Tà áo dài năm ấy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm ấy, tôi là một chàng kiến trúc sư trẻ người Pháp, đang vô cùng hiếu kỳ về thế giới, từ phương Tây đi ngao du những miền đất mới mang trong mình một khát vọng đưa kiến trúc của nước nhà  vươn tầm thế giới. Lênh đênh trên biển mãi, cuối cùng tôi lại tình cờ đến nước Việt Nam. Tôi nhớ như in những tòa nhà cổ kính nhưng uy nga tráng lệ, mang đậm phong cách của những kiến trúc nước ngoài. Chốn Sài thành phồn hoa thật khiến tôi mở mang tầm mắt. Những chiếc xe kỳ lạ cứ chạy qua chạy lại trên đường, nó giống như chiếc xe đạp nhưng lại không phải là xe đạp, người phía sau cứ hì hục đạp xe, phía trước gắn một cái thùng lớn, trên xe còn có một người phụ nữ đang ngồi. Sau này khi quen biết em, tôi mới biết chiếc xe đó được gọi là xe lôi hay là xích lô gì đó. Tôi cứ ngơ ngác nhìn những chiếc xe đó qua lại mà nghiêng nghiêng cái đầu đầy tò mò. Bỗng có một chiếc xe như thế dừng lại trước mặt tôi, một người đàn ông gầy guộc ngồi phía sau nhìn tôi mãi, ông cứ nói một thứ tiếng gì đó,tôi cố gắng lắng nghe kỹ hơn và nhìn những hoạt động của ông ấy, tôi mới nhận ra người đàn ông này đang mời tôi lên xe.

Chiếc xe bắt đầu di chuyển, nó chầm chậm, nhẹ nhàng đi qua những góc phố, những căn nhà to lớn. Rồi chiếc xe bắt đầu chạy đến một con đường rất đẹp, hai bên vệ đường trồng những cây to lớn, trên cành xen kẽ những chiếc lá xanh, những chùm hoa đỏ, em bảo với tôi đó là hoa phượng.

Chợt chiếc xe thắng lại, tôi từ từ bước xuống, đang tính quay lại lấy hành lý thì người đàn ông kia đã chạy đi mất. Tôi vội vàng đuổi theo chiếc xe, vừa chạy tôi vừa gọi ông ta trong bất lực, nhưng không tài nào đuổi kịp. Nhìn chiếc xe cứ thế mà chạy đi, tôi tự hỏi sao một người gầy guộc, ốm yếu như ông ta lại chạy nhanh như vậy. Tôi cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh nhưng chẳng ai hiểu tôi nói gì, bản thân tôi cũng không sao hiểu được tiếng của họ. Tôi sợ hãi, hoang mang ngồi bệt xuống lề đường. Hàng giờ cứ lặng lẽ trôi qua, mặt trời đã bắt đầu chiếu xuống mặt đất những tia nắng nóng gắt, như muốn nung nóng đầu của tôi.

Tôi vẫn tuyệt vọng ngồi bên lề đường, không biết bản thân nên làm gì, nên đi về đâu. Tất cả những chứng chỉ, bằng cấp của tôi đã bị người đàn ông kia mang theo cùng hành lý mà đi mất. Mọi người xung quanh đang bắt đầu xì xầm bàn tán bằng một ngôn ngữ bản xứ của họ. Tiếng ồn ngày càng lớn, ánh nắng lại càng gắt khiến đầu tôi vô cùng nhức nhối, như thể có cả đàn ong đang bay quanh đầu tôi vậy. Mọi thứ xung quanh mờ dần lại.

Bỗng có bàn tay khẽ chạm vào người tôi . Giật mình, tôi ngước mặt lên nhìn. Một cô gái nhỏ nhắn, đôi mắt đen láy to tròn nhìn chằm chằm vào tôi, em mặc một bộ áo xẻ tà trắng, giống như những người phụ nữ lúc nãy tôi vừa gặp, sau này nói chuyện với em, mới biết nó có tên là “áo dài”, bộ đồ truyền thống của đất nước này. Em e thẹn, dịu dàng và nhẹ nhàng, khác xa với những cô gái ở đất nước tôi. Bất ngờ, em nhét vào tay tôi một vài đồng rồi vội vàng bỏ đi. Tà áo dài thướt tha, uyển chuyển theo từng bước chân của em, tôi đành đánh liều một phen mà chạy theo em.

“ Này, đừng đi theo tôi! Tôi chỉ có thể giúp anh đến đây thôi!”

