Chương 1: Hương - Lan.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xưa ở làng Thượng nọ thuộc vùng Bố Vệ có nhà thầy đồ kia gọi là đồ Phan, thầy đồ Phan này goá vợ từ sớm, cảnh nhà đơn chiếc chỉ có mỗi đứa con gái hủ hỉ qua ngày. Thường khi mượn việc dạy học cho bọn trẻ làng làm kế sinh nhai, con gái thầy nhờ vậy mà cũng được sách đèn từ nhỏ, đâm ra mến yêu con chữ tự lúc nào chẳng hay.

Nàng là Tích Hương họ Phan, năm nay vừa tới tuổi cập kê, mười bảy trăng tròn sắc vóc thướt tha, mày tầm mắt phượng, khuôn nhan rạng rỡ lại tinh anh. Nghe đâu nhan sắc này hưởng thừa từ thân mẫu, người trước đây từng được mệnh danh là giai nhân Bố Vệ, tiếc rằng hồng nhan thì vốn mệnh định bạc phần, sau khi gả cho chàng thư sinh Phan Hồ chừng mới ba năm thì bà qua đời trong cơn sinh khó, chỉ để lại một Phan Tích Hương kết tinh từ ân tình của đôi phu phụ son trẻ.

Từ dạo ấy trở đi, chàng Phan Hồ gà trống nuôi con, đem hết cả thương yêu hai phần phụ mẫu bù đắp chăm lo cho Tích Hương. Nay ấu thơ qua rồi, thời thiếu nữ thanh tân đã tới, Phan Hồ lại phải lắng lo trăn trở bởi ong vờn bướm lượn chập chờn vườn xuân con trẻ, con gái đã lớn tựa lều đã xuất nôi, sớm thôi rồi cũng tới ngày phải vu quy xuất giá. Và khi ngày đó đến, thầy đồ Phan hằng mong mỏi đấng lang quân của Tích Hương sẽ là bậc quân tử chính nhân, thay ông làm tùng bách chở che cho nàng một kiếp thuyền quyên.

...

Hôm nọ đương tiết Lập Hạ, khí trời hanh khô nóng bức, Phan Tích Hương mặc độc một chiếc yếm đào, khoác ngoài tấm y đối khâm trắng tinh mỏng mảnh đang ngồi trên chỏng tre phe phẩy quạt mo hóng gió thì mắt ngó thấy ngoài bờ giậu có bóng người thấp thoáng thập thò, nàng bèn cất tiếng thanh trong nói với ra rằng:

"Bớ này người đứng lấp ló ngoài kia là ai? Sao rình mò nhà ta thế hở?"

Bị nàng phát giác, người kia đành bước ra lộ diện, vừa phủi phủi vạt áo cho thẳng thóm vừa hô vang:

"Kiến diện Phan tiểu thơ, học trò là Thường Văn đây mà."

"Ồ, hoá ra là Thường Văn công tử đó ư? Hôm nay phụ thân ta đã báo không lên lớp, sao công tử còn đến đây làm chi?"

Thường Văn ấy nghe xong thì vén ống tay áo gãi đầu xấu hổ, cách một khoảng sân Phan Tích Hương không thấy rõ biểu cảm trên mặt chàng, chỉ trông được tà áo trực lĩnh màu ngà ngà của chàng theo gió khẽ phất phơ.

"Thưa với tiểu thơ, Thường Văn sang nhà thầy hôm nay không phải để học, cũng không phải để gặp thầy mà là..."

Đoạn, chàng dường bẽn lẽn, ngắt quãng, rồi lại tiếp.

"...mà là xin phép được gặp tiểu thơ đàm đạo vài câu, bởi lẽ đã mến mộ nàng từ lâu vì tài văn chương lỗi lạc chẳng kém nam nhi, xin tiểu thơ toại nguyện."

Dứt lời, Thường Văn còn chấp tay thành quyền cung kính cúi đầu, tỏ rõ thịnh ý.

Thấy tình cảnh này, Phan Tích Hương cong lên khoé môi thành vầng trăng khuyết, nàng vẫn đều đều phe phẩy mo trong tay, lại hướng Thường Văn chối từ.

