C84.1: Phiên ngoại 5 - Cả đời, dài dằng dặc như thế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một.

Lúc Tô Ngân đến nhà trọ thì thời gian vẫn còn sớm, mới hơn bảy giờ. Thủ đô hửng nắng nhanh thật, khi cậu ta đến gõ cửa là mặt trời đã mọc.

Ở độ tuổi này, tôi đã không còn ngủ nhiều được nữa, lúc cậu ta đến thì tôi đã làm bữa sáng.

“Thầy Lưu, chào buổi sáng.” Tô Ngân là một chàng trai trẻ trung, chừng hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật liền tới làm phụ tá của tôi. Cậu ta rất xuất sắc, chính vì thế mà thầy cậu ta muốn tôi dẫn dắt dạy bảo cậu ta một chút, tôi không từ chối.

Tôi không thích phiền phức, vừa may, cậu ta không tính là phiền phức.

Tôi làm hai phần đồ ăn sáng, một đĩa sủi cảo nhân tôm nõn, một đĩa sủi cảo nhân cải trắng. Tô Ngân chọn đĩa bánh nhân cải trắng kia, chấm tương ăn ngon lành, khen thẳng thắn: “Thầy lợi hại thật, không chỉ biết nấu cơm, mà sủi cảo còn gói giỏi như thế!”

Tôi không trả lời. Rất nhiều năm trước, tay tôi chỉ để cầm bút vẽ. Đừng nói là sủi cảo, ngay cả việc cho dầu trước hay là cho nguyên liệu trước, tôi cũng không biết rõ. Sau khi ở cùng Lâm Thanh Dật, tôi chủ động xuống bếp, học được rất nhiều món em ấy thích ăn, tay bị dầu làm bỏng cũng không để ý lắm. Nhưng tôi không gói sủi cảo cho em ấy bao giờ. Sau đó thì sống một mình rất nhiều năm, trù nghệ xưa đâu bằng nay, có thể gói sủi cảo thành hình dạng vui mắt, lại không biết tại sao luôn cảm thấy sủi cảo ăn không ngon bằng năm đó.

“Thầy ơi, chúng ta phải có tác phẩm mới cho triễn lãm tranh sang năm.” Tô Ngân nói khéo léo. Đại khái cậu ta muốn bảo tôi rằng, đã ba năm rồi tôi không có bất kỳ tác phẩm mới nào. Những tác phẩm cũ đã đem đi triễn lãm gần hết.

Ba năm trước tôi tới thủ đô, gặp Chu Minh Khải ở đây, đã biết Gia Dương không còn nữa.

Ở thủ đô ba năm, tôi không vẽ được.

Không bởi nguyên nhân gì, chỉ là cầm bút lên, đầu óc không có cảm xúc hình ảnh, màu sắc nét vẽ bóng mờ trộn lẫn thành một đống rối tung trong đầu tôi. Cuối cùng chiếc bút đang vẽ trên tranh không thể họa ra được một hình ảnh hoàn chỉnh. Tựa rèm châu đứt tuyến, kêu những tiếng rơi lộp bộp có quy luật không ngừng nghỉ, giống như khúc ca vang trong óc, loạn lòng người.

Tô Ngân ăn rất nhanh, trông coi chiếc đĩa không ngồi nhìn tôi ăn.

“Cậu thì sao? Có tác phẩm thì tôi giúp cậu đưa đi trưng bày.” Tôi hỏi.

Tô Ngân hơi kinh ngạc, ngượng ngùng gãi đầu đáp: “Em nào có khả năng đó. Những tác phẩm kia của em kém xa so với thầy.”

“Sang năm đi. Đến lúc đó cùng triển lãm một thể.” Tôi dự định năm nay thử tìm linh cảm để sáng tạo tác phẩm mới, sang năm sẽ mượn danh tiếng của mình để tạo cơ hội cho Tô Ngân, xem như cảm ơn cậu ta đã bầu bạn với kẻ không thú vị này suốt mấy năm. Trong giới nghệ thuật, nếu không có lời tương trợ của quý nhân thì sẽ rất khó bật lên.

“Nghe thầy hết ạ.” Tô Ngân nói.

Tuần cuối của tháng Bảy, thời tiết thủ đô thực sự oi nóng bức bối, chỉ muốn ở trong phòng có điều hòa chứ không dám ra ngoài. Ra ngoài năm phút rồi về là toàn thân đầy mồ hôi.

Tôi thật sự phiền chết thủ đô nên dự định về Liễu Thành.

Có lẽ về Liễu Thành mới có thể tìm được trái tim ban đầu khi vẽ tranh.

Tô Ngân nhất định đòi đi theo. Tôi vừa nhắc đến việc muốn về Liễu Thành, tối đó cậu ta đã thu dọn hành lý của tôi xong xuôi rồi cười hì hì bảo: “Em còn chưa về quê thầy bao giờ đâu. Lần này nhất định phải ngắm xung quanh thật kỹ mới được!”

“Thầy ơi, em đi đặt vé tàu hỏa nhé.” Tô Ngân lấy điện thoại, muốn đặt phiếu online.

Tôi ngăn cản cậu ta: “Đặt vé máy bay đi.”

Tôi không muốn ngồi xe lửa. Đường sắt cao tốc chạy thẳng tới Liễu Thành, tiếp đó gọi một xe taxi là có thể về nhà. Sân bay xa xôi, cần ngồi thêm một chuyến xe khách. Nhưng tôi vẫn muốn đặt vé máy bay, vì Gia Dương đã đứng tự sát trên đường ray tàu hỏa kia. Làm cha, tôi không muốn đối mặt.

Ánh mắt Tô Ngân nhìn tôi đượm vẻ đồng tình không tên. Cậu ta đã từng cho rằng tôi một thân một mình, không con cái. Khi nghe tin tôi có một đứa con thì rất giật mình, càng giật mình hơn là con tôi đã không còn trên thế gian. Mấy tháng trước khi tôi đến thủ đô, nó đã qua đời. Cậu ta từng bảo, nếu chúng tôi đến sớm hơn chút, có lẽ tôi sẽ gặp được Gia Dương, cậu ta cũng có thể nhìn thấy đàn anh có biệt danh “mặt trời nhỏ” ấy.

Bầu trời Liễu Thành vẫn tươi đẹp như lúc tôi rời khỏi năm đó. Mây trắng muôn hình trạng đang bay lơ lửng, ánh nắng tạo cảm giác ấm áp, không khiến người ta ngột ngạt như thủ đô.

Trên đường đi, Tô Ngân luôn hào hứng. Máy bay hạ cánh rồi lên xe khách. Tôi rất mệt mỏi cũng rất buồn ngủ, bèn nhắm mắt dưỡng thần trên xe, còn cậu ta thì ngắm cảnh ngoài cửa sổ suốt.

Xe taxi về nhà là phải đi ngang Thất Trung, trường cấp hai trước kia Gia Dương theo học. Từ nhỏ Gia Dương đã không phải là đứa trẻ làm người lớn an tâm. Học kỳ đầu tiên đã dám xúi thằng nhóc nhà họ Triệu cùng trốn học, bị giáo viên bắt được, sợ tôi lải nhải nhiều nên chưa hề kể cho tôi, việc gì cũng để mẹ nó giải quyết.

Đến khu chung cư, Tô Ngân xuống xe rồi hỏi: “Thầy ơi, nhà thầy ở tầng mấy?”

“Tầng 23.” Tôi vừa nói vừa xách hành lý lên, vào thang máy, về nhà.

Phương thức liên lạc tôi dán trên cửa vào bảy, tám năm trước đã biến mất, không biết là ai xé.

Có điều, đã không còn ý nghĩa gì nữa. Mảnh giấy ấy là hy vọng một ngày nào đó Gia Dương về nhà có thể trông thấy. Bây giờ nó sẽ không về, tờ giấy kia cũng chẳng còn ý nghĩa.

Cầm chìa khóa mở cửa, mùi bụi ập vào mặt, tôi ho khan mấy tiếng. Sau lưng tôi, Tô Ngân che mũi miệng hỏi: “Thầy, đã bao năm rồi thầy chưa về vậy?”

Thời gian thật sự là năm năm chưa về. Trước đó, mỗi năm tôi đều về một lần, xem xem Gia Dương có từng trở lại hay không. Về sau, mãi không chờ được nó nên tôi bỏ lại tờ giấy rồi cũng dần dà không về nữa. Công việc của tôi rất tự do, ở đâu cũng được, nhưng tôi chỉ duy nhất không muốn ở Liễu Thành. Nơi đây có quá nhiều ký ức không vui.

Quê hương, dẫu có những ký ức không vui thì cũng chẳng xóa nhòa được sự nhung nhớ và bận tâm ăn sâu vào trong máu.

Đặt hành lý xuống rồi bắt đầu quét dọn, tôi và Tô Ngân cũng bận rộn hơn. Thật ra phòng không bẩn, chỉ là quá lâu không có ai ở nên bụi hơi nhiều thôi. Tôi mở hé cửa sổ, lau sàn nhà, lau qua mỗi nơi một ít.

Tô Ngân đi quét dọn phòng cũ của Gia Dương, dọn xong thì ra nói: “Hóa ra anh ấy thích giày à. Bên trong có ít nhất năm mươi đôi, mà trong những năm tháng đó, đây tuyệt đối là hàng limited! Thật lợi hại!”

Tôi cười cười không nói gì. Gia Dương chính là như vậy, ngoại trừ học tập, cái gì nó cũng lợi hại. Khi còn bé, tôi dạy nó học đi xe đạp. Các bạn nhỏ khác cứ hô cha mẹ đừng buông tay suốt, còn nó ấy, đứng gần là không vui, nhất định phải một mình mình học, học được nửa tiếng đã dám đạp đến công viên.

Lúc đó tôi đã nghĩ, tôi phải thường xuyên trông coi thằng nhóc này, không thì mặt dày quá về sau sẽ không có nữ sinh nào thích.

Buổi tối, Tô Ngân chủ động nấu cơm. Tài nấu nướng của cậu ta còn cần rèn luyện thêm. Chỉ làm mấy món đơn giản hàng ngày mà hương vị cũng đã thật khó nói.

Tôi không kén ăn, ăn cái gì cũng chẳng để ý.

Trái lại, Tô Ngân ngượng ngùng: “Thầy à, sau này em vẫn nên theo thầy học nấu ăn thôi.”

Tôi cho Tô Ngân ở phòng của Gia Dương, còn tôi ở phòng khách.

Phòng ngủ cũ được quét dọn rất sạch sẽ. Đó là nơi tôi vô cùng quen thuộc, song tôi biết mình không xứng đáng ở lại căn phòng mà cô ấy từng ở.

Cô ấy, Dương Hoa Dung, mẹ của Gia Dương.

Hai.

Năm kết hôn, tôi mới hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp về Liễu Thành, phát triển khá tốt trong giới sinh viên tốt nghiệp. Có mấy giáo viên rất nâng đỡ tôi, tác phẩm cũng đáng xem, nhưng chưa có danh tiếng gì. Tôi là con một trong nhà, mẹ một thân một mình nuôi tôi lớn lên. Năm tôi tốt nghiệp thì bà chẩn ra bệnh ung thư, điều mong mỏi duy nhất là muốn thấy tôi kết hôn.

Tôi đồng tính, đây là điều tôi nhận ra kể từ khi mười sáu tuổi, nhận ra nhưng không thừa nhận. Mấy năm đó cũng không gặp được người đàn ông nào mà mình thích, nên tôi vẫn luôn sống một mình. Song tôi phải kết hôn, một là hoàn thành nguyện vọng của mẹ, hai là vì mọi người đều thế, tôi nghĩ mình có lẽ cũng không tránh khỏi.

Gặp Hoa Dung trong một lần xem mắt. Tôi xem mắt, cô ấy là bạn đi cùng người đến xem mắt. Đối tượng xem mắt của tôi có người yêu, cha mẹ không đồng ý nên ép cô gái kia đi xem mắt, cuối cùng Hoa Dung mượn cớ trợ giúp bạn thân mà chủ động theo đuổi tôi.

Tôi không từ chối. Lúc đó, bất luận người theo đuổi tôi là ai, tôi cũng sẽ không từ chối.

Xem như kết hôn nhanh đi. Tôi cầu hôn cô ấy, vì khi ấy thời gian của mẹ tôi đã không còn nhiều lắm. Thế là sau ba tháng, chúng tôi hoàn thành tất cả mọi lễ tiết, tiếp đến là hôn lễ.

Trong hôn lễ, Hoa Dung mặc lụa trắng, cười rạng rỡ bảo tôi: “Một đời một kiếp một đôi người, nguyện không phụ nhau.”

Mới cưới được hai tháng, mẹ tôi qua đời. Hoa Dung cùng tôi xử lý hậu sự, mua đất mộ, tìm nhà tang lễ, tang lễ. Tất cả đều là cô giúp tôi xử lý, tôi rất cảm kích.

Mãi khi mẹ tôi mất được hai tháng, cơ thể lộ rõ, Hoa Dung mới nói với tôi là cô mang thai, vì không muốn tôi phân tâm nên mới một mực chưa nói ra.

Về sau, liền có Gia Dương.

Ngày Gia Dương sinh ra, tôi ngồi ngoài phòng phẫu thuật hút hai bao thuốc lá. Lúc bác sĩ y tá bước ra, ánh mắt tôi nhìn họ đã nhuốm ướt át. Nghe được tiếng khóc nỉ non của trẻ con, vậy mà tôi kích động đến run rẩy.

Đời này tôi có rất ít người thân. Mẹ tôi đã rời đi, đứa trẻ mới ra đời này là người duy nhất trên thế giới này có liên kết huyết thống với tôi.

Hứa Gia Dương, con của Hứa Viễn Sơn và Dương Hoa Dung. Cái tên này do Hoa Dung đặt, cô ấy rất thích ý nghĩa gửi gắm trong đó. Về sau Gia Dương luôn tự gọi mình là mặt trời nhỏ nhà họ Hứa.

Năm ba tuổi, Gia Dương được Hoa Dung đưa đi nhà trẻ. Hoa Dung là y tá, công việc cũng bề bộn bận rộn, song vẫn không hề xem nhẹ gia đình. Hai phía đều được quan tâm đầy đủ. Sự nghiệp của tôi cũng phát triển rất tốt, có ít danh tiếng ở Liễu Thành.

Vào sinh nhật tám tuổi của Gia Dương, tôi lấy tên nó làm chủ đề, mở triển lãm tranh đầu tiên trong đời, đặt tên là “ánh nắng”.

Ắt hẳn trong mắt người khác tôi chính là người chiến thắng trong cuộc sống này, vợ chồng hòa thuận, gia đình hạnh phúc, có một đứa con nghịch ngợm nhưng luôn mang đến niềm vui. Sự nghiệp thành công như vậy, tuổi còn trẻ mà có thể tổ chức triển lãm tranh, có lẽ là dáng vẻ được rất nhiều người ước ao.

Tuy nhiên chỉ mỗi tôi biết, trong tim mình có một mầm độc.

Hoa Dung luôn luôn ủng hộ sự nghiệp của tôi. Lúc mới chuyển nhà, căn phòng hướng mặt trời được giữ làm phòng vẽ tranh. Năm, sáu bồn hoa lớn lớn nhỏ nhỏ được xếp lên, cô nói rằng muốn phân tán mùi thuốc màu. Tôi giữ thói quen bày bồn hoa trong phòng vẽ rất nhiều năm. Dẫu về sau Hoa Dung rời đi, tôi cũng vẫn phải nhìn cây cối mới có thể cầm lấy bút vẽ.

Mãi chẳng thể nào quên, cô ấy thích lan quân tử, nó trở thành một hình ảnh đọng lại trong ký ức.

Chắc vì về lại nơi từng quen thuộc nên tôi hiếm khi ngủ được một giấc ngon lành, Tô Ngân cũng không quấy rầy. Khi tôi thức dậy đã là giữa trưa.

Lúc ra phòng khách, tôi đã ngửi thấy mùi đồ ăn. Tô Ngân đang bưng một bát canh rong biển, thấy tôi ra thì nói: “Thầy ngủ ngon không ạ? Mau tới ăn cơm.”

Đã trở về, vậy thì có những địa điểm nhất định phải đến một chuyến.

Buổi chiều, mặt trời xuống núi, tôi và Tô Ngân tới tiệm hoa mua một bó hồng vàng.

Tô Ngân nhận hoa từ chủ tiệm, ngoái đầu bảo tôi: “Thầy ơi, thầy đi thăm cô, tặng hồng đỏ có lẽ sẽ hợp hơn chút. Vì hoa hồng vàng biểu đạt ý xin lỗi.”

Tôi ngắm những bông hồng vàng kiều diễm tựa ánh nắng, cười nhạt với chủ tiệm hoa rồi không nói gì. Tôi không trách thằng nhóc Tô Ngân lắm miệng, cậu ta cũng không biết, giữa tôi và Hoa Dung, mắc nợ và phụ lòng chiếm hơn phân nửa. Sao tôi có thể, lại lấy đâu ra tư cách để tặng cô ấy hoa hồng đỏ chứ?

Mộ Hoa Dung nằm sâu trong góc nghĩa trang, đi rất lâu, giẫm từng bước thềm đá đi lên, khiến người ta sinh ra ảo giác không có kết thúc.

