Quychuan3-4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương III. ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

Mục 1. TỔ CHỨC ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

Điều 15. Tổ chức đơn vị công tác

Một đơn vị công tác phải có tối thiểu hai người, trong đó phải có một người chỉ huy trực tiếp chịu trách nhiệm chung.

Điều 16. Cử người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác

Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm cử người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác phù hợp với công việc, có trình độ và khả năng thực hiện công việc an toàn.

Điều 17. Cử người giám sát an toàn điện

1. Người sử dụng lao động hoặc đơn vị quản lý vận hành chịu trách nhiệm cử người giám sát an toàn điện khi đơn vị công tác không chuyên ngành về điện hoặc không đủ trình độ về an toàn điện làm việc gần vật mang điện.

2. Đơn vị quản lý vận hành chịu trách nhiệm cử người giám sát an toàn điện khi đơn vị công tác làm việc tại nơi đặc biệt nguy hiểm về điện.

Điều 18. Công việc gồm nhiều đơn vị công tác

Trường hợp công việc do nhiều đơn vị công tác của cùng một tổ chức hoạt động điện lực thực hiện, người sử dụng lao động phải cử người lãnh đạo công việc.

Điều 19. Cho phép thực hiện nhiệm vụ một mình

Những người được giao nhiệm vụ đi kiểm tra đường dây, thiết bị bằng mắt thì được phép thực hiện nhiệm vụ một mình. Trong khi kiểm tra phải luôn coi đường dây và thiết bị đang có điện.

Điều 20. Trách nhiệm của người lãnh đạo công việc

Người lãnh đạo công việc chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các đơn vị công tác trong quá trình thực hiện công việc.

Điều 21. Trách nhiệm của người cho phép

1. Người cho phép chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn điện thuộc trách nhiệm của mình để chuẩn bị chỗ làm việc cho đơn vị công tác.

2. Chỉ dẫn cho đơn vị công tác các thiết bị đã được cắt điện, những phần thiết bị còn điện và các biện pháp đặc biệt chú ý.

3. Ký lệnh cho phép vào làm việc và bàn giao nơi làm việc cho đơn vị công tác.

Điều 22. Trách nhiệm của người giám sát an toàn điện

1. Cùng người chỉ huy trực tiếp tiếp nhận nơi làm việc.

2. Phải luôn có mặt tại nơi làm việc để giám sát an toàn về điện cho nhân viên đơn vị công tác và không được làm thêm nhiệm vụ khác.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHỈ HUY TRỰC TIẾP

Điều 23. Trách nhiệm phối hợp

Người chỉ huy trực tiếp phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan và chỉ huy, kiểm tra đơn vị công tác để đảm bảo công tác an toàn và gìn giữ an toàn cho cộng đồng.

Điều 24. Trách nhiệm kiểm tra

1. Người chỉ huy trực tiếp phải hiểu rõ nội dung công việc được giao, các biện pháp an toàn phù hợp với công việc.

2. Người chỉ huy trực tiếp chịu trách nhiệm

a) Kiểm tra lại và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cần thiết;

b) Việc chấp hành các quy định về an toàn của nhân viên đơn vị công tác;

c) Chất lượng của các dụng cụ, trang bị an toàn sử dụng trong khi làm việc;

d) Đặt, di chuyển, tháo dỡ các biển báo an toàn điện, rào chắn, nối đất di động trong khi làm việc và phổ biến cho tất cả nhân viên đơn vị công tác biết.

Điều 25. Kiểm tra sơ bộ sức khoẻ công nhân

Trước khi bắt đầu công việc, người chỉ huy trực tiếp phải kiểm tra sơ bộ tình hình sức khỏe, thể trạng của nhân viên đơn vị công tác. Khi xét thấy sẽ có khó khăn cho nhân viên đơn vị công tác thực hiện công việc một cách bình thường thì không được để nhân viên đơn vị công tác đó tham gia vào công việc.

Điều 26. Trách nhiệm giải thích

Trước khi cho đơn vị công tác vào làm việc người chỉ huy trực tiếp phải giải thích cho nhân viên đơn vị công tác về nội dung, trình tự để thực hiện công việc và các biện pháp an toàn.

Điều 27. Trách nhiệm giám sát

Người chỉ huy trực tiếp phải có mặt liên tục tại nơi làm việc, giám sát và có biện pháp để nhân viên đơn vị công tác không thực hiện những hành vi có thể gây tai nạn trong quá trình làm việc.

