suy ngam2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bầy Chuột Bàn Chuyện "Tránh Mèo"

Nó có uy đến nỗi không cần vồ, chỉ cần trừng mắt một cái thì chú chuột xấu số kia phải chết cứng. Mèo ta có tính kiên nhẫn là phục kích chuột, và có tài đánh hơi, khiến cho bầy chuột ngày đêm lo sợ.

Một hôm, tình thế khẩn cấp, Chuột chú ra lệnh tập họp một dòng họ nhà chuột lại để bàn việc .

Thần dân nhà Chuột có mặt đầy đủ. Chuột chúa nói:

- Con mèo độc ác kia quả là một Sát tinh đối với chúng tạ Nó sát hại con cháu ta không biết bao nhiêu mạng. Các ngươi có kế hoạch gì để bảo tồn nòi giống ta không.

Bầy chuột đưa mắt nhìn nhau run sợ. Bỗng có chú chuột nhắt đưa ý kiến:

- Không gì bằng chúng ta bỏ nơi này đi đến nơi khác lập nghiệp!

Chuột chúa lắc đầu:

- Không dễ đâu! Dẫu gì cũng là quê hương của ta. Vả lại nơi khác chưa chắc đã không có mèo. Hơn nữa, nơi kia thức ăn có dồi dào không? Thổ ngơi có thích hợp không?

Nghe Chuột Chúa nói thế, ai nấy đều lặng thinh. Bỗng mụ chuột già nói:

- Cổ nhân có câu: "Một cọp khó cự bầy chồn". Mấy bác Chuột Cống, Chuột Chù bự con cần phải liên kết với nhau phục kích, bất ngờ tấn công mèo, đánh cho nó một trận chắc chắn loài độc ác đó không dám bén mảng đến nữa.

Chuột chúa nói:

- Mèo đánh hơi tài lắm, không phục kích nó được đâu! Vả lại một cái nhảy cao của nó cao tới trời, dẫu chúng ta có ngàn chuột cũng không làm gì được mèo!

Bấy giờ có một chú chuột tham mưu dõng dạc nói:

- Không cần phục kích, cũng không cần đi xa, tôi có một diệu kế. Hãy lấy chuông đeo vào cổ mèo. Khi ta nghe tiếng chuông là biết sát tinh đến, ta chui vào hang là xong!

Bầy chuột nghe nói cả mừng, nắm tay nhau nhảy nhót.

Hồi lâu chuột chúa gật đầu nói:

- Kế hay! Nhưng ai dám đeo chuông vào cổ mèo.

Bầy chuột nhìn nhau run sợ, không ai lên tiếng. Chuột chúa thở dài nói:

- Nói thì dễ, thực hành thì mới là khó!

Hạnh Phúc Trong Sự Chân Thành

Tất cả mọi người đều chuộng sự thật, người ta thà chấp nhận một sự thật xấu xí còn hơn một sự dối trá tốt đẹp... Có thể nói ở đâu không có sự chân thành thì ở đó không có hạnh phúc đích thực.

Một cô gái dù xinh đẹp, sang trọng nhưng sẽ chẳng có giá trị gì và chẳng mang lại niềm vui cho ai khi cô ta luôn dối trá.

* Người chân thành luôn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn. Không sợ gặp phải tai nạn, vì dối trá sẽ sợ bị "dấu đầu lòi đuôi" còn chân thành chỉ có một chân dung, không phải sợ bị phát hiện.

* Người chân thành bao giờ cũng được người khác tin cậy, yêu mến. Lời nói chân thành có sức thuyết phục rất cao. Một lời tỏ tình chân thành dù vụng về vẫn khiến trái tim đối tượng rung động còn hơn ngàn lời mật ngọt nhưng dối trá.

* Khi bạn đánh mất nhiều thứ như tiền bạc, công việc nhưng nếu được tin cậy thì bạn vẫn còn nhiều cơ hội để vươn lên. Ngày nay những nhà tuyển dụng ở các công ty rất quan tâm đến phẩm chất này. Có những nhân viên tuy thiếu hụt một số kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu nhưng cô dám nói lên sự thật ấy họ vẫn nhận vào làm và đào tạo sau.

* Danh ngôn có câu "Chân thành, đó là sự khôn ngoan cao cấp nhất".

