Chuyện người con gái Nam Xương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I - Mở bài: ( giới thiệu tác giả, tác phẩm)

- Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của văn học Việt Nam thế kỷ XVI (thời trung đại). Ông là một trong những học trò xuất sắc của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng là một ẩn sĩ tiêu biểu cho khí tiết của một nhà nho chân chính.

- "Chuyện người con gái Nam Xương" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ, được trích trong tác phẩm "Truyền kì mạn lục" - một thiên truyện cổ kỳ bút (áng văn kì lạ ngàn năm). Nhân vật chính trong truyện là Vũ Nương, một người phụ nữ mang trong mình phẩm chất tốt đẹp nhưng phải chịu nhiều bất hạnh.

II - Thân bài:

1 - Tóm tắt lại truyện hoặc giới thiệu về nhân vật Vũ Nương. (Thì sau đây mình sẽ giới thiệu đôi nét về nhân vật Vũ Nương, còn bạn nào muốn tóm tắt truyện thì bạn hãy làm theo ý của các bạn, đừng theo mình. Của mình chỉ là một tài liệu tham khảo nho nhỏ giúp các bạn ôn thi thôi.)

- Vũ Nương là nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ đức hạnh trong xã hội phong kiến nhưng phải chịu số phận oan khuất do chính người chồng đa nghi của mình gây ra. Câu chuyện vừa có ý nghĩa ca ngợi vẻ đẹp đức hạnh của người con gái Nam Xương, vừa thể hiện được ước mơ muôn thuở của con người, là những người tốt thì bao giờ cũng được đền trả xứng đáng, dù chỉ là một thế giới huyền bí, ảo ảnh.

- Sống ở nơi trần thế, Vũ Nương được tác giả giới thiệu là một người phụ nữ thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp, để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật, nhà văn đã đặt nhân vật trong các mối quan hệ với chồng, mẹ chồng và đứa con trong các hoàn cảnh cụ thể và các tình huống khác nhau.

2 - Vẻ đẹp của Vũ Nương (phần phân tích):

* Vẻ đẹp qua lời giới thiệu của nhà văn:

- Vũ Nương được tác giả giới thiệu ở ngay phần mở đầu của câu chuyện. Vũ Nương là người thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh mến vì dung hạnh đã xin mẹ một trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ. Ở Vũ Nương hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của phẩm chất, tâm hồn và ngoại hình. Nhưng khi giới thiệu nhân vật, nhà văn lại giới thiệu vẻ đẹp tâm hồn trước vẻ đẹp ngoại hình, điều đó thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca phẩm chất của nhân vật. Vũ Nương đẹp như đài hoa sen giữa chốn làng quê sông nước Việt Nam. Vẻ đẹp đó không chỉ ở sắc màu tươi thắm mà còn ở hương thơm thanh quý. Để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật, nhà văn đã đặt nhân vật vào nhiều tình huống, nhiều mối quan hệ.

*Vẻ đẹp của Vũ Nương:

- Trong mối quan hệ với chồng: 

+, Vũ Nương là một người thủy chung, son sắt. Trong cuộc sống vợ chồng, biết Trương Sinh vốn tính đa nghi, nên nàng luôn "giữ gìn khuôn phép, chưa từng để lúc nào vợ chồng phải thất hòa". Nàng luôn giữ cho tình cảm gia đình đầm ấm, yên vui. Hạnh phúc êm đềm tưởng là bền lâu, không ngờ đất nước xảy ra binh biến, Trương Sinh phải đầu quân ra trận ở biên ải xa xôi. Buổi tiễn chồng đi lính, Vũ Nương rót trên rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha:" chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ". Ước mong của nàng thật bình dị, lời lẽ dịu dàng ấy chứng tỏ nàng luôn coi trọng hạnh phúc gia đình, mà nàng xem thường công danh phù phiếm. Phải chăng, ước mong hai chữ bình yên ấy của Vũ Nương quá bé nhỏ, bình thường. Thực ra trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ phải trải qua nhiều cay đắng, đau khổ. Họ tự nhận mình là "hạt mưa sa, cơn mưa rào,... thậm chí là hạt cơm nguội, vòng kiềng của những hủ túc, lễ giáo oan nghiệt,..." khiến họ không tự quyết định được số phận của cuộc đời mình.. Cho nên mong ước hai chữ bình yên với một mái ấm gia đình hạnh phúc của Vũ Nương là một ước mơ chân chính, cao đẹp. Hơn nữa, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng đồng nghĩa với cái chết, mất mát, sự hi sinh, được sống sót trở về nơi hòn đặng mũi tên cũng là một sự may mắn. Bởi thế ẩn trong niềm ước mong ấy là cả tình yêu thương, sự quan tâm lo lắng của Vũ Nương dành cho Trương Sinh. 

+, Không chỉ mong ước chồng trở về với hai chữ bình yên, Vũ Nương còn bày tỏ niềm cảm thông trước nổi vất vả, gian lao mà chồng phải chịu đựng:" chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng." Qua lời nói dịu dàng, nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ thương :"Nhìn trăng soi thành cũ, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú." Đúng lời nói, cách nói của một người vợ hết mực thùy mị, dịu dàng. Trái tim ấy giàu lòng yêu thương, biết chịu đựng những thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa. Thật đáng trân trọng biết bao!

+, Khi xa chồng, Vũ Nương ngày ngày đợi chờ ngóng trông đến thổn thức, giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt:" Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót." Nỗi nhớ thương kéo dài theo năm tháng:" Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bươm  bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được." Dù thời gian trôi đi, mùa xuân qua, màu đông tới, thời gian cuộc đời thay đổi nhưng tấm lòng của Vũ Nương đối với chồng chẳng đổi thay, vẫn mênh mang tựa miền góc bể chân trời, nàng vừa thương chồng vừa nhớ chồng, lại vừa thương xót cho chính mình, đêm ngày phải đối mặt với nỗi cô đơn vò võ. Thể hiện tâm trạng ấy của Vũ Nương, Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau khổ của nàng, vừa ca ngợi tấm lòng thủy chung, thương nhớ, đợi chờ chồng của Vũ Nương.

+, Khi hạnh phúc có nguy cơ tan vỡ, Vũ Nương ra sức cứu vãn, hàn gắn. Mặc dù Trương Sinh trút cơn ghen bóng ghen gió lên đầu, Vũ Nương đã ra sức thanh minh phân trần. Nàng đã viện đến cả thân phận, tấm lòng của mình để thuyết phục chồng: "Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp." Những lời nói nhún nhường, tha thiết đó cho thấy thái độ trân trọng chồng, trân trọng gia đình nhà chồng và niềm tha thiết giữ gìn gia đình của Vũ Nương.

+, Những năm tháng sống ở làng mây cung nước, nàng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương chồng con. Vừa gặp lại Phan Lang, nghe Phan Lang kể lại tình cảnh gia đình, nàng đã ứa nước mắt xót thương. Mặc dù đã nặng lời thế sống chết với Linh Phi, nhưng nàng vẫn tìm cách trở về với chồng con trong giây lát, để nói lời đa tạ ân tình của Trương Sinh. Rõ ràng trong trái tim người phụ nữ ấy, không bợn một chút thù hận, chỉ có tình yêu thương và lòng vị tha.

- Vũ Nương còn là người mẹ hiền, đảm đang, tháo vát:

+,  Sau khi xa chồng đầy tuần, Vũ Nương đã sinh bé Đản. Nàng hết lòng yêu thương con, chăm chút con thơ. Đêm đêm, nàng thường chỉ bóng mình trên vách và nói đó là cha Đản. Chi tiết đó cho thấy tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Vũ Nương mong muốn bé Đản được sống trong cảm giác hạnh phúc, bình yên như có cả cha và mẹ. Đồng thời còn cho thấy tình cảm vợ chồng thủy chung gắn bó với nhau như hình với bóng.

- Không những vậy, Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo:

+, Chồng xa nhà, nàng đã thay chồng phụng dưỡng mẹ rất chu đáo. Khi mẹ ốm, nàng đã thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy những khôn khéo để khuyên răn, giúp bà vơi bớt nỗi nhớ thương con. Đến khi bà mất, nàng đã hết lời thương xót, ma chay tế lễ cẩn trọng, hệt như với cha mẹ đẻ của mình. Cái tình ấy quả có thể cảm thấu cả trời đất, cho nên trước lúc chết, người mẹ già ấy đã trăng trối những lời yêu thương, động viên và trân trọng con dâu:" Sau này, trời xét lòng lành, ban phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con chẳng phụ mẹ." Lời căn dặn ấy cho thấy bà mẹ chồng rất thấu hiểu, tri ân con dâu và mong con sống hạnh phúc, đồng thời đã khách quan hóa phẩm chất của Vũ Nương.

- Vũ Nương còn là người phụ nữ bao dung, vị tha:

+, Chấp thuận lấy người đàn ông xa lạ theo sự sắp đặt của mẹ chồng. Không những thế, nàng sống với chồng có tính đa nghi, đặc biệt là khi bị chồng nghi oan dẫn đến nàng phải tự vẫn để bảo vệ danh tiết. Đến khi chết đi rồi - một cái chết oan ức, phải sống dưới thủy cung, Vũ Nương vẫn khao khát trở về gặp chồng con và đa tạ tình chàng, không một lời oán trách.

→ Qua cách miêu tả rất chân thực của Nguyễn Dữ ( hoặc Qua ngòi bút đầy trân trọng của Nguyễn Dữ), nhân vật Vũ Nương hiện lên với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam "thủy chung, son sắt, hiếu thảo, hiền dịu, nết na, đảm đang, tháo vát". Nàng hoàn toàn xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc như niềm mong ước của mẹ chồng. Nhưng sống với một người như Trương Sinh, hạnh phúc liệu có mỉm cười với nàng?

- Cuộc sống đau khổ của Vũ Nương:

+, Vũ Nương xuất thân trong một gia đình nhà nghèo, nương tựa Trương Sinh. Nàng tự nói về thân phận của mình: "Thiếp vốn con kẻ khó, phải nương tựa nhà giàu". Phải chăng, sự cách biệt giàu - nghèo ấy đã khiến Trương Sinh trở nên độc đoán, chuyên quyền, được định đoạt mọi chuyện mà không cần suy nghĩ, kể cả sự sống chết của người khác? Đây chính là khởi nguồn của cuộc đời đầy bi kịch đau thương.

+, Cuộc sống hôn nhân của Vũ Nương và Trương Sinh là một cuộc hôn nhân không bình đẳng, không dựa trên tình yêu, không có sự đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng.

+, Trong những ngày làm dâu nhà họ Trương, Vũ Nương cũng chẳng hạnh phúc hơn gì, nàng luôn chịu đựng sự xét nét, phòng ngừa quá sức của chồng. Sự cách bức ấy cộng thêm cái thế của chồng, người đàn ông trong xã hội phong kiến, khiến Trương Sinh tự cho mình quyền đánh đuổi vợ mà không cần chứng cứ. 

+, Lấy chồng không được bao lâu thì niềm vui nghi gia nghi thất bị mất đi bởi chồng có tên trong sổ lính đi vào loại đầu. Nàng thiếu phụ tuổi xuân còn phơi phới, đã phải gánh chịu nỗi buồn "chiếc bóng năm canh" của đời người chinh phụ.  Rồi gánh nặng gia đình và thêm nỗi cô đơn đã bào mòm tuổi xuân của Vũ Nương. Hình như số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa đều có chung nỗi bất hạnh như thế. 

+, Ngày chồng trở về, cũng là lúc bi kịch cuộc đời nàng xảy ra. Trương Sinh vì nghe lời nói ngây thơ của con trẻ, đã nổi cơn ghen tuông mù quáng với vợ.

+, Cách ứng xử của Trương Sinh đối với vợ hết sức tàn nhẫn. Vừa về đến nhà, Trương Sinh la um lên cho hả giận, tìm lời bóng gió để mắng nhiếc nàng, thậm chí còn đánh đuổi nàng đi. Khi Vũ Nương hỏi chuyện do ai nói, Trương Sinh lại giấu biệt đi, không kể lời con nói. Ngay cả hàng xóm đến thanh minh, biện bạch cho nàng, cũng không ăn thua. Cách ứng xử của Trương Sinh là nóng nảy, thô bạo, thiếu suy nghĩ, độc đoán, chuyên quyền.

+, Cách ứng xử của Vũ Nương đối lập với cách ứng xử của Trương Sinh, Vũ Nương đã dùng mọi lời mẽ nhẹ nhàng, đúng mực để khơi gợi ở Trương Sinh sự thấu hiểu, đồng cảm, xót thương, để giải thích, phân bua. Không những vậy, nàng còn khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt đối với chồng, khẳng định tiết sạch giá trong " Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp." Lời thanh minh của Vũ Nương cho thấy nàng hết mực giữ gìn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.

+, Kết quả, Vũ Nương đau đớn nhận ra hạnh phúc gia đình mà nàng tha thiết gìn giữ giờ chỉ còn là ảo ảnh:" Nàng đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió". Các thành ngữ kết hợp với những hình ảnh giàu sức biểu cảm đã diễn tả nỗi đau đớn tuyệt vọng của Vũ Nương và sự tan vỡ hạnh phúc gia đình. Bi kịch dâng lên đến đỉnh điểm, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để chính minh cho sự trong sạch của mình, trước khi chết nàng than như một lời nguyền:" Thiếp nếu đoan trang .... mọi người phỉ nhổ." Lời nguyền ấy cho thấy ý thức quyết liệt bảo vệ nhân phẩm của Vũ Nương.

- Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương:

+, Nguyên nhân trực tiếp là do lời nói ngây thơ của con trẻ. Do độc đoán, chuyên quyền của Trương Sinh. Tiếp đến là do chiến tranh phi nghĩa khiến vợ chồng phải chia lìa. Cái chết ấy cũng là do Vũ Nương yếu đuối, bất lực, không bảo vệ được mình. Tất cả những nguyên nhân ấy đều xoay quanh chi tiết cái bóng, cái không có thánh cái có, cái ngẫu nhiên vô lí mà lại quyết định hạnh phúc của một đời. Cái bóng đã trở thành chi tiết thắt nút câu chuyện, và nó làm kết thúc cuộc đời của người phụ nữ tốt đẹp. Nỗi oan của Vũ Nương được giải một cách rất tình cờ. Vào một đêm khuya vắng, Trương Sinh ngồi với con dưới ngọn đèn, chợt con chỉ bóng chàng trên vách và nói :"Kìa, cha Đản lại đến kìa". Lúc đấy, trương Sinh mới thấu hiểu mội chuyện. Như vậy, chi tiết cái bòng là chi tiết thắt nút cũng là chi tiết mở nút cho câu chuyện.

- Khái quát cuộc sông của Vũ Nương dưới thủy cung và ý nghĩa của phần kết truyện (cái này mình nghĩ là bạn nào cũng làm được.)

3 - Đánh giá:

- Qua cuộc đời và số phận bất hạnh của người phụ nữa trong xã hội xưa, không chỉ phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công, mà còn thể hiện được tưu tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ .

- Qua câu chuyện "Chuyện người con gái Nam Xương.", cũng đã khẳng định, đánh dấu những nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Dữ: Xây dựng tình huống truyện éo le, xây dựng cốt truyện hết sức độc đáo, miêu tả tính cách và diễn biến nội tâm nhân vật. Ngoài ra, tác giả còn vận dụng linh hoạt các loại hình ngôn ngữ: đối thoại, độc thoại cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố thực với yếu tố kìa ảo,... Tất cả tạo nên sự thành công cho tác phẩm và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. 

III - Kết bài:

Đau đớn thay phận đàn bà lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Đọc " CNCGNX" ta xót xa, thương cảm cho người phụ nữ bất hạnh xã hội xưa bao nhiêu thì càng căm hận xã hội thối nát, bất công đã đưa đẩy người phụ nữ vào vòng oan trái bấy nhiêu. Nhưng sứ mệnh chân chính của văn chương không chỉ ở chỗ "ghi lại những điều trông thấy mà còn góp phần tái tạo, khám phá thực tại xã hội, làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn". Hãy yêu thương con người và đấu tranh vì sự công bằng, lẽ sống chân chính của những người cùng khổ, có như thế, văn chương mới khởi từ sự trái tim, tâm hồn của một con người va làm nảy nở muôn đóa hoa thơm trong tâm hồn của triệu triệu con người.



Chú ý của writter: Đây chỉ là một dàn ý chi tiết của mình, chỉ là bài tham khảo nhỏ nhỏ. Bận nếu không thích đừng chỉ trích gì mình mà hãy đi ra khỏi đây và đừng đọc. Cảm ơn ạ.

_uynnn_



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net