Trà tắc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   " Trà tắc khổng lồ"," Trà tắc siêu ngon",
" Trà tắc giải khát"...Vâng đó chính là những lời quảng cáo về loại thức uống ngon ngọt, mát lạnh giải nhiệt gần đây cho các bạn trẻ. Chúng được bán  tràn lan ở các quán ăn uống ven đường, ở chợ đêm hay cả ở trên mạng xã hội. Vậy tại sao trà tắc lại có sức hút vô cùng lớn đối với giới trẻ như vậy? Tôi và các bạn sẽ cùng tìm hiểu nhé.
   Trà tắc là một loại thức uống mát lành quen thuộc, dĩ nhiên thành phần chính của nó là trà, quả tắc và đường. Ngoài ra còn có thêm chanh dây, cam, mật ong đi kèm. Chính tôi cũng đã từng uống thứ nước này chỉ 1 lần duy nhất. Thứ chất lỏng có màu vàng sền sệt được đựng trong 1 âu nhựa tròn to bự, đi kèm thêm là ống hút, với giá bán dao động từ 8-15 nghìn. Với giá thành vô cùng vừa túi tiền các bạn học sinh, thích hợp cả với điều kiện thời tiết nóng bức thì đây quả là thứ trà" Thiên thời địa lợi". Từ vỉa hè ban ngày cho đến cả các quán ăn vặt ở chợ đêm, đâu đâu cũng thấy treo biển đồ uống có ghi hai chữ" Trà tắc". Không thể phủ nhận rằng uống vào một ngụm thôi là toàn bộ bên trong cơ thể như được thanh mát, mà chưa kể nó còn đầy ú ụ, giá cả hợp lý. Đó đều là những điều tích cực của thức uống mang tên" Trà tắc" này. Tuy vậy, tôi phải nói rõ cho bạn biết mặt tiêu cực của trà tắc ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể bạn và chính môi trường xung quanh chúng ta. 

   Đầu tiên hãy đặt ra câu hỏi: Trà tắc bán la liệt, được dự trữ đầy trong tủ lạnh được làm từ nguyên liệu gì? Liệu có an toàn vệ sinh thực phẩm?. Câu nói của vị đại biểu Trần Ngọc Vinh như sau: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế". Thật đúng như vậy, để đem lại nguồn lợi nhuận cao nhất, nhiều người kinh doanh không ngại sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền. Có thể đưa ra các ví dụ như thay vì sử dụng các loại túi lọc trà có thương hiệu, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể sử dụng lá trà già quá sinh ra độc tố hoặc các loại bột màu gây vị, mua theo gói hoặc cân để có giá rẻ nhất. Các gói bột trà này được mua với giá 22.000 đồng/ gói nhưng lại có thể pha tới 15 lít nước trà. Chanh, tắc khi mua về chưa chắc đã được ngâm sạch, vội vàng rửa qua nước rồi cắt ra cho vào trà. Pha chế xong, từng loại trà tắc được bỏ vào trong các âu nhựa to, đổ khoảng 1/3 âu rồi cứ thế cho vào tủ lạnh, ngày qua ngày, dần dần cứ lưu cữu, có khách mua thì lấy ra cho đá vào lại ngon vô cùng. Việc pha trà sẵn rồi để qua đêm rất dễ sinh ra các độc tố cho người uống vào, chưa kể trong quá trình làm trà thực hiện bằng tay trần, rồi đựng vào các âu nhựa không biết có sạch sẽ hay chỉ rửa loáng thoáng, ống hút trên bàn được cắm nguyên vào cả âu nước to.Độ ngọt của ly trà tắc rất gắt, vị ngọt giữ được rất lâu mặc dù đã được thêm đá vào. Giá rẻ, tiện lợi, ngon miệng, dung tích lớn thế nhưng trước quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, người sử dụng có thể bị ngộ độc thực phẩm vì nhiễm khuẩn ecoli. Hay trà pha sẵn để quá lâu trong tủ lạnh, vị chua axit sẽ bị biến đổi sinh ra các độc tố kim loại nặng thấm dần vào các cơ quan nội tạng cơ thể, lặng lẽ phá hủy hệ thống miễn dịch, lâu dài mắc các bệnh đường ruột, tiêu hóa.
   Đó là với sự ảnh hưởng của trà tắc trực tiếp vào cơ thể của người uống. Vậy còn với môi trường? Chỉ cần nghe đến trà tắc được đựng trong âu nhựa to, có ống hút nhựa, đôi khi có nắp hộp nhựa. Toàn bộ nhắc đến nhựa. 1 người bán trà tắc cho biết: "Bình quân mỗi ngày, tôi bán vài chục ly, có thời điểm nắng nóng kéo dài, tôi bán gần 200 ly/ngày". Đó mới chỉ là 1 người bán cho hay, vậy thử hỏi, với nhiệt độ oi bức, nắng nóng, các quán trà thì mọc lên như nấm, trên mạng xã hội cũng rao bán thì bao nhiêu lượng rác thải nhựa đã và đang được xả ra môi trường mỗi ngày? Tan học trưa hè nắng nóng, lại ghé quán nước mua 1 âu trà siêu to siêu ngọt nhâm nhi. Tối đến đi chơi phố cổ, chợ đêm buồn mồm lại ghé qua bên vỉa hè để mua 1 âu. Uống hết thì lại tìm 1 bãi rác tập trung rồi vứt xuống, ung dung đi dạo quanh tiếp. Ống hút nhựa, âu trà nhựa, nắp nhựa...những loại đồ nhựa sử dụng một lần này đôi khi chỉ dùng trong vài phút nhưng lại mất đến vài trăm năm để tìm cách phân hủy, giải quyết chúng. Chắc hẳn các bạn cũng đã nhìn qua những bức ảnh về các loại động vật bị mắc kẹt trong các chai nhựa hay các dòng tít: " Cách rác thải nhựa giết chết động vật"," Sinh vật biển mắc kẹt trong rác thải nhựa"... Chuyên gia Hà Thanh Biên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, kể từ năm 1950 sản lượng nhựa trên thế giới tăng từ 1,5 triệu tấn lên tới 380 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% bị đốt còn 79% đều xử lý theo kiểu chôn lấp và thải bỏ. Hiện có 393 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên bề mặt biển và bị phân rã thành các mảnh vi nhựa với kích cỡ mircro, nano, pico, là mối đe dọa tiềm tàng đến các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Cụ thể hơn là rác thải nhựa gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học, làm mắc kẹt các sinh vật trong các chai lọ hoặc chết vì ăn phải nhựa. Hơn 260 loài sinh vật biển đã được ghi nhận là bị vướng hoặc ăn phải các mảnh nhựa trên biển bởi việc nhầm lẫn giữa nhựa với thức ăn. Hay kể đến cả các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển.
   Lời cuối cùng, tôi xin gửi tới các bạn trẻ, những người sống trong xã hội văn minh, tư tưởng phát triển rằng: Hãy thay đổi ngay hôm nay. Dừng uống 1 cốc trà tắc, sử dụng đồ nhựa 1 lần là bạn đang góp 1 phần vào bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tươi đẹp của chúng ta
- Bài viết có tham khảo các nguồn thông tin sẵn có trên mạng. Yêu cầu không edit, copy. Xin chân thành cảm ơn


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net