"Công tử có lòng, Tích Hương vui mừng khôn xiết, thế nhưng hiện thời thân phụ không ở tại gia. Cô nam quả nữ chúng ta chung đụng một chỗ e rằng vướng mắc đàm tiếu, đành phải hẹn lại chàng dịp khác rồi, xin thứ lỗi cho ta."

Bị giai nhân thẳng thừng từ chối nhưng lý lẽ nàng phân giải cũng không thể làm ai ghét bỏ cho được, quả thật hợp tình hợp lý, chàng chỉ có thể tự trách bản thân quá ư nóng vội.

Thường Văn đành ngậm ngùi bái biệt, chàng lững thững trở gót dời chân mà bụng dạ bất cam.

Đợi chàng khuất lối tít xa, Phan Tích Hương mới đưa quạt lên che miệng bật cười khúc khích, trông dáng bộ tinh nghịch như một chú mèo.

"Ban ngày ban mặt con ngồi một mình mà cười cợt cái gì đó?"

Thình lình có giọng trầm trầm của nam tử cất lên từ đằng sau lưng làm nàng giật bắn mình quay ngoắt lại.

"Ơ...phụ thân?"

"Không là ta thì con nghĩ là ai? Nói ta nghe, con vừa cười cái gì vậy?"

Đứng cạnh chỏng tre là một trung niên nam tử vóc người cao ráo vận áo the đen huyền, đầu đội khăn đống. Gương mặt kia đoán chừng trước đây cũng từng là trang tuấn tú thế nhưng đường nét hiện tại đã không tránh khỏi dấu vết thời gian, chỉ còn lại đôi mắt là trong vắt tinh tường tựa hai vì sao vẫn còn ngời sáng.

Phan Hồ ngồi xuống chỏng vuốt vuốt chòm râu điểm bạc dò hỏi Phan Tích Hương.

"Thưa phụ thân, con cười là cười Thường Văn ngờ ngệch."

"Thường Văn? Trò ấy vừa tới đây à?"

Theo quán tính, thầy đồ Phan bèn ngó ra cổng dòm.

"Vâng, vừa tới, lấp ló đằng sau bờ giậu kia kìa, mà bị con đuổi khéo mất rồi."

Nghe qua hai từ 'đuổi khéo', Phan Hồ có chút phật ý, cau mày nhìn con gái. Phan Tích Hương vội vàng vung mo quạt mát cho phụ thân rồi tươi cười giải thích.

"Thường Văn công tử không tới đây tìm phụ thân, chàng ấy bảo mến mộ tài văn chương của con nên muốn đàm đạo chuyện trò. Con bảo rằng phụ thân không có ở nhà, cô nam quả nữ nhiều điều bất tiện, nên chàng ấy cũng ra về rồi."

Nàng nhún vai, tỏ ra vô tội vô can.

Nghe xong, Phan Hồ bất giác lắc đầu ngán ngẩm, Thường Văn không phải là kẻ duy nhất lợi dụng lúc ông không có ở nhà để dòm ngó Tích Hương, trong vòng hai năm đổ lại đây con gái ông đã phải khéo léo từ chối biết bao nhiêu dê non như vậy rồi.

Ông phải đâu là kẻ ích kỷ cứ giữ khư khư con mình trong tổ ấm, không để nó sải cánh tung bay, có cho mình gia đình riêng rẽ. Chỉ là suốt ngần ấy năm dạy học cho biết bao lớp trẻ ở vùng Bố Vệ này, Phan Hồ chưa từng thấy ai đủ đức tài chí cả để yên tâm cho con mình trao phận gửi thân.

Phải, kể cả học trò do chính ông dạy dỗ cũng không đủ!

"Kìa phụ thân, sao người lại trầm tư rồi? Phải chăng con trẻ lỡ làm gì khiến người buồn giận?"

Phan Tích Hương tựa vai Phan Hồ, ngập ngừng hỏi.

"Con nào có làm gì khiến ta buồn giận đâu, mà ta chỉ là lo lắng cho con, tuổi tròn trăng cũng đã đến lúc dựng vợ gả chồng nhưng xem đi xét lại chẳng có kẻ nào khiến ta yên tâm gả đi con gái."

Đoạn, Phan Tích Hương lại che miệng khúc khích cười, không hề giấu giếm, nàng bèn thổ lộ tâm ý với phụ thân.

"Con gái tuy phận nữ lưu nhưng thiết nghĩ chí hướng không thua nam tử, nay nước ta đã qua cơn chiến loạn, triều đình lại trọng nhân tài. Con không đành bó gối khom lưng vào ra góc vườn xó bếp, mà ý muốn truy cầu học vấn để rạng rỡ tổ tông."

Nữ nhi là do Phan Hồ sanh dưỡng há lại không biết tánh khí con mình, ông vốn thấu tỏ Tích Hương tuy phận quần thoa nhưng ý chí không hề thua kém bất kỳ trang tuấn kiệt nào. Với phẩm chất từ nhỏ được luyện rèn, Phan Hồ không hiếm khi âm thầm suy nghĩ nếu nàng là bậc nam đinh thì ắt hẳn con đường học vấn sẽ càng rộng mở trải dài, quan lộ hanh thông là chuyện không cần bàn cãi, đáng tiếc ý trời lại để con ông là gái phương phi, đành chọn lấy yên bề gia thất.

Phan Hồ nghĩ mà lòng dạ ngậm ngùi, theo làn gió thoảng nhẹ thổi qua mà buông rơi tiếng thở dài.

Dường biết được nỗi ưu tư của phụ thân, Phan Tích Hương bèn mở lời an ủi, lại nhân tiện lần nữa tỏ rõ định hướng đời mình.

"Phụ thân xin chớ bận lòng, như con đã nói triều đình ta trọng người hiền sĩ, lần nọ ra chợ con có nghe các bô lão bảo rằng nơi kinh đô có bà kia là vợ quan phục hầu, bà giữ chức vị học sĩ, làm quan cao cùng đại phu mình đỡ đần cho hoàng thượng. Triều ta đã không thiếu nữ học sĩ, vậy việc con trẻ muốn tiến thân cũng không phải điều kiện quá hoang đường."

Nghe lời Tích Hương phân bày, Phan Hồ thiết nghĩ cũng không sai quấy, vả lại phải chi con mình hư hỏng thì mình răn mình dạy, chớ chi nàng đây là hiếu học cầu tiến, muốn góp tài bồi đắp giang sơn mà mình lại cản lại ngăn ư?

Lại vuốt vuốt chòm râu suy ngẫm, Phan Hồ bấy giờ mông lung với chính những lắng lo hỗn độn về bước đường tương lai của Tích Hương.

Nàng trìu mến ngắm nhìn phụ thân, lòng ngập nỗi thương yêu kính trọng, tuy bảo rằng triều đình trọng nhân tài, nữ học sĩ bổ nhiệm không ít, thế nhưng xét về nhân gian trăm người chưa chắc có một đạt được diễm phúc đó, cư nhiên thiên hạ cũng không thiếu kẻ hữu tài hữu đức lại chẳng gặp thời đành ngậm ngùi vườn tược điền viên.

Phan Tích Hương tinh thông triết lý nhà Nho lại càng tường tận thế đạo nhân sinh, nhưng nàng tự tin nếu Phan Hồ phụ thân đồng ý để mình bước khỏi khuê trung dấn thân quan trường thì chắc chắn Phan Tích Hương sẽ không phụ rẫy ân sinh, nhất định công thành danh toại!

Trên cành lá rũ, mấy con se sẻ chim chíp hót vang như cũng muốn chúc phúc nàng sớm đạt thành ý nguyện. Nắng vàng rọi xuống mái ngói, trải lên vầng nhật quang ấm áp, đem căn nhà vách đất hai gian có phần đơn sơ dường như toả rạng giữa ban trưa, ẩn ẩn tựa đang báo hiệu nơi đây sẽ là khởi đầu đầy hứa hẹn của một trang tài nữ.

...

Chiều buông, Phan Tích Hương xách hai cái bánh nếp than rảo bước đi tới một túp lều tranh ven bờ sông, người chưa đến cửa mà tiếng cười nói đã hô tới trước rồi, làm đánh động thiếu nữ đang ngồi trên mỏm đá nhỏ khâu vá lưới cá.

