1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tình hình là tôi sẽ phải beta lại các cậu à, ngoài ra thì tôi vẫn sẽ sử dụng một số phân cảnh cũ nữa.

Cốt truyện sẽ phỏng theo "Tát nước đầu đình" để viết nha!

.

Hưu Ninh Khải tất ta tất tưởi chạy vào gian nhà chính, biểu tình trên khuôn mặt phấn khởi lắm, mặc cho mồ hôi đã chảy rệu rã khắp người. Trưa hè nắng gắt cũng không lấn át đi được niềm vui sướng ra mặt của Hưu Ninh Khải. Mà cái tin nó sắp tâu với ông bá hộ, đã khuấy lên không khí thập phần buồn tẻ của phủ họ Thôi.

"Dạ bẩm ông, cậu Bình về rồi ạ!".

Ông bá hộ đang thảnh thơi ngồi trên phản nhai trầu cũng vội trèo xuống, ly trà hãy còn uống dở dang ông cũng kệ: "Đâu, đâu? Con giai nhớn của ông về rồi đấy hử?". Hưu Ninh Khải vâng một tiếng, nhanh nhẹn đỡ ông bá hộ ra ngoài.

Mấy đứa gia nhân đang làm vườn quét tước không tránh khỏi tò mò. Con bé Hoa đang lặt luống rau bèn lén lút trèo tường lên xem, thân nó bé tý nên chẳng mất bao nhiêu sức đã chễm chệ ngồi vắt vẻo. Nó nghe đồn cậu Bình nhà ông bá hộ vừa thông minh, tài cán, vừa tuấn tú khôi ngô, người đời vẫn thường hay khen ngợi cậu là trên thông thiên văn dưới tường địa lí. Chẳng hay lúc nó vào phủ thì cậu Bình đã lên huyện thi cử trạng nguyên rồi.

Xuân Bình tiếng lành đồn xa, từ nhỏ học nhanh hiểu rộng, ngày nào cũng chăm chỉ miệt mài đèn sách. Nay trở về quê hương khi giang sơn đã vắng bóng quân thù, trạng nguyên cậu không ham chức danh gì cho cam. Ngược lại muốn trải qua cuộc sống yên bình ở quê nhà cùng thầy mẹ, giúp dân chuyện đồng áng. Trạng nguyên nào cũng có ước nguyện cao xa, ắt hẳn được mấy người giản đơn như cậu?

Ông bá hộ hân hoan đứng chờ từ ngoài cổng. Gia nhân lúc nhúc chen nhau ngó đầu ra xem, chẳng ai biết tướng mạo của cậu thế nào, nghe người ta đồn thổi lại càng quyết chí muốn tận mắt chứng kiến.

Dân làng vỗ tay hô hào chúc mừng, âm thanh huyên náo cả một vùng quê, đứng từ cuối làng cũng có thể nghe thấy. Mấy đứa trẻ con tinh nghịch nhảy nhót phấn khích, kêu rằng: "Trạng nguyên ngồi võng về làng đấy à, oai quá oai quá!".

"Chí phải, chí phải!". Đứa bên cạnh gật đầu như gà mổ thóc. Không quên vẫy vẫy ngọn lúa non vừa đi vặt trộm về.

Xuân Bình lấy làm mừng, được đón tiếp nồng hậu thế này đương nhiên khiến cậu không tránh khỏi ngạc nhiên xen lẫn phấn chấn. Hôm ấy tin vui
xông đến cửa, quả nhiên không bõ công mấy ngày cậu quên ăn quên ngủ vì lo lắng, hồi hộp. Thi cử căng thẳng là điều không tránh khỏi, huống chi anh tài từ khắp nơi đổ về, Xuân Bình suy cho cùng là một người xuất chúng trong vô vàn những người xuất chúng khác mà thôi.

Đoạn kiệu võng dừng lại trước phủ, ông bà bá hộ rơm rớm nước mắt, Xuân Bình chưa kịp hành lễ liền nhận được cái ôm sau bao ngày xa cách từ hai người. Xuân Bình một lòng hiếu thuận, ông bà bá hộ có công lao lớn nhất.




"Chẳng hay, cậu có muốn lấy vợ thì thầy sớm đã có mối tốt, cậu mà đồng ý, là thầy đem tới cho cậu ngay!". Ông bá hộ cười hềnh hệch, đưa tay vuốt vuốt chỏm râu cụt.

Nước nôi bày biện trên bàn đủ đầy, gia nhân bận bịu đi lại thay ấm trà mới, nếu trà để nguội, ông bá hộ liền phẫn nộ cắt cơm chúng nó thì khổ thân.

"Kìa, con mới về chưa được bao lâu, thầy tính toán mấy chuyện xa xăm ấy làm chi!". Xuân Bình xua tay lắc đầu: "Lần này về đây, con cũng không đi đâu nữa, tiểu thư đài các ở làng mình không thiếu gì, thầy con đừng lo lắng cho tổn hại sức khỏe!".

Bóng hồng vây quanh cậu không ít, nhưng kì thực cậu chưa để ý đến ai. Được người ta nói thích nói yêu cũng nhiều, nhưng chân thành thì được mấy ai. Ông bà bá hộ thúc giục cưới xin không ít lần nhưng một khi cậu đã quyết thì dù có ném đá cũng chẳng khiến cậu lung lay.

Xuân Bình công thành danh toại, chỉ là chưa đến lúc cậu muốn lập gia thất. Nếu miễn cưỡng cưới gả thì lại làm khổ con gái nhà người ta. Sau cùng đường ai nấy đi phải sống trong phận cảnh lời ra tiếng vào của miệng đời. Nghiễm nhiên, phải mất một thời gian dài mới có thể lần nữa rung động.





Đình Tuấn năm nay vừa đến tuổi mười bảy, chẳng còn gì ngoài hai từ xinh đẹp để nói về em. Người ta nói con gái giống thầy, con trai giống bu ắt dung mạo nghiêng nước nghiêng thành quả không sai. Đình Tuấn thừa hưởng nét đẹp mảnh mai, thanh thuần từ bu em, dáng người cao ráo, gầy gò, chỉ sợ một làn gió thổi qua cũng khiến em thả mình bay theo.

Vốn dĩ xuất thân con nhà nông, Đình Tuấn tính tình chân chất, lại chăm làm, nên khối nàng say mê như điếu đổ. Có điều, em ngây ngô lắm, mấy cô cho gì cũng nhận cơ. Nhiều lần em chối đây đẩy mà mấy cô cứ được nước lấn tới dúi vào tay em. Bu em lắc đầu ngán ngẩm, của để là của làm tin, không ít thì nhiều cũng có tấm lòng của mấy nàng trong đó. Sau này, đến tuổi cập kê, mấy cô nằm giãy ra đất đòi lại thì nhà em lấy đâu ra tiền mà trả. Đình Tuấn nghe thầy bu căn dặn thì khiếp vía, né tránh con gái nhà người ta như vong ốp.

Cho nên, đến tầm tuổi này, bạn bè đồng trang lứa đều có vợ đẹp con ngoan. Mỗi chiều, chúng nó bế bồng con chạy đi khắp xóm. Trong khi, Đình Tuấn vẫn chẳng may may sự lạ gì. Thầy bu em thấy vậy lại càng chạnh lòng. Gia cảnh nhà em không khấm khá gì cho cam, thầy bu thương em vì phải chịu thiệt thòi hơn bao người. Dù bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cả đời, sợ rằng nhà em cũng không thể trả hết nợ.

Đình Tuấn trong lòng còn vướng bận nhiều lo toan. Chẳng an tâm cưới gả chút nào, thôi thì để số mệnh tùy duyên. Nếu may mắn thì được trời thương, trời ban cho em một người thương em thật lòng.

Thằng cu Khuê hàng xóm hay trêu em, cứ như thế này chi bằng chịu ế chỏng ế chơ cả đời. Trong khi, nó cũng giống như em, ngồi chờ đến mốc mồm chẳng có nổi một mảnh tình vắt vai. Người ta hay gọi vui là đám trai ế.




Đình Tuấn lật đật đem quần áo ra sông giặt giũ. Đường làng khi bầu trời giăng mắc những vì tinh tú lấp lánh lại trở nên xinh đẹp đến lạ thường. Trăng sáng soi tỏ xuống mặt sông yên ả, không gian vắng lặng đìu hiu chỉ còn tiếng dế ngân.

Bên cạnh sông nhỏ là hồ sen thoảng thoáng hương thơm chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đình Tuấn cặm cụi vò vò áo quần, nghe đâu đó từ đằng xa có tiếng lạo xạo từ bụi cỏ lau. Đình Tuấn ngẩng đầu quan sát, ấy rồi đoán chắc chỉ là chó hoang đi lạc nên em lại chuyên tâm vào công việc còn dở dang. Đổ nhiên từ đâu có tấm áo nâu trôi sông, mắc vào cành sen gần đó.

Đình Tuấn chớp chớp mắt, em vớt tấm áo lên. Hết nhìn áo rồi lại nhìn chỗ nước sông vừa bị mắc kia. Đình Tuấn xanh mặt, không phải người chết đuối ở chỗ đó đấy chứ. Em nghĩ đến đây không khỏi kinh hãi, một mạch thu gom đống quần áo chạy biến về nhà.

Thầy bu thấy biểu tình hoảng loạn trên khuôn mặt em, liền ân cần hỏi thăm.

"Sao chửa chi đã về?". Bu lau lau mồ hôi trên trán cho em.

Đình Tuấn sợ bu lo lắng nên chẳng hó hé một câu, ấy rồi, em chợt nhận ra, bản thân mang luôn tấm áo nhặt được về từ bao giờ.

Em nghĩ nghĩ một hồi lâu, chẳng hay là áo ai bỏ quên bị trôi đến đây. Nhìn tấm áo cũ sờn rách chỉ đường tà, ắt hẳn chủ nhân của nó là người chăm chỉ làm lụng vất vả.

Lục lọi chút chỉ thừa còn sót lại trong tủ. Đình Tuấn ngồi bên bậc thềm với ý định vá lại cho người ta. Mặc dù chưa bao giờ gặp mặt, cũng chẳng biết đối phương là ai nhưng Đình Tuấn có lòng tốt muốn giúp. Nhìn tấm áo rộng hơn cái thân em gấp bội, đoán chừng chủ nhân của nó là trai tráng khỏe khoắn vẫn còn một thân cô đơn, trong nhà chỉ còn mẹ già không thể giúp chàng may áo.

Đình Tuấn khéo léo xỏ chỉ, nương nhờ ánh trăng rồi khâu lại từng đường. Em là con một trong nhà, nên sớm đã hình thành thói quen tự túc, không muốn phiền hà gì đến bu em. Chuyện may vá cũng học lỏm được chút ít từ bu khi em vô số lần đùa nghịch thuở nhỏ mà làm rách không biết bao nhiêu cái áo.Tuy không hẳn khéo tay nhưng chí ít em vẫn biết đường tự lo từng đường kim mũi chỉ cho bản thân.

Đình Tuấn may xong bèn gấp gọn, ngày thường em vẫn đều đặn ra sông giặt đồ, nếu hữu duyên liền có thể gặp được chủ nhân của nó để đem trả.

Bu em vừa hay bắt gặp, thị lắc đầu ngán ngẩm nhìn con trai. Thị giảng giải rằng em vô duyên vô cớ nhận may áo cho người ta, thực chẳng khác nào ngấm ngầm nhận lời đồng ý cưới gả. Bởi lẽ, trong nhà thiếu vắng một người yêu thương chàng, chăm lo cơm nước, may vá cho chàng nên tấm áo này để lại làm tin.

Đình Tuấn không khỏi thẹn thùng, em đâu có suy nghĩ đến chuyện ấy. Chỉ là tình cờ nhặt được tấm áo, em cứ ngỡ bản thân sắp phải gả đi thật.

Bu em chống nạnh mà rằng: "Nghe bu, đem trả cho người ta sớm, nó mà đòi bê con trai bu về nhà thì bu đánh nó tuốt xác!".

Con trai lá ngọc cành vàng của thị, gia tài trong nhà của thầy bu chỉ còn duy nhất mỗi em, sơ ý một chút liền bị bắt đi lúc nào chẳng hay.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net