Đêm Bình Yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẹ lặng lẽ thu xếp hành lí cho tôi. Quần áo chẳng có nhiều, thậm chí đã sờn màu, nhưng bà vẫn ngồi đó, trong đêm tối, dùng tay vuốt phẳng phiu rồi đặt lại trong giỏ.

Dưới ánh đèn dầu nhập nhòe, tôi nhìn thấy cả sự mỏi mệt của bà. Vừa là đức hi sinh cao cả, muốn giữ chặt tôi lại nhưng quyết chí đẩy tôi ra biển xa.

"Chú con nhất định sẽ chăm sóc cho con. Đừng lo cho mẹ, con cần được an toàn, con cần được sống"

Sống mà không có mẹ thì nào phải là sống đâu.

"Con muốn ở Saipan, con sinh ra ở đây, cũng là muốn chết ở đây"

Tôi biết mọi chuyện đã an bài nhưng vẫn cố trở thành con sâu vùng vằng, hy vọng có một phép màu cho phép tôi ở lại đây. Saipan, Saipan của tôi, Saipan của ba, Saipan của mẹ, tôi cơ bản là chẳng thể từ bỏ.

Tôi thấy như mình như là cọng rác giữa đời. Tôi mất tất cả, mặc cho ai muốn đạp là đạp. Chỏng chơ, chênh vênh quá đỗi.

Này, người lớn, cọng rác cũng có cảm xúc đấy.

"Saipan là của chúng ta. Con là ai, hả mẹ? Con mang trong mình dòng máu của ba con, mẹ à."

Ba mất khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Tôi sinh non, đẻ ra nhỏ xíu, đỏ hỏn, nằm trong vòng tay ấm áp của bà trong nước mắt. 15 tuổi gầy đét, ốm nhom ốm nhách so với bạn cùng trang lứa. Đứa nào đứa nấy thiếu ăn, người không ốm cũng là có ghẻ lở.

Chiến tranh.

Những trai tráng trong làng bị chuyển ra mặt trận. Tại đây, sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến họ không chỉ tê dại vì bị tước đi một phần cơ thể, mà còn là chính tâm hồn họ. Bởi gần cái chết hơn sự sống. Họ cũng chẳng còn tin tưởng ai, chẳng thiết tha điều gì, kể cả ngày trở về. Cho nên khi tất cả đồng đội cùng trang lứa ngã xuống, cái chết với những chàng trai ấy lại là sự giải thoát.

Suy cho cùng, 'sự chết không phải là đối nghịch với sự sống, mà là một phần của sự sống'. (1)

Bà vẫn một mực chung thủy với sự im lặng. Nhưng tôi biết, bà chỉ đang cố đến gần với im lặng. Bên trong bà sóng to gió lớn, bao nhiêu muốn nói, bao nhiêu điều muốn hỏi. Đã qua cái thuở mái đầu còn xanh. Vết chân chim hiện rõ mồn một trên gương mặt lõm chõm của một người đàn bà vì chồng, vì con. Mặt bà nhăm nhúm lại, ngăn cho bản thân vỡ ra từng mảnh.

"Mẹ cũng muốn con ở lại đây mà, phải không?"

Bà im lặng. Trong cái im lặng rất khẽ, bà gục đầu xuống, bàn tay bấu chặt vào ống quần, ngoẹo cổ sang một bên hu hu khóc. Tôi đã chạm vào cái gai bấy lâu của bà, bao nhiêu tâm tư dồn nét được giải thoát như cái bong bóng bị xì. Bà ngẩng mặt, nhìn thẳng vào tôi, ánh mắt của bà vừa kiên quyết vừa tràn đầy tình yêu thương. Bà ôm chặt lấy tôi, vuốt ve mái tóc của tôi. Mẹ và tôi đều biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra, và vì vậy cả hai đều trở nên lo sợ. Đêm tối, Saipan, hai mẹ con ôm nhau khóc cả đêm, tâm tư bị chạm đau điếng.

"Sana ngoan, ngày mai con sẽ đến Okinawa được chứ? Vì con, vì mẹ, và vì cả ba con."

Mọi chuyện đã an bài. Giọng bà run run, bà muốn ở cạnh tôi nhưng nỗi sợ mất đi đứa con của mình còn lớn hơn cả.

Kể từ hôm đó, tôi tự hứa lòng rằng không được nhắc về ba trước mặt mẹ. Nhưng rồi tôi nhận ra, dù có như vậy tôi vẫn không thể nói với bà.

Năm 1944, trong chiến dịch Thái Bình Dương của Thế chiến 2, thủy quân lục chiến Mỹ đã tấn công mãnh liệt vào các bờ biển của hòn đảo Saipan.

Chú thích:
(1) trích "Rừng Na Uy" của tác giả Murakami Haruki

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC