Phần 19

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


ĐỨC XÂM LẤN ĐAN MẠCH VÀ NA UY

 KẾ hoạch xâm chiếm Đan Mạch và Na Uy mang cái tên vô thưởng vô phạt là "Tập trận Weser". Nguồn gốc và việc triển khai kế hoạch này có tính độc đáo và không giống như những chiến dịch tấn công khác của Đức đã từng được kể trong cuốn sách này. Đầu tiên, việc này không phải do Hitler chủ trương như những chiến dịch quân sự khác. Mà đây là cuộc tấn công duy nhất của Đức mà Hải quân Đức đóng vai trò quyết định. Đó cũng là chiến dịch duy nhất mà Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực lập kế hoạch hành quân và phối hợp ba quân chủng. Thực tế là: Tư lệnh Lục quân và bộ tham mưu của Hitler không hề được tham khảo ý kiến, họ cảm thấy bất mãn và Goering chỉ được biết vào phút cuối – thái độ xem thường này làm cho vị Tư lệnh Không quân nổi giận .

Hải quân Đức đã dòm ngó phía Bắc từ lâu. Đức không có lối thông thương trực tiếp ra đại dương, đó là thực tế địa lý khiến cho các sĩ quan Đức luôn ưu tư trong Thế chiến I. Một mạng lưới chặt chẽ của Anh gồm thuỷ lôi và tàu tuần tiễu giăng ngang biển Bắc nhỏ hẹp – từ quần đảo Shetland đến bờ biển Na Uy – nhốt giữ Hải quân Đế quốc Đức, khiến cho tàu ngầm Đức không thể tiến ra Bắc Đại Tây Dương, đồng thời đội thương thuyền Đức cũng không thể ra khơi. Hạm đội Đức không bao giờ ra được đến đại dương .

Đế quốc Đức đã bị cuộc phong toả của Hải quân Anh bóp nghẹt trong Thế chiến I .

Giữa hai cuộc chiến, một số sĩ quan Hải quân Đức chỉ huy một hạm đội khiêm tốn nhận thức được tình trạng này, rồi đi đến kết luận rằng trong cuộc chiến tương lai với Anh, Đức phải cố lập căn cứ hải quân ở Na Uy nhằm phá vỡ sự phong toả của Anh trên biển Bắc, mở đường cho tàu chiến và tàu ngầm của Đức thông thương ra đại dương, lật ngược thế cờ nhằm lập vành đai phong toả xung quanh nước Anh .

Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi Đô đốc Rolf Carls, nhân vật số Ba trong Hải quân Đứcvà là người có tính cách cứng cỏi, luôn nhắc nhở Thuỷ sư Đô đốc Raeder về tầm quan trọng của Na Uy đối với Hải quân Đức. Raeder đã khai việc này ở Toà án Nuremberg cùng với tập hồ sơ "Tầm quan trọng của việc Đức chiếm bờ biển Na Uy". Raeder không cần chờ phải bị thúc giục lâu. Ngày 3 tháng 10, vào lúc kết thúc chiến dịch Ba Lan, ông gửi 1 bản câu hỏi mật cho Bộ Tư lệnh Hải quân để nhận ý kiến về khả năng chiếm "các căn cứ ở Na Uy dưới sức ép kết hợp của Nga và Đức." Ribbentrop được tham khảo về quan điểm của Nga và trả lời rằng "có thể trông mong sự hỗ trợ sâu rộng" từ nguồn ấy. Raeder nói với nhân viên của ông rằng phải thông báo cho Hitler càng sớm càng tốt về "những khả năng" .

Ngày 10 tháng 10 năm 1939 (cùng ngày Hitler ban hành Chỉ thị số 8 để đánh Hà Lan và Bỉ), Raeder trình kế hoạch của Hải quân cho Hitler. Và rồi vì bận tâm với kế hoạch đánh phía Tây, Hitler đã quên bẵng Na Uy. Nhưng 2 tháng sau, vấn đề này đã quay trở lại – vì 3 lý do .

Một lý do là thời tiết. Đức phụ thuộc nhiều vào quặng sắt của Thuỵ Điển – khoảng – 11 triệu tấn trong số 15 triệu tấn tiêu thụ hằng năm. Trong mùa hè, quặng sắt này được vận chuyển ngang qua biển Baltic mà không có vấn đề gì, vì tàu lớn của Hải quân Anh không thể vào biển Baltic được. Trong mùa đông, vì Biển Baltic đóng băng, quặng sắt phải được chở bằng xe lửa đến cảng Narvik của Na Uy rồi được đưa xuống tàu chở đến Đức. Hầu như suốt cuộc hành trình, tàu chở quặng của Đức đi trong hải phận của Na Uy và do đó tránh được tàu và máy bay của Anh bắn phá .

Vì thế, như Hitler lúc đầu vạch rõ cho Hải quân biết, một nước Na Uy giữ trung lập đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Đức vì đã tạo ra một tuyến cung cấp mà Anh không thể can thiệp .

Anh, Churchill, lúc này là Bộ trưởng Hải quân, lập tức cũng nhận ra điều ấy và xin phép Nội các cho rải thuỷ lôi trong hải phận của Na Uy để ngăn chặn tuyến vận chuyển quặng sắt cho Đức. Nhưng Chamberlain và Halifax không muốn xâm phạm tính trung lập của Na Uy nên bỏ qua ý định này .

Việc Nga tấn công Phần Lan khiến cho tình hình ở Bắc Âu thay đổi ở cả 2 phía Đồng minh phương Tây và Đức. Anh và Pháp tổ chức một lực lượng viễn chinh để giúp người Phần Lan lúc ấy đang cầm cự Nga một cách dũng cảm. Nhưng muốn đi đến Phần Lan, đoàn quân này phải đi qua Na Uy và Thuỵ Điển. Họ sẽ để lại một số quân trên 2 nước này cho việc liên lạc, đồng thời có thể cắt đứt tuyến đường cung cấp quặng sắt cho Đức. Hơn nữa, các nước Đồng minh phương Tây lại kẹp bên sườn của Đức về phía Bắc. Thuỷ sư Đô đốc Raeder cho thấy có tầm nhìn xa khi nhắc nhở Hitler về sự đe doạ này .

Vị Tư lệnh Hải quân Đức rồi sẽ tìm ra một Đồng minh quý giá cho mưu đồ của mình: Thiếu tá Vidkun Quisling, cái tên chẳng bao lâu nữa sẽ đồng nghĩa với từ phản quốc .

VIDKUN QUISLING NỔI LÊN Quisling tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự Na Uy và được cử làm tuỳ viên quân sự tại Petrograd ở tuổi chưa đến 30. Sau khi Bolshevik chiếm chính quyền, Quisling lưu lại Nga một thời gian để làm công việc cứu trợ. Lúc đầu, ông vừa thân Anh vừa thân Bolshevik, nhưng dần dà có thêm ấn tượng với những thành công của Cộng sản Nga .

Trở về Na Uy, ông tham gia chính trị, biểu lộ ý hướng thân Cộng sản, làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian từ năm 1931 đến năm 1933, thành lập một Đảng Phát xít nhưng không thành công. Bị thất cử vào Nghị viện, ông quay sang Đức Quốc xã và tiếp xúc với Alfred Rosenberg .

Vào tháng 6 năm 1939, khi bầu trời châu Âu đang u ám vì những đám mây đen đe doạ chiến tranh, Quisling cảnh báo cho Rosenberg về những hiểm hoạ nếu Anh kiểm soát Na Uy và những lợi ích cho Đức nếu chiếm được Na Uy. Rosenberg gửi bản ghi nhớ về việc này cho Hitler, Goering và Ribbentrop, nhưng cả 3 nhân vật đầu não của Đức có vẻ như không để ý đến, không ai ở Đức để ý đến "triết gia chính thức" của Đảng. Rosenberg còn thu xếp cho 25 binh sĩ S.A. của Quisling được đào tạo trong 2 tuần ở Đức .

Thuỷ sư Đô đốc Raeder khai trước Toà án Nuremberg rằng trong những tháng đầu của cuộc chiến, ông không có quan hệ gì với Rosenberg mà chỉ biết sơ qua, cũng chưa từng nghe nói đến Quisling. Nhưng ngay sau khi Nga tấn công Phần Lan, Raeder bắt đầu nhận được những báo cáo của Tuỳ viên Hải quân ở Na Uy, Đại tá Richard Schreiber, cho biết Đồng minh sắp đổ bộ lên Na Uy. Ông báo cáo việc này cho Hitler và đề nghị thẳng thừng: "Điều quan trọng là phải chiếm được Na Uy." Ít lâu sau, Rosenberg giới thiệu Quisling đến gặp Raeder, cho biết Quisling có một kế hoạch đảo chính giống như cách Đức sáp nhập Áo. Theo ghi chép của Raeder, Quisling nói về việc Anh định đổ bộ lên Na Uy, đồng thời đề xuất đặt những căn cứ dưới quyền sử dụng của Quân đội Đức .

Theo Rosenberg, Quisling tin chắc cuộc đảo chính sẽ được những thành phần Quân đội – mà ông có mối quan hệ – ủng hộ. Riêng nhà Vua sẽ chấp nhận chuyện đã rồi .

Quisling thậm chí còn ước lượng số quân Đức cần thiết cho cuộc đảo chính trùng khớp với ước lượng của Đức .

Để chặn bước tiến của Anh, Quisling đề nghị đặt "những căn cứ cho Quân đội Đức sử dụng. Dọc theo cả bờ biển, nhân sự ở những vị trí quan trọng (xe lửa, bưu điện, viễn thông) đã bị mua chuộc cho mục đích này. Cần có những hội nghị nhằm thảo luận hành động phối hợp, việc chuyển quân đến Oslo, v.v.." Raeder có ấn tượng mạnh với điều này và đã báo cáo với Hitler cùng Keitel và Jodl, nêu rõ Quisling "có mối quan hệ tốt với những sĩ quan trong Quân đội Na Uy". Bản báo cáo của Raeder ở trong số tài liệu tịch thu được. Mọi người đều đồng ý không thể chấp nhận việc Anh chiếm Na Uy, nhưng Raeder đột nhiên tỏ ra thận trọng, cho biết nếu Đức chiếm Na Uy trước thì "sẽ khiến cho Anh có biện pháp phản ứng... và trong thời gian này, Hải quân Đức vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với họ". Thay vào đó, Raeder đề nghị Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực cho phép "lập kế hoạch cùng với Quisling để chiếm hoặc bằng phương pháp thân thiện – ví dụ như Na Uy kêu gọi Quân đội Đức đến, hoặc bằng vũ lực" .

Hitler bảo mình chưa sẵn sàng đi xa đến thế, mà muốn nói chuyện trước với Quisling nhằm "tạo ấn tượng về ông ta." Ngày kế, 14 tháng 12, Raeder đích thân đưa Quisling đến gặp Hitler. Xem chừng Hitler có ấn tượng tốt, nên ngay sau buổi tiếp kiến ông đã ra lệnh cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực hội ý với Quisling để soạn thảo kế hoạch, gọi là "Nghiên cứu về miền Bắc". Halder được nghe rằng kế hoạch này cũng bao gồm cả Đan Mạch .

Trong lúc này, tin xấu về chiếc Graf Spee khiến cho Hitler thận trọng hơn, nói với Quisling rằng Đức chỉ mong Na Uy giữ trung lập, nhưng nếu Anh chuẩn bị chiếm Na Uy thì Đức phải chiếm trước. Ông cung cấp ngân khoản cho Quisling để tổ chức tuyên truyền chống lại Anh và củng cố phong trào thân Đức ở Na Uy .

Thế nhưng trong nội bộ Hải quân Đức lại xảy ra bất đồng ý kiến. Phòng Hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân không tin Anh sẽ chiếm Na Uy và nghĩ nếu đúng là như thế thì việc Đức chiếm Na Uy là hành động nguy hiểm. Vì vậy họ kết luận rằng "giải pháp tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng", đồng thời nhấn mạnh rằng như thế sẽ cho phép sử dụng lãnh hải của Na Uy để việc chuyên chở quặng sắt được "an toàn tuyệt đối." Hitler đều không hài lòng với cả thái độ do dự của Hải quân và kết quả của "Nghiên cứu về phía Bắc" mà Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực trình cho ông vào giữa tháng Giêng. Ông ra lệnh nghiên cứu thêm phương án "miền Bắc" dưới sự giám sát trực tiếp của ông ta và Keitel nhận trách nhiệm cho những bước chuẩn bị. Một nhóm nhỏ gồm một đại diện từ mỗi quân chủng được thành lập ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực sẽ thực hiện việc này .

Thế rồi một sự cố xảy ra khiến cho Hitler chẳng còn ngần ngại gì trong kế hoạch xâm chiếm Na Uy nữa .

Chiếc tàu tiếp tế Altmark phục vụ chiếc Graf Spee cố đi qua vòng phong toả của Anh, nhưng khi đi trên lãnh hải Na Uy để về Đức thì bị máy bay trinh sát của Anh phát hiện. Chính phủ Anh biết chiếc tàu này đang chở 300 thuỷ thủ của các tàu Anh đã bị chiếc Graf Spee đánh đắm. Hải quân Na Uy kiểm tra một cách sơ sài chiếc Altmark, không tìm thấy tù binh Anh và thấy tàu không được trang bị vũ khí, nên cho phép tiếp tục lên đường về Đức. Nhưng Churchill đích thân ra lệnh cho tàu Anh tiến đến lãnh hải Na Uy để giải thoát tù binh Anh. Trong đêm 16 tháng 2, sau một vài xô xát đã xảy ra khiến cho bốn thuỷ thủ Đức bị giết, Anh giải thoát được 299 thuỷ thủ Anh đang bị giam trong những kho chứa hàng và trong 1 bồn dầu rỗng để tránh bị Na Uy phát hiện .

Chính phủ Na Uy mạnh mẽ lên tiếng phản đối Anh xâm phạm lãnh hải Na Uy, nhưng Churchill trả lời trước Nghị viện rằng chính Na Uy vi phạm công pháp quốc tế vì cho phép Đức chở tù binh Anh về nhà tù Đức .

Đối với Hitler, đó là giọt nước làm tràn ly. Ông tin rằng Na Uy không chống đối một cách nghiêm túc việc Anh biểu dương lực lượng trong lãnh hải Na Uy. Ngày 19 tháng 2, ông thúc đẩy việc hoàn tất kế hoạch đánh Na Uy. Jodl nhắc ông ta rằng cần bổ nhiệm ngay tư lệnh chiến dịch và ban tham mưu để phục vụ cho mục đích này .

Keitel đề cử Tướng Nikolaus von Falkenhorst, trước đây tham chiến ở Phần Lan vào cuối Thế chiến I và hiện đang chỉ huy một quân đoàn ở phía Tây. Vì đã bỏ sót chuyện nhỏ là tư lệnh cho cuộc phiêu lưu miền bắc, Hitler lập tức cho triệu Falkenhorst đến tuy chưa từng biết đến ông này .

Trước Toà án Nuremberg, Falkenhorst kể lại ngày làm việc đầu tiên với Hitler là ngày 21 tháng 2 cũng với những chi tiết buồn cười. Falkenhorst chưa hề biết gì đến "Nghiên cứu về phía Bắc", chưa từng gặp Hitler và khi diện kiến Hitler thật rồi thì ông cũng không hề tỏ ra sợ hãi như thái độ thường thấy ở các tướng lĩnh khác. Ông kể: Tôi được mời ngồi, Rồi tôi phải tường thuật với Lãnh tụ về những cuộc hành quân Phần Lan năm 1918... Ông ấy nói: "Ngồi xuống kể cho tôi nghe nó như thế nào" và thế là tôi kể .

Rồi chúng tôi đứng lên và ông ấy dẫn tôi đến một chiếc bàn phủ đầy bản đồ. Ông ấy nói: "Chính phủ Đế chế được tin Anh định đổ bộ lên Na Uy." Falkenhorst có cảm tưởng là sự cố tàu Altmark khiến cho Lãnh tụ nhất quyết "thi hành kế hoạch ngay bây giờ". Và vị tướng cảm thấy kinh ngạc khi được bổ nhiệm tại chỗ chức tư lệnh chiến dịch. Hitler cho biết sẽ điều 5 sư đoàn cho ông chỉ huy để chiếm lấy các cảng biển của Na Uy .

Lúc giữa trưa, Hitler ra lệnh ông trở lại vào lúc 5 giờ chiều để trình bày kế hoạch tiến chiếm Na Uy. Falkenhorst giải thích ở Toà án Nuremberg: "Tôi đi ra và mua 1 cuốn sách hướng dẫn du lịch Baedeker để tìm hiểu Na Uy là như thế nào. Tôi không biết gì hết... Rồi tôi về phòng khách sạn, làm việc trên sách hướng dẫn du lịch này. Lúc 5 giờ chiều, tôi trở lại để báo cáo với Lãnh tụ." Như ta có thể mường tượng ra, kế hoạch của Falkenhorst – ông không hề nhìn thấy kế hoạch do Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực soạn thảo – là rất sơ sài, nhưng có vẻ được lòng Hitler. Mỗi sư đoàn sẽ được lệnh chiếm 1 cảng chính: Oslo, Stavanger, Bergen, Trondheim và Narvik. Falkenhorst nói: "Không có việc gì khác để làm, bởi vì đó là 5 cảng lớn." Sau khi được lệnh phải giữ bí mật và được thúc giục "phải nhanh lên", Falkenhorst được mời ra ngoài để tiếp tục làm việc .

Brauchitsch và Halder không hề được biết đến những chuyện này vì đang bận bịu chuẩn bị cuộc tấn công ở phía Tây, cho đến ngày 26 tháng 2, Falkenhorst đi đến gặp Tham mưu trưởng Lục quân Halder để xin thêm ít quân, đặc biệt là những đơn vị quân sơn cước. Halder không chịu hợp tác chặt chẽ, mà còn tỏ ra tức tối và hỏi thêm chi tiết chuyện gì đang xảy ra và cần những gì. Halder ghi lại: "Không hề có một tiếng nào trao đổi về chuyện này giữa Hitler và Brauchitsch. Việc này phải được ghi lại cho lịch sử của cuộc chiến!" Tuy nhiên, trong sự khinh miệt đối với giới tướng lĩnh thủ cựu và nhất là đối với Tham mưu trưởng Lục quân, Hitler không muốn chậm trễ. Ngày 29 tháng 2, ông phấn khích chấp nhận kế hoạch của Falkenhorst, kể cả việc ông này xin 2 sư đoàn quân sơn cước và còn tuyên bố sẽ cho thêm quân. Ông muốn "1 lực lượng mạnh ở Copenhagen". Đan Mạch chính thức được thêm vào danh sách những nạn nhân của Hitler. Không quân dòm ngó các sân bay ở đây để làm bàn đạp tấn công Anh .

Ngày hôm sau, 1 tháng 3, Hitler ban hành chỉ thị có mật mã là "Tập trận Weser" .

TỐI MẬT Tình hình ở vùng Scandinavia cần có những bước chuẩn bị để chiếm đóng Na Uy và Đan Mạch. Chiến dịch này sẽ ngăn Anh xâm lấn Scandinavia và vùng Baltic. Hơn nữa, nguồn quặng sắt của ta tại Thuỵ Điển sẽ được đảm bảo và Hải quân cùng Không quân của ta sẽ có thêm tuyến xuất phát rộng hơn để chống lại Anh .

Xét qua sức mạnh quân sự và chính trị của ta so với các quốc gia vùng Scandinavia, lực lượng sử dụng trong cuộc "Tập trận Weser" sẽ phải càng nhỏ càng tốt. Sự yếu kém về số lượng sẽ được bù đắp qua hành động dũng cảm và cách tiến hành bất ngờ .

Trên nguyên tắc, ta sẽ cố làm cho chiến dịch có vẻ như là việc chiếm đóng ôn hoà, mục đích là bảo vệ tính trung lập của các quốc gia vùng Scandinavia. Các Chính phủ sẽ nhận được những yêu cầu của ta lúc bắt đầu việc chiếm đóng. Nếu cần, Hải quân và Không quân sẽ biểu dương lực lượng để tỏ thái độ. Nếu vẫn chưa đủ, sẽ phải dẹp bỏ sự kháng cự, đồng thời sử dụng mọi phương tiện quân sự để nghiền nát... Phải đánh qua biên giới Đan Mạch và đổ bộ lên Na Uy cùng một lúc... Điều quan trọng là phải tạo bất ngờ đối với các quốc gia Scandinavia và các đối thủ Đồng Minh... Chỉ sau khi ra khơi, binh sĩ mới được cho biết về những mục tiêu thật sự..." Đêm ấy, ngày 1 tháng 3, một cơn "giận dữ" nổi lên ở Bộ Tư lệnh Lục quân vì Hitler đòi điều quân cho chiến dịch phía Bắc. Ngày kế, Goering điên tiết với Keitel và đến than phiền với Hitler. Vị Thống chế to béo giận dữ vì từ lâu đã không được biết bí mật của chiến dịch và vì Không quân được đặt dưới sự chỉ huy của Falkenhorst. Hitler cho triệu tư lệnh 3 quân chủng đến Phủ Thủ tướng ngày 5 tháng 3 để dàn hoà, nhưng Goering vẫn còn bất mãn vì không được tham khảo trước .

Lãnh tụ xoa dịu ông bằng vài nhượng bộ nhỏ, rồi cho tiếp tục lên phương án. Ngay vào ngày 21 tháng 2, Halder ghi nhật ký cảm tưởng rằng cuộc tấn công Đan Mạch và Na Uy sẽ chỉ bắt đầu sau khi Đức xâm chiếm và "đạt đến thành quả nào đó." Bản thân Hitler cũng băn khoăn về việc phải khởi động chiến dịch nào trước, nên ngày 26 tháng 2 ông đặt câu hỏi với Jodl. Câu trả lời của Jodl là giữ 2 chiến dịch cách xa nhau và Hitler đồng ý "nếu có thể được" .

Ngày 3 tháng 3, Hitler quyết định Tập trận Weser sẽ đi trước "Phương án Màu Vàng" (mật mã cho cuộc tấn công qua phía Tây) và bảo Jodl "một cách rất nghiêm khắc" về "sự cần thiết của việc hành động tức thời và mạnh mẽ ở Na Uy." Vào lúc này, Quân đội Phần Lan can trường nhưng thua thiệt về hoả lực và binh sĩ đang đối mặt với thảm hoạ trong cuộc tấn công tổng lực của Nga, lại có báo cáo đáng tin cậy rằng chiến đoàn viễn chinh Anh-Pháp từ các căn cứ ở Scotland chuẩn bị đổ bộ lên Na Uy rồi từ đây tiến bằng đường bộ qua Thuỵ Điển để đến cứu nguy cho Phần Lan .

Sự đe doạ này là lý do chính khiến cho Hitler muốn tiến quân gấp .

Ngày 7 tháng 3, Tướng Ironside, Tổng Tham mưu trưởng Anh, thông báo cho Thống chế Mannerheimrằng một lực lượng viễn chinh Đồng minh gồm 57.000 người sẵn sàng đến giúp Phần Lan và sư đoàn đầu tiên gồm 15.000 quân có thể đến Phần Lan vào cuối tháng Ba, nếu Na Uy và Thuỵ Điển cho phép họ đi qua. Thật ra, Mannerheim đã được biết vào năm ngày trước, tức ngày 2 tháng 3, cả Na Uy và Thuỵ Điển đều đã một lần nữa từ chối yêu cầu của Anh-Pháp đi qua lãnh thổ của họ. Nhưng điều này không ngăn cản được Thủ tướng Daladier ngày 8 tháng 3 trách cứ Phần Lan đã không chính thức yêu cầu quân Đồng Minh, lại còn doạ sẽ điều lực lượng Đồng Minh, dù Na Uy và Thuỵ Điển phản đối. Nhưng Mannerheim không mắc lừa nên sau khi đề nghị Chính phủ của mình tìm kiếm hoà bình trong khi Quân đội Phần Lan còn nguyên vẹn và chưa bị đánh bại, ông chấp nhận gửi một phái đoàn đàm phán hoà bình đi Moscow vào ngày 8 tháng 3. Có vẻ như vị Tổng Tư lệnh Phần Lan không tin quân Pháp sẽ hăng hái chiến đấu trên đất Phần Lan như trên quê hương họ. (Xem The Memoirs of Marshal Mannerheim.) Người ta chỉ có thể hoang mang về tình trạng sẽ lẫn lộn ra sao nếu liên quân Anh-Pháp đến được Phần Lan và chiến đấu chống Nga. Không tới 1 năm sau, Đức sẽ chiến đấu chống Nga và trong trường hợp này, các đối thủ của Đức ở phía Tây sẽ trở thành Đồng minh của họ ở phía Đông! Ngày 12 tháng 3, cuộc chiến Nga-Phần Lan kết thúc vì Phần Lan chấp nhận những yêu sách ngặt nghèo của Nga cho hoà bình. Việc này làm cho Đức vui mừng vì Đức đỡ mang tiếng ủng hộ Nga chống lại Phần Lan và cũng chấm dứt – tuy chỉ là tạm thời – những bước tiến của Nga ra vùng Baltic. Nhưng Hitler lại lâm vào cảnh bối rối vì "động lực" để xâm chiếm Na Uy và Đan Mạch trở nên "khó khăn". Ngày 12 tháng 3, ông nhận xét: "Hoà bình giữa Phần Lan và Nga khiến cho cả Anh quốc và ta mất đi lý do chính trị để chiếm Na Uy." Đúng thật là vào thời điểm đó Hitler thấy khó mà tìm ra lý do biện minh cho chiến dịch. Ngày 13 tháng 3, viên tướng Jodl trung thành ghi lại rằng Lãnh tụ "vẫn đang tìm kiếm sự biện minh nào đó." Ngày kế: "Lãnh tụ vẫn chưa quyết định làm thế nào biện minh cho "Tập trận Weser." Tệ hơn nữa, Thuỷ sư Đô đốc Raeder bắt đầu co vòi rụt cổ. Ông cảm thấy "nghi ngờ liệu chiến tranh phòng chống ở Na Uy có còn quan trọng hay không" .

Hitler do dự một thời gian. Thế rồi có 2 vấn đề xảy ra: (1) làm thế nào đối phó với Sumner Welles, Thứ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ, thừa lệnh Tổng thống Roosevelt đã đến Berlin ngày 1 tháng 3 để mong chấm dứt chiến tranh ở phía Tây trước khi diễn ra cuộc tàn sát, và (2) làm thế nào để xoa dịu ông bạn Đồng minh Mussolini đang bị bỏ bê, chưa được trả lời cho lá thư ngày 3 tháng 1. Người Đức tin rằng Sumner Welles đến Berlin là để tách Ý ra khỏi Phe Trục đang lung lay, đồng thời thuyết phục Ý không nên tham chiến bên cạnh Đức. Một số báo cáo từ Rome gửi về Berlin đề nghị đã đến lúc phải làm gì đó nhằm giữ vị Duce đang hờn dỗi đứng yên trong hàng ngũ .

HITLER GẶP SUMNER WELLES

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dichle