Kỳ Hâm | Gã Họa Sĩ Và Đóa Hoa Nở Rộ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gửi vào ngày tàn một vạn chiếc hôn sâu. Và rồi bất chợt, chiều đổ lên tóc em một màu nắng nhạt.

Một gã họa sĩ lênh đênh trên phố, không biết là đang định đi về đâu, phải chăng rằng bước chân ấy cứ tiến bước vô định. Nhưng được cái phố này ai mà chả biết gã, người hành nghề mơ mộng phù phiếm, một người thân ở trần đời mà tâm trí leo tuốt đọt mây.

"Cậu Kỳ lại đi đâu đấy?"

Bác hàng xôi gọi với theo, khiếp thật chứ, người ngợm gì mà chân dài bước còn mau, bà gọi theo khản cả họng. Nếu là thằng ất ơ nào khác trong xóm, có cho tiền bà cũng chẳng rảnh rang hỏi thăm mà làm gì, nhà bao việc. Nhưng ai bảo gã là Mã Gia Kỳ, cái người mặt mày ngon trai tuấn tú, dáng vừa cao vừa đẹp, vừa nhìn đã thấy cái bụng ưng ưng.

Chả là trong nhà bà có đứa con gái đã đến tuổi gả chồng, đắng một cái là nó khăng khăng đòi gả cho gã họa sĩ nhà ở cuối phố thôi. Tranh của gã đẹp, mà gã cũng đẹp chẳng kém, hớp hồn được mấy đứa con gái tuổi mơ tuổi mộng chúng nó là chuyện dễ ấy chứ.

Khuyết điểm duy nhất của gã, chắc chỉ có nghèo mà thôi.

"Cháu đi tìm cảm hứng."

Mã Gia Kỳ không có cái thói hạnh họe, đầu để trên trời như cái tên họa sĩ từng đến cái phố này bày đồ ra vẽ vời, coi ai không ra gì. Gã nhã nhặn lắm, cho nên khối đứa con gái mới chết đứ đừ đấy.

Bác hàng xôi càng nghĩ càng tấm tắc. Đã tử tế còn biết ăn mặc, nhìn cái áo măng tô cũ mà gã khoác trên người, tuy vai áo đã sờn, vài cái cúc áo đã bạc màu bung chỉ, nhưng nó treo lên đúng người, giá trị của nó nhìn từ xa cũng đắt hơn vài chục ngàn.

"Cậu lại định bới bãi rác à?"

Mặt mũi thì khôi ngô tuấn tú, tính tình lịch sự, hành xử có gia giáo, nhưng lại thích đi ra bãi rác đào đào, bới bới, ai hỏi cũng nói là đi tìm cảm hứng, mà cảm hứng nào lại sinh sôi nảy nở ở bãi rác bao giờ?

Bác hàng xôi lắc lắc đầu, chắc cái nghề của Mã Gia Kỳ khó sống quá nên gã mới phải làm vậy. Càng nghĩ lại càng thương mà không biết nên khuyên sao cho đặng. Bây giờ thấy mấy thanh niên trẻ hay đi đến chỗ khác tìm kế sinh nhai, người nào người nấy về lúc nào cũng cầm theo mấy chục triệu, nói nào ngay chứ ngay tại phố Hoa này, đứa nào tầm hai mươi trở lên đều đã đi hết rồi.

Nếu mà Mã Gia Kỳ chịu đi, không chừng lúc về số vốn làm ăn của gã cũng không ít đâu. Ba mẹ gã chưa ai từng gặp mặt lần nào, gã cũng một mình lặn lội từ xứ khác đến đây, một thân một mình tu sửa lại căn nhà vốn bỏ hoang ở cuối phố rồi bám trụ ở lại.

Gốc gác không ai biết, gã cũng chẳng nhiều lời về cuộc đời của mình.

"Cầm gói xôi này đi, lát nữa đem cho bác bức tranh vẽ hoa bách hợp nhé? Tường nhà bác còn trống, trưng cho nó mát mắt sáng nhà."

Mã Gia Kỳ sống ở trên mây, thơ thơ thẩn thẩn, người ta thương gã lắm, chắc tại cái mặt của gã quá là có tác dụng trong việc xây dựng thiện cảm, ai nhìn vào cũng mủi lòng, cũng muốn giúp đỡ cho người nghệ sĩ đắm mình trong biển nghệ thuật.

Người cho gã đồ ăn, người thì cho gã đồ dùng sinh hoạt thường ngày, cái gì còn thiếu để duy trì nếp sống văn minh xanh sạch đẹp và cả tính mạng của gã, người ta đều cho không, đôi lúc còn cho vài đồng để gã muốn mua gì thì mua.

Cả con phố Hoa này hợp tác nuôi Mã Gia Kỳ, không chờ gã báo đáp. Nhưng Mã Gia Kỳ cứ quyết đưa tranh cho họ, coi như trao đổi, bởi vì những tác phẩm của gã cũng thuận mắt người nhìn nên mọi người rất vui vẻ nhận lấy.

Mã Gia Kỳ cầm gói xôi, tiếp tục đi đến nơi gã muốn đến. Dọc đường gặp mấy em gái tuổi mơn mởn hỏi thăm, đưa mắt theo nhìn, nhưng gã không quan tâm lắm. Phố Hoa lớn nhất trong ba phố lân cận, lúc nào cũng được tuyên dương đạt chuẩn là khu phố văn hóa.

Ác cái là bị tịch thu danh hiệu rồi.

Hồi đó có lần ban quản lý xuống kiểm tra, họ phát hiện ra bãi rác còn có người vẫn ở không dọn đi như chỉ thị của bên trên truyền xuống, trong khi tiền bạc đã được đền bù một khoản kha khá rồi. Họ giận lên, làm công tác tâm lý với cái người cứ ở lỳ trong bãi rác ấy cả một ngày trời, khô nước miếng mà cũng chẳng xi nhê gì, tức mình chạy về báo cáo tịch thu luôn cái danh khu phố văn hóa.

Chuyện này đối với mọi người trong phố Hoa cũng không thành vấn đề gì lớn, dù sao có cái danh hiệu và tấm bằng kia hay không thì liên quan quái gì đến họ? Có hay không thì họ đâu có chết, vẫn sống sờ sờ mà, cũng đâu đói được bữa nào hay ăn uống thịnh soạn thỏa thê được bữa nào đâu mà để tâm chi cho mệt.

Người "chết" là chú tổ trưởng khu phố.

Chú tổ trưởng này tên Bằng, lúc trẻ không làm gì nên chuyện, tới già nhờ lõi đời và cái mồm khéo nên được bầu làm tổ trưởng phố Hoa, cho nên phố Hoa có thể được xem như là tất cả mối quan tâm của chú. Người ta lên trụ sở của phố Hoa gỡ tấm bằng khen đỏ chót xinh đẹp xuống, chú Bằng tức tím mặt, hùng hùng hổ hổ ra bãi rác lăng mạ cái tên chết bầm ở lỳ ở lốn đó một phen.

Đó cũng là lần đầu tiên, Mã Gia Kỳ gặp chàng.

"Lại đến nữa?" Chàng ta chau mày, trông đăm chiêu khó ở lắm. Mà Mã Gia Kỳ chỉ thấy chàng đáng yêu thôi.

"Cho đằng ấy gói xôi này."Mã Gia Kỳ đưa gói xôi trong tay mình cho chàng.

"Thấy có tay cầm không mà đưa?" Chàng quắt mặt tiếp tục chọt chọt, đào bới, chẳng quan tâm bó xôi đang nằm trên tay gã họa sĩ mặt đơ như cây cơ, tại quê á.

Mã Gia Kỳ ngại ngùng thu tay về. Đúng thật là chàng nào có tay rỗi hơi để cầm đâu, một tay chàng cầm một thanh thắt có đầu nhọn bị bẻ cong, tay còn lại giữ khư khư chiếc bao bố nom đã đựng chai nhựa được nửa bao.

