Gió thoảng chốn về (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đàm Văn Đức khiêng hòm, cùng Dương Uyển đi về phía Thừa Càn Cung.

Tính anh ta sáng sủa, bình thường đã thích nói nhiều, lúc này nói chêm chọc cười, làm Dương Uyển khúc khích suốt một đường.

Thừa dịp Dương Uyển vui vẻ, Đàm Văn Đức muốn nói vài câu tốt đẹp thay Đặng Anh.

"Dương cô nương."

"Vâng?"

Đàm Văn Đức gánh cái hòm trên vai, "Ngài đã đi xem căn nhà của đốc chủ chúng tôi bao giờ chưa?"

Dương Uyển vừa đi vừa đáp: "Vẫn chưa, nghe nói là anh đi mua ạ?"

Đàm Văn Đức cười nói: "Không ạ. Chỗ đó hướng không tệ, nhưng bọn tôi cảm thấy hơi nhỏ, nghĩ thế nào đốc chủ cũng phải mua cho mình một căn hai lớp cổng, một cổng hơi... Cũng không phải là không được, chỉ là hơi chật hẹp."

Dương Uyển cười, "Một lớp cổng cũng được mà, thông thấu, quét dọn cũng không tốn sức."

Đàm Văn Đức vội nói: "Sao có thể để cô nương quét dọn được, về sau ngài và đốc chủ sống ở đó, phải mua thêm vài người ở nữa mới được."

Dương Uyển quay đầu sang, cười hỏi: "Các anh bảo chàng mua ấy à? Bây giờ mua một người mất bao nhiêu bạc?"

"Ôi, có thể lên đến mười mấy lượng đấy. còn phải xem dáng dấp thế nào."

Dương Uyển lại bảo: "Lương bổng một tháng đốc chủ các anh nhận được bao nhiêu bạc vậy?"

"Dạ?" Đàm Văn Đức nghe câu này, suýt nữa thì trượt chân, "Chuyện này..."

Anh ta ngập ngừng, không biết có nên bóc trần khuyết điểm của Đặng Anh trước mặt Dương Uyển không.

Đặng Anh dạy những người này chỉ có một giới hạn duy nhất là không thể tùy ý giết người, bình thường không ngăn cản xưởng vệ thuộc hạ thu "tiền làm việc" của quan dân, nhưng bản thân chàng thì dường như đó giờ chưa từng lấy, dù lấy, sau đó cũng đưa cho các xưởng vệ chia nhau. Mọi người thường nói Ti lễ giám được ban thưởng không ít, nhưng Đàm Văn Đức thấy ngày thường Đặng Anh chi tiêu ăn mặc quả thực không hề giống người có tiền. Mấy ngày nay, anh ta và mấy xưởng vệ giúp đỡ chàng mua đồ đạc và đồ trang trí trong nhà, các xưởng vệ nghĩ đến là chàng bỏ tiền nên không dám vung tay quá trớn.

"Ôi... bổng bạc của đốc chủ là nội đình cấp, chúng tôi không biết rõ lắm..."

Dương Uyển nói tiếp: "Chàng không có bao nhiêu tiền đâu, với lại, chàng cũng sẽ không đi mua người về làm nô tì sai sử."

"Đúng là tôi không có bao nhiêu tiền thật."

Dương Uyển và Đàm Văn Đức nghe một câu như vậy, đều sửng sốt, ngẩng đầu đã thấy Đặng Anh đang đi về phía họ.

Hôm nay chàng không mặc quan phục, bận áo dài xanh ngọc, tóc búi trên đỉnh đầu, không đeo khăn mão, nom tựa như tú tài bên ngoài.

Đàm Văn Đức hơi lúng túng, nhắm mắt hỏi: "Không phải tôi nói đốc chủ nghèo, chỉ là..."

"Hôm nay tôi nghèo thật."

"Ngài đừng nói thế..."

Đàm Văn Đức bị sự thành thật của Đặng Anh làm choáng váng, đành miễn cưỡng đổi đề tài: "Không phải ngài đợi ở Thừa Càn Cung ạ? Sao cũng tới đây?"

"À." Đặng Anh xắn tay áo, "Tôi tới xem xem có thể phụ một tay không."

Đàm Văn Đức nghe vậy vội nói: "Sao có thể bắt ngài lao động được."

Dương Uyển cười, "Hôm nay anh ăn mặc thế này cũng không giống đi lao động được."

Đặng Anh giữ ống tay áo, cười nhìn Dương Uyển, "Vậy giống cái gì?"

Dương Uyển đáp: "Giống chuẩn bị vào trường thi hương."

Đặng Anh bật cười, "Thuận Thiên Phủ đang dựng lều thi hương đấy, có muốn đi xem không?"

"Lều thi?" Dương Uyển nghi hoặc nói, "Sao lại chỉ dựng lều thi, chẳng lẽ chưa sửa phòng thi à?"

Đặng Anh gật đầu, "Vốn nên sửa rồi, nhưng hoàng thành và tường thành bao quanh vẫn chưa hoàn thiện xây dựng, tài chính hữu hạn, hiện chỉ có thể dùng ván gỗ và chiếu sậy dựng lều thi, bốn phía quây bụi gai. Ai cũng nói trường thi kinh sư xây còn chẳng tốt được bằng mấy thư cục gần đấy."

Chuyện này lại khiến Dương Uyển hào hứng, "Gần đấy có những thư cục nào vậy, hôm nay có thể đi xem thử không?"

Đặng Anh đáp: "Tôi lấy được nha bài rồi, có thể dẫn cô ra ngoài."

Dương Uyển quay đầu ngó hành lí của mình, mặt lộ vẻ do dự.

Đàm Văn Đức thấy vậy vội nói: "Ngài cứ theo đốc chủ chúng tôi ra ngoài đi, những thứ này tôi sẽ giao cho Hợp Ngọc cô nương, cam đoan không làm hỏng."

Dương Uyển mỉm cười: "Vậy được... Các anh cẩn thận chút."

Nói rồi đi tới sau Đặng Anh, chọt lưng chàng, "Đi mau đi mau."

Đặng Anh ngoái lại liếc Dương Uyển, sắc mặt cô rạng rỡ, ánh mắt thoải mái.

Lại nói, kể từ Hạc cư án đến nay, đã rất lâu rồi chàng chưa thấy Dương Uyển cười như vậy.

Nha môn Thuận Thiên Phủ tọa lạc tại đường Đông Công mé Đông lầu canh phía bắc thành. Khu vực quanh lầu canh có đến mấy thư cục phường khắc, nổi danh nhất trong đó là Khoan Cần Đường của họ Châu và Thanh Ba Quán của họ Tề. Hai thư cục này đều đã truyền thừa kinh doanh trên trăm năm, không chỉ có mặt tiền cửa hàng lớn mà quy mô in khắc cũng rất to.

Ngành xuất bản ở triều Minh vô cùng thịnh vượng, mặc dù sơ sót trong khâu quản lí là rất lớn nhưng ngược lại cũng rất tự do, ngành xuất bản chia thành quan khắc, tư khắc và phường khắc1. Đặng Anh là người thích mua sách, thường xuyên tới các thư cục tư nhân sưu tầm một vài ấn bản riêng của văn nhân vô danh.

1 Phường khắc: Nhà xuất bản mang tính chất thương mại

Nhưng Dương Uyển lại không đến những thư cục tư nhân này, sau khi xuống xe ngựa lập tức kéo Đặng Anh chạy thẳng tới Thanh Ba Quán. Vết thương chân của Đặng Anh vừa phát tác một trận vào hai ngày trước, bây giờ đi lại hơi miễn cưỡng, nhưng lại không muốn nói Dương Uyển "Chậm thôi", chỉ đành nhìn bóng lưng cô cười khổ. Người qua đường trong chợ sách trông thấy cảnh tượng này đều cười bảo nhau, "Anh quan này hiền lành quá, chịu chiều theo tiểu nương tử ghê."

Đặng Anh nghe thấy lời này, tai hơi nong nóng, không nhịn được gọi Dương Uyển.

"Uyển Uyển."

"Hả?" Dương Uyển ngoái lại thấy sắc mặt chàng hơi tái, vội hỏi, "Có phải cổ chân lại đau không?"

"Hơi hơi."

Dương Uyển dừng chân, "Sao không nói?"

Đặng Anh đáp: "Thấy cô hào hứng nên..."

Dương Uyển đỡ cánh tay Đặng Anh, "Đi thế này đi, anh dựa vào tôi."

"Cô có mệt không?"

Dương Uyển lắc đầu, "Không mệt, thật đấy, anh đừng để ý tôi, dựa gần vào. Anh gầy, tôi kham được."

Đặng Anh cúi đầu nhìn sườn mặt Dương Uyển, "Uyển Uyển."

"Anh nói đi."

"Sao cô lại có hứng thú với Thanh Ba Quán thế?"

Dương Uyển không trả lời Đặng Anh ngay, thay vào đó, cô hồi tưởng lại câu mình từng nói với Đặng Anh, "tranh luận thay chàng, ra trận vì chàng trong cuộc chiến bút mực".

Bút mực là gì?

Ở triều Đại Minh, bút mực như quân đội, đều là lưỡi đao. Đó là cơ quan ngôn luận của văn sĩ, là dư luận của thiên hạ, là sinh mệnh mà hoàng quyền không ngừng bóp giết nhưng làm thế nào cũng giết không hết.

"Thanh Ba Quán có khắc tác phẩm của anh bao giờ chưa?"

Đặng Anh gật đầu.

"Có, đã từng."

"Thiên nào?"

"'Thư gửi Tử Hề cuối năm'."

Đoạn, chàng ngẩng đầu nhìn lên biển hiệu Thanh Ba Quán, "Khi ấy, tôi và Tử Hề giao du thường xuyên, gửi qua gửi lại khá nhiều thơ văn, có điều, sau khi tôi vào ngục giam Hình bộ, tác phẩm của tôi không thể được truyền bá nữa, bản khắc lúc ấy có khả năng đã bị đốt rồi."

Dương Uyển ngẩn ra.

Kì thực Thanh Ba Quán vẫn giữ bản khắc "Thư gửi Tử Hề cuối năm", về sau Thanh Ba Quán dời xuống Quảng Châu, bản khắc ấy cũng được mang đến đó, sau nữa, bản khắc nhiều lần qua tay đổi chủ, lưu lạc ra nước ngoài, nhưng Dương Uyển trông thấy hình chụp của nó trong viện bảo tàng ở Quảng Châu.

"Biết đâu chưa đốt." Dương Uyển kéo cánh tay Đặng Anh, mỉm cười rạng rỡ sáng rọi với chàng, "Đi xem xem."

Đặng Anh gật đầu, cười đáp một chữ "Được".

Thanh Ba Quán có kết cấu trước tiệm sau xưởng, trước cửa tiệm lúc này đang bày sạp thi tạm thời, vô cùng náo nhiệt. Đặng Anh dừng chân, nhìn lướt qua sách trên mặt sạp, Dương Uyển ngẩng đầu hỏi chàng: "Anh với ca ca tôi, ai học giỏi hơn?" Đặng Anh cười không đáp.

Đang nói thì chưởng quỹ trong tiệm ra nghênh, thấy Dương Uyển và Đặng Anh đứng cách sạp thi khá xa, bèn nói: "Hai vị khách quan không phải đến để xem sách thi cử ạ?"

Đặng Anh đáp: "Vâng, muốn dẫn..."

Đặng Anh nhất thời không biết gọi Dương Uyển là gì, nào ngờ Dương Uyển lại tiếp lời: "Phu quân muốn dẫn tôi vào chơi."

Chưởng quỹ chỉ cho rằng hai người họ là một cặp phu thê phong nhã có học, "Phu nhân cũng đọc sách ạ?"

"Vâng, biết được mấy chữ."

"Ngài nói vậy khiêm tốn quá rồi, mời vào."

Dương Uyển kéo tay Đặng Anh tiệm bày sách, tham quan các loại thư tịch do Thanh Ba Quán biên soạn và khắc ấn như "Tây Du Kí", "Liệt Quốc Chí Truyện", "Tam Quốc Chí Truyện Bình Lâm", "Thủy Hử Chí Truyện Bình Lâm", "Đông Tây Tấn Diễn Nghĩa", "Tây Hán Chí Truyện", có một vài bản thậm chí còn được bảo tồn đến hiện đại.

Dương Uyển cầm một quyển "Tây Du Kí" giở ra, thuận miệng hỏi: "Xưởng các ông còn giữ bản khắc cuốn này không ạ?"

Chưởng quỹ nói: "Phu nhân hỏi thế là muốn làm ăn với chúng tôi à?"

Dương Uyển vén tóc ra sau tai, ngó Đặng Anh, cười không đáp.

Chưởng quỹ tưởng là Dương Uyển cẩn trọng, muốn chờ mình tán thành trước, bèn ân cần nói: "Bản khắc cuốn này đã bị ông chủ chúng tôi đốt mất rồi, có điều, có một phiên bản khác, bản khắc ấy đến giờ vẫn còn lưu trữ. Ông chủ chúng tôi lưu giữ bản khắc còn phải xem ông ấy có thích bản nào. Có một số sách tuy bán tốt nhưng bản khắc lại không lọt mắt xanh của ông chủ chúng tôi, thế nên cũng bị đốt."

"Ồ? Vậy ông chủ các ông hẳn là người rất kĩ tính."

"Lại chẳng," Chưởng quỹ tự hào nói, "Thanh Ba Quán chúng tôi có thể so với Khoan Cần Đường là bởi ông chủ chúng tôi xuất thân cử thân, là người đọc sách chân chính đấy."

Dương Uyển khép sách lại: "Vậy bản khắc 'Thư gửi Tử Hề cuối năm' có còn không?"

Chưởng quỹ nói: "Ôi, ngài hỏi bản khắc cuốn này là tôi biết ngay ngài có kiến thức mà. Ông chủ tôi vô cùng thích tác phẩm đó, khi xưa ông ấy đã đích thân giám sát khắc bản đó, tuy người viết tác phẩm này là một tội nhân, bây giờ không thể khắc tiếp cuốn đó nữa, nhưng đó giờ ông chủ vẫn giữ bản khắc xưa."

"Chúng tôi có thể xem thử không?"

"Chuyện này..."

Chương quỹ do dự.

Dương Uyển nói: "Ông đừng hiểu lầm, nếu là ông chủ các ông đích thân giám sát khắc bản thì đương như là đồ tốt nhất, tôi chỉ muốn xem xem bản khắc tốt nhất của thư cục các ông trông như thế nào thôi."

Chưởng quỹ nghe cô nói vậy, mặt mày mới hòa hoãn lại.

"Được ạ, ngài ngồi trước đi, trong xưởng chúng tôi đang tiếp quý nhân, sợ bị đụng chạm, để tôi vào xem hộ ngài, nếu không ảnh hưởng thì tôi sẽ dẫn ngài vào."

"Được."

Dương Uyển đỡ Đặng Anh ngồi xuống, bản thân thì kéo váy ngồi xổm.

Đặng Anh vội nói: "Làm gì vậy?"

Dương Uyển vén ống quần chàng lên, "Nhân lúc đang rảnh, tôi ủ giúp anh."

Đặng Anh vội khom lưng che cổ chân mình, Dương Uyển nắm vào làn da trên mu bàn tay chàng, cứng rắn nhấc tay chàng ra.

"Nghe lời nào, Đặng Anh."

Đặng Anh ngẩn người.

"Tôi không thể..."

"Giả làm vợ chồng thì phải giả cho giống chút."

Cô ngắt lời Đặng Anh, nói đoạn ấp hai tay lên mắt cá chân Đặng Anh, cười nói: "Hôm nay tới đây đúng là có thu hoạch thật."

Đặng Anh nhìn bàn tay Dương Uyển đặt trên cổ chân mình, mím môi: "Vì sao... muốn xem bản khắc đó?"

Dương Uyển cúi đầu dịu dàng, "Muốn anh biết rằng mặc dù anh không thể viết văn nữa nhưng quá khứ của anh cũng không bị xóa bỏ. Dấu vết anh để lại, đời sau cũng có người dõi theo."

Nói rồi cô ngẩng đầu lên, "Đặng Anh, sau này anh muốn viết văn hãy cứ viết, viết rồi tôi sao."

Đặng Anh cười, "Cô sao cũng chỉ có cô xem thôi."

Dương Uyển đang định trả lời, chợt nghe từ bình phong sau lưng vọng ra một giọng nói quen thuộc.

"Ông chủ các ông không có mặt, chuyện này chúng ta cũng chỉ có thể bàn tới đây, đợi ông chủ các ông trở về, ta sẽ còn tới chuyến nữa, đàm phán với ông ấy."

Dương Uyển đứng dậy, nghiêng người núp sau bình phong, nhìn về phía lối vào hậu đường.

Đặng Anh hỏi khẽ: "Ai thế?"

Dương Uyển nói: "Thái giám Bàng Lăng bên cạnh Hiền phi."

Cô vừa dứt lời, lại nghe người của thư cục nói: "Chuyện này thực ra chưởng quỹ của chúng tôi cũng có thể làm chủ, chỉ là phải thêm một chữ Hiền nữa đằng sau 'Ngũ hiền truyện', cuốn này Thanh Ba Quán chúng tôi vẫn chưa định bản, cũng không khó."

Dương Uyển nghe thấy cái tên "Ngũ hiền truyện", không khỏi sửng sốt.

Cuốn sách này là do một văn nhân tên Đỗ Hằng viết vào thời Minh, ghi chép về năm vị hậu phi hiền đức trong lịch sử, không phải một cuốn sách gì quá có tiếng, không được lưu truyền tới hiện đại, nguyên nhân không rõ. Dương Uyển từng bắt gặp cái tên của cuốn sách này trong một số sử liệu vụn vặt.

"Đặng Anh."

"Ơi?"

"Anh bảo xưởng vệ để ý tay Bàng Lăng này nhé."

"Vì sao?"

Dương Uyển mím môi, "Tôi chưa nói rõ được, nhưng đợi đến lúc tôi nghĩ rõ ràng rồi, có lẽ sẽ như chuyện của Trịnh bỉnh bút, đã muộn."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net