Phần 13

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 ĐẾN LƯỢT BA LAN 

 NGÀY 24 tháng 10 năm 1938, không đầy 1 tháng sau Hiệp ước Munich, Ribbentrop mời Józef Lipski, Đại sứ Ba Lan tại Đức dùng bữa trưa kéo dài 3 giờ đồng hồ. Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh bữa ăn diễn ra "trong không khí rất thân thiện" .

Tuy thế, Ribbentrop không để mất thời giờ đi vào vấn đề. Ông nói đã đến lúc Ba Lan và Đức đi đến thoả thuận chung. Trước tiên chúng ta cần nói về Danzig ở Ba Lan. Phải "giao trả" miền này cho Đức. Hơn nữa, Đức muốn xây một đường cao tốc và một tuyến đường sắt có 2 đường ray xuyên qua Hành lang Ba Lan để nối với Danzig và Đông Phổ. Cả 2 đều sẽ có quyền ngoài lãnh thổ. Cuối cùng, Hitler mong mỏi Ba Lan gia nhập Hiệp ước chống Đệ tam Quốc tế Cộng sản để cùng nhau chống lại Liên Xô. Để đáp lại những nhượng bộ này, Đức sẽ sẵn lòng gia hạn Hiệp ước Ba Lan-Đức từ 10 đến 20 năm và đảm bảo biên giới cho Ba Lan .

Ribbentrop nhấn mạnh rằng mình sẽ giữ kín việc thảo luận về những vấn đề này, đồng thời đề nghị Lipski báo cáo với Ngoại trưởng Beck "bằng miệng – bởi vì có nguy cơ rò rỉ thông tin, nhất là cho phía báo chí". Lipski hứa sẽ báo cáo về Warsaw nhưng cảnh báo Ribbentrop rằng mình không thấy "khả năng" giao trả Danzig cho Đức. Ông còn nhắc đến 2 sự kiện – 5 tháng 11 năm 1937 và 14 tháng 1 năm 1938 – khi Hitler đích thân trấn an người Ba Lan rằng mình không ủng hộ bất kỳ thay đổi nào trong Quy chế Danzig. Ribbentrop trả lời lúc này ông không có câu trả lời, nhưng khuyên bên Ba Lan nên "suy nghĩ về điều này" .

Ngày 19 tháng 11 năm 1938, Ribbentrop và Lipski gặp lại nhau. Ba Lan không thuận theo các đòi hỏi của Đức, nhưng sẵn lòng thay thế sự đảm bảo của Hội Quốc liên cho Danzig bằng một hiệp định Đức-Ba Lan về Quy chế Thành phố Tự do. Bản ghi nhớ của Beck gửi Ribbentrop ghi: "Bất kỳ giải pháp nào khác, đặc biệt là bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Thành phố Tự do vào Đế chế, sẽ không tránh khỏi dẫn đến xung đột." Ribbentrop trả lời rằng "cảm thấy tiếc về quan điểm của Beck" và đề nghị phía Ba Lan nên "xem xét nghiêm túc những đề xuất của phía Đức" .

Hitler có phản ứng mạnh bạo hơn. Ngày 24 tháng 11 năm 1938, 5 ngày sau buổi gặp gỡ của Ribbentrop và Lipski, ông gửi một chỉ thị đến các tư lệnh quân chủng .

TỐI MẬT Lãnh tụ chỉ thị: Ngoài ba biện pháp dự phòng theo chỉ thị ngày 21 tháng 10 năm 1938, cũng cần chuẩn bị điều quân Đức đến chiếm đóng bang Tự do Danzig một cách bất ngờ .

Phải tiến hành chuẩn bị dựa trên cơ sở sau: Điều kiện là việc chiếm đóng có hình thức gần giống như một cuộc Cách mạng, khai thác tình hình thuận lợi về chính trị, không phải là chiến tranh chống Ba Lan... Các đơn vị được sử dụng cho mục đích này phải khác với các đơn vị sẽ chiếm Memel, sao cho nếu cần thiết, sẽ chiếm đóng 2 nơi cùng một lúc. Hải quân sẽ hỗ trợ Lục quân bằng cách tấn công từ ngoài biển... Phải nộp kế hoạch của các quân chủng vào ngày 10 tháng 1 năm 1939 .

Dù Beck đã cảnh cáo rằng bất kỳ động thái nào nhằm chiếm Danzig sẽ "không tránh khỏi" dẫn đến xung đột, nhưng lúc đó, Hitler vẫn tin rằng có thể làm việc này mà không gây ra chiến tranh. Đảng Quốc xã địa phương đang kiểm soát Danzig và giống như người Đức Sudeten, họ nhận lệnh từ Berlin. Sẽ không phải khó khăn để tạo ra tình trạng "có vẻ như là Cách mạng" ở đấy .

Thế là, sau khi thôn tính Áo và vùng Sudetenland mà không phải đổ máu trong năm 1938, khi năm này sắp hết, Hitler lại để tâm trí vào việc thôn tính phần còn lại của Tiệp Khắc, Memel và Danzig. Làm nhục Schuschnigg và Beneš đã khá dễ dàng. Và hiện nay chính là đến lượt Ngoại trưởng Józef Beck của Ba Lan .

Nhưng ban đầu Hitler chưa đối xử với Beck theo cách tệ hại như với Schuschnigg và Beneš, vì ông còn lo thôn tính phần còn lại của Tiệp Khắc trước. Theo tài liệu mật của Ba Lan và Đức cho thấy, Hitler giữ thái độ hoà hoãn khi tiếp Józef Beck ngày 5 tháng 1 năm 1939. Ông mở đầu bằng cách nói mình "khá sẵn lòng hỗ trợ cho Beck" và còn hỏi có gì "đặc biệt" trong tâm trí của Beck không? Beck trả lời rằng Danzig đang chiếm tâm trí của ông. Rõ ràng nó cũng đang chiếm tâm trí của Hitler .

Lãnh tụ nhắc nhở vị khách: "Danzig là của Đức, sẽ luôn là của Đức và chẳng chóng thì chầy sẽ thuộc về nước Đức." Tuy nhiên, ông cam đoan rằng sẽ không dự tính sắp đặt cho "chuyện đã rồi" ở Danzig .

Ông muốn Danzig và ông muốn 1 đường cao tốc cùng 1 tuyến đường sắt xuyên qua Hành lang Ba Lan. Nếu ông và Beck "thoát ra khỏi khuôn sáo xưa cũ mà tìm kiếm giải pháp theo đường hướng mới", ông tin chắc chắn có thể đạt đến thoả thuận công bằng cho cả 2 quốc gia .

Józef Beck thì không tin chắc. Tuy thế, như ông thổ lộ với Ribbentrop ngày hôm sau, ông không muốn quá thẳng thừng với Lãnh tụ, nên ông trả lời rằng "Danzig là một vấn đề rất khó khăn", ông không thấy trong đòi hỏi của Lãnh tụ có việc gì "tương đương" cho Ba Lan. Vì thế, Hitler vạch ra "điểm lợi to tát" cho Ba Lan trong việc "có biên giới giáp với Đức, kể cả Hành lang Ba Lan, được đảm bảo bằng hiệp ước". Beck có vẻ không thấy hấp dẫn vì việc này, nhưng hứa sẽ suy nghĩ thêm .

Sau một đêm suy nghĩ, hôm sau Beck yêu cầu Ribbentrop thông báo với Lãnh tụ rằng ông "không thấy có khả năng nào để thoả thuận" .

Giống như nhiều người khác, phải mất một thời gian Đại tá Beck mới thức tỉnh. Cũng như phần lớn người Ba Lan, ông chống Liên Xô một cách quyết liệt. Hơn nữa, ông cũng có ác cảm với người Pháp từ năm 1923, khi là Tùy viên Quân sự ở Paris, ông bị trục xuất vì bị cáo giác bán tài liệu về Quân đội Pháp. Vì vậy, có lẽ điều tự nhiên là vị Ngoại trưởng này từ năm 1932 trở nên thân thiện với Đức hơn. Ông có cảm tình với chế độ độc tài Quốc xã và hơn 6 năm qua, ông đã cố đưa nước mình đến gần với Đức hơn và làm suy yếu mối quan hệ truyền thống với Pháp .

Trong số tất cả quốc gia giáp với Đức, Ba Lan ở vào vị thế đáng lo nhất về lâu dài. Trong số tất cả quốc gia, Ba Lan không thấy được hiểm hoạ của Đức. Điều khoản Hoà ước Versailles khiến cho Đức bất mãn nhất là việc lập Hành lang để tạo cho Ba Lan đường thông thương ra biển và cắt Đông Phổ lìa khỏi Đức. Việc tách rời cảng Hanseatic của Danzig và đặt dưới sự giám sát của Hội Quốc liên, nhưng bị Ba Lan thống trị về kinh tế cũng khiến cho người Đức nổi giận. Thậm chí nền Cộng hoà Đức, vốn yếu hèn và hoà hoãn, cũng không bao giờ chấp nhận tình trạng mà họ cho là Ba Lan đã xâu xé Đế chế Đức. Ngay vào năm 1932, Tướng von Seeckt phát biểu quan điểm của Quân đội Đức: "Sự hiện hữu của Ba Lan là không thể chấp nhận được và không tương thích với những điều kiện thiết yếu cho đời sống của Đức. Ba Lan phải ra đi và sẽ ra đi... với sự giúp đỡ của ta... Việc xoá sổ Ba Lan phải là một trong những động lực cơ bản nhất của chính sách Đức... được đạt đến qua cách thức của Nga và với sự hỗ trợ của Nga." Thật đúng là những lời tiên tri! Người Đức quên – hoặc có lẽ không muốn nhớ – rằng hầu hết đất đai của Đức được Hoà ước Versailles cắt giao cho Ba Lan – kể cả các tỉnh Posen và Pomorze tạo nên Hành lang Ba Lan – là do Phổ chiếm đoạt trong những lần Phổ, Nga và Áo xâu xé Ba Lan. Trong hơn một nghìn năm, người Ba Lan đã sinh sống trên những vùng đất này .

Không có quốc gia nào được tái lập theo Hoà ước Versailles trải qua thời kỳ nhiễu nhương như Ba Lan. Trong những năm đầu tiên sau khi tái lập quốc gia, Ba Lan khởi động chiến tranh chống lại Liên Xô, Lithuania, Đức và ngay cả Tiệp Khắc. Vì không có nền tự do chính trị trong hơn một thế kỷ rưỡi nên họ cũng không có kinh nghiệm gì trong việc tự trị, người Ba Lan không thể thành lập chính quyền vững chắc hoặc giải quyết những vấn đề kinh tế và nông nghiệp .

Năm 1926, Thống chế Pilsudski, người anh hùng của Cách mạng 1918, đã tiến vào Warsaw, cướp chính quyền và thiết lập nên chế độ độc tài. Trước khi qua đời năm 1935, một trong những động thái quan trọng của ông là vào ngày 26 tháng 1 năm 1934 đã ký kết một hiệp ước bất tương xâm với Hitler. Đây là bước đầu tiên làm suy yếu mối liên minh giữa Pháp với các quốc gia Đông Âu, đồng thời cũng làm yếu đi Hội Quốc liên cùng ý niệm an ninh tập thể của tổ chức này .

Sau cái chết của Pilsudski, Ba Lan được điều hành bởi một nhóm nhỏ những "Đại tá", trước đây là những chỉ huy trong Binh đoàn Ba Lan dưới quyền Pilsudski chiến đấu chống Nga trong Thế chiến I. Cầm đầu nhóm này là Thống chế Smigly-Rydz, một chiến binh giỏi nhưng không phải là chính khách. Chính sách ngoại giao dần dà rơi vào tay của Đại tá Józef Beck. Kể từ năm 1934, Ba Lan càng thân thiện hơn với Đức .

Thực tế thì đó là một chính sách tự sát. Khi xét qua vị thế của Ba Lan ở châu Âu sau Hoà ước Versailles, người ta khó tránh khỏi kết luận là trong giai đoạn này, người Ba Lan chính là kẻ thù tệ hại nhất của chính họ. Chừng nào mà Danzig và Hành lang Ba Lan còn hiện diện như thế này thì không thể có hoà bình lâu dài giữa Ba Lan và Đức Quốc xã. Ba Lan cũng không đủ mạnh để cứ mãi mâu thuẫn với 2 láng giềng khổng lồ Liên Xô và Đức. Quan hệ với Liên Xô vẫn luôn tồi tệ kể từ năm 1920, khi Ba Lan tấn công Liên Xô thừa dịp Liên Xô đang suy yếu vì Thế chiến I và xung đột nội bộ. Sau cuộc chiến này, biên giới Ba Lan tiến sâu 240 km vào Liên Xô. Vì thế Đức không chấp nhận đường biên giới phía Tây của Ba Lan, còn Liên Xô không chấp nhận đường biên giới phía Đông của Ba Lan. Đây là sự kiện mà hình như các nước dân chủ phương Tây không nhận ra khi Đức và Liên Xô bắt đầu xích lại gần nhau vào mùa hè 1939 .

Hitler muốn nắm bắt cơ hội nhằm tạo thân thiện với một quốc gia chống Nga mãnh liệt, đồng thời tách Ba Lan ra khỏi Hoà ước Versailles và mối liên minh với Pháp. Vì thế, ông có sáng kiến ký Hiệp ước 1934 với Ba Lan. Đấy là quyết định khiến cho người Đức không ưa thích. Vốn có thái độ thân Nga và chống Ba Lan từ thời của Seeckt, Quân đội Đức tỏ ra bất mãn. Nhưng trong lúc này, Hiệp ước 1934 với Ba Lan lại nhằm phục vụ mưu đồ của Hitler một cách đắc lực. Mối thân hữu với Ba Lan giúp ông hoàn tất những việc đầu tiên: chiếm lại vùng Rhineland, thôn tính Áo và Tiệp Khắc. Những bước này khiến cho Đức mạnh lên, phương Tây suy yếu và phía Đông bị đe doạ, nhưng Beck và những Đại tá đồng sự của ông ở Ba Lan thì vẫn thờ ơ và không nhận ra vấn đề .

Vào đầu năm, Ngoại trưởng Ba Lan cảm thấy bi quan đối với những yêu sách của Hitler và đến mùa xuân, tinh thần ông còn xuống thấp hơn nữa. Dù cho Hitler trong bài diễn văn ngày 30 tháng 1 năm 1939 đọc trước Nghị viện Đức đã thân mật nói về "tình hữu nghị giữa Đức và Ba Lan" và tuyên bố rằng đó là "một trong những yếu tố gây an tâm nhất trong đời sống chính trị châu Âu", nhưng chỉ 4 ngày trước, khi viếng thăm chính thức Ba Lan, Ribbentrop lại có lời lẽ thẳng thừng hơn. Ông này lặp lại với Józef Beck yêu cầu của Hitler về Danzig và giao thông qua Hành lang Ba Lan, cho rằng như thế là "vô cùng phải chăng". Ông cùng đòi hỏi Ba Lan gia nhập Hiệp ước Chống Đệ tam Quốc tế nhằm kình chống với Liên Xô. Nhưng phía Ba Lan vẫn bác bỏ tất cả .

Đại tá Beck đã chán ngán Ribbentrop và bắt đầu tỏ ra khó chịu. Ngày 26 tháng 2 năm 1939, Đại sứ Đức tại Warsaw báo cáo về Berlin rằng Beck đã lấy sáng kiến để được Anh mời qua London vào cuối tháng Ba và ông có thể sẽ đi Paris sau đó. Beck đã ghi trong bản báo cáo là Ba Lan "muốn tiếp xúc với các nước dân chủ phương Tây... vì e sợ có thể xảy ra xung đột với Đức qua vấn đề Danzig". Đối với Beck, cũng như đối với nhiều người đã cố xoa dịu Hitler, họ đang sáng mắt ra .

Và họ đã sáng mắt hẳn vào ngày 15 tháng 3 năm 1939, khi Hitler chiếm lấy Bohemia và Moravia, đồng thời gửi Quân đội đi bảo vệ "nền độc lập" của Slovakia. Sáng hôm ấy, khi người Ba Lan thức dậy, họ thấy Quân đội Đức đã tiến gần dọc biên giới Slovakia về phía Nam, dọc biên giới Pomerania và Phổ về phía Bắc. Chỉ qua một đêm, vị thế quân sự của Ba Lan đã trở nên chông chênh .

21 tháng 3 năm 1939 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử của châu Âu khi tiến dần đến chiến tranh .

Vào ngày này, hoạt động ngoại giao trở nên tất bật ở Berlin, Warsaw và London. Tổng thống Pháp cùng với Ngoại trưởng Bonnet đến London trong chuyến viếng thăm chính thức. Chamberlain đề nghị với Pháp là 2 quốc gia sẽ hợp cùng Ba Lan và Liên Xô ra tuyên cáo chính thức rằng 4 nước sẽ lập tức thảo luận với nhau về những bước nhằm chặn đứng hành động gây hấn kế tiếp ở châu Âu. 3 ngày trước, Litvinov đề nghị Pháp cũng như đã đề nghị 1 năm trước, rằng sau khi Đức sáp nhập Áo thì một hội nghị ở châu Âu, lần này gồm Anh, Ba Lan, Liên Xô, Rumania và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng hợp tác để ngăn chặn Hitler. Nhưng Thủ tướng Anh cho rằng ý tưởng này là "quá sớm". Ông rất nghi ngại Liên Xô và nghĩ cùng lắm chỉ cần có một "tuyên cáo" của 4 nước kể cả Liên Xô. Cùng ngày 21 tháng 3, Đại sứ Anh ở Warsaw trình ra cho Beck đề nghị của Chamberlain, nhưng được đón nhận một cách lạnh nhạt. So với Chamberlain, Ngoại trưởng Ba Lan còn nghi ngại Liên Xô nhiều hơn và thêm nữa, ông cũng chia sẻ quan điểm của Chamberlain về khả năng quân sự vô dụng của Liên Xô. Và Beck vẫn cứ khăng khăng giữ thái độ như thế cho đến sát thời điểm của thảm hoạ .

Nhưng biến cố có tính định mệnh nhất của ngày 21 tháng 3 năm 1939 lại xảy ra ở Berlin. Ribbentrop mời Đại sứ Ba Lan đến gặp mình. Lần đầu tiên, như Lipski ghi lại trong báo cáo, Ngoại trưởng Đức chẳng những lạnh nhạt mà còn tỏ ra hung hăng. Ông cảnh cáo rằng Lãnh tụ "càng ngày càng trở nên ngỡ ngàng vì thái độ của Ba Lan". Đức muốn có câu trả lời thoả đáng về Danzig và đường cao tốc, cùng tuyến đường sắt đi qua Hành lang Ba Lan. Đó là điều kiện để tiếp tục mối quan hệ hữu nghị Ba Lan-Đức. Ribbentrop nhấn mạnh "Ba Lan phải nhận ra rằng họ không thể có thái độ lưng chừng giữa Nga và Đức". Cách duy nhất để cứu nguy cho Ba Lan là "mối quan hệ đúng lý với Đức và Lãnh tụ", kể cả về "chính sách chung chống Nga". Ribbentrop kiên quyết yêu cầu Đại sứ Ba Lan trở về Warsaw và đích thân báo cáo tình hình. Lipski thông báo với Beck rằng "không nên trì hoãn việc thảo luận [với Hitler] kẻo Thủ tướng Đức đi đến kết luận là Ba Lan đã bác bỏ tất cả đề nghị của ông ấy" .

MỘT CUỘC THÔN TÍNH NHỎ Trước khi rời Berlin, Lipski dò hỏi và được Ribbentrop thông báo rằng đã thảo luận vấn đề Memel, vốn đang "đòi hỏi một giải pháp", với Ngoại trưởng Lithuania .

Thật ra, Ribbentrop đã gặp Jouzas Urbays, Ngoại trưởng Lithuania, ngày hôm trước và đòi Lithuania trả lại huyện Memel cho Đức kẻo "Lãnh tụ sẽ hành động với tốc độ sấm chớp". Ông cảnh cáo người Lithuania không nên trông chờ "sự giúp đỡ nào đấy từ bên ngoài" .

Thực ra, vài tháng trước, Đại sứ Pháp và Đại biện lâm thời Anh đã lưu ý Chính phủ Đức về những báo cáo rằng người Đức ở Memel đang chuẩn bị nổi dậy và yêu cầu Đức dùng ảnh hưởng của mình để Memel – vốn đang được Anh và Pháp đảm bảo – không bị gây hấn. Phúc đáp của Bộ Ngoại giao đã bày tỏ sự "kinh ngạc và ngỡ ngàng" về phản ứng của Anh-Pháp. Ribbentrop ra chỉ thị rằng nếu có thêm những bước đi như thế phải nói với 2 Đại sứ quán rằng "Chúng tôi thật sự mong Pháp và Anh chấm dứt can thiệp vào các sự vụ của Đức" .

Trong một thời gian, Chính phủ Đức và nhất là Đảng Quốc xã đang tổ chức người Đức ở Memel theo cách thức như ta đã thấy ở Áo và Sudetenland. Quân đội Đức được kêu gọi trợ giúp và Hitler chỉ thị các quân chủng lo chuẩn bị. Vì Hải quân chưa có vinh quang gì trong 2 chiến dịch ở Áo và Tiệp Khắc vì do 2 đất nước này đều nằm sâu trong đất liền, nên bấy giờ Hitler quyết định sẽ chiếm Memel từ ngoài biển. Tháng 11 năm 1938, kế hoạch của Hải quân được soạn thảo dưới tiêu đề "Thao diễn vận chuyển Stettin". Hitler và Thuỷ sư Đô đốc Raeder muốn phô trương sức mạnh của Hải quân nên cả 2 đã đi trên chiếc tàu thiết giáp bỏ túi Deutschland đến Memel vào ngày 22 tháng 3 năm 1939, đúng 1 tuần sau khi Lãnh tụ tiến vào Prague .

Ngày 21 tháng 3, Weizsaecker – sau này khai là mình đã tránh xa khỏi những phương pháp tàn bạo của Quốc xã – báo cho Chính phủ Lithuania là "không được để mất thời giờ" và phải gửi đại diện toàn quyền đến Berlin "bằng máy bay đặc biệt vào ngày mai" để ký kết nhường Memel cho Đức. Sau một hồi giằng co, lúc 1 giờ 30 giờ sáng ngày 23 tháng 3 năm 1939, Ribbentrop gửi điện cho Hitler, lúc đó đang đi trên chiếc Deutschland, cho biết phía Lithuania đã chịu ký .

Lúc 2 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 3 năm 1939, Hitler có thêm một chuyến đi thắng lợi vào thành phố mà ông vừa thôn tính, lần này là ở Memel, Hitler cũng phát biểu với một đám đông người Đức mà ông vừa "giải phóng". Thêm một điều khoản của Hoà ước Versailles đã bị xé bỏ. Thêm một cuộc thôn tính không đổ máu. Dù cho nhà Lãnh tụ không biết, đó là cuộc thôn tính không đổ máu cuối cùng .

ÁP LỰC LÊN BA LAN Đại sứ Hans-Adolf von Moltke của Đức tại Ba Lan báo cáo về Berlin rằng việc sáp nhập Memel vào Đức khiến cho Chính phủ Ba Lan "rất lo lắng bởi vì họ sợ rằng sẽ đến phiên Danzig và Hành lang Ba Lan". Ông cũng báo cho Bộ ngoại giao biết Ba Lan đang cho gọi quân trù bị vào quân ngũ .

Ngày hôm sau, 25 tháng 3 năm 1939, Đô đốc Giám đốc Quân báo Canaris báo cáo là Ba Lan đã động binh và đang tập trung quân xung quanh Danzig. Tướng Keitel không tin rằng việc này cho thấy "ý định gây hấn từ phía Ba Lan", nhưng ông vẫn ghi nhận là Bộ Tư lệnh Lục quân "có nhận định khá nghiêm túc" .

Ngày 24 tháng 3 Hitler từ Memel trở về Berlin, ngày hôm sau ông có một buổi họp kéo dài với tướng Tư lệnh Lục quân von Brauchitsch. Theo bản ghi nhớ mật của vị tướng, có vẻ như Hitler chưa quyết định sẽ đối phó với Ba Lan như thế nào. Dường như đầu óc quay cuồng của ông chứa đầy những mâu thuẫn. Đại sứ Lipski trở về vào ngày kế nhưng Lãnh tụ không muốn gặp .

Brauchitsch ghi chép: "Lipski... sẽ được hỏi rằng liệu Ba Lan có sẵn sàng nhân nhượng về Danzig hay không. Lãnh tụ không muốn giải quyết vấn đề Danzig bằng vũ lực. Ông không muốn đẩy Ba Lan vào tay Anh khi làm như thế .

Sẽ xem xét việc chiếm Danzig chỉ khi nào Lipski cho thấy dấu hiệu Chính phủ Ba Lan không thể nhận trách nhiệm đối với dân chúng của mình, để rồi nhượng lại Danzig một cách tự nguyện. Giải pháp này sẽ là dễ dàng hơn cho họ khi mọi chuyện đã rồi." Chỉ mới 3 tháng trước, Hitler cam đoan với Ngoại trưởng Beck rằng sẽ không dự tính sắp đặt cho "chuyện đã rồi" ở Danzig. Nhưng ông cũng nhớ Beck đã nhấn mạnh rằng người dân Ba Lan sẽ không bao giờ chấp nhận giao Danzig cho Đức. Nếu Đức chỉ việc chiếm lấy Danzig, liệu đây có phải là chuyện đã rồi để giúp cho Chính phủ Ba Lan dễ chấp nhận? Từ trước đến giờ Hitler luôn có tài nhận ra điểm yếu của đối thủ để lợi dụng, nhưng ở đây ông lại nhầm. Các "Đại tá" đang điều hành Ba Lan tuy ngu dốt nhưng không hề muốn hoặc chấp nhận chuyện đã rồi ở Danzig .

Thành phố Tự do này là mối bận tâm hàng đầu của Hitler, nhưng ông cũng đang nghĩ xa hơn, giống như nghĩ đến Tiệp Khắc sau khi Hội nghị Munich đã cho ông Sudetenland .

Ngày 26 tháng 3, Đại sứ Lipski trở lại Berlin và trình ra phúc đáp của nước ông trong một bản ghi nhớ. Ribbentrop xem qua, bác bỏ văn bản, than phiền về việc động binh của Ba Lan, đồng thời cảnh cáo về "những hậu quả có thể xảy ra". Ông cũng tuyên bố rằng nếu quân Ba Lan xâm phạm Danzig thì đó sẽ được xem như là hành vi gây hấn với Đức .

Phúc đáp của Ba Lan có ngôn từ hoà hoãn nhưng cương quyết khước từ những đòi hỏi của Đức. Ba Lan sẵn lòng bàn thảo thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho đường cao tốc và tuyến đường sắt xuyên qua Hành lang, nhưng từ chối xem xét đưa đường giao thông như thế ra ngoài lãnh thổ. Đối với Danzig, Ba Lan sẵn lòng thay đổi thể chế đã được Hội Quốc liên thành lập bằng sự đảm bảo Ba Lan-Đức, nhưng không muốn giao Danzig cho Đức .

Vào lúc này, Đức Quốc xã, vốn không quen thấy một nước nhỏ khước từ yêu sách của mình, nên Ribbentrop đã nhận xét với Lipski rằng "việc này khiến cho ông nhớ lại vài hành động rủi ro của một nước khác" – rõ ràng ám chỉ Tiệp Khắc. Lipski cũng thấy rõ ràng là Đế chế Thứ Ba sẽ áp dụng cùng chiến thuật mà họ đã dùng thành công ở Áo và Tiệp Khắc lên đất nước ông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dichle