"Hâm..." Mã Gia Kỳ ngập ngừng lí nhí. "Để tôi giúp đằng ấy nhé?"

Vốn Mã Gia Kỳ biết tên chàng là Đinh Trình Hâm nhờ miệng của chú Bằng tổ trưởng, hôm đó chú hô tên cha tên mẹ người ta, cả tên người ta nữa, lôi vào chửi đổng. Cái gì mà ba mẹ không với hạng người đàng hoàng nên cũng chẳng biết dạy con, bài bạc thiếu nợ chồng chất trốn đi biệt xứ sao còn không dắt cái "của nợ" này theo luôn để chú phải mất mặt như thế.

Nghe chói tai lắm.

"Ai cần giúp? Ở đâu thì về chỗ đó đi, sao đến đây quài vậy?"Đinh Trình Hâm lúc nào cũng khó chịu, cau có, chưa bao giờ cho Mã Gia Kỳ sắc mặt đẹp.

Nhưng Mã Gia Kỳ vẫn thấy đẹp, vẫn thấy chàng hiền lành chán.

"Hôm nay Hâm nhặt được nhiều thế? Lát nữa tôi khiêng về giúp Hâm nha."

Gã vờ như mắt điếc tai ngơ, không nghe ý xua đuổi của chàng. Hôm nay Đinh Trình Hâm nhặt được nhiều thật, toàn là chai nhựa, ngoài cái bao trên tay chàng thì dưới chân còn chất thêm hai bao nữa.

"Kệ tôi đi. Tránh ra giùm cái."

Tính Đinh Trình Hâm vậy đó, cọc cằn, hung dữ, thô lỗ, so với Mã Gia Kỳ hiền như cục bột khác xa dữ lắm, lấy cái ná bắn chim bắn một phát không biết có tới không nữa.

Vậy mà Mã Gia Kỳ ngày nào cũng đến đây, da mặt dày cộm ngắm người ta đến nỗi trái tim bồi hồi nóng hổi.

Bị chàng chửi riết cũng quen, Mã Gia Kỳ lanh tay lẹ chân bới trong đống rác ra vài chiếc chai nhựa, cẩn thận bỏ hết tất cả vào cái bao mà Đinh Trình Hâm cầm trên tay.

Tay của Đinh Trình Hâm chẳng mịn màng chút nào, đã hơi sạm đi vì cái nắng gay gắt đổ xuống mái đầu. Hằng ngày dành phần lớn thời gian phơi mình dưới nắng, không ngăm đen hẳn đi đã là một làn da khỏe khoắn rồi. Nhưng mái tóc của chàng khô xơ, chúng mệt mỏi tựa như cách mà chàng lê lết tấm thân sống qua ngày trên mảnh đất này vậy.

Đôi mắt Đinh Trình Hâm cũng thế, cũng bị cuộc đời dày vò đến kiệt quệ, mất đi hoàn toàn ánh sáng thuần khiết nhất của khát vọng sống.

U ám.

Tăm tối.

Mờ mịt.

"A."

Mã Gia Kỳ chợt la lên. Đinh Trình Hâm sợ gã bới trúng đống miểng chai lẫn lộn ở trong rác bị thương, không phát giác đôi chân mình bước nhanh hơn, gấp gáp hơn.

Nếu gã bị thương thì phải làm sao bây giờ? Phải rồi, băng cá nhân! Nhưng mình làm gì có thứ đó đâu, trước đây bị thương toàn rửa nước cho sạch rồi bỏ đó cho tự lành, Mã Gia Kỳ bị thương rồi, phải làm sao đây?

Tay gã làm sao mà vẽ được, bàn tay tài hoa ấy còn phải vẽ nên những bức tranh xinh đẹp nhất.

Đừng bị thương, đừng bị thương.

Làm ơn đừng bị thương.

Mồ hôi lạnh của Đinh Trình Hâm úa đầy vầng trán trơn nhẵn, bết tóc mái trông càng thêm lôi thôi. Và Đinh Trình Hâm chẳng hay biết rằng, bản thân mình đã sợ hãi đến chừng nào.

Sợ cuộc đời này lại tước đi ánh sáng của một người đặt hy vọng vào nó.

Đến khi Đinh Trình Hâm chạy lại gần hơn, chàng thấy gã đang say sưa ngắm một bông hóa vàng ươm mọc giữa một nơi tiêu điều, hôi hám.

Ngó tay gã, thấy chẳng bị làm sao, Đinh Trình Hâm khẽ thở phào.

Đinh Trình Hâm không gọi Mã Gia Kỳ, lẳng lặng đứng đợi gã ngắm xong bông hoa nhỏ kia. Người ta nói gã sống trên mây, đúng là không sai. Hay chẳng qua bởi vì là một người nghệ sĩ yêu nghệ thuật, mỗi thứ hiện hữu trên đời này đối với người nghệ sĩ đều mang nét đẹp khơi nguồn cảm hứng nên gã mới chìm đắm, mới suy tư như thế?

"Cuộc đời này vùi dập quá đúng không? Đến một bông hoa nhỏ cũng không thoát khỏi cay đắng nghiệt ngã." Đinh Trình Hâm nói.

Mã Gia Kỳ nghe vậy, quay đầu nhìn chàng. Không biết nghĩ đến cái gì, gã nghiêng đầu đón lấy ánh mắt của Đinh Trình Hâm, nhẹ nhàng cười.

"Hoa nhỏ vẫn nở đó thôi."

Đinh Trình Hâm ngẩn người, phải rồi nhỉ, hoa nhỏ vẫn nở mà.

Kiên cường đến thế, mạnh mẽ đến thế.

Bác hàng xôi chuẩn bị dọn hàng, quảy gánh về nhà. Đang lúc loay hoay, bác thấy Mã Gia Kỳ đi ngang qua, khuôn mặt gã hớn hở lắm, thấy bác còn lên tiếng chào hỏi, nghe giọng biết ngay là đang có chuyện vui.

"Gì mà vui thế?" Bác hàng xôi hỏi.

"Dạ, cảm hứng nở rộ nên vui bác ạ!"

Bóng lưng Mã Gia Kỳ đi xa dần, bác hàng xôi vẫn không hiểu gã vừa nói gì với mình.

.

Ngày hôm sau như thường lệ, Mã Gia Kỳ lại đến bãi rác. Nhưng khéo thế nào mà lại đụng mặt ngay chú Bằng, tổ trưởng của phố Hoa.

"Tôi nói cho cậu biết, cậu mà còn không dọn đi, tôi gọi giang hồ lại xử đẹp cậu."

Bao nhiêu tài sản mà ba mẹ Đinh Trình Hâm để lại trước khi trốn đi biệt xứ đã bị giang hồ đập bể tan nát hết rồi, cái nào có giá trị thì chúng đều đem đi hết, cũng không biết thân xác đã bị bầm tím bởi bao nhiêu trận đòi từ bọn chúng, tính ra Đinh Trình Hâm còn quen mặt với anh em xã đoàn hơn cả chú Bằng đây nữa.

"Chú đi đi. Tôi không có tiền và cũng không chuyển đi đâu cả."

Mã Gia Kỳ nghe thấy giọng nói lạnh nhạt của chàng, nhưng gã lại không rõ tiền gì mà được nhắc ở đây.

"Mày không có tiền? Ve chai mày bán được đâu? Tiền ít cũng là tiền, đưa cho tao đi. Nếu không mày đừng hòng sống ở đất này nữa."

Không ngờ chú Bằng lại đi tống tiền Đinh Trình Hâm, mắt chú thấy người thanh niên này sống khổ sở nhưng cái tâm tham lam của chú không thấy, nên cứ thế mà chú đến đòi tiền.