Nhiều người cho rằng khôn ngoan khi dối gạt được người khác, thật ra họ chỉ khiến người ta tin trong khoảnh khắc còn người chân thành mới chiếm được lòng tin ở người khác lâu dài.

* Nhà văn Sê-khốp đã viết "Dối trá là xúc phạm người nghe và tiện hóa người nói" cho nên không nói dối khi không cần thiết. Nói dối làm mắt bạn tối lại, tim đập nhanh hơn và cử chỉ trở nên lúng túng, dáng vẻ đẩy đưa, với những kẻ tinh đời thì họ nhận ra ngay.

* Được sống bên những người chân thành cuộc sống bao giờ cũng dễ chịu, hạnh phúc, trong một không khí tràn đầy tin tưởng, không phải đối phó, đóng kịch, được bộc lộ con người thật của mình.

Nhìn vào mắt một người chân thành giống như soi mình vào một cái hồ nước trong trẻo, ta thấy được chiều sâu thật sự của nó và thấy được bóng dáng của chính ta .

Những Dấu Chấm Câu

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối với mọi chuyện.

Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình mà anh ta không biết, anh ta đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.

Cứ mất dần các dấu, cuối cùng anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.

Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.

Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa, nhưng mất những dấu chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mất ý nghĩa như vậy.

Mong bạn hãy giữ gìn những dấu chấm câu của mình, bạn nhé!

Giận Dữ, Kềm Chế Hay Bộc Lộ?

Giận dữ khiến ta sẵn sàng làm một điều gì đó cho hả cơn bực tức!

* Khi cơn giận dấy lên ở não, nó đẩy cao huyết áp và nhịp tim, rút máu khỏi tứ chi, đặt cơ thể vào tình trạng sẵn sàng sợ hãi hay chiến đấu?

Có thể chúng ta sẽ chửi mắng xối xả, gây thiệt hại nặng nề cho kẻ khác khi bị chọc giận. Nhưng một phản ứng bằng lời nói hay hành động không phải là điều không thể nào tránh được.

* Tất cả chúng ta đều phản ứng giống nhau trước những thái độ vô tâm và thiếu tôn trọng: NỔI GIẬN . Nhưng cách chúng ta biểu lộ cơn thịnh nộ lại hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Sự phân biệt giữa cảm xúc và hành động rất quan trọng. Vì trong khi không thể khống chế nỗi xúc động , theo lý thuyết, ta có thể kiểm soát được hành vi của mình. Trong một số trường hợp, thì sự giận dữ rất cần thiết và có ích.

Nó lập ra những giới hạn để bảo vệ mình. Thí dụ, khi có người xâm phạm sự riêng tư của bạn, thì sự tức giận giúp bạn giữ kẻ đó ở một khoảng cách thích hợp. Nó cũng là một phản ứng hữu ích để phục hồi sau một sự lăng nhục về thể lý, tình dục hay cảm xúc.

Khi nhận ra mình không phải là một kẻ vô gía trị như mình tưởng , thì cơn thịnh nộ giúp người bị tổn thương hất tung mối nhục nhã kia và ném nó lên đầu kẻ đã xúc phạm mình. Đó là bước phục hồi đầu tiên .

Nhưng có lẽ tới 95% những cơn tam bành thường không có mục đích và có hại nhiều hơn là có lợi. Dù mỗi người chúng ta mích lòng theo nhiều cách khác nhau thì về cơ bản thường có 4 loại phản ứng sau:

* Bạn có thể :

1-Thừa nhận cảm xúc của bạn, và tự mình đương đầu với nó.

Giữ chặt lưỡi và đếm từ 1 tới 10 vẫn là biện pháp hữu hiệu để khỏi bùng nổ.

2-Trấn áp cảm xúc của bạn , không công nhận rằng mình đang tức giận. Và có thể sau nhiều năm kềm chế, bạn sẽ phải trả giá bằng những rối loạn tâm lý hay thể lý: loét bao tử, bệnh tim mạch, ung thư ...

3- Lợi dụng cơn giận để huy động mọi khả năng, hầu phản ứng một cách khôn khéo và xây dựng.

4- Bộc lộ, bất kể hậu quả. Đa số người trưởng thành không muốn biểu lộ cơn tức giận, vì chúng ta không những sẽ mất tự chủ - điều tự nó rất nguy hiểm - mà còn có thể làm tổn thương người khác bằng lời nói hoặc hành động. Đôi khi sự bộc lộ chỉ làm ta lúng túng. Nhưng thường nó dẫn tới những thương tổn về mặt tình cảm hoặc thể xác.

* Trút cơn giận lên người khác không bao giờ là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề, mà trái lại thường làm cho vấn đề thêm tệ hại ra nữa! Có một số người bộc lộ cơn giận không phải để đả thương mà để trấn áp kẻ khác. Thật vậy, nếu họ không thể thắng trong một cuộc tranh luận bằng lý lẽ hay thuyết phục, họ sẽ nổi khùng lên và dùng cơn thịnh nộ để khuất phục đối thủ.

Không ai muốn trở thành mục tiêu cho cơn giận dữ, nhất là của những người mình quan tâm.

Do đó chúng ta sẽ lảng tránh cái trách nhiệm đáng sợ đó, nhịn đi cho xong !

Phương pháp tốt nhất là nên bước vào phòng tắm, xả nước lên người. Làm thế hóa ra rất là dễ chịu, không can dự vào cuộc tranh chấp dễ gây tổn hại cho sức khoẻ. Nhiều nhà tâm lý đồng ý rằng TRÚT CƠN THỊNH NỘ LÊN KẺ BẠN ĐANG TỨC TỐI LÀ THIẾU KHÔN NGOAN.

Vì sao? Vì hai lẽ: Thứ nhất bạn không thể khống chế được ai, dù bạn có thể trấn áp người đó bằng sự giận dữ, thì bạn chỉ có thể kiểm soát được thái độ của họ đối với bạn, chứ không thể điều khiển được ý nghĩ của họ về bạn . Thứ hai, nếu bạn nói cho người bạn đang căm giận biết cảm xúc của bạn, thì đến lượt người đó có thể cũng sẽ nổi khùng lên, và quan hệ có thể đổ vỡ vô phương hàn gắn! Rốt cuộc, chính bạn lại là người thấy cay cú, tức giận hơn.

Nếu tính khí bạn nóng nảy như hỏa diệm sơn thường xuyên sôi sục, thì hãy ráng canh chừng nó. Hãy lưu ý những dấu hiệu báo trước. Chẳng hạn như tay chân bạn sẽ lạnh toát, hay dạ dày sẽ co thắt trước khi bạn bùng nổ!

Quan trọng hơn nữa , bạn phải tự nguyện chặn đứng nó kịp lúc. Thay đổi cách suy nghĩ của bạn, thay đổi phương pháp giải quyết vấn đề. Khi nhận thức rằng sự giận dữ bắt bạn phải trả một giá rất đắt về tinh thần lẫn vật chất, rằng nó có thể phá huỷ nghề nghiệp và những quan hệ xã hội thì việc thay đổi của bạn sẽ bớt khó khăn hơn.

Tóm lại, phải cảnh giác với cảm xúc nội tâm, phải biết rõ khi mình sắp sửa "khùng" lên, phải chú ý tới những tín hiệu của người khác, phải kiên trì luyện tập là những gì bạn có thể làm để giúp mình vượt qua .

NGHE

Tạo hóa cho con người có hai tai mà một miệng, là có ý dạy cho chúng ta nên biết nghe nhiều mà nói ít.

- Zénon.

Người nói là vãi ra, kẻ nghe là nhặt lấy.

- Plutarque.

Lời nói như một mũi tên đã buông, đã lọt vào tai ai không thể rút ra được.

- Lục Tài Tử.

Miệng ngậm thì tai mở.

- Tục ngữ Anh.

Người ta hối hận vì đã thốt ra lời, chứ không phải vì lặng nghe.

- Simonide d Amortgos.

Lúc đáng nói thì mới nói, người nghe không chán.

- Luận ngữ.

Nghe là bản năng hằng hữu của mọi sinh vật. Ngay trong cỏ cây cũng có khuynh hướng vươn lên đến tiếng động và ánh sáng. Chức năng "nghe" của con người còn cao thâm hơn nhiều.

Đối với con người, sự nghe đến trước tiếng nói. Đối với trẻ sơ sinh mà mất đi sự nghe, thì trẻ không bao giờ nói được. Nên có thể nói, nghe là bậc thầy của nói.

Các nhà tâm lý học phân tách cho thấy, tuyệt đại đa số nhân loại thích nói hơn là thích nghe. Sở dĩ như vậy là vì họ muốn chứng tỏ họ là nhân vật quan trọng, họ muốn phô cái hiểu biết của họ cho người ta khâm phục; nếu không thì họ muốn khoe của cải hay quyền lực gì đó. Nói tóm lại, đó là chứng bệnh về "chấp ngã", đề cao cái "ta" của mình lên.

Nếu ta dứt ngang lời nói của họ trong lúc cao hứng thật là nguy hiểm và rồ dại. Người lịch sự không nên làm như vậy.

Trước nhất chúng ta phải hiểu rằng "nghe tức là học".

R. W. Emerson nói: "Bất kỳ người nào cũng có một điểm gì đó hơn mình, nên ta có thể học ở họ được. A. de Vigny cũng nói như vậy.

Cách đây hăm lăm thế kỷ, Liệt Tử đã nói: "Lời nói của một kẻ cuồng, thánh nhân còn nhìn được thay" (cuồng phu chi ngôn thánh nhân trạch yêu).

Nghe người đối diện nói chúng ta có được mấy điều lợi :

- Ta học khôn ở họ một điều gì.

- Chân thành nghe họ nói tức giúp cho họ một niềm vui.

- Giúp cho ai được điều gì chúng ta cảm thấy có một niềm sung sướng.

- Và tuyệt hảo nhất là chúng ta đã gây được mối thiện cảm đối với họ.

Đời này có gì quan trọng hơn thiện cảm?

Người ta hy sinh cho nhau, giúp đỡ nhau là nhờ ở thiện cảm đó.

Sách vở kể lại một giai thoại khá thú vị. Năm 1773, Nữ Hoàng Nga Catherine II mời Diderot (nhà văn, khoa học cùng với Rond d Alembert viết bộ Bách Khoa Toàn Thư Encyclopédie) qua Nga diễn thuyết. Nữ Hoàng hội đàm với Diderot, bà lắng tai nghe Diderot nói một cách say mê. Sự chăm chú của bà khiến Diderot càng cao hứng - những lúc như vậy ông chồm tới vỗ đùi bà "đét, đét".

Sau buổi nói chuyện đó, cặp đùi nõn nà của bà trở nên bầm tím!

Năm sau, Nữ Hoàng lại mới Diderot qua Nga lần nữa. Bà vẫn ngồi chịu trận như lần sơ kiến mà không hề than phiền. Bà viết thư cho một người bạn nói: "Vị thiên tài ấy thật là lạ lùng! Mỗi khi nói chuyện, ông ấy cứ vỗ vào đùi tôi sưng tím cả lên, nhưng lúc ấy tôi không hề biết đau".

Địa vị một hoàng đế nghiêm cấm, say mê nghe nhà văn nói chuyện như vậy, huống gì chúng ta.

Thà ngay từ đầu chúng ta đã không có chuyện ngồi lại với nhau thì thôi.

Biết cách nghe và gợi ý cho người ta nói là nghệ thuật thu phục nhân tâm càng được nhiều người yêu mến, ta càng thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa, nhất là tránh được sự khổ tâm vì cách đối phó.

Bậc thánh như đức Khổng Tử còn phải thốt: "Chín mươi chín người thương vẫn chưa đủ, một người ghét đã là nhiều".

Bớt lời để nghe nhiều, đó là những người có đức độ.

Thiện chí và thiện cảm được nảy sinh từ đó. Người tây phương nói: "Sự "thấy" lên đường đã mười năm, sự "nghe" nửa buổi đường đã theo kịp".

Tin tức góp nhặt từ bốn phương là ở nghe chứ không phải thấy.

NEWS (tin tức) = N: North (Bắc); E: East (Đông); W: West (Tây); S: South (Nam)

Câu chuyện Bá nha, Tử Kỳ cũng nói về cái nghe đó.

Ngày xưa có một người chơi đàn đã đến mức tuyệt kỹ, đó là Bá Nha.

