Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trên hành lang vắng vẻ của bệnh viện tâm thần vào buổi đêm, một người đàn ông khoảng chừng năm mươi tuổi đang ngồi dựa lưng vào băng ghế dài, mệt mỏi rít từng hơi từ điếu thuốc đã cháy gần hết trên tay. Ông đang đợi bác sĩ khám bệnh cho con gái mình. Đứa con gái sắp tròn mười bảy.

"Đã có kết quả thưa ông." Y tá đẩy cửa ra ngoài thông báo cho người nhà bệnh nhân biết. Bên trong phòng bệnh, con gái ông đang ngồi cúi gằm mặt xuống đất ở chiếc ghế trong cùng, ngay sát góc tường. Người cha thở dài, ngồi xuống hỏi: "Con gái tôi thế nào rồi bác sĩ?"

Vị bác sĩ trông vẫn còn trẻ, cầm tập giấy kết quả lên rồi chỉ cho người cha thấy: "Cháu bị trầm cảm mức độ nặng, ngoài ra còn mắc hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Cần phải nhập viện điều trị. Nhưng cháu nhà vẫn còn đi học, lại còn có một tháng nữa là khai giảng. Nếu không muốn nhập viện vì còn lo việc học hành thì có thể đến phòng khám tư của tôi, ở gần bệnh viện này."

Nghe thấy con gái có thể không cần nhập viện, người cha vui vẻ ra mặt: "Vậy phòng khám của bác sĩ nằm ở đâu?"

Người đàn ông khoác trên mình bộ áo blouse trắng vừa viết vào giấy vừa trả lời: "Số nhà 300 đường X, tầng 2."

Hai người đàn ông một người mải mê tìm cách chữa trị cho con gái, một người đang cố kiềm chế sự vui mừng vì vừa có thêm bệnh nhân mới đã không chú ý đến cô gái nhỏ đang ngồi ở góc phòng kia. Cô nhìn về phía họ bằng cặp mắt lờ đờ nhưng ẩn chứa sự sắc bén.

"Mình không bị bệnh. Bọn họ mới là người mắc bệnh."

Pi thầm nghĩ, rồi đứng dậy đi ra ngoài sau tiếng gọi của bố. Pi chán nản không buồn nhìn thêm một ánh nhìn nào vào căn phòng đó nữa. Bản thân cô biết rõ những người cô đã gặp là loại người gì. Vừa đi hết hành lang để ra ngoài sân của bệnh viện, bố đã lên tiếng chỉ trích: "Thường ngày bố yêu thương con nhiều như thế, chiều chuộng con như thế thì con còn mắc bệnh tâm lý cái gì? Đã sắp vào năm học rồi còn bệnh với chả tật. Mày làm sao đó mà làm. Năm nay là năm cuối rồi mà để việc học bị ảnh hưởng là coi chừng."

Pi thở dài. Những cuộc trò chuyện này cô đã nghe đi nghe lại quá nhiều lần. Việc đưa cô đi khám cũng chỉ là lo cho kết quả trong những kì thi, từ đầu đến cuối đều không có nổi một lời quan tâm đến sức khỏe của con gái. Nhưng lúc này Pi không còn để tâm nhiều đến nữa. Cô rướn người hít thở không khí buổi đêm trong lúc chờ bố đi lấy xe. Vươn vai thư giãn tại bệnh viện tâm thần, cũng xem như là một trải nghiệm thú vị mà không phải ai cũng có.

Chiều mai cô sẽ phải ngồi nói chuyện với một ông bác sĩ, mà theo cảm nhận của cô thì không có một tí uy tín nào suốt buổi. Nghĩ đến đó làm Pi phát nản. Về nhà liền quăng mình xuống giường cố nhắm mắt ngủ. Nhưng Pi chợt nhớ ra vẫn còn một chuyện hết sức quan trọng mà mình cần phải làm, vội với lấy điện thoại và mở messenger lên. Bấm vào khung chat lúc nào cũng hiện lên trên đầu. Cô bắt đầu chia sẻ với người bạn kia về những việc mà mình vừa trải qua trong ngày.

"Cậu biết không, hôm nay bố đã đưa mình đi khám ở bệnh viện tâm thần."

"Mình đâu có bị bệnh chứ."

"Chiều mai mình sẽ phải đến phòng khám tư của bác sĩ hôm nay để khám tiếp."

"Nhưng mà bố cũng chỉ lo cho việc thi đại học của mình thôi chứ chẳng hề quan tâm đến việc mình bị bệnh."

....

"Mình chán quá. Giá mà cậu vẫn còn sống..."

Pi đang nói chuyện với người mà cô thích nhất trên đời. Người đó dịu dàng và ấm áp, mang đến cuộc đời tăm tối của cô một tia sáng nhỏ bé rồi tự tay dập tắt đi thứ ánh sáng ấy. Cậu tự tử vào cuối tháng tư năm cô học lớp mười một. Mặc kệ tin nhắn gửi đi mà không có lời hồi đáp, chỉ cần Pi vẫn thích, vẫn nhớ thì cậu vẫn sẽ là người quan trọng nhất trong cuộc đời cô.

Hiện tại đã là đầu tháng tám, Pi đã kiên trì nhắn tin cho tài khoản facebook của cậu ấy hơn ba tháng. Chia sẻ xong những điều làm cô mệt mỏi, Pi tắt điện thoại yên tâm chìm vào giấc ngủ. Lại là một giấc mơ khó chịu. Đêm nào cũng thế, miễn là đặt lưng xuống giường thì những "con quái vật" đã chực chờ trong từng góc tối bắt đầu nhảy xổ ra, tìm mọi cách để cắn xé giết chết cô hàng trăm lần. Mỗi lần tỉnh giấc sau một cơn ác mộng, Pi lại thấy năng lượng cơ thể bị rút đi nhiều hơn. Đêm nay cũng vậy, Pi choàng tỉnh giữa đêm khuya, mới hơn ba giờ. Cô nằm xuống bắt ép mí mắt mình dính chặt vào nhau, lòng thầm nghĩ: "Mai phải đi học đội tuyển rồi, nếu giờ còn không ngủ thì sáng mai mình chết mất. Ngủ thôi. Làm ơn đi não của tao ơi, để tao yên một chút thôi cũng được."

...

Tám giờ hai mươi phút sáng tại lớp học, Pi lời đờ uể oải nhìn vào tờ đề môn Địa lý chằng chịt chữ. Cô không thực sự muốn vào đội tuyển, chỉ là được bạn bè rủ rê vào học để kiếm một cái học bạ đẹp. Nhưng ngay lúc này đây, Pi chỉ muốn vò nát mấy con chữ rắc rối này mà về nhà nằm ngủ.

"Mình có thật sự là đang sống?"

Pi thở dài, cách vài phút lại nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường cầu mong cho nhanh đến hết buổi học.

Chiều đến, dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè, Pi ngồi sau xe bố đến phòng khám tư của bác sĩ đã hẹn hôm trước. Đúng như cô dự đoán, quá trình khám bệnh hoàn toàn qua loa đại khái. Đo điện não, siêu âm, hỏi một vài câu mà bất cứ ai cũng có thể hỏi được rồi kê một nắm thuốc với cái bill gần một triệu.

Khi về cô đã hỏi bố: "Tiền thuốc đắt như thế thì bố có tiếc không?"

Bố cô trả lời: "Tiếc cái gì. Con phải nhanh khỏe để còn đi học. Năm cuối rồi."

Lại là "năm cuối rồi". Pi không muốn nói chuyện nữa, cô im lặng suốt quãng đường từ phòng khám về nhà. Định bụng sẽ không ăn tối mà lên giường ngủ luôn.

Chợt bố thông báo một tin làm Pi muốn nhảy dựng lên giữa sân: "Tối nay chị Thùy sẽ xuống đưa con lên nhà chị ở vài hôm, để tiện cho việc khám chữa bệnh."

Pi đáp: "Nhưng con muốn ở nhà."

Bố vừa dắc xe vào nhà vừa nói: "Không được. Con phải ở trên đấy để chơi cùng các cháu, phải nhìn thấy những điều tích cực thì mới mau khỏe được. Vào phòng soạn đồ sẵn đi để tối chị xuống là chỉ việc bê đồ lên xe thôi."

Cô im lặng, biết rằng có nói cũng chẳng được nên thôi. Pi lủi thủi đi vào phòng.

Bố mẹ cô ly hôn hồi cô mười tuổi, vì ở với bố và ông bà nội nên Pi hoàn toàn không mấy quan tâm đến vẻ bề ngoài. Quanh năm suốt tháng chỉ quần thụng với áo lửng tay. Bạn bè thường hỏi: "Cậu có nhớ mẹ không?"

Pi lắc đầu. Trước khi gia đình tan vỡ, chính mẹ ruột đã bạo hành cô mỗi ngày. Hình như là từ mẫu giáo lớn, cô cũng không nhớ rõ lắm là mình bắt đầu bị bạo hành từ lúc nào. Ròng rã suốt năm năm trời, bố mẹ ra tòa chia nhau nuôi dưỡng hai chị em Pi. Sự việc này đối với Pi mà nói, cũng có thể xem là một loại giải thoát. Từ nay cô sẽ không còn bị đánh đến thâm tím mặt mũi nữa.

Nhưng hình như không phải. Sau khi bố mẹ cô ly hôn khoảng chừng một tuần, đứa bạn thân gần nhà đã loan tin cho hầu như là cả lớp biết chuyện. Vậy là lần đầu tiên trong đời Pi có biệt danh: "Con nhỏ không có mẹ."

Lớn thêm chút nữa, lên cấp hai Pi được làm lớp trưởng. Bắt đầu nhận sự tẩy chay của bạn bè. Pi chuyển hướng bao che cho lũ bạn thì đến lượt cô giáo chỉ trích. Pi cũng chỉ im lặng mà nghe. Ở nhà bà nội thường hay gọi cô là "con đĩ" hay là "con của con đĩ".

Lớp tám, bố bắt đầu đè nén áp lực thi cử lên người cô. Nhồi nhét cả những lớp học thêm lẫn lời chửi mắng vào đầu. Hóa ra Pi không phải chịu sự hành hạ về thể xác nữa mà là về tinh thần. "Đau đớn không mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ cái này sang cái khác." Pi vẫn tự an ủi mình như thế.

"Cái loại con của con đĩ thì sau này cũng giống con đĩ thôi. Mười bảy mười tám tuổi mày không vác cái bụng bầu về thì tao không làm người."

Lời mỉa mai xúc phạm của bác cả, cộng thêm sự phụ họa đồng tình của bà nội thành công khiên Pi phá vỡ lớp màng bọc lý trí. Cô tức giận, khóa trái cửa phòng tự nhốt mình trong đó. Tiếng cười hô hố của bác cả vẫn vang vọng vào sâu trong não cô. Ánh nhìn của Pi chợt va phải cái mỏ lết để trên bàn. Cô chậm rãi đi đến đưa tay sờ thử vật nặng lạnh lẽo đó. Trên giường, con búp bê lớn mà bố tặng vào dịp sinh nhật năm cô mười một tuổi vừa rơi xuống đất.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC