Con tôi sẽ được hạnh phúc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Mẹ Dung 

Tôi vẫn còn nhớ rõ khoảnh khắc đó, dù đã hơn mười năm, khi tôi bước vào một hiệu sách lớn. Khi ấy, các cửa hàng sách vẫn chưa phổ biến, chưa được đầu tư mặt bằng và nhiều đầu sách như bây giờ. Nhưng tôi vẫn ôm hi vọng, trong số những cuốn sách được trưng bày, ít ra tôi có thể tìm thấy một câu trả lời, hay một điều gì đó có ích để tôi hiểu thêm về con mình. Dù với một người trình độ văn hóa chỉ đến lớp 9 như tôi, ít nhất tôi cũng có thể đọc và hiểu được một vài vấn đề. Tôi cần phải chấm dứt nỗi hoang mang này. Có lẽ tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu, nhưng tôi tin vào tri thức, tôi cũng biết đến cái gọi là khoa học, và đó cũng là điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến lúc ấy.

"Phải, tôi có thể nói, mình gần như đã phát điên."

Một cách cẩn trọng và khẽ khàng, tôi hỏi người chủ hiệu sách để được chỉ dẫn: "Chị có biết quyển sách nào nói về đồng tính không? Hoặc tôi phải tìm sách về giới tính ở đâu?" Chị ta nhìn tôi một cách dò xét, và như thể tôi đọc được suy nghĩ của chị ta, tôi biết chị ta đang nghĩ gì. Rằng tôi có một đứa con trai là "pê-đê", bệnh hoạn cần phải được cứu chữa. Rằng tôi là một người mẹ vô dụng vì đã để con mình phát triển "không bình thường", giống như các anh chị của tôi đã mắng tôi như vậy. Chắc chẳng có ai trong cửa hàng nghe được câu hỏi của tôi, nhưng trong suốt khoảng thời gian tôi tìm sách ở đó, tôi có cảm giác dường như mọi ánh nhìn đều hướng về mình, xét nét, cười nhạo và khinh rẻ một cách kín đáo. Các anh chị của tôi đã quay lưng với tôi. Họ đều nghĩ rằng tất cả đều là lỗi của tôi, "con hư tại mẹ", rằng tôi đã nuôi dạy con không đúng cách, đã nuông chiều con tôi hư hỏng, đua đòi.

Khoảng thời gian đó đối với tôi chỉ có thể diễn tả bằng một từ: phát điên. Phải, tôi có thể nói, mình gần như đã phát điên. Là phụ nữ, dù có mạnh mẽ đến đâu cũng có những phút yếu lòng. Mọi chuyện cứ đổ dồn đến và tôi gần như ngã quỵ, tưởng như không thể chịu đựng được thêm nữa.

Chồng tôi khi ấy đã ngã bệnh trong một thời gian dài. Ông ấy không còn đủ sức làm việc, không thể kiếm thêm nguồn thu nhập nào cho gia đình. Năm đó, chúng tôi bị vỡ nợ, công việc làm ăn gãy gánh giữa đường. Mối làm ăn lớn không thành khiến chúng tôi điêu đứng. Mà điều đó không chỉ xảy ra với chúng tôi. Nhiều bạn bè của tôi cũng vì đầu tư vào mối làm ăn lớn với doanh nghiệp nước ngoài và thất bại; có người thì li dị, không thể giữ được hạnh phúc gia đình, có người thì tự vẫn... Rồi chỉ sau đó vài tháng, nhà chúng tôi bị giải tỏa. Số tiền bồi thường chỉ đủ để chúng tôi trả nợ và không thể nào mua được một căn nhà mới. Chúng tôi may mắn vì mình vẫn còn trụ vững tinh thần, chưa đến nỗi tuyệt vọng mà làm những chuyện dại dột, nhưng chồng tôi thì suy sụp hoàn toàn. Ông ấy có lẽ còn khổ não hơn tôi. Mọi chuyện xảy ra như một cơn ác mộng đáng sợ và dai dẳng. Tôi hiểu cảm giác của ông ấy. Chúng tôi đã rất khá giả, thành đạt và trong phút chốc chúng tôi trở nên trắng tay. Khi má tôi mất năm tôi 13 tuổi, ba tôi đi trại cải tạo, các anh chị không đủ khả năng để gồng gánh gia đình cũng như để nuôi tôi, tôi cũng phải từ bỏ cuộc sống sung túc, no đủ trước kia, kể cả việc học để tìm cách mưu sinh. Buôn gánh bán bưng, làm tất cả những việc gì mình có thể làm để tự nuôi mình. Năm đó đất nước vừa giải phóng, kinh tế còn chưa phát triển nên việc buôn bán ở chợ cũng lay lắt, cầm cự qua ngày.

"Tất cả những hi vọng của tôi dành cho thằng bé cũng tiêu tan."

Thất bại trong công việc cũng khiến tôi thấy có lỗi với các con phần nào. Cuộc sống của chúng tôi đã quá vất vả và chúng tôi lo sợ mình không thể vực dậy được để lo cho các con cuộc sống sung túc, thoải mái. May nhờ sự giúp đỡ, cưu mang của người thân, tôi cũng tìm được nơi ở cho gia đình và một công việc tạm đủ để trang trải cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, tôi phải gắng gượng, không thể để mình gục ngã. Các con tôi vẫn chưa thể tự lập được, chúng sẽ bơ vơ và sẽ không có ai chăm sóc. 

Khó khăn về tài chính chưa thể khắc phục được, những mối lo âu còn đang xoay quanh chuyện cơm áo gạo tiền thì tôi phát hiện con mình có những thay đổi. Đứa con trai lớn của tôi khi ấy chỉ 19 tuổi và đang chuẩn bị thi Đại học. Thằng bé đột nhiên hay đi chơi nhiều vào buổi tối. Trước giờ nó chẳng hay la cà ở đâu, tan học là về nhà phụ giúp ba mẹ.

Mẹ con tôi rất thân thiết, gần gũi với nhau. Tôi có hai cậu con trai, và chúng thường chia sẻ với tôi gần như tất cả mọi điều. Cái gọi là linh cảm của một người mẹ cho tôi biết dường như con trai lớn của tôi đang gặp phải khó khăn hay một điều gì khó nói, dù mỗi lần tôi lo lắng, gặng hỏi, thằng bé đều trấn an tôi, bảo rằng nó chỉ đi chơi với bạn học. Tôi biết thằng bé nói dối, nó đã có phần sợ sệt và lo lắng tôi sẽ phát hiện ra những gì nó đang làm. Sau khi xác nhận một vài điều với bạn học cùng lớp của con, tôi quyết định đi tìm sự thật. 

"Nhưng khi đau khổ thì ngôn từ chẳng làm được gì."

Theo dõi con mình đến nơi thằng bé tụ tập cùng nhóm bạn mà nó nói, tôi hồi hộp và lo sợ. Phải làm sao nếu con tôi giao du với bạn bè xấu, hay bị uy hiếp làm chuyện gì đó? Chồng tôi chắc hẳn không thể ra mặt được trong lúc này, còn tôi thì đang quay cuồng, mệt mỏi với cảnh sống tạm bợ, lay lắt, một mình gồng gánh gia đình.

Có lẽ tôi không đã không đủ can đảm để biết chuyện gì đang diễn ra nên đã nhờ một chú chạy xe ôm ở gần đó tìm hiểu. Chú ấy nhìn tôi, ngập ngừng, để tôi hiểu điều mà chú ấy sắp nói ra là sự thật và tôi cần phải đủ tỉnh táo để đón nhận. "Tôi thấy con chị chơi với đám pê-đê trong xóm. Đây không phải lần đầu tôi thấy nó. Gần đây tụi nó thường hay tụ tập ở đây."

Tôi lặng lẽ trở về nhà đợi thằng bé. Tôi đã nói chuyện với con một cách nghiêm túc và thẳng thắn. Và rồi cuối cùng sự thật đó cũng đến. Nghe chính miệng con mình thừa nhận, tôi cảm thấy như tất cả mọi thứ xung quanh tôi đang đổ sụp xuống, hoàn toàn tối tăm và đau đớn. Tất cả những hi vọng của tôi dành cho thằng bé cũng tiêu tan. Tôi chẳng kì vọng gì lớn lao ngoài việc nó được hạnh phúc, học hành nên người để cuộc sống sau này sẽ nhẹ nhàng, êm đềm với nó. Nhưng giờ đây, cuộc đời nó sẽ trở nên khốn khổ và lạc loài. Sẽ chẳng ai có thể chấp nhận được chuyện này. Ngay cả người làm mẹ nó là tôi cũng không thể chấp nhận được. 

Tôi đã không thể chấp nhận con, vì tôi không nghĩ mình có thể đón nhận thêm bất kì điều gì khác vào lúc ấy. Tôi vẫn còn đang gắng gượng vượt qua cái thất bại đã đẩy cuộc sống của các con vào chỗ khó khăn, tạm bợ. Tôi đã tự huyễn hoặc mình rằng đó chỉ là một sự nhầm lẫn. Tôi sợ rằng nếu mình thật sự đón nhận điều đó, tôi sẽ không thể trụ vững được nữa, sẽ suy sụp hoàn toàn. Còn chồng tôi, nếu biết được chuyện này, có lẽ ông ấy sẽ không thể nào cầm cự thêm nữa, và sẽ ra đi vĩnh viễn, bỏ lại mẹ con chúng tôi.

Nhiều đêm thức trắng, tôi nghĩ đến chồng, đến con và suy xét lại những sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Mọi chuyện ập đến chỉ cách nhau vài tháng, trong cùng một năm. Hệt như tôi cứ rơi mãi trong một vực thẳm tối tăm. Liệu có còn điều gì tồi tệ hơn nữa sẽ ập xuống gia đình tôi hay không? Với chút lí trí, tỉnh táo cuối cùng, tôi biết mình sẽ phải tập trung vào con cái. Cảm giác bị người khác giựt nợ, nhà bị giải tỏa và chồng mình suy sụp với tôi có lẽ không khó khăn và nặng nề bằng lúc biết con mình là người đồng tính. Tôi có thể bươn chải, chật vật kiếm sống đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Chừng nào còn sức lực, tôi còn có thể lao động và mưu sinh. Hơn nữa, tôi cũng có khá nhiều mối quan hệ có thể nhờ giúp đỡ, chỉ dẫn. Nhưng con tôi thì chỉ có mỗi mình tôi để chia sẻ, giúp đỡ nó vượt qua khó khăn này.

"...mãi tìm kiếm một lời giải thích, liệu tâm hồn chúng ta có còn thanh thản?" 

Kể từ sau những biến cố ấy, tôi thấy mình đã mải chạy theo cuộc sống mưu sinh và trong phút chốc, mình đã xao nhãng con cái. Tôi biết quá ít về con mình và hầu như không biết gì về đồng tính ngoài những điều không hay người người vẫn thường bàn tán. Bỗng nhiên tôi thấy mình chín chắn và già dặn hơn, biết đặt những câu hỏi nghiêm túc hơn. Trước đó, cuộc đời là một niềm vui, chúng tôi hăm hở làm ăn và nuôi dạy con cái, cuộc sống sung túc, đủ đầy. Nhưng rồi dường như những niềm vui ấy bỗng trở nên vớ vẩn và tầm thường. Mọi chuyện không còn giống như lúc xưa nữa. Đột nhiên tôi thấy mình nghiêm nghị một cách khủng khiếp. Tôi muốn biết ý nghĩa của tất cả mọi sự. Tại sao con tôi lại là người đồng tính? Tại sao tôi gánh phải chịu những khổ não này? Có lẽ nếu tôi biết được nguyên ủy của sự khổ đau này, tôi sẽ có thể thoát khỏi nó. Giống như việc tôi sẽ không ăn thứ gì nếu biết đó là chất độc.

Tôi tìm đọc tất cả các sách viết về giới tính, tâm lí của con trẻ, tất cả những gì có thể giúp tôi hiểu được việc con tôi đồng tính. Tôi đến viếng chùa chiền, tìm gặp các sư thầy và cũng trầm mình trong kinh sách thiêng liêng. Nhưng khi đau khổ thì ngôn từ chẳng làm được gì.

Trong lúc loay hoay tìm kiếm những thông tin về đồng tính, tôi may mắn nhận được sự tư vấn của hai người. Một người là bác sĩ, cũng là người thân của tôi. Anh ấy bảo rằng tôi không cần phải lo lắng về con mình vì nó không phải là trào lưu hay đua đòi. Đồng tính lúc bấy giờ là một điều khoa học vẫn còn đang tìm hiểu, nghiên cứu và không phải là một căn bệnh. 

Người thứ hai đã giúp đỡ tôi về mặt tinh thần chính là nhà văn Bùi Anh Tấn. Sau khi đọc được những câu chuyện của anh viết về người đồng tính, tôi tìm cách để liên lạc với anh. Qua những cuộc trò chuyện trên điện thoại, dần dần tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn. Anh ấy đã cho tôi rất nhiều lời khuyên hữu ích. "Nếu chị nghĩ là chị vô phước cũng được, chị nghĩ là tại sao lại chỉ rơi vào gia đình chị cũng được, chị cứ việc đặt câu hỏi nhưng mà chị không nên tìm câu trả lời đó, chị chỉ nên chấp nhận." Câu nói đó đã trở thành người bạn đồng hành của tôi, giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Đôi khi, người ta có thể tìm thấy niềm an ủi trong một lời giải thích thỏa đáng. Một lời giải thích có thể làm cho nỗi buồn phiền yên nghỉ, nhưng liệu nó không thể đoạn diệt được những phiền não của chính mình? Liệu phiền não có thể bị loại bỏ bằng cách lãng quên? Và mãi tìm kiếm một lời giải thích, liệu tâm hồn chúng ta có còn thanh thản?

Giờ đây, các con tôi đã khôn lớn, gia đình tôi đã tìm lại cuộc sống ổn định và hạnh phúc với những gì mình có. Chồng tôi đã 60 tuổi nhưng vẫn có khả năng làm nghề may tại nhà. Tôi 55 tuổi, kinh doanh, lao động tự do. Đứa nhỏ đang làm việc cho một hãng viễn thông. Còn đứa con trai lớn của tôi 30 tuổi đang làm nhân viên văn phòng. Công việc của nó đôi lúc cũng gặp nhiều trở ngại khi đồng nghiệp biết được nó là người đồng tính. Con tôi đôi lần cũng phải chuyển chỗ làm do không thể chịu được áp lực, sự dòm ngó và thậm chí sự kì thị của những người nó gặp. Những lần như thế, tôi và em trai của nó luôn động viên, khích lệ nó. Em trai thằng bé là một người hiểu chuyện. Biết anh mình là người đồng tính, nó vẫn luôn tôn trọng, quan tâm và bảo vệ. Chồng tôi khi biết chuyện cũng chỉ im lặng, tuy không thể hiện rõ thái độ, nhưng tôi biết ông ấy vẫn thương con mình trên hết. Mặc dù lúc đầu, hai cha con cũng có những tranh cãi, xích mích, nhưng dần dần, tôi biết chồng mình cũng đã chấp nhận thằng bé. Sau tất cả những khó khăn, trở ngại, tôi nhận ra rằng, điều tôi cần vẫn luôn hiện hữu ngay trong trái tim mình, đó là một niềm tin vào tình yêu thương dành cho các con. Tôi vẫn luôn tin rằng con tôi sẽ được hạnh phúc. Tôi tin rằng xã hội rồi sẽ có một cái nhìn khác hơn về đồng tính, sẽ chấp nhận và bao dung hơn.

"Tôi tin rằng xã hội rồi sẽ có một cái nhìn khác hơn về đồng tính, sẽ chấp nhận và bao dung hơn."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net