Giọng nói nhẹ nhàng, yêu kiều của em vang lên. Tôi chẳng hiểu em đang nói gì nhưng nhìn vào hành động của em, bản thân đã nhận ra mình bị xua đuổi.

Mặc kệ em có xua đuổi đến mấy, tôi vẫn mặt dày đi theo, bởi tôi chẳng còn biết đi đâu nữa, cả chục người chỉ có một mình em là đến giúp đỡ tôi. Vậy là cuối cùng, em cũng đành bất lực cho kẻ mặt dày này đi theo về nhà.

Đứng trước ngôi nhà của em, tôi ngạc nhiên vô cùng, giữa nơi phồn hoa, nhà to cửa rộng lại có một ngôi nhà nhỏ bé. Vừa nhìn thấy tôi, mẹ em kinh ngạc vô cùng, vẻ mặt của bà không được mấy niềm nở lắm, hình như bà không thích người Tây như tôi. Sau này mới biết, mẹ ghét tôi vì bà nghĩ tôi là tên biến thái bám đuôi em.

Tôi cứ thế mà được ở lại nhà em. Mẹ em thật ra rất hiền, bà nấu ăn rất ngon, tôi thường ra phụ bà bán hủ tiếu, xem như đóng góp tiền ăn uống, tiền nhà. Ban đầu mẹ không thích tôi, nhưng về sau, thấy tôi lanh lợi, tháo vát, hiền lành chưa kể còn được con gái bà để ý nên bà cũng ngầm coi tôi là con rể.

Còn phần em, từ ngày tôi quen biết cô gái này, tôi đã được tìm hiểu thêm rất nhiều về văn hóa, món ăn và đặc biệt là trang phục truyền thống của người Việt Nam, “ Áo Dài”. Thật ra lần đầu tiên gặp đặt chân đến đất nước này, tôi đã được chiêm ngưỡng những tà áo dài trên phố, nó thanh tao, kín đáo nhưng cũng không kém phần quyến rũ và thu hút, đối với tôi mà nói, nó chính là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam. Cái cổ áo không quá cao, ôm lấy phần cổ của người phụ nữ, những mảnh vải tưởng chừng rất giản dị nhưng chẳng hiểu sao khi những mảnh vải được ghép lại bằng những đường may tinh tế, nó lại càng trở nên tuyệt đẹp đến khó tả. Dường như chẳng có từ ngữ xinh đẹp nào có thể miêu tả nó. Chỉ là nó càng in sâu trong tâm trí tôi hơn, khi em mặc lên người tà áo dài  trắng tinh khôi.

Mỗi sáng tôi sẽ cùng em đến trường, mỗi chiều thì đến trường đón em. Tôi thích nhìn em duyên dáng, lả lướt trong bộ áo dài trắng. Càng thích vẽ em, vẽ đôi mắt của em. Tôi cứ như kẻ say, mê đắm trước dáng vẻ của em và như một kẻ hay mơ, tôi ôm giấc mộng yêu nàng.

Biết bản thân đã mang danh mặt dày, tôi quyết định mặt dày cho nốt. Tôi từng bước tiến đến bên em, bảo vệ, chăm sóc, che chở cho em, thậm chí còn vì em mà học tiếng Việt và phong tục tập quán của người Việt, tôi muốn được cưới em. Nàng ấy cũng lạ lắm, mỗi khi nhìn tôi mặt lại đỏ lên, tôi vô cùng sợ hãi, tôi sợ em bị bệnh. Nhưng nào ngờ đâu, em là cũng thích tôi nên mới ngại ngùng, e thẹn như thế.

“ Ôi con gái Việt Nam sao mà đáng yêu đến thế!”

Những ngày tháng êm đềm trôi qua, tôi vẫn mãi chưa tỏ tình, có mấy kẻ trong xóm cũng đã bắt đầu dòm ngó em. Thậm chí còn có kẻ đã nhanh tay tỏ tình với em nhưng em đương nhiên không đồng ý, em nói em chờ tôi. Cuối cùng, tôi lấy hết dũng khí tỏ tình với em. Tôi vẫn nhớ rõ cái ngày hôm đó, em cũng mặt bộ áo dài trắng, tôi cùng em trên đường về nhà sau giờ học, em cười rất tươi lại còn rất dịu dàng, ban đầu khi nghe tôi tỏ tình, em có chút ngại ngùng nhưng cuối cùng cũng vui vẻ đồng ý. Mặc dù đã yêu nhau nhưng đi bên tôi, em vẫn e thẹn, yêu kiều như ngày đầu gặp mặt, chỉ cho tôi nắm tay thôi.

Ở Việt Nam một khoảng thời gian, tôi cũng đã tích góp đủ tiền để quay về nước, tôi muốn mang em đi cùng nhưng em một mực từ chối.
“ Anh đi đi, em chờ anh mang trầu cau về Việt Nam dạm hỏi!”

Tôi nghĩ mãi vẫn là không đành lòng rời đi nhưng vì ba tôi đã ghi thư báo tin dữ rằng nhà tôi cháy, mẹ bỏng nặng, tôi cần phải quay về.

Hôm đi, tôi ôm chặt lấy em đầy luyến tiếc.

“ Lucas! Em chờ anh về”

Em đưa đôi mắt buồn bã nhìn tôi.

“ Ngọc An...chờ...anh! Anh...sẽ...quay lại thật sớm! Hứa!

Tôi bập bẹ nói từng chữ tiếng Việt, rồi móc ngoéo tay với em.

Trước khi lên thuyền, em đã hôn tôi. Đến giờ tôi còn nhớ cảm giác ấy. Đôi môi em mềm mại, hồng hào khiến tôi như đắm chìm vào nụ hôn ấy.

Tôi là một kẻ thất hứa. Lời hứa quay lại sớm kia chính là năm năm sau. Tôi gặp một số trục trặc về việc bằng cấp và tiền bạc.

Thuyền vừa cập bến, tôi đã chạy vội đến nhà em. Bầu trời hôm nay trở nên u buồn đến lạ, những giọt mưa phùn cứ rơi lất phất, đứng trước nơi xưa chốn cũ, lòng tôi bối rối vô cùng. Cảnh vật vẫn như cũ nhưng sao lại có một cảm giác trống vắng đến lạ, những con quạ đen từ đâu bay đến, chúng im lặng đậu trên mái nhà, nghiêng nghiêng cái đầu quan sát. Tôi đứng bên ngoài, gõ cửa mãi vẫn không thấy ai trả lời. Thấy tôi cứ làm ồn mãi, một người phụ nữ bên cạnh vội chạy đến.

“ Chào cậu! Cậu chính là Lucas phải không?”

“ Đúng vậy thưa bà!”

“ Đừng tìm người nữa! Đi hết rồi còn đâu!”

“ Đi đâu thế?”

Tôi ngạc nhiên nhìn bà.

“ Cậu vừa đi được 2 năm thì có một thằng khốn ở cuối xóm thích con An, nó không có được thì dở trò đồi bại hãm hiếp con bé, nó sống không nổi nên treo cổ tự vẫn, rồi mẹ nó cũng chết theo! Haizz! Mẹ con nhà này gớm khổ! Đây là chìa khoá nhà, còn đây là lá thư và bộ áo dài của con An để lại, của cậu hết đó!”

Tôi như chết lặng, nước mắt cứ thế mà tuôn trào ra. Tim tôi sao mà đau quá, nó như có ai bóp chặt lại, không tài nào thở nỗi. Tôi vậy mà đã đến muộn. Tôi quỳ rạp xuống đất một cách đầy đau khổ. Bàn tay run rẩy từ từ mở lá thư ra đọc.

“Lucas! Anh hứa là sẽ về liền mà sao bây giờ vẫn chưa thấy? Ngày nào em cũng ra cảng đợi mà chẳng thấy anh đâu! Mà anh chuẩn bị trầu cau chưa đấy! Con gái người ta cũng tới tuổi gả đi rồi đó, anh mà không đến thì mất đừng có khóc!”
Lucas! Anh mau về đi! Em nhớ anh nhiều lắm! Em đùa thôi, em chờ anh qua dạm hỏi, không mất được đâu! Mau về với em đi!
Em yêu anh nhiều lắm!”

Tôi nắm chặt lấy lá thư trong tay, vừa khóc tôi vừa đánh, vừa trách móc bản thân mình. Phải chi tôi cố gắng về sớm hơn với em, phải chi năm đó tôi cương quyết mang em đi. Tôi ôm chặt bộ áo dài trắng của em, cố gắng tìm kiếm một chút hơi ấm của em.

“ An à! Anh mang trầu cau qua rồi! Mang qua rồi mà, sao em không chờ anh? Anh còn mang áo dài cưới cho em nữa! An à!”

Tôi gào khóc trước mộ phần của em. Vậy là người con gái tôi đem lòng yêu đã ra đi mãi mãi, nàng vẫn trẻ mãi, đẹp mãi ở tuổi mười tám, và tà áo dài năm đó vẫn trắng mãi ở tuổi mười tám cùng nàng.






Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net