sang tao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những người tài năng không bao giờ sống bằng những hào quang cũ. Lòng tự trọng không cho phép họ làm điều đó. Cũng chính lòng tự trọng ấy đã khiến cho họ ý thức được nhiệm vụ của người nghệ sĩ là sáng tạo. Sau sự thành công rực rỡ, nghệ sĩ họ Trương tiếp tục quay lại với công việc của mình, khi được mời làm đạo diễn cho kì Olympic tiếp theo, ông đã từ chối và lý do thì không phải ai cũng “dám” thẳng thắn tuyên bố: “Không thể thực hiện được”.

Đó là chuyện xứ người. Còn ở xứ ta, những người sống bằng những hào quang đã cũ nhiều không đếm xuể. Tất nhiên, họ cũng đã từng là những người nghệ sĩ thành danh trong quá khứ nhưng khi đường sáng tạo đã hết, họ không chịu thừa nhận điều đó. Họ liên tục lên báo chí nói hết chuyện nọ đến chuyện kia để công chúng không quên mình. Thực ra, hội chứng này cũng như hội chứng khủng hoảng tâm lý của những người đến tuổi nghỉ hưu. Họ không thể chịu được cảnh mình đã qua thời hoàng kim, không còn sức lực làm việc và tìm mọi cách để mọi người không quên mình. Thực ra, những nỗ lực đó chỉ làm cho hình ảnh của họ trong mắt công chúng giảm sút đi rất nhiều. Khi nghệ sĩ không còn sáng tạo mà vẫn đều đặn xuất hiện trên báo chí thì chỉ sự xuất hiện đó chỉ làm cho những thành công của họ trước kia bị lu mờ.

Có những người còn “kinh khủng” hơn. Họ quá ảo tưởng về mình đến độ không biết mình đã qua thời hoàng kim. Anh bạn tôi làm thư kí tòa soạn cho một tờ báo. Tết năm nào anh cũng nhận được những bài thơ của những “cây đa cây đề” trong làng văn nghệ ngày trước. Khổ nỗi, thơ của các cụ bây giờ không khác gì thơ của các cụ cựu chiến binh. Không đăng thì mất lòng các cụ mà đăng thì tờ báo tụt tia–ra. Có một lần anh kiên quyết không đăng thơ của nhà thơ X, ngay lập tức ông X đó gọi điện thẳng cho Tổng biên tập trước đây vốn là học trò của ông và mắng té tát: “Tại sao các anh lại không đăng thơ của tôi, các anh có còn coi tôi ra cái gì nữa không?”. Hậu quả là anh lại phải đứng ra chịu trận từ sếp, nhưng thật may mắn là sau lần đó, nhà thơ lão thành nọ “dỗi” nên không bao giờ gửi thơ đến báo anh nữa.

Ở môi trường văn hóa văn nghệ Việt Nam hiện nay, chuyện người ta chưa làm được gì nhưng đã có những màn nổ tung trời trên báo chí. Những lời hứa hẹn của họ với công chúng về những tuyệt phẩm chưa từng có từ trước tới nay khiến cho công chúng khấp khởi hy vọng. Có những sản phẩm cho đến tận rất nhiều năm sau đó vẫn chỉ nằm trên giấy, tất nhiên, sau đó sẽ có rất nhiều lý do để họ tự biện hộ cho mình về sự thất bại thảm hại của những dự án, những sản phẩm đó. Trong số những nghệ sĩ ấy, có không ít người lên tiếng với báo chí chỉ bởi vì họ sợ công chúng sẽ lãng quên họ trong khi họ không có sản phẩm nghệ thuật nào để ra mắt công chúng trong một quãng thời gian quá dài. Hành động đưa ra một siêu dự án hoặc hứa hẹn về một sản phẩm “vô tiền khoáng hậu” vừa là cách để nhắc công chúng nhớ tới mình, mặt khác khi không thể thực hiện được, họ có vô vàn lý do để tự bào chữa cho chính bản thân mình.

Thiên chức của người nghệ sĩ là sáng tạo và đương nhiên, những người nghệ sĩ thực sự sáng tạo, thực sự cống hiến cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật chân chính bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình, không bao giờ công chúng lãng quên những người nghệ sĩ ấy. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, có không ít những người trở nên nổi tiếng nhờ vào công nghệ lăng – xê chứ không phải nhờ vào những sản phẩm nghệ thuật mà họ cống hiến. Họ bị các phương tiện truyền thông đại chúng làm cho ảo tưởng về tài năng bản thân và cứ sống dựa vào những ảo danh đó. Cũng có những nghệ sĩ không còn khả năng sáng tạo hoặc không chịu sáng tạo nhưng luôn xuất hiện trên báo chí với hàng ngàn những chuyện trên trời dưới bể, thậm chí có nhiều người sống dựa vào những hào quang cũ. Thật hiếm người dám dũng cảm tuyên bố như Trương Nghệ Mưu: “Tôi quả thực là rất mệt rồi. Tôi nghĩ lại làm đạo diễn Olympic một lần nữa đối với tôi là không thể thực hiện được”.

Sự thành công của một sản phẩm nghệ thuật giống như lễ khai mạc Olympic đã để lại cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ lo lắng nhưng ứng xử của người nghệ sĩ sau khi thành công ấy qua đi khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn. Sự sáng tạo cũng giống như những con sóng, lớp sau phải đè lên lớp trước. Điều quan trọng nhất của sự sáng tạo trong con người nghệ sĩ là vượt qua cái bóng, thoát ra khỏi hào quang cũ của mình để tiếp tục tỏa sáng mạnh mẽ hơn, điều này không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Khi một người nghệ sĩ dám nhìn thẳng vào tài năng của mình và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tinh thần sáng tạo sẽ không bỏ quên họ. Và đương nhiên, công chúng cũng sẽ không bao giờ lãng quên những gì họ đã và đang cống hiến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#hai