Bá Nha may mắn kết bạn với một người rất giỏi về nghe đàn, đó là Chung Tử Kỳ. Qua tiếng đàn, Tử Kỳ hiểu ý Bá Nha trong lúc đó.

Về sau Tử Kỳ qua đời, Bá Nha liền đập dàn, không hề gảy nữa, cho rằng thiên hạ không còn ai là chỗ tri âm (biết nghe tiếng đàn).

Cứ cho rằng đây là huyền thoại, nhưng huyền thoại ấy dùng để nói lên điều gì? Đó là giá trị của sự nghe hay lắng nghe.

Thuần Vu Khôn là người nước Tề, nghe rộng nhớ nhiều, ông rất giỏi về việc du thuyết. Nhờ im lặng nhìn và lắng nghe mà đoán biết được ý của người đối diện. Ông vào gặp Lương Huệ Vương hai lần, chỉ nghe nhà vua nói mà không phát biểu gì cả. Cuối cùng nhà vua trách: "Quả nhân không đáng nói chuyện với khanh sao?" Bấy giờ Thuần Vu Không nói: "Lần trước tôi yết kiến nhà vua, nhà vua tuy đang bàn việc nước, nhưng óc lại nghĩ đếnchuyện cưỡi ngựa dong ruổi. Lần sau tôi gặp nhà vua, nhà vua vẫn nói chuyện, nhưng óc lại nghĩ đến thanh âm. Vì thế tôi không dám nói gì cả". Nhà vua cả sợ nói: " Ôi, Thuần Vu tiên sinh thật là thánh nhân vậy! Lần trước có người cho tôi một con ngựa hay, ta chưa kịp xem nhó thì phải bận tiếp tiên sinh. Lần này người ta cho một con hát rất hay, chưa kịp thử cũng bận tiếp tiên sinh. Lúc ấy quả nhân thật đang nghĩ về những thứ đó".

Sự lắng nghe mang đến thành công to lớn, làm phát triển thêm những đức tánh tốt trong mọi lãnh vực. Trong quyển Khoa Học Thực Nghiệm (Science Expérimentale), Claude Bernard nói: "Hãy lắng nghe thiên nhiên đọc cho viết". Một tác giả nổi tiếng trước nhất phải biết nghe "tiếng lòng" của mình và nghe được tiếng lòng của than nhân. Cổ nhân có câu: "Xưa nay thánh hiền đều tịch mịch" (Cổ lai tánh hiền giai tịch mịch). Không phải thánh hiền tịch mịch đâu, các vị ấy đang nghe đó! Sức nghe của họ rất sâu xa. ta thấy đó, lòng không thành thì sức nghe chưa tới.

Ở đây chúng ta không dám mong cầu có một sức nghe cao diệu như thế, chỉ muốn xin bớt nói để chú ý lắng nghe. Bạn chỉ cần nhịn năm phút thôi, chi năm phút thôi mà! Bạn nhịn nói trong năm phút là bạn toàn thắng.

Bạn có thể không tin? Nhưng hãy thực hành mới thấy cái diệu dụng của nó.

Các điều đáng nhớ:

- Không nên ngắt lời trong lúc người đang nói.

- Nghe là học khôn ở người nói.

- Biết nghe là giúp cho người nói chuyện một niềm vui.

- Biết cách nghe và gợi ý cho người ta nói là một nghệ thuật thu phục nhân tâm.

- Có lý nào người ta chỉ nghe mà không nói?

NÓI

Lời nói là y phục của tư tưởng.

- Rivarol.

Tiếng nói là hình ảnh của tánh tình.

- Disraeli.

Tiếng nói là bông hoa của sắc đẹp.

-Lénon d Elée.

Lời nói là gương mặt của tinh thần.

- Sénèque.

Lời nói là hơi thở của tâm hồn.

- Pythagore

Người hạnh kiểm, cái miệng nơi tim, kẻ mất nết thì tim nơi miệng.

- A. Wydeville.

Lời nói là bộ mặt thứ hai.

- G. Bauer.

Câu nói là tiếng của trái tim.

- Châu Hy.

Ý kiến con người giống như cái đinh, càng đóng càng khuất dần. Vậy chớ bao giờ tranh cãi.

- A. Dumas (père).

Nói ngọt lọt tới xương. Ngọt mật chết ruồi.

- Tục ngữ.

Lời nói phải làm đã khát hơn nước mát.

- G. Herbert.

Ngàn vàng dễ kiếm, lời tốt khó tìm.

- Tử Du

Nói nhiều không phải là trí thức.

- Thalès.

Muốn điều khiển phải biết người; muốn biết người phải nghe người nói.

- Detoef.

Nói nhiều lỗi nhiều.

- Trung Hoa.

Hãy dùng lời nói như tiền bạc.

- Lichtenberg

Lời nói thật là lối xã giao tốt nhất, vì nó không hại người kia.

- Tourguenev.

Ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt ý nghĩ của mỗi người. Không người nào không dùng nó hàng ngày cả. Người câm không nói được thì dùng cử chỉ để thay cho lời nói. Nếu xét một cách thận trọng sẽ thấy ngôn ngữ là cái phát minh lớn nhất và sớm nhất của loài người. Về khoản này, ngôn ngữ được coi là thứ tài sản riêng của mỗi người. Người ta dùng nó trong việc giao tiếp cẩn thận không kém gì trong việc sử dụng tiền bạc (Lichtenberg). Có hiểu như vậy mới thấy, ai biết tiết kiệm tiền bạc là biết tiết kiệm lời nói.

Thế nhưng trên đời này vô số người vung vãi tiền bạc và lời nói một cách thả cửa! Dù sao đó cũng là cái quyền của họ.

Thái độ của chúng ta sẽ như thế nào khi gặp những người ham nói đó?

Như những bài trước đã nói, đa ngôn ngữ cũng là một trong những bản tính tự nhiên của con người. Đó là bản tính thô sơ chưa rèn luyện kỹ, nên còn nhiều tính háo thắng. Đối diện với họ, chỉ cần bình tĩnh một chút ta sẽ thu nhiều kết quả. Có nghĩa là chúng ta quay lại vấn đề "Nghe" và "Nhìn" như đã trình bày ở đây.

Đặt trường hợp chúng ta là người đang nói chuyện, tức là giao thiệp một cách thông thường, chứ không phải nói trước công chúng (vì đó là thuật hùng biện khác nữa).

Sau đây là vài nguyên tắc cơ bản và rất đơn giản:

Không nên tỏ ra mình là kẻ hiểu biết nhiều hơn tất cả mọi người. Nếu bạn thích trình bày một vấn đề gì đó mà không có sự yêu cầu của kẻ khác, thì đối với người nghe sẽ không bổ ích gì cho họ, như vậy có phải nhàm chán cho đôi bên không? Giữa lúc đó mà bạn cứ thao thao bất tuyệt, thì còn tệ hơn người hùng biện trước một bụi cây. Bởi vì trong số người nghe sẽ có người ghét bạn. Bạn tuy biết vậy nhưng cứ nghĩ rằng: "Ta giúp cho họ ý này biết đâu sau này họ sẽ có lợi". Không được! Sẽ không ai tin điều đó, vì bạn không phải là nhà tiên tri. Không chừng đó là cái vạ nữa là khác.

Chắc bạn không quên một chuyện khá đau lòng đã xảy ra.

Cách đây hơn trăm năm, ông Bùi Hữu Nghĩa đang làm Tri huyện ở Trà Vinh, dưới quyền Bố chánh Truyện. Bố chánh ăn của đút lót của bọn Hoa kiều, để cho bọn đó chiếm Láng Thế. Láng Thế là vùng đất đặc ân của triều đình miễn thuế cho dân ở đây. Nguyên trước đây Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn vương đã chạy qua vùng này được dân địa phương giúp đỡ, nên sau mới được ân huệ đó.

Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa nổi tiếng là thanh liêm, liền tập hợp dân vùng Láng Thế lại nói: "Nếu ai lớn hơn vua phê giấy tờ bán rạch Láng Thé cho người Hoa kiều thì các ngươi đành xuôi tay. Còn nếu ai nhỏ hơn vua mà ra lệnh ấy, các ngươi chặt đầu nó cũng không sao!"

Bọn Hoa kiều vẫn cậy thế làm ngang, bị dân Láng Thế

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC