Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Đọc lên hai câu thơ ấy trong bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy bỗng gợi ra trong tôi một cảm giác bồi hồi, bâng khuâng và xao xuyến đến lạ. Hai câu thơ ấy chợt khiến ta nhớ đến những ngày tháng cũ, những ngày tháng còn nằm trong vòng tay mẹ, được mẹ bồng bế ru vào giấc ngủ qua những lời ru. Hẳn trong chúng ta không ai là không được lớn lên trong chiếc nôi với những câu ru ngọt ngào, êm đềm và cũng thấm đẫm tình thương ấy. Những lời ru ấy theo ta từ khi còn tấm bé và lớn dần cứ khắc khoải trong tâm trí mỗi người để rồi một ngày nào đó khi đi xa, ta chợt thấy nhớ thương người mẹ của mình. Có lẽ vì điều đó mà những câu ru ấy vô tình trở thành một biểu tượng của tình mẫu tử tự lúc nào mà ta không hay.

Hai câu thơ ấy của Nguyễn Duy khiến lòng người ta phải khựng lại vì cái cách mà ông nói đến tình mẫu tử của con người, nó thật xúc động, sâu lắng và hàm súc. Những lời thơ chân thật và giản dị ấy luôn luôn chạm được đến trái tim và lay động cảm xúc con người dù cho ta có sắt đá đến nhường nào. Đọc lên từng câu từng chữ mà ta thấy đầy chất thơ, chất trữ tình và mang theo một nỗi khắc khoải về tình mẫu tử.

Hai câu thơ vang lên đậm tính triết lí được cất từ con tim của tác giả. Đó không chỉ là lời ru để đưa những đứa trẻ vào giấc ngủ mà nó còn thể hiện tâm hồn và tấm lòng của người hát ru, của người bế bồng. Tiếng ru của mẹ là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm tâm tình, lời khuyên răn dạy tới những đứa con thân yêu hay ở đó còn chứa đựng cả một thế giới tâm hồn và tinh thần tuyệt vời nhất dành cho con. Tác giả sử dụng hình ảnh "Đi trọn kiếp con người" cũng "không đi hết" như một lời khẳng định về tình mẹ là bao la, là vô bờ, vô bến, là không gì sánh được. Dù con là ai, con đi đâu thì con cũng không thể đi hết, hiểu hết và sống hết tình yêu thương của mẹ cũng như những gì mẹ đã chuẩn bị cho con qua lời ru ấy. Cũng như câu hát ta vẫn thường hay nghe "Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào". Bất chợt ta lại nhớ đến câu thơ "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con" của nhà thơ Chế Lan Viên. Dù là câu thơ nào, lời ru nào thì chất trữ tình ấy vẫn luôn được hòa quyện cùng với tính triết lí sâu sắc để nói lên tình yêu thương và lòng biết ơn giữa mẹ và con.

Tình mẫu tử là một truyền thống vô cùng thiêng liêng và cao cả của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Đó là lòng kính trọng, sự biết ơn cùng nỗi nhớ thương của những đứa con với người mẹ già của mình. Và đó cũng là những năm tháng tảo tần, vất vả nuôi dạy con khôn lớn trong tình yêu thương vô bờ, vô bến của người mẹ. Là cái gốc nuôi dưỡng và dạy dỗ tâm hồn mỗi con người, cho ta dòng sữa mát lành cùng những lời ru là hành trang cho con bước chân vào đời. Trái tim mẹ rộng lớn như biển trời, là nơi dìu ta đi những bước đầu tiên và cũng là chốn sau cùng mà ta trở về sau cuộc sống đầy bộn bề, lo toan. Giữa giông tố cuộc đời, bóng dáng của mẹ vẫn luôn luôn ở đó cho ta thêm niềm tin và sức mạnh như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết "Ta mê mãi trên bàn chân rong ruổi/Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng".

Cái thứ tình cảm mẫu tử ấy có khi bùng cháy lên như một ngọn lửa nhưng cũng có khi lại lặng lẽ như một cánh hoa rơi vào buổi chiều hôm. Là nụ cười từ xa khi con bước chân đến trường, khi con đứng trên bục nhận giải thưởng và cũng là giọt nước mắt lặng lẽ khi tiễn con đi xa. Cũng có những đêm mẹ thức mà không nói, mẹ mệt mà không than, mẹ khóc mà không thành tiếng. Bàn tay mẹ to bao nhiêu, chai sạn bao nhiêu thì ta cũng không thể cảm nhận hết được dù ngày nào ta cũng cầm nắm bàn tay ấy, bởi lẽ khi chạm vào nó thì ta chỉ thấy đó là cả một bầu trời yêu thương và chở che. Cũng có khi mẹ cầm roi, mẹ đánh, mẹ quật, nước mắt con chưa kịp rơi thì nước mắt mẹ đã đầm đìa trên má.

Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay, không phải ai cũng may mắn để có thể cảm nhận và được sống trong cái thứ tình cảm bao la ấy. Có những người mẹ, vô tâm vứt bỏ đứa con mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày của mình, hay cả khi nó còn là một cái bào thai thì họ cũng không ngại gì mà đến bệnh viện để phá nó, không cho con mình được một lần nhìn thấy mặt trời. Cũng có những bà mẹ có những suy nghĩ lệch lạc về sự dạy dỗ và yêu thương con. Họ yêu thương con mình quá dẫn đến nuông chiều và sẵn sàng cho con tất cả, bao che cho mọi thói hư tật xấu của đứa con mình. Nhưng lại có những người sẵn sàng dùng bạo lực để con nghe lời, cái sự bạo lự ấy đôi khi nó quá tay đến mức bị xã hội lên án. Đôi khi cũng có những bà mẹ là vì quá bận bịu với công việc mà không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và lắng nghe, chia sẻ hay thấu hiểu những tâm tình của trẻ nhỏ. Nhưng hơn hết phải kể đến sự vô tình của những đứa con. Chưa làm cha, làm mẹ thì chưa biết mẹ thương mình đến nhường nào, không biết nỗi lòng mẹ rộng đến bao nhiêu. Có thể thấy không thiếu những bài báo đưa tin những đứa con bất hiếu rồi ngược đãi, đánh đập mẹ mình, sẵn sàng từ chối trách nhiệm chăm sóc và phụng dưỡng mẹ già. Rồi còn hắt hủi, không dám nhận đó là mẹ của mình trước mặt mọi người,... Thật đáng buồn! Chỉ mong, trong cuộc sống hiện nay, những người mẹ hãy cố gắng dành thật nhiều thời gian cho con cái, bên cạnh con mỗi khi con cần. Và những người làm con, hãy chín chắn và thấu hiểu, đừng để làm mẹ khóc, dù chỉ một lần.Trong chính cái kết tinh của tình mẹ thiêng liêng ấy là tâm hồn và sự sống của bản thân mình.

Sau cùng, phải cảm ơn những lời thơ của Nguyễn Duy vì đã cho tôi cũng như bao người ngoài kia được có những giây phút lắng đọng và suy tư về tình mẹ. Tôi cũng sẽ học cách nói những lời yêu thương và thể hiện tình yêu thương của mình với người mẹ và không quên nhắc mình trân trọng thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý ấy cùng những lời ru ngọt ngào thoảng hương sữa. Trong sự lắng đọng này tôi không quên viết một lời cảm ơn tới người mẹ kính yêu của mình. Cảm ơn vì tất cả!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC