Chăm sóc lẫn nhau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp bởi những tin tức gần đây, sợ hãi, mông lung và lo lắng, hãy ẩn bớt những tin tức ấy. Không dùng điện thoại nhiều nữa, gập máy lại và hít một hơi sâu, thả lỏng chân tay và nhắm mắt lại. Pha cho mình một cốc trà hoa cúc nóng, đọc cuốn sách bạn yêu thích, ở bên người mà bạn cảm thấy an toàn. Nếu bạn không có ai và chỉ có mình mình để dựa vào, hãy đặt tay lên ngực mình và nói "Tôi an toàn. Ở đây an toàn".

Đỡ hơn một chút rồi, hãy thử nhắn cho người bạn lâu rồi không gặp, và hỏi họ dạo này thế nào? Chia sẻ những điều bạn thật sự muốn chia sẻ. Nhắn tin cho một người không quá thân quen và lâu không gặp có thể là một sự thay đổi tích cực: Họ không biết gì nhiều về bạn, bạn cũng không quá hiểu về họ. Chỉ như hai người hỏi thăm nhau vì thật sự muốn người còn lại cũng đang mạnh khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. An ủi nhau nhiều hơn, vì ngoài kia đang có một cơn bão. Và chúng ta có thể không biết bao giờ nó kết thúc, hay bao giờ lại có nhiều cơn bão khác ập tới.

Đừng quan tâm những gì tiêu cực ngoài kia. Bạn xứng đáng có được một vài ngày nghỉ và không cần phải cập nhật gì cả. Đừng sợ bị "lạc hậu" hay FOMO (Fear Of Missing Out). Ngay cả công việc đang cảm thấy khó khăn, khi mối quan hệ của bạn với cấp trên hay đồng nghiệp không thực sự tốt, thử xin nghỉ ốm một ngày. Đến máy móc còn cần phải bảo trì, tại sao con người chúng ta lại không?

Đã tới lúc chúng ta nên dừng lại và nhìn nhận bản thân cũng như người khác – kể cả những người chúng ta không có thiện cảm: về cơ bản, đều là con người. Chúng ta không hẳn phải cảm thông thấu hiểu cho tất cả mọi người, chỉ cần chấp nhận là xã hội có nhiều kiểu người, và chúng ta không thể thay đổi họ. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận, và (nếu có thể) yêu thương họ mà thôi. Không dùng Facebook trong suốt 1 năm (và sẽ không có ý định quay lại), mình đã đúc kết được nhiều điều quý giá khi ngưng sử dụng nó. Khó chịu, giận dữ, ghét bỏ... đều là những cảm xúc vô cùng bình thường. Điều quan trọng không phải là không-bao-giờ cảm thấy như thế nữa hay cố đẩy chúng đi, mà điều quan trọng là chúng ta làm gì với nó.

Xã hội tôn trọng tư duy phân tích, logic và nghiêng về những gạch đầu dòng liệt kê lợi-hại, ưu-khuyết mà vô tình bỏ quên cảm xúc, thấu cảm. Khi bạn là người nhạy cảm hơn người khác một chút, thể hiện cảm xúc nhiều hơn người khác một chút – bạn có thể bị coi là "thiếu chuyên nghiệp". Không có gì sai trong việc hoà nhập, tỏ ra bình thường, làm hài lòng mọi người xung quanh cả. Nhưng, nếu tới một thời điểm mà nó trở nên không lành mạnh với chính bạn, thì bạn có thể bỏ nó xuống. Không có gì trên đời này quan trọng hơn sức khoẻ của chính bạn.

Bạn đã luôn cố gắng, đã luôn làm rất tốt. Không phải ai cũng có quyền và đủ tư cách để đánh giá bạn "xứng đáng" hay không. Kệ những người nói xì xào sau lưng bạn là bạn đang ích kỷ hay nuông chiều bản thân, bởi khi bạn ở đáy vực, không có nghĩa là những người đó sẽ kéo bạn lên.

Đã có quá nhiều tin buồn, và đã đến lúc chúng ta phải chăm sóc lẫn nhau. Rời bỏ, tách biệt bản thân bạn khỏi những gì độc hại: một mối quan hệ, một công việc, hay bất cứ thứ gì không đem lại cho bạn niềm vui nữa. Kiếm một công việc với ít thu nhập hơn nhưng môi trường cởi mở hơn. Kiếm một người không quá thân nhưng họ dễ chịu để nói chuyện.

Đã đến lúc chúng ta ngưng gán nhãn chính bản thân hay người khác, phân loại, hay tự nhốt mình vào hộp. Chúng ta là con người chứ không phải hàng hoá. Cảm xúc cũng vậy, chúng là cảm xúc, bạn có quyền cảm nhận nó, và không nhất thiết phải gán nhãn chúng là tồi tệ hay tốt đẹp. Chấp nhận nó đang ở đó, và chờ nó đi qua để chữa lành.

KLinh

Ảnh: @jessrachelsharp

Nguồn: beautifulmindVN

Link bài viết: https://beautifulmindvn.com/2019/10/16/cham-soc-lan-nhau/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC