Review "Hành trình của Linh Miêu" của Nim Nguyễn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Nim Nguyễn

Thể loại: huyền bí, linh dị

Link: https://trangtrongdaygieng.wordpress.com/hanh-trinh-cua-linh-mieu-dang-tien-hanh/

----------------

Review truyện "Hành trình của Linh Miêu" của bạn Nim Nguyễn. Vì truyện khá dài và bản thân mình cũng bận công việc riêng nên đến giờ mới viết review cho bạn được. Về tổng quan, truyện có khá nhiều vấn đề, một bài review này chưa chắc đã nếu lên được tất cả. Và bởi vì là một bài review nên mình không thể viết nó quá dài như một chương truyện hay mấy trang giấy liền được. Vậy nên mình sẽ tập trung vào các phần trọng yếu nhất, có ảnh hưởng tới truyện về sau này. Những lỗi khác nếu ít quan trọng hơn, mình sẽ nêu ngắn gọn hoặc chung chung, bạn nên soát lại để tìm. Về bài review, như mọi bài review khác, mình sẽ tập trung vào nội dung và kỹ thuật. Truyện này có khác hơn là do đã dài nên mình sẽ nêu ra một vài cảm nhận. Cảnh báo: review có thể spoil phần nội dung.

Đầu tiên, về mặt nội dung. Truyện theo thể loại huyền bí, linh dị; sử dụng cái nền là truyền thuyết dân gian, sự tích và văn hóa Việt Nam. Nhân vật chính là Nhật Hạ, một cô gái trẻ mang trong mình linh hồn loài Linh Miêu – một oán khí tích tụ từ những con mèo bị giết; đồng hành với cô là Tuấn Án – một Quỷ Hồn chuyên bắt quỷ và đã sống qua mấy trăm năm. Theo tiến trình hiện tại của truyện, hai người này mới bắt ma... lần đầu tiên :v. Xét tổng thể nội dung, nó khá thú vị, mặc dù ảnh hưởng không ít từ nhiều nguồn văn hóa gồm Trung, Nhật hay các nền văn hóa Đông Á. Nội dung bắt ma quỷ với tuyến nhân vật như vậy thì cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên khi đặt truyện vào bối cảnh Việt Nam với một thế giới đang liên tục mở rộng, nó có nhiều tiềm năng. Đây là một nỗ lực rất đáng khen, đồng thời cách chọn chủ đề cũng khá thông minh. Tuy nhiên, cách xử lý nội dung hiện tại không thực sự ổn, khiến phần nội dung phần nào chùng xuống. Cái này mình nói sau.

Về các nhân vật, dễ thấy các nhân vật chính hầu hết đang ở độ tuổi teen nên ngôn ngữ nói chuyện, cách hành xử của họ cũng mang đặc điểm tuổi mới lớn. Có những lúc họ nói chuyện nhắng nhít, có những lúc họ trêu đùa nhau theo kiểu tuổi teen, có những lúc họ suy nghĩ theo kiểu teen: nửa lớn nửa trẻ con. Với một tác phẩm nhắm đến đối tượng tuổi mới lớn, nên các nhân vật như thế là phù hợp với truyện. Chỉ có một điểm lấn cấn là ở nhân vật Tuấn Anh. Mặc dù không phải là người nhưng cậu ta (hay ông ta) đã tồn tại qua hàng trăm năm, nhưng cách xử sự và cách thể hiện của cậu ta là một thiếu niên đang tuổi lớn, có hiểu biết nhưng bốc đồng. Cậu ta thiếu vắng những điều cần có ở một linh hồn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, đã chứng kiến nhiều chuyện, trong khi tính cách bốc đồng cợt nhả thể hiện rất nhiều – hầu hết chương nào cũng có. Tuy vậy, đây cũng là một kiểu nhân vật phổ biến trong các truyện huyền bí linh dị nên có thể coi đây là một dạng đặc trưng của nhân vật. Vả lại tác giả có thể biện luận tính cách cậu ta thông qua các sự kiện ở Chương 24, nên đào vào nhân vật này cũng không ích gì, nên mình coi đó là nét đặc trưng của nhân vật vậy.

Tuy nhiên xét về nhân vật, mình xét rằng hầu hết các nhân vật trong truyện mới dừng lại ở mức tròn vai. Dù rằng không thể đòi hỏi một tác giả mới viết phải có nhân vật cá tính, gây ấn tượng mạnh và đọng lại trong tâm trí độc giả. Vả lại những truyện thế này luôn cần thời gian, cần một lượng độc giả trung thành theo truyện để nhận ra sự thay đổi cũng như sự phát triển của nhân vật. Nhưng hãy bàn tại sao các nhân vật mới ở mức tròn vai? Thứ nhất là nhân vật trụ trì chùa Vô Danh. Tác giả đã đặt đúng nhân vật này vào vị trí: một người cha đỡ đầu cho Nhật Hạ, một nhà sư với tấm lòng từ bi hỉ xả coi một đứa con gái bán yêu như con mình, hết lòng yêu thương và giúp đỡ nó kể cả khi nó gây nên tội nghiệt. Nhưng cách thể hiện cũng như mô tả nhân vật chưa thực sự tương xứng. Có thể dễ dàng thấy rằng sư trụ trì nói khá nhiều so với một nhà sư đã vượt qua những cảm xúc thông thường của con người để tiếp nhận một bán yêu. Trong lời nói của sư trụ trì sử dụng rất nhiều các từ mang tính xúc cảm cao, biểu lộ rõ trạng thái nội tâm của mình. Ở đây, tác giả sử dụng lời văn dẫn truyện, lời văn đối thoại của nhân vật chính vào lời của sư trụ trì. Ngay từ Chương 2, 3 , 4, độc giả có thể thấy rõ lời sư trụ trì nặng cảm xúc thế nào. Ví dụ như một đoạn ở Chương 2:

"Thầy hiểu! Thầy hiểu hết những gì con phải chịu mà. Thầy có thể xin con một ân huệ được không Nhật Hạ? Xin con hãy dồn hết những oán hận trong con vào nơi thầy. Con có thể ghét thầy, hận thầy nhưng tuyệt đối con không được phép hận mọi người, đặc biệt là cha mẹ con. Họ không có lỗi với con, người có lỗi là thầy. Lẽ ra thầy nên thuyết phục cha mẹ con giữ con lại, nhưng thầy lại không đủ bản lĩnh đó. Lẽ ra thầy nên nói cho tất cả những người trong nhà tình thương biết về thân thế của con nhưng thầy lại không đủ cam đảm. Thực ra thầy cũng có thể nói dối về thân thế của con với mọi người nhưng thầy lại sợ bị "bề trên" trách phạt. Lẽ ra ngay từ đầu thầy nên nói rõ cho con biết con đặc biệt ra sao, nhưng thầy lại ngập ngừng khi thấy con còn quá nhỏ để hiểu điều đó. Vì vậy thầy xin con, xin con hãy dồn hết những cảm xúc tiêu cực trong con lên người thầy!..."

Như đoạn thoại trên, nếu đặt vào một thầy giáo, thì độc giả cũng đồng ý rằng nó thích hợp với một thầy giáo, không giống như một vị trụ trì già cả, thông hiểu Phật pháp, lời lẽ ý tại ngôn ngoại. Tiếp theo, về hai nhân vật Tuấn Anh, việc cho cậu ta nói năng bốc đồng quá nhiều và không khác nhiều so với nhân vật Nhật Hạ, nên người đọc khó cảm nhận được nhân vật đó đã sống lâu và am hiểu kiến thức nhiều ra sao, mà thấy đó là cậu trai tuổi teen bốc đồng và dễ gây rắc rối nhiều hơn là bảo vệ người khác. Như ở Chương 24, cậu ta tỏ ra là một kẻ không đáng tin cậy lắm khi dễ bị khiêu khích, sau đó gây nguy hiểm tới người bạn đồng hành là Nhật Hạ. Kế đến, việc sử dụng lẫn giữa các câu chữ chớt nhả tuổi teen, trong khi cùng lúc lại sử dụng các câu chữ mang tính văn phạm quy củ các mức, thành ra khó phân định tính cách hoặc sự đặc trưng các nhân vật.

Tuy nhiên, các nhân vật gây nổi bật nhất lại là nhân vật phụ, gồm bộ ba Thuận Điền – Xã Du – Thanh Tâm; đây là các nhân vật có cốt cách riêng, không ai giống ai, khẩu khí mỗi người mỗi khác. Mặc dù là thời phong kiến, nhưng cách xưng hô, cách trò chuyện, cách đặt vấn đề của họ đều có sự nổi bật nhất định (tạm bỏ qua vài tình tiết mang tính chất giống truyện Trung Quốc). Tiếp đến là nhân vật Thổ Ty cuối Chương 24. Đây là các nhân vật đã thoát được cái bề mặt bình bình giữa các nhân vật trong truyện. Hy vọng bạn tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Trở lại phần nội dung, mình đánh cao bạn sử dụng cái nền văn hóa Việt Nam. Nhưng cách bạn thể hiện chúng không khéo. Các truyền thuyết về trung thu, mộ kết, cải táng, con ranh con lộn, ma mị ma mãnh, ấu vong... tất cả đều được giới thiệu theo một công thức như sau: mạch truyện chính xuất hiện vấn đề mới – đặt vấn đề - giải nghĩa rất dài – nêu ra các ví dụ liên quan – quay lại mạch truyện chính. Phần này có liên quan tới kỹ thuật, mình nói sau. Bởi công thức này nên mạch truyện bị kéo ra rất dài trong khi nó đáng lẽ vốn không nên như vậy, hoặc cần cách thể hiện khéo hơn. Trong kỹ thuật, đây được gọi là kiểu viết wiki – vốn gây cho độc giả rất nhiều mệt mỏi. Đặc biệt là phần mộ kết, cải táng. Bạn không nên trích dẫn nguyên sách văn hóa phong tục Việt Nam của cụ Phan Kế Bính, mà hãy sử dụng lời văn của mình, sau đó cuối chương có ghi thêm là "tham khảo từ....". Kế tiếp là bạn thường sa đà quá mạnh vào các phần giải nghĩa này, đến mức mạch truyện chính nhiều khi bị lạc mất. Vì lý do này, mạch truyện từ Chương 16 tới Chương 24 quá dài, trong khi nó chỉ cần khoảng 3 chương là kết thúc. Đặc biệt các Chương 22, 23 có phân cảnh hành động, việc giải nghĩa quá nhiều làm chậm mạch truyện đáng kể. Hãy xem xét lại phần này.

Nội dung thì là như vậy, tiếp đến là phần kỹ thuật. Có rất nhiều thứ để nói về phần kỹ thuật. Bạn sai rất nhiều ở chữ "l" và "n", thành ra chữ "lên" và "nên" bị nhầm lẫn liên tục, hãy soát lại. Thứ hai, hãy tra cứu một vài từ khác bao gồm "xám hối", "lâm trung", "trọc phá"... nhiều chỗ bị sai, hãy soát lại. Thứ ba, bạn sử dụng rất nhiều từ "chả" để thể hiện chữ "chẳng" và "không" trong lời nói hoặc lời dẫn truyện. Không nên sử dụng từ này vì đâu là khẩu ngữ, sử dụng trong ngôn ngữ nói chứ không phải văn viết. Thứ tư, hãy sử dụng các từ Hán Việt hoặc các từ thuần Hán một cách thận trọng. Ví dụ không thể viết "tuy chỉ là phàm thai bình thường", bởi chữ "phàm" đã mang nghĩa là "bình thường" rồi. Đây là các lỗi chính tả và chữ, bạn xem lại.

Kế đến là cách dẫn truyện. Cách dẫn truyện với ngôi kể thứ nhất là đặt mình vào nhân vật Nhật Hạ. Việc sử dụng ngôi thứ nhất cho phép bạn được trải cảm xúc nhân vật một cách tự nhiên. Tuy vậy, dàn trải nó quá nhiều là một chuyện khác. Trong hầu hết truyện của tác giả nữ, thứ làm cho mạch truyện bị chùng xuống là ở những đoạn diễn tả cảm xúc quá nhiều thế này. Sự thể hiện nỗi cô đơn, sự tin tưởng, hay cái gì đó để bấu víu của cô bé bị dôi ra quá nhiều và không cần thiết. Nhất là Chương 4, khi sử dụng quá nhiều phân đoạn mô tả cảm xúc, thành ra lời văn hay thoại không được tiết chế, giống như lời giãi bày của sư trụ trì với Nhật Hạ là ví dụ. Và ở khoảng Chương 16 tới 24, mình thực sự là rất mệt khi đọc phân đoạn Nhật Hạ sợ rằng Tuấn Anh gài bẫy mình. Vốn dĩ chỉ cần một vài dòng là đủ để cho thấy Nhật Hạ là một cô gái thông minh, biết đề phòng; nhưng vì viết quá dài đoạn đó mà thành ra cái mạch chỗ ấy bị lê thê không đáng có. Hãy xem lại.

Ngoài ra, trong phần kỹ thuật, bạn gặp nhiều vấn đề trong việc nêu ra tình tiết. Vài ví dụ như sau. Ngay từ chương mở đầu, với việc diễn giải con quái vật Linh Miêu như một bản tin thời sự, nó làm cho truyện tự dưng bị mở ra quá nhiều. Ở Chương 2, truyện viết "Tại sao năm người đó luôn cấm tôi tiếp xúc?", 5 người đó là ai? Đã xuất hiện từ Chương 1 hay chưa? Chương 3 sử dụng rất nhiều từ mang tính khẩu ngữ. Chương 4 với lời thoại không được tiết chế, cảm xúc quá nhiều, mình có nói ở trên. Ở Chương 6, việc mô tả hành động khá tối nghĩa, ví dụ:

"Cắt hết quần áo của bản thân rồi buộc chúng thành một đoạn dây vừa dày, vừa dài, nhìn trước ngó sau để đảm bảo mọi người trong chùa đều đã yên giấc, tôi đi một mạch vào sâu trong rừng."

Để leo khỏi phòng hả? Vậy hãy viết rõ ra. Ở Chương 15, cách thể hiện hành động bị rối, ví dụ:

"Thức trắng gần như cả đêm, nên chả có gì là khó khăn với tôi trong việc bị buộc ra khỏi phòng vào lúc năm giờ sáng."

Câu này thực sự là sao? Mình không hiểu lắm. Chương 16 hay Chương 19 sử dụng các từ so sánh và các từ cường điệu rất nhiều. Riêng Chương 19, đoạn cuối cùng vì mô tả quá nhiều cái ý nghĩ trong đầu Nhật Hạ mà thành ra khó hiểu và nó bị lạc khỏi mạch chính. Ngoài các vấn đề kể trên, bạn sử dụng nhiều hình ảnh liên tưởng hoặc so sánh khá khó hiểu, mình rất khó hình dung ý bạn muốn nói ở đây là gì. Mình không thể nêu ra toàn bộ, nhưng có một vài câu thế này:

"Bởi vậy mà hồi đầu tôi còn tưởng nó thực sự được đục đẽo từ một khối than đá vạn vạn năm tuổi, không một ngọn lửa nào đủ sức đốt tàn." (Chương 21)

Than đá thì cháy thôi mà không ngọn lửa nào đủ sức đốt là sao? Hoặc như ở Chương 5:

"Như đã nói, mớ rắc rối này của tôi chỉ diễn ra trọn vẹn hai tuần, những ngày sau đó tôi không còn thấy bóng dáng quen thuộc của những "từ mẫu áo trắng" mặc thường phục đứng trước cổng trường chờ tôi tan học hay lên thăm tôi mỗi buổi chiều muộn nữa."

Lỗi diễn đạt về mặt ý tứ. Hoặc như ở Chương 2:

"Trong cơn đau thấu tận xương tủy, tôi nghe văng vẳng bên tai một thứ âm thanh khủng khiếp. Thứ âm thanh đó khiến từng sợi thần kinh trong não tôi căng ra như sợi dây diều gặp cơn gió lộng có thể đứt bất cứ khi nào. "

Sử dụng "diều gặp gió" ở đây bị lạc tông so với tổng thể. Còn nhiều đoạn như vậy mà mình không thể kể hết ra được, bạn cố gắng soát lại. Ngoài ra, trong các phần mô tả hành động, việc thiếu các trạng từ cũng như các địa điểm nơi chốn khiến cho phần hành động bị ngắt quãng và khó hình dung. Giống như phân đoạn Thuận Điền chiến đấu với Linh Miêu, khá là khó để biết hai người đang đánh nhau ở đâu, lúc nào. Chuyện này cũng diễn ra ở khoảng Chương 21 trở đi, khi Tuấn Anh phải đánh nhau với Quỷ Hồn, việc thiếu mô tả môi trường xung quanh một trận chiến khiến độc giả khó xác định về mặt thời gian, không gian cũng như rất vất vả để theo dõi truyện. Hãy để ý. Ngoài ra việc thiếu liên kết các trạng từ, các đoạn gợi lại hay sự chuyển cảnh hợp lý khiến cho đa phần các chương liên kết với nhau khá lỏng lẻo. Điển hình như Chương 20 và Chương 21, đoạn cuối Chương 20 là sự xuất hiện của Quỷ Hồn, nhưng sang Chương 21 lại giải nghĩa rất dài về gỗ chiên đàn. Hãy xem lại các phần này.

Tựu chung lại, các vấn đề về nội dung và kỹ thuật của truyện là như vậy. Truyện có tiềm năng, nhưng do có một lượng lớn lỗi kỹ thuật kha khá, mặt khác do tay bút chưa thực sự cứng vào các phân cảnh hành động nên mạch truyện đôi lúc khá nhì nhằng phức tạp. Ban đầu mình đã nghĩ bạn sẽ viết truyện theo lối kinh dị với cách hành văn quy củ, nhưng bắt đầu từ Chương 5 với sự xuất hiện của nhân vật Tuấn Anh, giọng văn dẫn truyện bỗng dưng đổi khác mang tính chất hài hước hơn nhưng cũng rắc rối hơn do sử dụng quá nhiều các đoạn dàn trải nội tâm. Lời khuyên cho bạn trong một thế giới với mức độ mở rộng lớn như hiện nay là hãm bớt các phân đoạn nội tâm lại, tập trung vào thế giới và xây dựng các nhân vật sao cho nổi bật hơn, thay vì chương nào cũng nêu lên cảm xúc của cô gái tuổi mới lớn. Dù sao thì truyện vẫn có nhiều tiềm năng và có thể xây dựng một thế giới linh dị mang phong cách Việt Nam, đây là bước khởi đầu hứa hẹn. Hy vọng phần review và góp ý sẽ giúp đỡ bạn phần nào trong việc căn chỉnh cách hành văn. Thân! :D

------------Get Backer----------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#review