Cuối cùng đó vẫn chỉ là ảo giác. Sau nửa tiếng, tôi và Tô Ngân đã tới trước mộ Hoa Dung. Bên trên có hoa hướng dương khô héo, tôi nghĩ có lẽ là ai đấy đã tới thăm.

Nụ cười trên bia mộ rất dịu dàng. Tôi ngắm thật lâu mới kinh ngạc phát hiện, hóa ra mình chưa từng quên dáng vẻ của cô. Dù không có tình yêu, nhưng sự quen thuộc hơn mười năm cùng nhau làm bạn kia đã ngấm vào xương tủy.

Mảnh ký ức nhỏ vụn dần trở nên rõ ràng, cuối cùng dừng tại ngày Gia Dương ra đời, cô ấy nằm trên giường bệnh, suy yếu cười, ánh mắt nhìn tôi chứa ánh sáng. Không thể không thừa nhận rằng, bây giờ tôi rất nhớ cô.

“Chào cô.” Tô Ngân khom người chào, “Em là Tô Ngân, rất hân hạnh được gặp cô.”

Tôi nhẹ nhàng đặt hoa hồng vàng ôm trong lòng xuống trước mộ, sát bên cạnh bó hướng dương đã khô héo kia.

Tôi muốn mở miệng nói gì đó, song há miệng mới phát hiện mình không thốt thành lời, run rẩy rất lâu mới vẽ ra một nụ cười áy náy.

Suy cho cùng, là tôi phụ bạc cô ấy một đời một kiếp một đôi người. Từ đầu đến cuối, tôi nợ cô rất nhiều thứ, cũng chẳng có cơ hội hoàn trả lại.

Năm ấy, là Diệp Vân gọi điện thoại bảo tôi, Hoa Dung nhảy lầu. Tôi và Thanh Dật vừa rời khỏi nửa tiếng thì cô nhảy lầu. Diệp Vân là bạn thân của Hoa Dung, Triệu Nhị Hầu – con cô ấy là bạn từ nhỏ đến lớn của Gia Dương. Thời điểm Diệp Vân báo tin thì Hoa Dung đã hỏa táng. Cô ấy nói với tôi trong điện thoại: “Hứa Viễn Sơn, anh không xứng gặp chị ấy lần cuối.”

Lúc Diệp Vân gọi tới, tôi và Thanh Dật đang ở trên xe, tôi lái xe. Nghe cô ấy nói Hoa Dung nhảy lần, tôi đạp phanh ngừng đột ngột trên đường quốc lộ, bị xe đằng sau tông thẳng vào.

Bấy giờ đầu óc tôi rất loạn, không có tâm tư cãi cọ với lái xe phía sau, chỉ phóng về nhà bằng tốc độ nhanh nhất. Tôi chưa từng nghĩ đến việc bức tử cô ấy. Tôi không yêu cô, nhưng tôi coi cô là người thân vô cùng quan trọng.

Tôi không kịp gặp Hoa Dung lần cuối. Diệp Vân nói không sai, tôi thực sự không xứng. Sau đó tôi tìm thấy Gia Dương, nó ở bệnh viện. Thời điểm hỏa táng Hoa Dung, đầu nó đập phải chiếc bàn trong nhà hỏa táng, bất tỉnh nhân sự và được đưa vào bệnh viện. Tôi cùng Thanh Dật trông một ngày một đêm, nó mới tỉnh dậy.

Ngày Hoa Dung hạ táng, tôi nhìn ngôi mộ khép lại. Tôi biết người phụ nữ đã từng rất dịu dàng kia sẽ vĩnh viễn an nghỉ ở đây. Chung quy tôi nợ cô một đời gửi gắm.

Ánh mắt Gia Dương nhìn tôi khi tỉnh lại nói cho tôi biết, nó rất hận tôi. Khi ấy, mặc dù buồn bã song tôi không gấp gáp. Tôi luôn muốn chờ sau này bồi thường cho nó, chờ đến một ngày nó sẽ hiểu cho tôi, sẽ tha thứ cho tôi. Xem đi, lúc đó tôi suy nghĩ tốt đẹp biết bao. Thế nhưng, chẳng ai có thể đoán được vận mệnh sẽ đẩy chúng ta về đâu.

Thời điểm xuống mấy bậc thềm đá rời khỏi nghĩa trang, tôi ngoái đầu nhìn, mộ của Hoa Dung thật lẻ loi trơ trọi. Tôi bỗng nhiên rất muốn bảo Gia Dương, về sau chăm sóc mẹ con thật tốt nhé.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net