh chiến với dòng sông Mã yêu thương và khoảng trời miền Tây cứ lũ lượt hiện về.
Hình ảnh:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
diễn tả một thiên nhiên vừa khắc nghiệt, vừa thử thách người lính. Ở câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”, chỉ vài nét chấm phá, Quang Dũng cho ta tưởng tượng ra cảnh người chiến binh phải đi giữa núi rừng mờ sương dày đặc, thăm thẳm lạnh lẽo, che lấp cả dáng người chiến sĩ trên đường hành quân. Hai từ: “sương lấp” diễn tả hiện thực khắc nghiệt của tiết trời Tây Bắc, sương giăng mịt mờ, người lính khó nhọc, vất vả lắm mới vượt qua được đoạn đường mù sương ngang bản Sài Khao xa xôi, heo hút. Câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” lại là một nét vẽ hoàn toàn khác. Cũng có khi thiên nhiên Tây Bắc êm dịu và say đắm lòng người bởi hình ảnh những bông hoa rừng trắng muốt ẩn hiện trong đêm. Một khía cạnh khác, khi nhìn vào hiện thực cuộc sống và chiến đấu gian khổ, ta có thể hiểu rằng người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân tuy mệt mỏi, nhọc nhằn nhưng vẫn không nao lòng chùng bước, anh vẫn đi thấp thoáng trong sương đêm, những ánh đuốc soi đường đẹp tựa “hoa về trong đêm hơi”. Dù hiểu theo cách nào thì điều quan trọng cần nói đến chính vẻ đẹp thi vị, trữ tình của cuộc sống, chiến đấu nơi núi rừng Tây Bắc.
Đoàn quân Tây Tiến cứ đi, đêm nối đêm, ngày nối ngày, dãi dầu trong những khó khăn gian khổ. Những dòng thơ tiếp là bằng chứng về “Thi trung hữu họa” (trong thơ có hội họa) – một đặc trưng quen thuộc của thơ ca trung đại Việt Nam được Quang Dũng kế thừa và phát huy trong bài thơ của mình. Bốn dòng thơ tiếp Quang Dũng đã vẽ ra một bức tranh hiểm trở, dữ dội, khúc khuỷu của cung đường Tây Tiến và núi trời Tây Bắc hoang vu:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Đọc những dòng thơ này, ta thấy trước mắt hình ảnh những con dốc khúc khuỷu, gập ghềnh, cao ngút trời và thẳm thẳm. Quang Dũng đã khéo léo sử dụng những từ ngữ giàu chất tạo hình: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “cồn mây”, “súng ngửi trời”, diễn tả thành công độ cao của núi đồi Tây Bắc. Những ngọn núi cao chót vót, đường lên núi lại khúc khuỷu, gập ghềnh; hình ảnh người lính leo trên đỉnh núi trông thật vất vả, hiểm nguy. Bóng dáng họ nhạt nhòa hẳn đi như đang leo trong mây mù giăng lối. Song, bên cạnh sự vất vả, cực nhọc ấy chính là dáng dấp oai hùng, dũng cảm, hiên ngang của người lính. Nếu ví bốn dòng thơ này là một bức tranh thì hình ảnh người lính Tây Tiến đang leo lên đỉnh núi, mũi súng trên lưng ngước lên “ngửi trời” là nhân vật trung tâm trong bức tranh thơ. Quang Dũng sử dụng cách nói “súng ngửi trời” – một cách nói bông đùa, hóm hỉnh, vừa diễn tả sự mạnh mẽ, vừa bộc lộ nét tinh nghịch của người lính Tây Tiến trẻ trung, sôi nổi, yêu đời. Nghệ thuật đối được Quang Dũng sử dụng với dụng ý sâu sắc: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, câu thơ như bị bẻ, gợi tả sự hiểm trở của dốc núi miền cao. Bút pháp tương phản gân guốc làm nổi bật tính tạo hình của ngôn từ nghệ thuật. Câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” với những thanh bằng nhẹ nhàng, ngang nhau, gợi mở một không gian xa rộng dưới tầm mắt người lính: qua mịt mù sương rừng mưa núi, thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào miền cao bồng bềnh trong mưa như trong biển nước.
Tây Bắc về chiều càng hoang dã, dữ dội. Vẻ bí hiểm chốn rừng thiêng gói gọn trong hai dòng thơ mà độ mở của nó thật sâu xa, vừa gợi tả theo thời gian, vừa mở ra theo chiều không gian:
Chiều chiều oai linh thách gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Âm thanh dữ dội của tiếng mưa nguồn thác lũ “gầm thét” vào mỗi buổi chiều, tiếng cọp rống trên rừng Mường Hịch mỗi lúc đêm về thật đáng sợ. Thiên tai và thú dữ luôn rình rập và đe dọa sự sống cho đồng bào nơi đây.
Nhớ về đồng đội, nhà thơ không né tránh hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà rất nó rất thẳng. Đây là nét mới của thơ ca Việt Nam thời chống Pháp, bởi lẽ cùng thời với Quang Dũng, rất nhiều nhà thơ đã ngại ngần khi nói đến cái hiện thực xót xa, khốc liệt đó, tránh gây chùn bước người chiến sĩ trên đường ra mặt trận. Quang Dũng viết:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Những cuộc hành quân dãi dầu gian khó, sự thiếu thốn đã vắt kiệt sức người lính, không ít người đã ngã xuống. Với biện pháp nói giảm “bỏ quên đời”, Quang Dũng không chỉ làm vơi đi cảm giác đau thương bi lụy mà còn làm tăng tính chất thanh thản của cuộc hi sinh vì nước, vì lí tưởng cao đẹp của một thời đại hào hùng, bất khuất. Giọng thơ vừa xót xa, vừa ngang tàng cứng rắn là nét bi tráng của bài thơ “Tây Tiến”. Từ đây, một hành trình Tây Tiến đã hiện ra: vất vả, gian khổ và đầy thử thách, nhưng người lính Tây Tiến đã vượt qua với tinh thần trẻ trung, lạc quan, dũng cảm, hào hùng.
Cuối đoạn thơ là câu thơ với âm điệu thơ êm ái, đầm ấm, gợi ra một cảnh tượng đẹp và nồng ấm tình ngời, tình đồng bào sâu nặng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Đoạn 2: Hình ảnh thiên nhiên và sinh hoạt của con người miền Tây Bắc
- Ở đoạn này, tác giả đã sử dụng những đường nét mềm mại và đặc biệt tinh tế. Qua nét vẽ tài hoa ấy, người lính như bừng tỉnh trước vẻ đẹp nên họa nên thơ của núi rừng Tây Bắc. Trước hết là đêm liên hoan văn nghệ ấm tình quân dân:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Trong đêm liên hoan văn nghệ có đồng bào địa phương đến góp vui, không khí rộn rã, vui vẻ, cả doanh trại như bừng lên hội đuốc hoa với vũ điệu Lăm Vông và âm nhạc man dại đậm chất núi rừng của người bản xứ. Những người lính trẻ, tâm hồn lãng mạn như bốc men say, ngất ngây, đa tình. Hai chữ “kìa em” thể hiện cái nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa ngạc nhiên, vừa say mê, vừa sung sướng trước vẻ đẹp của thiếu nữ Tây Bắc “xiêm áo tự bao giờ”. Các chàng trai Hà Nội trẻ trung sao không khỏi ngất ngay trước vẻ đẹp say mê, quyến rũ ấy! Tuy nhiên, dựa vào góc độ lịch sử ta vẫn có thể hiểu những câu thơ trên theo một ý nghĩa hoàn toàn khác. Giữa chốn non ngàn thăm thẳm, chiến trường hiểm nguy ấy làm gì có “em xiêm áo” để người lính bốc men say? Để làm vui lòng đồng đội, không ít người đã hóa thân mình thành “em xiêm áo”, vừa mang lại tiếng cười trong giây phút ngơi nghỉ hiếm hoi, vừa để thỏa mãn cái khát khao “thèm người” luôn khắc khoải trong tâm hồn người lính.
- Quang Dũng lại nhớ về một Châu Mộc chiều sương. Cảnh sông nước Tây Bắc thơ mộng, hữu tình trong lòng người lính mãi không thể nào quên:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
   Nhớ về một Châu Mộc chiều sương, không gian dòng sông lúc chiều tà mênh mông huyền ảo như giăng như mắc một màu sương. Sông nước bến bờ lặng tờ, hoang dại, những bờ lau phất phơ như cũng có linh hồn. Trên con thuyền độc mộc, vóc dáng thiếu nữ mềm mại, duyên dáng giữa tràng giang sông nước, vẻ đong đưa, tình tứ của những bông hoa rừng… tất cả thả vào thiên nhiên Tây Bắc một vẻ đẹp nên thơ khó quên. Cái chất nhạc, chất họa trong ngôn ngữ như hòa quyện vào nhau (“Thi trung hữu nhạc”, “Thi trung hữu họa”). Nếu bốn dòng thơ đầu đoạn ru ta trong nhạc điệu cất lên say mê từ tâm hồn người lính trẻ thì bốn câu sau là những nét vẽ tài hoa gợi lên cái thần, cái hồn của tạo vật. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Đọc đoạn thơ này, ta như lạc vào thế giới của cái đẹp, của cõi mơ, của âm nhạc” và Xuân Diệu cũng có lí khi nói: “Đọc Tây Tiến, ta có cảm tưởng như ngậm nhạc trong miệng”.
Đoạn 3: Bức tượng đài bi tráng của người lính Tây Tiến
- Bức chân dung người lính Tây tiến hiện ra bằng những nét vẽ khác lạ:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Người lính hiện lên với một diện mạo khác thường: “đoàn binh không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”, hai hình ảnh này chứa đựng một sự thật nghiệt ngã. Căn bệnh sốt rét rừng làm đầu người lính không thể mọc tóc được, da xanh như màu lá ngụy trang. Thế nhưng, đối lập với diện mạo tiều tụy là khí phách oai phong, lẫm liệt ngút trời, vững vàng như hổ như hùm (“dữ oai hùm”), toát lên sức mạnh làm quân thù phải khiếp sợ. Chính cảm hứng lãng mạn giúp tác giả phát hiện ra vẻ đẹp hùng dũng của người lính, thể hiện sự vượt lên và coi thường mọi gian khổ.
- Tâm hồn người lính Tây Tiến có sự đan xen giữa chất tráng sĩ và thi sĩ, nét can trường, bản lĩnh hòa với tâm hồn hào hoa, đa cảm đúng với chất Hà Thành phong nhã:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Ngòi bút Quang Dũng tinh tế, chân thật khi miêu tả nội tâm của những người lính trẻ: vẻ oai phong lẫm liệt không che mờ tâm hồn trẻ trung đúng chất lính của anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu của cuộc chiến chống Pháp, khát vọng cao cả là lập chiến công. Ở đây, người lính Tây Tiến với cái nhìn “trừng” (thẳng thừng, nảy lửa) vào quân giặc, gửi giấc mộng thắng quân thù về bên kia miền biên giới. Điều này chính là khát khao lập công trận để đánh đuổi quân thù, bảo vệ từng tấc đất quê hương của anh bộ đội cụ Hồ thời chống Pháp. Bên cạnh đó là trái tim yêu đương, tâm hồn lãng mạn đa tình của người lính trẻ. Những ngày chiến đấu ở nơi núi rừng xa xôi, thăm thẳm, Hà Nội với những “dáng kiều thơm” (những thiếu nữ yêu kiều diễm lệ Hà Thành) đã để thương để nhớ trong lòng người lính trẻ, tiếp thêm sức mạnh cho anh trong những ngày tháng chiến đấu và đối mặt với hiểm nguy đang kề cận bên mình. Ta hiểu vì sao Quang Dũng lại kết hợp “mộng” với “biên giới”, “mơ” với “dáng kiều”. Thật tinh tế, “mộng” bao giờ cũng lớn lao, vĩ đại hơn “mơ” (dẫu chúng cùng một nghĩa). Quang Dũng tài hoa và ý thức được thời cuộc nên đã đặt giấc mộng lập chiến công, giấc mộng thắng thù lên trên giấc mơ cỏn con về tình yêu lứa đôi riêng tư, sâu kín. 
- Quang Dũng tưởng nhớ về sự hy sinh của đồng đội bằng những câu thơ đậm chất bi tráng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Rải rác nơi biên giới xa xôi, lạnh lẽo những nấm mồ vô danh, không chút khói hương của người lính, những người đã hi sinh, gục ngã trên đường chiến đấu. Cái chết dù sự hi sinh vì nước cũng không thể không gợi lên cảm xúc bi thương, đau đớn, day dứt trong tim người đọc. Câu thơ gợi nhớ đến những dòng xa xót trong bài “Núi đôi” của Vũ Cao:
Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi, em đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Nhưng cái bi thương ấy mờ hẳn đi bởi lí tưởng quên mình vì Tổ quốc, người lính Tây Tiến hiến trọn tuổi thanh xuân của mình bởi trong anh có một bầu máu nóng đầy nhiệt huyết. Đó là lí tưởng cao cả của một thời đại “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mà trên những nẻo đường ra trận thời ấy vẫn vang vang bài ca với những lời ca nồng nàn, nhiệt huyết: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi - Nào có xá chi đâu ngày trở về - Ra đi ra đi bảo toàn sông núi - Ra đi ra đi thà chết không lùi”. Lí tưởng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” khẳng định khí phách của tuổi trẻ một thời không chỉ tự nguyện dấn thân mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng dâng hiến cả sự sống, cả tính mạng của mình vì lí tưởng cứu nước.
- Cuối cùng là giây phút linh thiêng khi vĩnh biệt đồng đội đã hi sinh:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Hình ảnh “áo bào thay chiếu” là hình ảnh tả thực, sự thật người lính ngã xuống, không manh chiếu che thân, phải “về đất” với tấm áo lính đơn sơ, mộc mạc, qua ngòi bút lãng mạn lại trở thành tấm “áo bào” sang trọng, cái chết được thiêng liêng hơn. Cách nói “anh về đất” là cách nói giảm nhằm làm bớt đi cảm giác bi lụy, làm tăng tính chất thanh thản, hào hùng của sự hi sinh vì nghĩa. Người lính ngã xuống là trở về với đất mẹ yêu thương. Sự mất mát lớn lao được thiên nhiên ngưỡng vọng, sông Mã réo gào, gầm thét, tiễn anh về đất mẹ bao dung: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Đó là khúc nhạc bi tráng, núi sông vọng lên tiễn biệt người chiến sĩ.
Đoạn cuối: khúc nhạc êm dịu, lời thề, uyết tâm gắn bó với Tây Tiến. Tây Tiến mãi không vơi trong tâm trí người lính năm nào
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Ai lên Tây Tiến vào “mùa xuân ấy” (mùa xuân năm 1947, lúc đoàn quân thành lập), như gửi cả hồn mình lên Tây Bắc, như gắn bó cả đời với núi rừng và những cung đường đã trải. Đoạn thơ tô đậm không khí chung của một thời đại, với tinh thần cao đẹp: “Nhất khứ bất phục hoàn” (Một đi không trở lại).
HOÀNG KHÁNH DUY.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net