Mục 3. TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN VIÊN ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

Điều 28. Nghĩa vụ của nhân viên đơn vị công tác

1. Phải nắm vững và thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn liên quan đến công việc, phải nhận biết được các yếu tố nguy hiểm và phải thành thạo phương pháp sơ cứu người bị tai nạn do điện.

2. Phải tuân thủ hướng dẫn của nguời chỉ huy trực tiếp và không làm những việc mà người chỉ huy không giao. Nếu không thể thực hiện được công việc theo lệnh của người chỉ huy, hoặc nhận thấy nguy hiểm nếu thực hiện công việc đó theo lệnh, nhân viên đơn vị công tác phải ngừng ngay công việc, báo cáo và chờ lệnh của người chỉ huy trực tiếp.

3. Khi không thể tuân thủ lệnh của người chỉ huy trực tiếp, các quy định về an toàn hoặc nhận thấy có khả năng và dấu hiệu thiếu an toàn ở thiết bị, ở dụng cụ an toàn hoặc điều kiện làm việc, được quyền từ chối thực hiện lệnh của người chỉ huy trực tiếp, khi đó phải báo cáo với người có trách nhiệm thích hợp.

Điều 29. Ngăn cấm vào vùng nguy hiểm

Nhân viên đơn vị công tác không được vào các vùng:

1. Người chỉ huy trực tiếp cấm vào.

2. Có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Điều 30. Sơ cứu người bị tai nạn

1. Mỗi đơn vị công tác phải có các dụng cụ sơ cứu người bị tai nạn.

2. Khi xảy ra tai nạn, mọi nhân viên đơn vị công tác phải tìm cách sơ cấp cứu người bị nạn và báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

Chương IV.TRANG THIẾT BỊ AN TOÀN VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Điều 31. Yêu cầu về sử dụng

1. Tất cả các nhân viên của đơn vị công tác phải sử dụng đúng và đầy đủ các trang bị an toàn và bảo hộ lao động phù hợp với công việc được giao. Người chỉ huy trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng các trang bị an toàn và bảo hộ lao động của nhân viên đơn vị công tác.

2. Khi công việc được thực hiện ở gần đường dây có điện áp từ 220kV trở lên, có khả năng bị điện giật do cảm ứng tĩnh điện thì nhân viên đơn vị công tác phải được trang bị bảo hộ chuyên dụng.

Điều 32. Kiểm tra trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động

1. Các dụng cụ và trang thiết bị an toàn điện phải đạt được các tiêu chuẩn thử nghiệm và sử dụng.

2. Các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động phải được kiểm tra, bảo quản theo quy định của nhà sản xuất và quy định pháp luật hiện hành. Cấm sử dụng các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động khi chưa được thử nghiệm, đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường.

Điều 33. Kiểm tra hàng ngày

1. Trước khi sử dụng trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động, người sử dụng phải kiểm tra và chỉ được sử dụng khi biết chắc chắn các trang thiết bị này đạt yêu cầu.

2. Sau khi sử dụng, các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động phải được vệ sinh sạch sẽ làm khô và bảo quản theo quy định. Nếu phát hiện trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động có dấu hiệu không bình thường phải báo cáo với người quản lý.

Điều 34. Sử dụng dụng cụ và thiết bị khi làm việc có điện

Người chỉ huy trực tiếp phải yêu cầu nhân viên đơn vị công tác sử dụng dụng cụ và thiết bị cho sửa chữa có điện theo nội dung của công việc. Nghiêm cấm tiến hành các công việc sửa chữa có điện khi không có các dụng cụ, thiết bị bảo đảm an toàn.

Điều 35. Kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng đối với dụng cụ và thiết bị cho công việc sửa chữa có điện

1. Dụng cụ và thiết bị cho công việc sửa chữa có điện phải được kiểm tra định kỳ theo tiêu chuẩn và bảo dưỡng, bảo quản theo quy định.

2. Cấm sử dụng dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động cho công việc sửa chữa có điện quá thời hạn kiểm tra, đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường.

Điều 36. Vận chuyển các dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động

Các dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động phải được cất vào bao gói chuyên dụng để tránh làm hỏng, biến dạng, dính dầu, bụi bẩn, ẩm .v.v... trong quá trình vận chuyển.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dsb