"Chú tổ trưởng, chuyện này có hơi quá rồi. Sao chú lại đi đòi tiền dân như thế chứ? Chúng ta sống cùng một con phố, chú thấy hoàn cảnh của Trình Hâm như vậy không thương thì thôi, chú còn làm vậy, bộ không sợ sau này gặp quả báo hả?"

Mã Gia Kỳ ra mặt, kéo Đinh Trình Hâm ra sau lưng mình.

"À, thằng Kỳ. Sao mày không ở nhà vùi mặt vào đống màu vẽ của mày đi? Ra bãi rác này làm gì? Hít ké tí hương cho thơm à?" Chú Bằng cười khinh khỉnh, chỉ tay vào mặt Mã Gia Kỳ. "Tao mà không cho mày ở cái nhà hoang đấy, dám chừng mày giành cái bãi rác này với thằng mặt dày kia rồi ấy chứ? Mà chúng mày quen biết nhau từ khi nào thế? Họa sĩ và lượm ve chai, nghe nó giống vở hài kịch mà tao coi quá."

"Một thằng thì vẽ đến chết cũng không thoát ra được cái khu bé tẹo như ổ chuột này, còn một thằng nhặt rác đến rụng tay cũng không thể rời xa bãi rác. Chúng mày giống như trời sinh một cặp vậy, cái vở kịch tao coi cho chúng mày làm diễn viên chính có mà hết ý."

Đinh Trình Hâm mặt mũi tối sầm. Chàng giơ nắm tay, hạ vào cánh mũi bên trái của chú Bằng xịt máu.

Chú Bằng ngã chổng vó trên đất, một bên mặt đập vào đất nhơ nhuốc, không biết lực đập có mạnh khiến chú cắn lưỡi hay không mà máu mồm chú cũng nhễu nhão, đỏ lòm cả cằm trông ghê lắm.

"Hâm ơi..." Mã Gia Kỳ ngơ ngác.

Đinh Trình Hâm chẳng thèm nói tiếng nào, quay mặt đi thẳng, lấy đồ nghề ra chuẩn bị bới rác tiếp.

Mã Gia Kỳ tự nói với bản thân mình, nhất định không được chọc giận Đinh Trình Hâm.

Hậu quả thảm khốc vô lường.

.

Sau cái hôm bị Đinh Trình Hâm tức nước vỡ bờ đấm cho một phát, chú Bằng không dám bén mảng đến làm phiền nữa, cái gan chú cũng bé tẹo tèo teo, nào dám dính dáng đến du côn du đảng.

Nhưng Đinh Trình Hâm vẫn thấy phiền quá trời, Mã Gia Kỳ đều đặn ngày nào cũng đến, sáng xuất hiện chiều lặn về nhà, trình độ rà chai nhựa bây giờ chuyên nghiệp vô cùng, nhắm vượt xa "người trong nghề" như Đinh Trình Hâm mười con phố rồi.

Đinh Trình Hâm nhìn hai bao ve chai mà Mã Gia Kỳ kéo đến trước mặt mình, không biết nên nói gì cho phải. Không phải người ta hay nói nhau cuối phố có họa sĩ vẽ tranh đẹp rung động lòng người sao? Bây giờ lại thành cái dạng gì thế này?

Ông trùm trong làng móc bọc à?

"Ê..." Đinh Trình Hâm nói. "Ngày mai đừng đến đây nữa."

Mã Gia Kỳ đờ đẫn. Gì vậy? Chẳng lẽ gã bị ghét rồi sao?

"Sao lại thế? Hâm cho tôi ở đây đi, tôi giúp Hâm nhặt. Tôi đâu có đòi tiền công gì đâu, nhặt tự nguyện, nhặt vì đam mê." Mã Gia Kỳ gấp gáp nói.

"Mê vẽ hay mê móc bọc hơn?" Đinh Trình Hâm chơi xấu hỏi gã.

"Hỏi gì kỳ vậy?" Mã Gia Kỳ lén lút nhìn bàn tay đầy vết chai của chàng. Đương nhiên là mê vẽ hơn, nhưng để gã tạm thoát khỏi đại dương nghệ thuật của mình, hẳn là phải mê gì đó dữ dội hơn mới làm được.

Hai mặt Mã Gia Kỳ nóng rần, gã nhanh quay lưng đi, theo bản năng chẳng muốn để Đinh Trình Hâm phát hiện.

"Nhưng sao Hâm đuổi tôi?"

"Có đuổi đâu. Mai đừng đến đây nữa." Đinh Trình Hâm cười cười.

"Để tôi đến thăm nhà Kỳ."

.

Nhà Mã Gia Kỳ vốn là nhà hoang, nghe đâu chủ cũ đi nước ngoài lâu rồi mà bán không được nên mới để trống. Nhưng từ khi gã đến, nơi này liền biến thành một nơi ấm cúng hơn, màu sắc hơn bởi bàn tay và con mắt của họa sĩ.

Từng họa tiết mà Mã Gia Kỳ vẽ lên tường có hình tròn ngoằn ngoèo, hình này nối hình kia, tất cả chúng hợp lại thành một đóa hoa bung nở rực rỡ nhưng vẫn cảm nhận được cánh hoa mềm mại, sống động đến mức những tưởng có một cơn gió ngang qua, Đinh Trình Hâm sẽ thấy cánh hoa ấy rung rinh theo nhịp gió thổi.

"Sao lại là hình tròn?" Đinh Trình Hâm sờ lên tường, vô thức hỏi.

"Không biết nữa, nhưng nó khiến tôi yên tâm." Mã Gia Kỳ nói.

Hình tròn nối tiếp hình tròn, ngòi bút quệt lên từng đường cong tròn trĩnh, gã cũng đem mình khóa chặt vào tâm.

Hình tròn lại nối tiếp hình tròn, nơi mà ngòi bút thoát khỏi lẩn quẩn quanh co, Mã Gia Kỳ bừng tỉnh phát hiện ra, đó lại hóa thành cánh hoa kiên cường mọc ở vị trí mà nó có thể sẽ úa tàn.

Hoa ấy, người ấy.

"Hay Hâm đến ở chung với tôi đi." Mã Gia Kỳ nói.

"Hình như chỗ này cũng tạm bợ thôi mà nhỉ?" Đinh Trình Hâm nhìn quanh.

"Ở với Hâm thì chỗ nào cũng là nhà."

Đinh Trình Hâm có rung động với Mã Gia Kỳ, nhưng thuần túy chỉ là rung động. Dù sao ai mà chẳng rung động, con người nào phải sắc đá, phút say nắng một người hợp ý vẫn phải có, ai cũng thế, nhưng chỉ rung động thoáng qua thôi là chưa đủ. Đinh Trình Hâm mệt mỏi với cuộc đời này, chàng không muốn lại phải đối phó thêm với một thứ cảm xúc mơ hồ, mông lung không rõ ấy nữa.

Và đương nhiên là Đinh Trình Hâm từ chối.

Mã Gia Kỳ lại không quá buồn, vì gã sẽ làm chàng yêu gã thôi.

Một lần ngỏ lời không thành thì lần hai, lần hai không được thì lần ba, thời gian một đời chưa đủ để gã khiến chàng xiêu lòng hay sao?

.

Vào một ngày nắng đẹp, Mã Gia Kỳ không thấy Đinh Trình Hâm ở đâu nữa.

Gã đến bãi rác như thường lệ, trên đường vẫn được dúi vào tay một gói xôi còn nóng hôi hổi. Nhưng lần này tâm trạng của gã bất an, hối hả hơn và gã chẳng biết nguyên do là gì. Chỉ là đột nhiên rất muốn, rất muốn gặp Đinh Trình Hâm, muốn gặp Đinh Trình Hâm đến phát điên. Con người chưa bao giờ để cảm xúc của mình dao động mạnh liệt như gã, nhưng bây giờ lại ngấp ngé bùng nổ như một quả bom đã bị cháy đến đoạn ngòi nổ cuối cùng.

Căn nhà xập xệ giữa bãi rác im lìm, không tiếng động. Đàn quạ đen mang điềm xui đậu vắt vẻo trên cành cao, đôi mắt lạnh băng không lời nhìn chằm chằm vào một gã dùng mộng mơ đối đãi với cuộc đời này.

Mã Gia Kỳ lặng người, rất lâu.

Sau đó, một sự bình tĩnh đến lạ, gã xoay người đi đến nhà chú Bằng. Người đàn ông xấu xa hôm qua còn tống tiền Đinh Trình Hâm, hôm nay vui vẻ lạ lùng. Chú ta ngồi chơi với đứa cháu mới từ thành phố về, nụ cười nom hiền từ, hạnh phúc lắm. Đứa trẻ kia cũng thế, vô ưu vô lo, gương mặt trắng trẻo mịn màng, mắt cong cong.

Mã Gia Kỳ đứng nhìn một lúc, đứa trẻ ấy phát hiện ra gã. Nó chỉ tay vào gã, nói với chú Bằng khách của chú đang đứng trước cổng rào. Chú Bằng cũng nhìn theo, mặt chú sửng sốt lắm, giống như thật sự ngạc nhiên vì một người ưa nhốt mình trong nhà như gã lại đến nhà mình, đứng trước cổng nhà mình.

Và Mã Gia Kỳ nhìn thấy, trên mặt chú Bằng không hề có một vết thương nào cả.

"Cậu Kỳ? Hôm nay cậu khỏe chứ? Hôm qua bác Nga bảo..." Chú Bằng ngập ngừng, có lẽ chú không nên hỏi đến chuyện này. Làm gì có bệnh nhân nào biết mình bị bệnh đâu?

"Bác Nga bảo gì ạ?" Mã Gia Kỳ hỏi.

Chú Bằng nhìn Mã Gia Kỳ, rất nói muốn rằng hôm qua bác Nga bán xôi, bác thấy cậu ta nói chuyện một mình.

"Không có gì đâu. Cậu Kỳ lấy mấy đồng mua đồ tẩm bổ đi, sẵn tiện đến phòng khám ở gần đây khám sức khỏe, chú thấy cậu dạo này xanh xao lắm."

Chú Bằng kêu đứa cháu vào nhà đem mấy đồng ra, rồi tự mình đem đến đưa cho gã.

Nhưng Mã Gia Kỳ không nhận, gã cảm ơn rồi từ chối, quay về nhà mình.

Căn nhà này như một vùng an toàn, bao bọc lấy Mã Gia Kỳ. Gã quét mắt nhìn quanh, cọ vẽ rơi rải rác khắp nơi, sàn nhà dính màu nước loang lổ vẫn chưa kịp lau chùi, dọn dẹp. Và rồi gã nhìn thấy, bức tranh treo trên tường, bức tranh mà gã dùng hàng trăm nghìn hình tròn vẽ nên.

Mã Gia Kỳ chầm chậm đi đến gần nó, đưa tay chạm vào. Màu vẫn còn âm ẩm, gã mới vừa hoàn thành xong đêm hôm qua mà.

"Đinh Trình Hâm..."

Chàng trai trong tranh cười với gã. Mã Gia Kỳ lại khóc.

"Em có thể đến bên tôi hay không? Rời khỏi trí tưởng tượng của tôi, bằng da bằng thịt đến bên tôi ấy."

Mã Gia Kỳ áp mặt vào tranh, tay gã giang rộng, ôm trọn Đinh Trình Hâm vào lòng. Quá khứ mà gã vẽ ra cho chàng, cái quá khứ đau thương bị bỏ rơi một mình một cõi chống chọi với thế gian, chẳng phải là của gã hay sao?

Lúc này, gã đã hoàn toàn tỉnh táo rồi. Nhưng vì cái gì, gã vẫn yêu chàng nhiều đến vậy?

"Trình Hâm, Trình Hâm ơi..."

Người trong tranh sẽ không bao giờ đáp lại tiếng gọi nỉ non của gã.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net