Vừa trông thấy Phan Tích Hương, thiếu nữ lập tức đứng phắt dậy, bỏ dở dang tấm lưới chưa khâu xong chạy ra đón tiếp, thái độ mừng vui khôn xiết.

"Hương lại ghé thăm đó à? Quý hoá quá."

Thiếu nữ tuy hơi gầy guộc nhưng gương mặt rạng nét thanh tú, sắc diện hồn nhiên vô tư hướng Phan Tích Hương thi lễ.

"Trời ạ, bữa nay còn bày đặt quý với chả hoá rồi thi lễ nữa cơ đấy, tự dưng khách sáo như vậy, không giống hảo tỷ muội của nhau chút nào!"

Phan Tích Hương làm bộ tịch ra chiều giận dỗi, thiếu nữ tưởng nàng giận thật nên bèn thật thà phân giải.

"Hảo tỷ muội thì vẫn là hảo tỷ muội, cơ mà Hương đối đãi thật tốt với ta, không lẽ ta không thể dùng lễ chào đón nàng được hay sao?"

"Không được dùng lễ trọng đối đãi với ta như vậy, trông thật xa cách quá."

"Được được, tất cả đều theo ý Hương."

Dứt lời, hai người nói cười sóng vai bước vào túp lều tranh, Phan Tích Hương tự nhiên ngồi xuống chỏng tre cũ nát như vốn đã là chốn thân thuộc của mình. Thiếu nữ rót cho nàng chén trà nhạt, nàng không uống ngay mà chăm chú quan sát người phía đối diện.

"Hương nhìn gì vậy?"

Thiếu nữ không ngồi trên chỏng mà kéo ghế gỗ chân thấp ngồi cạnh bàn tre, mơ hồ ngó hỏi Phan Tích Hương.

"Mấy bộ y phục mới ta may cho Lan đâu rồi? Sao không mang ra mặc mà cứ mặc mãi áo vải thô nhám thế này?"

Nàng hỏi lại, kéo theo cái nhíu trên chân mày.

Thiếu nữ tên Lan nghe hỏi tới thì bất đắc dĩ gượng cười, đáp rằng.

"Mấy bộ đó đẹp đẽ như vậy, còn mới tinh tươm nữa, ta tiếc, đợi dịp thích hợp sẽ mặc. Còn như hiện thời chân lấm tay bùn lội sông bắt cá thì làm sao dám mang ra mặc kia chứ?"

"Biết là vậy nhưng mà..."

Thiếu nữ tên Lan cắt ngang lời nàng, nửa đùa nửa thật nói.

"Ta đợi chừng nào Hương thành hôn thì mang ra mặc dự lễ chúc phúc cho nàng."

"Ta sẽ không thành hôn."

Phan Tích Hương nghiêm nghị phán định.

Chỉ thấy thiếu nữ tên Lan lần nữa gượng cười, lại đáp tiếp.

"Trai lớn cưới vợ gái lớn gả chồng là sự hiển nhiên, sao lại nói sẽ không thành hôn?"

"Ta chí hướng cao xa, không chấp nhận làm vàng anh trong lồng son thếp bạc, điều này hơn ai hết Lan là người hiểu rõ nhất mà? Điều ta mong mỏi là được trở thành nữ học sĩ chớ không phải thê thiếp cho người."

"Là vậy à..."

Phan Tích Hương gật đầu.

Rõ ràng vừa mới ban nãy còn hoan vui khi gặp nhau như thế, mà không biết không hay nói tới nói lui rốt cuộc lại đưa cả hai vào chuyện khó xử, cứ vậy rơi vào trầm mặc một hồi.

Thêm chốc lát Phan Tích Hương mới thở hắt ra, vươn tay giơ hai cái bánh nếp than ra trước thiếu nữ mà mặt nàng thì vẫn ngoảnh đi, cả giận không thèm nhìn đối phương.

"Bánh này, để dành từ từ ăn."

"Thôi, Hương để nhà ăn đi, cho đồ cho đạc hoài, ta cũng ngại."

Tặc lưỡi, nàng không có kiên nhẫn đôi co, trực tiếp đem hai cái bánh dúi vào tay thiếu nữ rồi lại ngồi sang một góc tiếp tục ngoảnh mặt.

Thiếu nữ tên Lan biết thừa tính nết của Phan Tích Hương, chấp nhất và quyết liệt, mình chưa bao giờ có thể từ chối được nàng. Đành đem hai cái bánh để sang bàn, coi như ngầm đồng ý nhận lấy.

Tịch dương đang buông dần, nhuộm sắc cam lên nền trời đằng sau mấy dãy núi xa xa, chim nhạn từng đàn rũ nhau bay về tổ. Tại đây, nơi túp lều này chỉ có hai nàng con gái trầm mặc ngồi lại với nhau, mỗi người đều nặng nề nỗi niềm riêng khó tỏ, cũng không biết đã im lặng với nhau bao lâu, cuối cùng Phan Tích Hương là người mở lời trước.

"Ta thuyết phục được phụ thân xong sẽ triển khai kế hoạch đó của mình, Lan cũng nên cân nhắc lời ta, nghĩ đến tương lai đi. Ở chốn hoang liêu này mãi sẽ làm chôn vùi tuổi xuân vô ích, Lan cũng là nữ tử có học, thực lực không thua kém bất kỳ một ai, kể cả ta, nàng không nên phí phạm xuân thì nơi nhà tranh vách lá."

Lời thốt ra đều là chân ý, muốn khơi dậy tiềm lực chôn giấu trong người đối phương nhưng lại một lần nữa thiếu nữ lên tiếng cự tuyệt.

"Ta tài sơ học thiển, được chút chữ nghĩa lận lưng nhờ thầy Phan năm xưa thương tình dạy dỗ trước lúc phụ mẫu ta vắng số qua đời, tự nhận lam lũ thành quen, không sánh được với ai, không dám mơ xa."

"Không đúng! Nàng thông tuệ hơn người, sao lại đành giấu nhẹm đi thế chứ?"

Phan Tích Hương lấy làm bất bình.

Thiếu nữ khe khẽ lắc đầu, mi cong hơi rũ.

"Và ta cũng không ham chức tước, nhà tranh vách lá một mình nhưng vui thú điền viên, đời sống cơ hàn cô độc nhưng thân tâm thanh thản, đó cũng là một cách tu dưỡng."

Quả nhiên không phải ai tài ba cũng gặp thời vận tốt và không phải ai tài ba cũng ước vọng uy quyền.

Có điều đối với Phan Tích Hương, nàng có đầy đủ tham vọng lẫn tự tin đạp đổ được thứ gọi là thời vận, với uyên bác của mình, nàng sẽ là người tạo ra thời vận cho chính mình!

Đáng tiếc, trời đất bao la, chí cả bay xa lại không thể cùng tri âm chấp cánh...

"Ta sẽ không ở lại cái làng nghèo nàn nhỏ bé này mãi, một khi đã từ biệt ra đi thì sẽ là mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, thậm chí cả đời cũng không quay lại nữa."

Dứt lời, Phan Tích Hương đứng dậy, thái độ nàng bỗng hoá lạnh lùng cũng y như màu bạch viên lĩnh nàng mặc chiều nay.

"Thế thì cũng đành thôi vậy, chỉ có thể ở đây nguyện cầu cho Hương một kiếp toại lòng."

Đúng là tức đến phát khóc kia mà! Đã nói đến mức đó mà người ta vẫn dửng dưng ơ thờ không chút dao động. Phan Tích Hương cảm thấy lòng ngực bừng lên ngọn lửa làm uất nghẹn tâm tình, chẳng nói chẳng rằng liền phất áo rời đi bỏ lại thiếu nữ tên Lan kia một mình trong túp lều cô quạnh.

...

Len lén ngó trông theo bóng người khuất lối, đợi khi nàng ấy đã mất dạng sau mấy tán cây thì Trương Nghi Lan mới bộc bạch ra tiếng thở dài nãy giờ nén nơi sâu kín.

Những lời tỏ bày đều là thành thật, không ham danh vọng đích xác là thật, chỉ có một mình cô độc tu dưỡng là không. Nhưng có những chướng ngại không thể nào vượt qua, có những câu chuyện dù hai bên thấu hiểu cũng không thể nào viết tiếp.

Chỉ đành chôn vào lặng căm...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC