Caught in the web - Khi Trần Khải Ca yêu nông nổi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sưu tác (Caught in the web) được giới thiệu là một câu chuyện buồn về truyền thông, câu chuyện về một người bình thường vì mắc phải lỗi ứng xử mà bị dư luận kỳ thị một cách quá quắt và tàn nhẫn, để rồi rơi lại những thương tâm. Đó là tôi thuật lại vài ý mà giới truyền thông giới thiệu về Sưu Tác.

Review phim của Trần Khải Ca không dễ, bởi vì Trần Khải Ca dựng phim không phải theo cảm xúc để tôi men theo mạch chảy của nó nói nhăng nói cuội như thường làm. Phim của Trần Khải Ca rất lý trí, lý trí đến nỗi khô khan để dừng lại tại một nước chót tạo chấn động. Nên thành thử review phim của Trần Khải Ca như lúc diễn giải một ván cờ tướng vậy, có cái thú riêng ở những nước thí tốt, đảo mã, nhảy pháo hay bay xe, cũng rất hứng thú, nó là thứ hứng thú khám phá rồi thế cờ bí nào sẽ xảy ra...

Ngắn gọn, tôi chỉ xin diễn tả lại ván cờ Sưu tác mà Trần Khải Ca chơi với cảm xúc – theo cách hiểu của tôi, việc đánh giá phim xin dành lại cho khán giả, tôi không đánh giá, chỉ viết đôi dòng về những ý nghĩ bâng quơ khi xem phim mà thôi. Do diễn giải lại nên phần sau sẽ có spoiler.

Có thể thấy nghệ thuật khi làm phim của Trần Khải Ca là lồng ghép câu chuyện, những câu chuyện về đời người cứ lần lượt hiện lên sắc sảo qua góc nhìn của anh. Với Sưu Tác, có thể chia cả phim làm 2 mạch câu chuyện được Trần Khải Ca lồng ghép vào nhau. Một là mạch truyện của Diệp Lam Thu đối diện với căn bệnh ung thư máu trắng, hai là câu chuyện văn hóa ứng xử trong đời sống hiện nay, đặc biệt là qua truyền thông đang vươn sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ. Hai câu chuyện dẫn dắt khán giả đi vào những tình tiết hóc hiểm mà Trần Khải Ca khoét vào, chúng khiến cho phim lạ, khác biệt với những bộ phim diễn tả rời một trong hai mạch nội dung trên.

Đạo diễn Trần Khải Ca ngay từ đầu đã diễn giải rất rõ ràng Diệp Lam Thu bị ung thư máu, và vì bị shock nên Diệp Lam Thu đã bất cần mà ứng xử láo xược với những quy tắc ứng xử của xã hội, cụ thể là không nhường chỗ cho người già khi đi trên xe buýt, khi gặp phải sức ép bắt buộc phải nhường chỗ thì cô ấy buông lời thách đố "muốn ngồi thì ngồi lên chỗ này" (chỉ đùi của cô). Hành động của Diệp Lam Thu bị một cô phóng viên thực tập dùng điện thoại ghi lại, sau đó cô này phỏng vấn Diệp Lam Thu tại sao lại không nhường, thì Diệp Lam Thu nói vì cô không thích nhường.

Thế là Diệp Lam Thu được lên truyền hình, và dư luận được dịp sốt về một con bé "mất dạy". Mà dư luận thì có cái tật phủ đầu rồi hẵng nói chuyện sau. Chẳng trách được, bởi vì con người ta thường tin vào những việc trước mắt, và tin vào ý tứ mà người đứng bản tin định hướng. Ở đây người làm bản tin đã định hướng muốn tạo dư luận với một cách ứng xử vô văn hóa của Diệp Lam Thu thì dư luận sẽ đi theo hướng đó, họ nhìn cái hệ quả mà không quan tâm đến nguyên nhân, đó là cái quyền ba trớt của họ, cũng là cái khuyết điểm ba trợn của họ khi tin hoàn toàn vào báo chí hiện nay. Nhưng đó là dư luận, còn với người làm báo (nói chung) thì nếu đuợc dạy đàng hoàng người ta sẽ được dạy cái tâm với nghề, cái tâm để đi tìm hiểm căn cơ cặn kẽ, đa chiều một sự việc để biết phê phán cái gì, và biết thông cảm cho cái gì. Nhưng rất tiếc, với sự phát triển nhanh chóng của truyền thông hiện nay, khi nhà nhà làm báo, người người làm báo thì chẳng mấy "nhà báo" có được cái tâm với nghề, với trách nhiệm ngòi bút nặng mang cả, đặc biệt là báo mạng và những tờ báo hot, khi người làm báo không được dạy dỗ đàng hoàng mà câu tin giật gân, tựa giật mạch để thu lời từ lượt xem, một dạng truyền thông có bản chất "cướp". Thế nên tạo nên bi kịch của Diệp Lam Thu bị dư luận bủa vây, như cái dạng muốn bắt Diệp Lam Thu bỏ vào rọ thả trôi sông giống hình phạt mà phụ nữ ngoại tình ngày xưa phải gánh vậy. Xã hội Trung Quốc là một xã hội có tính cực đoan, xưa giờ vẫn coi trọng tư tưởng "giết nhầm hơn bỏ sót" nên nếu dư luận xã hội phẫn nộ thì hậu quả mà Diêp Lam Thu phải lãnh đó chính là cô khó có thể sống yên lành khi gương mặt, cũng như công việc và đời tư của cô bị trưng lên mạng một cách vô trật tự, không có tí nghiệp vụ báo chí nào. Mọi người nhân danh đạo đức và công lý tám về cuộc đời của cô gái bằng sự hiểu nhầm. Đời giờ vốn là thế!

Con đường mà dư luận phẫn nộ Diệp Lam Thu được Trần Khải Ca khuếch đại bằng việc đời tư của Diệp Lam Thu bị vợ chủ tịch công ty nơi Diệp Lam Thu từng làm nặc danh tố cáo qua truyền thông rằng cô dang díu với chồng bà ta. Chuyện đó là chuyện "ảo", nhưng chuyện cô từ từ dây dưa với bạn trai của cô phóng viên Trần Nhược Khê mới là thật, mà cô này là người đứng bản tin. Thế là từng bước Trần Khải Ca thảy ra con chốt này đến xe nọ để dồn Diệp Lam Thu đến thế cờ chiếu bí (đối với Trần Khải Ca) để đi đến quyết định tìm đến sự giải thoát.

Tất nhiên bên cạnh đó Trần Khải Ca không quên tặng cho Diệp Lam Thu cũng như khán giả những thước phim lãng mạn – bất đắc dĩ của một cô gái sắp chết ở bên cạnh một người đàn ông đẹp trai và ấm áp (tất nhiên là thêm dấu ấn tửng một cây theo phong cách hiện đại) mở cánh cửa lòng của cô, người đàn ông duy nhất muốn che chở và bên cạnh cô trong một kiếp người bị đẩy đến thế cùng cực (lại đối với Trần Khải Ca) của cuộc đời. Những cảnh quay miêu tả tình cảm – mà tôi chẳng muốn gọi là tình yêu của phim đẹp, chúng gợi tả lại nỗi cô đơn của những con người cô đơn chưa hiểu bản thân mình khi họ bên cạnh nhau, chúng khiến cho câu chuyện dịu vợi thắp sáng chốn hoang tàn, khiến cho câu chuyện se sắt một chút gì đó vừa mới chớm nhưng đã phải chấm dứt trong chia biệt. Chúng đẹp bởi chúng gián đoạn trong mong manh, bởi chúng lỡ làng trong hoang mang, và bởi vì chúng khiến những con người ấy hạnh phúc thứ hạnh phúc được nâng niu lần đầu cũng như được chìu chuộng lần cuối. Chữ tình vốn dĩ luôn đẹp trong dang dở, phảng phất nét buồn vương trong ngỡ ngàng giữa hư thực. Và người ta yêu chìu cái đẹp bởi vì người ta biết vẻ đẹp chóng vơi, cho dù nó chẳng bao giờ đầy...

Cái đẹp đúng là cần được chìu chuộng, nhưng tại sao tôi lại đặt cái tựa Khi Trần Khải Ca nông nổi? Một cái tựa dễ gây tranh cãi khi bàn đến một tác phẩm của một đạo diễn nổi danh. Tất nhiên tôi có lý do riêng của mình, nông nổi ở đây không chỉ có ý nghĩa tiêu cực, mà gồm cả tiêu cực và tích cực. Trần Khải Ca năm nay cũng sáu mươi tuổi rồi, nói một người già như thế nông nổi thì có vẻ trái khuấy. Nhưng Trần Khải Ca yêu chìu vẻ đẹp mà tôi nói ở đoạn trên một cách cách tân quá, thế nên mới trở nên nông nổi. Khi yêu thì mấy ai không nông nổi đâu, mấy ai lý trí đâu nên Trần Khải Ca truyển tải một tác phẩm văn học được giải Lỗ Tấn lên phim ảnh với tâm thế lý trí yêu chìu ...lý trí quá cao, nên chúng trở thành những cảm xúc nông nổi khi anh yêu chìu cái đẹp lúc chúng chưa đến nơi, yêu chìu sự mong manh lúc chúng chưa đến chốn. Bởi bố cục bĩ cực của anh tuy thật nhiều sắc sảo, thật nhiều sự thâm nho thì lại không nhấn được nồng cốt câu chuyện, không nhấn được đường dây tác động và chuyển biến trong nội tâm của nhân vật. Khán giả sẽ không thể thấy cảm xúc hoảng loạn hay một cái gì đó đại loại như thế từ Diệp Lam Thu ngoài những cảnh nằm nghiêng ngã của nhân vật, khán giả cũng sẽ chẳng thể xác định được lý do Diệp Lam Thu chọn sự giải thoát, tất nhiên là tôi nói ở nội tâm nhân vật chứ không phải nói về nội dung của bức di thư được để lại. Qúa trình trưởng thành trong tâm lý nhân vật nông nổi, không phát triển và dường như bị tịt ngòi bởi sự lủng củng giữa những sự sắc sảo và thâm nho trong hành động của nhân vật. Thế nên tất cả sự thâm nho ấy chưa tạo thành một quá trình có ý nghĩa. Trần Khải Ca đánh tráo giữa hai vấn đề ý nghĩa của sự sống và sự nanh ác của miệng đời. Nội dung của chúng chưa thật sự hòa hợp được với nhau để tạo nên một câu chuyện thống nhất, nên dù chúng trông liên tục về hình thức với sự sắp đạt khéo léo của anh thì nòng cốt câu chuyện lại đứt đoạn và rời rạc khi anh bận tâm đến quá nhiều suy tính của mọi nhân vật, thay vì miêu tả trung khu nội tâm. Và quả thật, tính cách nhân vật khiến khán giả nhớ nhiều nhất sẽ không phải Diệp Lam Thu mà là tay giám đốc ngụy quân tử của Diệp Lam Thu, một tên cướp mà Trần Khải Ca dày công bố cục trong một câu chuyện đậm chất thâm nho của Tàu.

Tuy nhiên cũng chính nhờ sự nông nổi trong lúc yêu chìu cái đẹp ấy mà Trần Khải Ca đã mang lại cho khán giả một bộ phim bi lạ lẫm và khác biệt, một góc nhìn sắc về thế giới truyền thông bát nháo hiện nay. Và nếu tách biệt hai câu chuyện mà tôi nêu trên thì việc Trần Khải Ca đào sâu vào một đề tài xã hội khi- xã hội đang dần được hình thành trên truyền thông, trong cái giai đoạn thế giới truyền thông "ăn lông ở lỗ" chưa định hình đuợc tính văn minh hay văn hóa thì đó là một nỗ lực của đạo diễn để tát một bạt tai vào thế giới truyền thông bát nháo và dư luận a dua hiện giờ. Chỉ tiếc rằng cái kết thúc mà Trần Khải Ca để ra trong phim không đủ đanh thép để tạo dấu ấn sâu hơn trong khán giả và dư luận, chúng lửng lơ nên không đủ sức để đánh thức cách nhìn của con người truyền thông vẫn còn đang ở thời kỳ định hình tư cách, nơi đến giờ thiếu những quy chuẩn đạo đức để định hướng dẫn con người truyền thông tuân theo, hay thiếu những quy chuẩn luật pháp với chế tài để buộc con người truyền thông phải thực hiện. Khi mà mọi thứ chưa định hình thì chúng ta cần lắm sự nông nổi của những con người như Trần Khải Ca lên tiếng để nhắc nhở về một cách nghĩ, hay rộng hơn là văn hóa truyền thông. Chính sự nông nổi tạo nên những suy nghĩ cần thiết để chúng ta nhận thức một cuộc sống mới mà ta đang hòa nhập vào, để tự mình lớn dần và trưởng thành với sự biến hóa của truyền thông nói riêng, cũng như tạo hóa nói chung.

Phim có sự tham gia của Cao Viên Viên (diễn xuất bình thường) và Triệu Hựu Đình (diễn có duyên, tuy cái vai diễn có duyên ấy vai trò là gì thì tôi cũng không chắc ngoài đem lại nụ cuời cho khán giả ^^), một phim lạ đáng xem, không phải vì quá hay, mà bởi vì nó tạo được suy nghĩ về những vấn đề hiện đại khi trở mặt trái của một vấn đề còn đang trong quá trình bắt đầu lớn lên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#review