Những mảnh bị bỏ quên của Sài Gòn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sài Gòn. Thành phố của tấp nập, của bộn bề và của những người dân chất phát.

Trong ký ức của tôi, Sài Gòn là chút gì đó rất thân thuộc và gần gũi. Tôi nhớ chiếc xe kẹo kéo mang hương vị ngọt ngào đến với mái trường tiểu học, nhớ những hình nộm đồ chơi bằng đất sét được làm thật khéo léo và nhớ cả những gánh hàng rong đầy món quà vặt ngon lành khắp mọi nẻo đường ngõ phố.

Và, khi tôi lớn lên và có lẽ Sài Gòn cũng "lớn lên" theo tôi vậy. Nó thay đổi để tốt hơn nhưng Sài Gòn lớn nhanh quá để rồi bỏ quên một mảnh ở lại, một mảnh xưa cũ, rất thân thương.

Cái thay đổi luôn luôn là tốt hơn sao, "luôn luôn" là một từ không chừa cho các khả năng khác, nên tôi không thể chấp nhận nó. Cái thay đổi chỉ tốt với một số người, và chắc hẳn không tốt với những người mà tôi sẽ dành thật nhiều câu chữ sau đây để viết về họ.

Họ - những mảnh bị bỏ quên của Sài Gòn.

.

Bước sang tuổi 16, thì tôi cũng chính thức tiến vào những năm cấp ba đầy lo lắng. Gia đình tôi dọn đến một khu căn hộ ở gần trường cho tiện việc đi lại. Khu căn hộ này mới được xây, mẹ tôi đã đặt cọc từ lâu nên giá cả cũng không quá đắt đỏ. Chuyện không quan trọng cho lắm nếu khu căn hộ hiện đại này lại nằm trên chung một con hẻm với một tòa chung cư xập xệ đã xuống cấp rất nhiều. Phút chốc, tôi lại cảm thấy hai thế hệ của Sài Gòn chỉ thu gọn trong một con hẻm.

Tôi gặp bác Hai là vào một ngày trời mưa tầm tã của những ngày cuối thu. Con xe máy mẹ sắm cho tôi đã "chịu trận" khi phải lội qua mấy con đường ngập nước, thế là trong một bộ áo dài, nét đẹp xinh tươi Việt Nam, tôi đã đẩy chiếc xe đi tầm hơn nửa tiếng để về tới nhà. Lúc tôi đi trên đường, có lẽ ông trời cũng thương cho số phận nghiệt ngã của tôi nên chỉ cho những làn mưa lớt phớt. Nhưng chắc số của tôi cũng không may mắn, nên khi rẽ vào đầu hẻm vì nước ngập quá khiến tôi chẳng để ý cái "ổ voi" to, thế là người và xe ngã ra. Tôi chính thức "chìm" theo nghĩa đen.

Lúc đó, tôi chỉ kịp chửi thề một tiếng, thật sự cái số nó quá hẩm hiu đi. Và người đầu tiên chạy ra giúp tôi là bác Hai - bác xe ôm hay túc trực ngay đầu hẻm.

Bác chạy ra tặc tặc lưỡi rồi nhanh chóng giúp tôi đứng lên, sau đó còn dựng con xe đã "chết đuối" kia hộ tôi. Bác vừa dắt xe lên lề vừa hỏi: "Có sao không đấy? Sao lại chui về vào cái ổ gà đó mà đi".

Tôi mếu máo: "Con không nhớ ở đó có cái ổ nó bự thế".

"Chậc chậc, tội quá", bác gạt chống chân xe xuống rồi lấy trong chiếc túi áo sờn màu một chiếc khăn đưa cho tôi. "Lau tay chân đi, nhà ở đâu thế?".

"Dạ nhà ngay trong hẻm luôn ạ".

"Khu nhà mới à?".

"Dạ... phải ạ".

Hai chúng tôi lội qua con đường đã ngập nước trên đầu gối, bác nói với tôi vài câu, xong tôi chợt nhớ ra một điều quan trọng: "Bác dắt xe con vào rồi xe của bác để ngoài kia thì sao ạ?".

Bác ngẩn người nhưng liền cười xoà như việc ấy chẳng có gì lớn lao cả: "Ầy, cái xe cũ đấy thì ai ngó nghiêng chứ. Thôi mau dắt xe vào rồi về nhà tắm rửa đi". Tôi cảm ơn bác rất nhiều vì đã giúp tôi, bác chỉ xuề xoà đáp hai ba câu, nhanh chóng xoay người bỏ đi.

Tôi đứng đó nhìn bóng bác khuất dần dần, chợt bật ra một câu: "Thời buổi này kiếm được người tốt như thế khó biết bao".

.

Khi đó, tôi có suy nghĩ thế này: sống trong khu phố này cũng có điểm thú vị. Mỗi sáng thay vì đi dạo trong sân chung đầy xa hoa của khu căn hộ thì tôi lại chọn đánh một vòng nơi các quầy ăn sáng tấp nập. Hàng bún bò nằm dưới tấm bạt phai màu với nồi nước lèo thật to nghi ngút khói, nào là xe bánh mì có lác đác các em học sinh đang nghiêng đầu chọn loại nhân của mình, rồi thì gánh đậu ngũ nóng cho ra những bát đậu trắng thơm mùi gừng và ngọt vị đường.

Giờ thành phố đang chuyển mưa, không khí có chút se lạnh, tôi vừa băng qua đường vừa kéo chiếc áo khoác thật chặt, bước chân vội vàng hướng tới hàng bún bò để tìm gì đó thật ấm vào những ngày lạnh lẽo này. Hàng bún không đông lắm, có vài bác gái đang thưởng thức phần ăn của mình, lâu lâu lại xen vào mấy câu để cuộc trò chuyện thêm sôi nổi. Các bác nói về công việc ở khu chợ, nói về gia đình hay nói về khu căn hộ mà tôi đang sống.

Nhận lấy tô bún thật nóng, hai lòng bàn tay áp vào thành sứ để cảm nhận hơi ấm. Tôi ra sức gặp một đũa thật đầy đủ bao gồm miếng thịt tái mềm mềm với một tí rau thơm, kèm một chút vị bùi bùi của nước lèo. Bên tai là những tiếng nói chuyện và cười đùa rôm ra, tôi thích cảm giác này biết bao.

"Thời nay kiếm tiền khó khăn quá mà", cô Tư chủ quán than thở và cũng từ đây chủ đề của cuộc trò chuyện liền thay đổi.

"Đúng đấy, xã hội giờ hiện đại quá, đồng tiền hằng ngày mà cũng khó lấy".

"Thì đó, từ cái hồi ra gờ-ráp gì gì đó, có xe ôm nào đi được cuốc nào đâu. Ông nhà tôi phải bỏ nghề làm mấy chục năm, giờ thì loay hoay kiếm cái ăn. Chậc... chán ghê".

"...".

Chủ đề trò chuyện làm tôi phần nào tiếc thương cho một thế hệ kiếm ăn của thành phố, cái xưa cổ, cái truyền thống và cái chất phát bỗng chợt luỵ tàn trong phút chốc. Và rồi số phận của những con người này sẽ ra sao? Bị phai nhạt dần để rồi bị lãng quên sao...

À khi đó tôi lại chợt nhớ đến bác Hai xe ôm, bác chỉ có chiếc xe và căn phòng cũ kĩ ở chung cư. Bác chỉ còn một mình, các con đã sang thành phố khác kiếm tiền.

Ngồi ở quầy hàng của cô Tư có thể nhìn ra hướng đầu hẻm, ở xa xa bên dưới mái hiên của ngôi nhà màu xanh là bác Hai yên vị trên chiếc xe máy cũ của mình. Bác mặc chiếc áo màu xám đã sờn màu, dưới chân là đôi dép tổ ong đã "sứt mẻ" vài chỗ. Khung cảnh đâu chỉ ngừng lại thế, khi có một cô gái diện bộ cánh rất thời thượng đi bộ ra, cô đứng đó bấm bấm điện thoại rồi ngó nghiêng trái phải, dáng vẻ thể hiện đang chờ ai đó.

Từ góc nhìn của tôi thì hoàn toàn có thể thấy bác Hai đã hỏi cô gái ấy có muốn đi xe ôm không. Nhưng cô gái ấy không chỉ không thèm trả lời mà còn quăng một ánh mắt khinh thường, thậm chí còn bước hai bước tạo khoảng cách với bác. Tâm trạng khi đó của tôi chỉ có phẫn nộ và phẫn nộ, không đi thì nói không tại sao lại tỏ thái độ với một người đáng tuổi cha chú của mình.

Sau đó, một anh lái xe grab khoác trên mình màu xanh lá quen thuộc tiến đến và đón cô gái xấc xược ấy đi, ánh mắt bác Hai dõi theo chiếc xe ấy, tôi đã thấy vẻ mặt buồn bã của bác. Ngày đó, tôi bỗng cảm thấy màu xanh lá thật chói mắt.

.

Hồi đó, những người sống ở khu căn hộ mới đều là những người khá giả nhưng không tìm được đất sống trên thành phố. Tôi cũng chẳng mặn mà lắm với những người dân ở nơi đó, một số người không tỏ vẻ thân thiện cho lắm. Mẹ tôi luôn dặn rằng, mặc kệ là một cách để sống yên bình. Nhưng, có lẽ... câu nói đó của mẹ tôi đã sai rồi.

Có lần, sau một sáng học trên trường, tôi vừa về nhà là liền nhận được "nhiệm vụ" mang rác ra ngoài, tuy lòng không muốn nhưng đành phải nghe theo. Tôi xách bịch rác đi về phía cổng, bỏ nó vào chỗ quy định, lúc tôi định quay trở về nhà thay đồ đánh một giấc ngủ trưa ngon lành để bù cho giấc ngủ sáng thì tôi thấy bác Hai.

Bác Hai không hiểu sao lại đến trước cổng khu nhà tôi, bác tiến đến mấy cô cậu nhóc sống chung khu với tôi. Bác hỏi, "Các cháu đi đâu vậy? Bác chở đi cho?".

Mấy cô cậu kia thẳng thừng từ chối rồi lại bàn chuyện rôm rả, bác Hai nét mặt có chút buồn bã nhưng bác vẫn hướng tới đám nhóc kia mà nói tiếp, giọng bác mang chút thương lượng, mang chút năn nỉ không đáng có, "Grab lấy nhiêu, bác lấy cỡ đó, sáng giờ bác chưa có chuyến nào. Cháu nào đi với bác đi được không?".

Một cậu chàng nhỏ tuổi hơn cả tuổi quát: "Ôi ông chú này đã bảo không đi là không đi rồi nhé, làm cái gì mà nói hoài. Biến cho trời quang đãng giùm cái".

Nói xong, cả đám bật cười lớn rồi bỏ đi. Thậm chí, cậu chàng kia còn nhổ một nước bọt gần bên chân của bác. Chắc do bác hiền, hay bác có suy nghĩ gì đó về hoàn cảnh của mình, bác hướng đám nhóc kia nhìn bằng ánh mắt tức giận nhưng rồi lại thu tầm nhìn về khẽ thở dài.

Tôi đứng đó, phải kiềm nén nỗi phẫn nộ mà tìm cách giúp bác, tôi sờ vào trong túi quần. Hên là chiếc ví tiền vẫn còn yên vị trong túi. Chẳng cần do dự, tôi lập tức chạy đến chỗ bác.

Thế là sau đó, tôi đã yên vị trên chiếc xe của bác. Hai chúng tôi đến quán trà sữa mà tôi thích nhất, tuy là đây chỉ là một nơi tôi viện ra để bác chở tôi đến song chuyến đi này chẳng phải đã làm cho cả hai đều vui vẻ sao. Số tiền ít ỏi của tôi không thể giúp bác nhiều, nhưng tôi mong bác có thể vui rằng vì trong cuộc sống này, ông trời sẽ không phụ người tốt.

Khi trả tiền, bác đưa ra một con số khá nhỏ so với chuyến đi vừa rồi, chắc hẳn bác lại nghĩ về Grab rồi. Trong túi chẳng còn bao nhiêu, nhưng tôi vẫn đưa cho bác số tiền mà tôi nghĩ là thích hợp nhất, ban đầu bác chẳng chịu nhận đâu nhưng tôi cứ khăng khăng, lấy đủ lý do trên trời dưới đất bắt bác cầm lấy cho bằng được. Tay bác vừa cầm lấy thì tôi đã nhanh chóng cảm ơn rồi bỏ chạy phòng ngừa bác đòi trả lại.

Trên đường chở tôi đi, bác có nói với tôi một câu thế này: "Bác chả trách mấy cô cậu Grab đâu, ai cũng phải kiềm tiền mà. Chỉ buồn là xã hội thời nay gay gắt quá".

Sài Gòn thời này chợt gắt, chói chang, nóng bức. Có người buồn, có kẻ vui. Tôi mong bác sẽ hạnh phúc.

Tuy nhiên, điều tôi không ngờ nhất là mấy ngày sau đó, lúc tôi vừa lái xe về nhà, đi qua đầu hẻm thì không thấy bóng dáng quen thuộc tôi liền tấp vào bên đường hỏi cô Tư - cô chủ hàng bún bò.

Cô Tư tặc lưỡi kể cho tôi nghe, chuyện là sáng nay bác được hàng xóm nhờ chở món hàng qua khu phố bên kia. Trên đường đi, có va quẹt với một anh grab, bác dặn anh đó nên lái xe cẩn thận hơn để đảm bảo an toàn cho khách. Một lời khuyên rất chân thành. Nhưng... có lẽ anh kia không nghe lọt tai cho mấy.

Cô đậy nắp nồi nước lèo nóng hổi, vừa lau tay vừa kể tiếp: "Chẳng biết sao mà ban nãy có mấy thằng nào đó kéo đến đánh bác. Trời ơi! Hên là con của chú Năm sửa khoá chạy ra ngăn kịp thời,... chậc không là tiêu rồi".

"Con tôi bảo có ai đăng gì đó ấy, xong trên đó chửi quá trời. Chán".

Tôi thật sự không thể tin những gì được nghe lúc đó. Có chuyện gì vậy? Thật sự là vậy sao?

Tôi dùng tất cả sức bình sinh để chạy về nhà, không kịp chào mẹ tôi đã mở ngay máy tính trên bàn học. Khi tôi vào các trang tin tức trên mạng, thì ngay lập tức có tin hot về grab bike đánh nhau với xe ôm. Nào là bài đăng của anh Grab về bác - một bài đăng sai sự thật, nào là những bình luận hai chiều - anh hùng bàn phím, nào là cả video vào trưa nay khi bác bị đánh - có cả người đứng xem sao?

Càng kéo xuống, thật tình tôi chỉ muốn phát rồ lên, chuyện gì đang xảy ra vậy? Anh Grab - người khơi mào lên tất cả, viết mình từ thủ phạm thành kẻ bị hại để rồi những bạn bè của anh kéo bè kéo phái tự gọi mình là "thực thi công lý". Có những bình luận bảo tẩy chai xe ôm, phỉ nhổ hành động níu kéo với nghề của xe ôm, họ đem trong mình một ánh mắt khinh bỉ đối với bác, ngay khi chưa hiểu rõ sự thật.

Tôi chợt tỉnh ngộ, thế giới này thật tàn nhẫn.

.

Từ ngày hôm đó, tôi không gặp bác nữa. Bác dọn khỏi chung cư từ lúc nào chẳng ai hay, bác không ngồi ở nơi đầu hẻm và bác chẳng ghé qua hàng bún của cô Tư. Mà mấy nay tôi chẳng hỏi tung tích của bác được vì cô Tư mấy ngày trước bị đội trật tự phường bắt dọn đi vì lấn chiếm lòng lề đường nên cô nghỉ mấy ngày, cả chú Năm sửa khoá cũng vậy. Con phố tấp nập chợt vắng lặng.

Tôi không biết bác thế nào? Tôi lo và thương bác lắm. Tình thương của tôi đơn giản là người với người. Tình thương này chỉ có ở những người như bác Hai, cô Tư, bác Năm - ở những người mà được coi như là vô hình ở thành phố này. Nhưng đối với tôi, đối với Sài Gòn thì họ sẽ tồn tại mãi theo thời gian với tư cách là người hữu hình.

Còn... cô gái ngày đó bắt grab trước mặt bác, các cô cậu đã mắng bác trước cổng khu căn hộ, anh Grab bóp méo sự thật và cả những anh hùng bàn phím kia, họ chung quy đều là kẻ vô hình. Họ không có trái tim, họ không có sức sống, họ sống bằng mặt nạ, con người họ mờ nhạt đi chờ đến ngày trong suốt rồi hoà vào làn không khí.

Họ cho đi ánh mắt lạnh lùng, ánh mắt vô tình, ánh mắt khinh bỉ... thì chỉ nhận lại sự vô hình của mình trong lòng của người khác. Sài gòn bộn bề quá, kẻ vô hình như bị dính bùa nhân đôi trong phim Harry Potter, chúng ta tìm mãi vẫn chưa thấy sự yêu thương giữa lòng thành phố.

Kẻ vô hình sẽ chẳng bao giờ chạm được cơ thể sống động và bừng bừng sức sống của người hữu hình. Nhưng tìm đâu người hữu hình giữa xã hội bị tha hoá theo thời gian?

Đừng làm kẻ vô hình chỉ lạnh lùng lướt qua mà hãy làm người hữu hình dừng chân để cảm nhận.

Tôi đứng nơi đầu hẻm, nếm cây kem que ngọt lịm mà không hiểu sao lòng lại đắng thế này. Tôi đang chờ gì sao? Chờ Sài Gòn thay đổi nữa sao? Có lẽ vậy.

Một bàn tay chạm lên vai, tôi theo phản xạ giật mình quay đầu. Gương mặt hiền lành với giọng nói trầm đầy quen thuộc đó: "Vy, khoẻ không cháu?".

À, Sài Gòn của tôi bừng sáng rồi. Còn Sài Gòn của bạn?

End. 

--------------

Vài lời: Có thể không đọc.

Ngẫu hứng sáng tác truyện này có lẽ do một lần mình gặp bác xe ôm kia, mời mình đi nhưng mình là dân có xe, lúc đó mới gửi xe rồi đi bộ đến chỗ học thêm nên phải từ chối. Quan trọng cái là mình từ chối bác ấy hai ba lần ấy vì tuần mình học hai buổi. Thật tình là từ chối xong mình đau lòng muốn khùng, mỗi lần thấy mấy bác mấy chú xe ôm tự nhiên chạnh lòng quá. 

Kiểu cũng chả trách Grab, thế giới hiện đại và ai cũng phải kiếm miếng ăn, nhưng cuộc đời có chút khắc nghiệt làm mình đau lòng. Mình thương, thương lắm và mình chẳng thế làm gì để giúp họ nên mình muốn làm gì đó trong khả năng của bản thân, cuối cùng mình chọn viết. Có thể nó không hay nhất, bản thân mình cũng chả hài lòng mấy đâu nhưng nó là tấm lòng thật sự của mình. 

Khi mình nhìn cái đề của vòng 2, mình chẳng biết viết gì vì  bản thân chỉ hay viết lãng mạn nên chẳng có tí ý tưởng nào cả. Ai ngờ trên đường về nhà, có chút chi tiết nảy ra thế là tối đó ngồi suy nghĩ ra mạch truyện. Cuối cùng là cắm đầu viết. 

Vòng 2 là thi solo, mình cũng chẳng hy vọng gì nhiều. Mong là điểm đừng thấp quá, dù sao cũng là công sức và tâm của mình. Cho nên lúc có kết quả đúng bất ngờ luôn. 

Thản nhiên lắm, bình tâm lắm, an nhàn lắm. Hồi ngạc nhiên quá rớt cả điện thoại. 

Dù sao thì có mấy bé xin bản word truyện này khiến mình cảm động quá nên phải lò mò đi đăng truyện để thoả mãn bản thân trong khi còn một đống việc :v 

Nói chung là cảm ơn những ai đã thích câu chuyện này, mình có chút nản với chuyện viết vời vì mình vẫn mãi dậm chân tại chỗ, mong đây có thể là bước ngoặc vậy. Cảm ơn đã đọc.

Ngẫm và làm người hữu hình nhé. :) 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net