Tây du ký 2013 - Nơi ký ức nép vào bờ mắt bình yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần 20 năm sau Đại thoại Tây du, Châu Tinh Trì đã trở lại với Tây du ký bằng một bản tình ca ngoại truyện. Và anh đã trở lại, cũng chính bằng làn hơi ký ức, thứ mà 18 năm trước đã đưa Đại thoại Tây du xuyên vào lòng khán giả in hằn những nhớ nhung.

So sánh với Đại thoại Tây du là điều dễ hiểu, bởi vì có thể xem Tây du ngoại truyện là sự cách tân của Châu Tinh Trì trên nghiệp điện ảnh của anh, khi mà anh thoái lui màn ảnh để đứng sau máy quay lặng lẽ, nhường những khuôn ảnh lại cho thế hệ sau đi vào lòng khán giả. Tuổi già luôn là những vết chân chim để khiến cho người ta biết rằng đôi khi không cần xuất hiện cũng là đủ để gợi lại vấn vương.

Tây du ngoại truyện thiếu đi hình ảnh Châu Tinh Trì, dù rằng nam diễn viên chính Văn Chương trong vai Trần Huyền Trang được tuyển lựa cũng có ngoại hình hao hao Châu, nhưng phim hoàn toàn không thiếu những khoảnh khắc Châu Tinh Trì, vẫn rất tếu táo, thông minh và lém lỉnh. Tây du ngoại truyện kể lại chuyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân, dưới một góc độ khác, với những cải biên khác. Câu chuyện là hành trình tìm về cảm xúc của Trần Huyền Trang trước khi dấn bước đi thỉnh chân kinh. Nhiều người hẳn sẽ không thích cốt truyện đụng chạm đến biểu tượng tôn giáo, đó là điều tôi hoàn toàn có thể hiểu. Bởi vì liên quan đến tôn giáo sẽ có nhiều hơn một con đường để tìm đến cõi tĩnh lặng ấy, đối với người này nhất nhất phải là con đường này, nhưng đối với người khác có thể là một con đường khác. Ai cũng có niềm tin riêng cho bản thân, cũng có đủ đầy hỉ nộ ái ố và tham, sân, si để chiêm nghiệm chấp thủ và từ bỏ. Nhưng đối với tôi, Tây du ngoại truyện là một con đường trong số đó để đi đến với bản ngã.

Đối với đạo Phật, có hai vấn đề chính yếu là giác ngộ và giải thoát. Và với Tây du ký của Ngô Thừa Ân thì phát triển mâu thuẫn mặt ngoại vi nhiều hơn là mâu thuẫn nội tại khi Trần Huyền Trang tìm đến đất Phật. Cho nên với Tây Du ngoại truyện, Châu Tinh Trì muốn bổ sung, phát triển bản ngã của Trần Huyền Trang để làm rõ hơn con đường tìm về Phật tánh không phải bằng sự hư không, mà chính yếu là một sự giải thoát thứ mà Phật căn dặn không được vướng thân vào. Bởi đó là tình cảm sâu trong bản ngã của con người, một thứ mà ngộ tính không thể bật được tri giác về tình yêu.

Nếu nói một cách bộc trực, thì Châu Tinh Trì đặt vấn đề đủ hay để khiến người xem trăn trở, dẫu rằng con đường mà anh đặt ra chỉ có thể nói gói gọn ở hai chữ "bắt đầu", chứ chưa phải là một hành trình uyên thâm. Tuy nhiên tôi thích cách Châu "bắt đầu" như thế, khi đẩy Trần Huyền Trang sáp lại với cuộc đời Đoạn tiểu thư, một cô gái thuần khiết để tạo những dư cảm nghịch ngợm chút tình với nhà sư. Và thế là đủ để tạo nên ký ức hàm súc ẩn hiện trên bờ mắt bình yên. Tình yêu, sau khi đấu tranh giữa cảm xúc và lý tưởng, đã được bắt đầu giữa những nhịp trái tim rung động, thao thức một thoáng và thoáng một ngậm ngùi. Những hình ảnh kỹ xảo đẹp nhất, đã được Châu Tinh Trì trau chuốt để tạo nên bức tranh ký ức tựa như bờ mắt long lanh, dịu vợi mà chập chùng vấn vương. Hình ảnh ký ức trong Tây du ngoại truyện là một trong hai cảnh phim về ký ức mà tôi yêu thích nhất gần đây, hình ảnh còn lại là bức tranh người mẹ hiện lên qua đàn cá điểm ảnh trong nỗi nhớ của Pi, trong một phim được đạo diễn bởi Lý An.

Mối tình trong Tây du ngoại truyện đẹp như lúc bắt đầu, chứ không phải là vẻ đẹp chìm trong ký ức như Đại thoại Tây du. Tình yêu trong Tây du ngoại truyện đơn giản, thuần túy và dễ hiểu, nhưng đủ để chạm nhẹ vào trái tim khán giả, sau khi họ được cười quặng bụng với những màn hài tình huống tếu táo sở trường của tay đạo diễn họ Châu. Nói chung về yếu tố hài hước, phim không còn tất cả làn hơi Hồng Kông nữa, chỉ còn giữ lại một chút âm sắc "bụi đời" của xứ sở Cảng thơm xưa. Tuy nhiên độ hài hước tin rằng vẫn sẽ khiến nhiều khán giả cười nghiêng ngã, lao xao lẩm bẩm ơ sao cái phim này "điên" đến thế. Tình huống hài hước đưa ra sáng tạo, và thể hiện đến nơi đến chốn, dù vẫn biết dừng lại rất khéo chỉ để giữ được tính hài hước gợi, chứ không tả. Hài tình huống, nói cho nhiều cũng không bằng lúc bạn xem phim, nên tôi dành lại những sở trường của Châu trong cách thiết kế, trong cách nhân vật thoại, và trong cách đưa ra hướng giải quyết bó tay bó chiếu của Châu Tinh Trì, ví dụ như vũ khí hàng yêu của Trần Huyền Trang là 30 bài ca thiếu nhi, dù rằng cuốn sách đó là "bí kíp" cần được tình yêu giải phong ấn từ Phật Như Lai. Phong ấn là gì? Mời bạn xem phim.

Châu Tinh Trì dùng nhiều ý tưởng để thể hiện sự uyên tỏa của phật pháp, là những cánh hoa sen hữu hình, hay tình yêu vô hình cũng là để nói đến cách thức chúng ta tự mở khóa cho cõi lòng, để giác ngộ và giải thoát khỏi những mê muội trên cuộc đời. Tất cả đều là sự đánh đổi để có thể thành tựu, tất cả đều để bắt đầu lại từ một sự kết thúc. Vòng tuần hoàn cũng bắt đầu từ đó, để tan đi và hội tụ lại tại cát bụi hư không, mênh mông ngập tràn duy nhất trong trái tim biết yêu thương, cũng như biết từ bỏ thương yêu. Để rồi trung đạo yên vị trong tim ta.

Thư Kỳ có một vai diễn đủ để tôi nhắc lại rằng cô là giai nhân màn ảnh, một vai diễn đẹp và đủ đẩy để tỏa sáng như ánh bụi lung linh trong cảnh cuối, một diễn viên đủ sức hút để khiến khán giả phải xem cô đóng thêm lần nữa, để lần nữa nhớ nhung. Văn Chương có nhiều cố gắng với lối diễn duyên dáng, tuy nhiên chưa thật sự có đủ độ "lỳ" và "bơ" nếu so sánh với Châu Tinh Trì. Nhưng cũng không cần làm quá để giống Châu Tinh Trì làm gì, vì bắt chước theo một phong cách thì rất khó để có chỗ đứng sau chiếc bóng của tiền nhân. Nhìn chung Tây du ngoại truyện là một phim giải trí tốt, có thể gây mẫn cảm với những khán giả yêu nghiêm túc, coi trọng thông điệp chỉn chu hơn. Ngoài tính giải trí thì Tây du ngoại truyện cũng tạo được dư âm thông qua mục đích giải trí đấy, chính vì như thế tôi đánh giá đây là một bản phim thành công, dù có hơi tiếc một tí vì với riêng bản thân tôi, phim chưa vượt qua được vị trí của Đại thoại Tây du trong lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#review