𝗰𝗵𝗮𝗽𝘁𝗲𝗿 12.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vòng quay của tự nhiên là mãi mãi, đi qua cái rét hanh khô và những cảnh mưa bụi như rắc phấn lên đất trời, ta lại đón chào cái nắng mơn man nở rộ trên cành đào. Thu qua, đông tàn, dềnh dàng và chậm chạp, khiến ta nhớ nhung và trông ngóng cái vị xuân biết mấy. Màu trời trở mình, vạn vật thay áo, chẳng còn khoác lên cái vẻ lạnh lẽo, u trầm như khi đông chạm ngõ. Nó đã bừng lên sức sống mãnh liệt, nảy lộc đâm chồi, tràn trề nhựa sống trong sự ưu ái ngọt ngào của nàng xuân.

Xuân đến, Tết cũng về dưới hiên nhà. Trời đất thầm thì tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới với niềm hân hoan vô tận.

Năm đầu tiên ăn Tết xa em, nỗi nhớ trong lòng Kim Thái Hanh mỗi ngày đều dày thêm một chút.

Mới chớm xuân, nhưng ai cũng vui. Đơn vị tổ chức ăn Tết sớm, vì công việc vẫn còn dang dở. Theo đúng kế hoạch, thì ăn Tết xong, toàn bộ lực lượng sẽ lên đường tiến sâu vào giữa lòng địch, đánh một trận thật lớn để làm tê liệt toàn bộ hệ thống.

Mười hai giờ đêm, đơn vị làm một buổi tất niên mừng Tết về.

Nói là tất niên, nhưng chỉ có nắm cơm vắt, gói muối trắng rang thơm, ít lạc khô và rau rừng luộc. Thời buổi loạn lạc thế này, có cơm trắng ăn là ngon lắm rồi, vì đồng bào dưới kia phải nhịn ăn nhịn mặc, nhà có bao nhiêu lúa, bấy nhiêu thóc đều gửi lên cho tiền tuyến, ai ai cũng ra sức chống giặc, vừa lo toan sản xuất, vừa cố gắng để an lòng những người ở mặt trận xa xôi.

Ăn cho thật no, đàn hát cho thật vui vẻ, để ngày mai lại tiếp tục hành trình "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt."

Sáng ngày mai, đúng bốn giờ ba mươi phút, đơn vị đã hành quân sâu vào đường mòn dẫn ra mặt trận, đây là đoạn đường cam go và ác liệt, máy bay địch rải thảm liên tục, nhất là đoạn đồi Cô Đơn này. Tiểu đoàn chia lẻ ra hành quân từng đại đội, để hạn chế thương vong khi máy bay rải thảm bom. Có giao liên dẫn đường, đường đi vui ơi là vui. Mỗi lần đi qua một cung đường là có một đơn vị thanh niên xung phong hay dân công hoả tuyến, cô nào cũng trẻ đẹp xinh xắn tíu tít chào hỏi đồng hương, hỏi thăm tình hình ở hậu phương cứ ríu ra ríu rít... Mọi người ai cũng thấy trong lòng rộn lên một niềm vui, niềm tự hào khó tả, thì ra tuổi trẻ của cả nước đã hội tụ về đây để góp phần giải phóng dân tộc.

Đi thêm hai ngày đường, Thái Hanh nghe trung đội trưởng bảo là đã vào sâu phần đất địch cày xới, nghe thì biết vậy chứ anh chẳng biết đó là đâu vì ở rừng sâu khó mà phân biệt được vị trí. Đại đội lúc đầu là chín chục người, hơn sáu tháng hành quân, quân số đơn vị còn lại 65 người phần do bị bom hy sinh, phần bị thương, số còn lại thì bị bệnh sốt rét nằm lại tại các binh trạm, cũng may là anh vẫn là hạt gạo trên sàng. Thương nhất vẫn là anh Hiếu, lên cơn sốt rét ác tính cả tuần nay rồi.

Đây, chỗ này. Đây là trận địa của địch, lực lượng đã vào sâu bên trong, đào hầm, khoét núi đâu vào đấy, chỉ chờ lệnh tấn công.

Thái Hanh được phân công ở tổ đội một, gồm bộ đội công binh, quân y, tổ du kích và đồng đội của anh, cùng nhau bày trận mai phục. Sa bàn đã chỉ rõ, đây chính là nơi địch đi qua, là nơi chúng sẽ mang hàng tiếp tế cho quân đội chủ lực.

Chín giờ địch xuất hiện. Đoàn xe tăng gồm hai mươi chiếc đi theo đội hình hàng dọc, đi sau là bộ binh bồng súng, đeo mặt nạ chống đạn, mặc áo giáp, đội thêm cái mũ cứng hơn đá. Cuối cùng là đoàn xe chở hàng tiếp tế, nặc mùi dầu thơm, xà phòng, chở nặng quần áo, súng đạn, thuốc men, thơm mùi bánh bích - quy, pa - tê, xúc - xích. Đi tới đâu chúng xả súng ra hai bên rừng tới đó. Trên trời, từng tốp trực thăng vũ trang quần thảo, dùng hỏa lực chế áp nhằm bảo vệ cho lực lượng dưới đất. Đạn cày tung mặt đất, cây cối bị phạt đổ ngổn ngang. Chưa vào trận nhưng một chiến sĩ đã bị mảnh đạn găm vào cánh tay, máu chảy nhiều nhưng anh vẫn tha thiết xin đại đội trưởng ở lại chiến đấu.

Một chiếc xe tăng chạy qua. Những tên giặc đầy vẻ chủ quan ngạo mạn, chúng nhô hẳn lên khỏi thùng xe, nói cười như đi vào chỗ không người. Sự kiêu ngạo này có lẽ một phần đến từ việc chúng không hề hay biết rằng quân đội chủ lực của chúng đã bị tấn công từ năm mươi ba phút trước. Nhưng với phía Thái Hanh thì không có gì đáng ngại, nhất là khi đối phương đã rơi vào trận địa phục kích mà không hề hay biết.

Để làm rối loạn đội hình địch, đại đội trưởng ra lệnh cho Thái Hanh bắn chiếc thứ tư. Anh tì nòng khẩu trên vai, quả đạn hình bắp chuối hướng về phía mục tiêu, ngón tay đặt sẵn lên cò súng. Lại một chiếc xe tăng chầm chậm bò qua, bánh xích đang chuyển động, cây cối bị đổ rạp, nghiến nát, chợt nó dừng lại như nghi ngờ điều gì, các loại súng trên xe nổ vang, đạn cày ngay trước công sự nhưng may thay, tất cả đều an toàn. Chiếc xe lại tiếp tục lướt qua thước ngắm. Một thoáng hồi hộp, nhưng chợt nhớ tới lời căn dặn của đại đội trưởng, tự tin và can đảm ắt sẽ chiến thắng, anh hít một hơi đầy lồng ngực, nghe nhịp tim trở lại bình thường. Ngay lúc đó bên tai vang lên tiếng hô dứt khoát "bắn" của đại đội trưởng. Anh không biết mình siết cò lúc nào, chỉ thấy khẩu súng giật nẩy trên vai, viên đạn vút ra khỏi nòng. Sau tiếng "đùng", một bụm lửa màu da cam trùm kín chiếc xe. Bọn địch choáng váng, cùng với tiếng kêu la thất thanh là đạn vãi như mưa. Quên cả hiểm nguy, đồng chí Trân nhào tới ôm lấy anh:

- Cháy rồi, cháy rồi. Em giỏi lắm, cứ tiếp tục phát huy.

Đội hình địch bỗng nhốn nháo, những chiếc xe tăng vội quay đầu, mạnh ai nấy chạy, vừa chạy tháo thân vừa bắn lung tung. Khi chúng nhận ra mối nguy hiểm ở những cánh rừng của xứ sở nhiệt đới thì mọi sự đã muộn. Ngọn lửa mỗi lúc càng bốc cao, trùm kín chiếc xe, đạn trên xe nổ ùng oàng, có những viên đạn phóng lên cao làm lũ trực thăng vội dạt ra xa. Anh lắp quả đạn thứ hai, hai tai ù đặc. Lực lượng nhỏ, vả lại đường rừng cây đổ ngổn ngang, không thuận lợi cho việc truy kích, biết địch sẽ phản ứng mạnh, để tránh thương vong, đại đội trưởng ra lệnh rút lui. Chỉ mười phút sau khi toàn đội rời khỏi trận địa, khu rừng đã bị phi pháo địch băm nát, đất đá bị đào xới, lỗ chỗ hố bom.

Giải quyết quân tiếp tế đã xong, toàn đội theo đường mòn lối mở quay về căn cứ, mang theo súng ống, đạn dược, thuốc men, đồ dùng cần thiết rồi men theo hầm ngầm tiến đánh căn cứ đầu não của địch.

Thực ra là tất cả lực lượng đều tiến đánh căn cứ đầu não của địch từ ba ngày trước, tổ đội của anh hoàn thành nhiệm vụ rồi thì tới sau góp sức thôi.

Nhưng phải góp sức hết mình. Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực.

Các cứ điểm khác của địch cũng đã bị phá hủy, lấy được chiến lợi phẩm, các đại đoàn hội quân vào thẳng khu đầu não.

___

Trong đêm, một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi ký, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm địch. Sáng ngày thứ mười của trận đánh, tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công ngày hôm đó.

Khối bộc phá một tấn đã tiêu diệt cơ man nào là địch, gây thiệt hại cho lũ cướp nước và quân bán nước nhiều vô kể. Tiếng súng vang ầm trời, tiếng lựu đạn nổ dài bằng cả bài hát. Thái Hanh bồng súng, gác lên vai, giờ anh chẳng còn quan tâm đến việc có ngắm bắn hay không nữa. Đạn bay khắp nơi, đồng đội của anh có người ngã xuống, nhưng vẫn cố gắng gượng dậy để tiếp tục chiến đấu.

Đại đội trưởng mặt đen sì những vết bẩn, trước khi cầm lựu đạn chạy lên phía trước, đã quay đầu lại hỏi anh:

- Còn đạn không?

- Không ạ.

- Thôi, bây giờ lùi về sau, đưa thằng Tích về hầm trị thương. Nó bị bắn vào vai, lại bị thương ở bụng nữa. Mất máu nhiều lắm, đi đi, ở đây có anh rồi. Cầm lấy băng đạn này, lắp vào, có gì thì bắn. Bắn mạnh lên, rõ chưa?

- Dạ rõ, thưa đại đội trưởng.

Rồi không hẹn mà cả hai cùng nhìn nhau, cùng gật đầu hô lớn: "Quyết thắng!"

Thái Hanh y lệnh, vội lùi về sau.

- Anh Tích, lên lưng em, em cõng anh về hầm.

- Không, mày cứ kệ anh. Anh còn chiến đấu được, anh còn giết giặc được.

Anh Tích nổi tiếng cứng đầu, bây giờ có nói anh ấy cũng chẳng nghe. Thái Hanh chẳng bảo gì nữa, một hơi xốc anh lên lưng, cứ thế cõng anh về hầm.

Đạn vẫn xả rát nòng súng, lựu đạn vẫn bay tạo nên tiếng nổ ầm ầm, thêm trực thăng trên trời cao thả bom không nghỉ.

- Anh ơi, cố lên, sắp về đến hầm rồi.

Thái Hanh nói vậy để anh Tích an tâm, mặc dù còn mấy cây nữa mới tới.

Anh Tích bị trúng hai phát đạn, mất máu nhiều, nhưng vẫn có cảm giác thằng em mình đang cõng mình trên lưng, và rồi nó ngã lăn ra đất.

Nó đứng lên, tiếp tục cõng anh. Lần này nó chạy chậm hơn lần trước, hệt như người bị tật.

Một lát sau, nó lại ngã thêm ba lần nữa.

Cái thằng, đã bảo là đừng có đổi gạo lấy rượu nếp rồi cơ mà.

Lại còn đổi áo rét lấy lọ thủy tinh, báo hại sức khỏe ngày một yếu.

Nó lúc nào cũng hăm hở lên đường vào mặt trận, khát lắm mới uống một ngụm nước, đói lắm mới chịu dừng lại ăn một miếng lương khô.

Rõ ràng là buồn ngủ rũ cả mắt ra, nhưng nó vẫn đi, anh Trân mệt bở hơi tai nó cũng không cho anh nghỉ. Cái thằng, hư đến thế là cùng.

Hỏi nó vì sao nó hăm hở thế, mong chờ ngày đánh trận cuối cùng thế, nó bảo đánh xong là được về nhà, về nhà với thầy u, về nhà để tiếp tục sự nghiệp dạy học ở ngôi trường trên huyện, về nhà với người nó thương.

Người nó thương, đẹp lắm, giỏi lắm, thương nó lắm.

Người nó thương, tên Điền Chính Quốc.

Cảm giác của anh Tích lúc nào cũng đúng.

Trước khi ngã xuống, Kim Thái Hanh đã ăn hai viên đạn.

Hai viên, một viên sượt qua cánh tay trái. Viên còn lại một phát ghim thẳng vào đùi.

- Anh Tích ơi, đến hầm rồi.

Chẳng biết đã đến hầm hay chưa, nhưng thằng em anh Tích đã gục xuống.

Trước khi lịm đi vì đau, vì đói, vì kiệt sức, Kim Thái Hanh đã nghĩ đến em.

Quốc ơi, anh sẽ về, nhưng không phải hôm nay.

Em của đời anh ơi, yêu thương chưa đủ, kiếp sau sẽ bù, em cho anh cơ hội bù đắp em nhé!

Trước khi lịm đi, anh nghe loáng thoáng tiếng hò reo đến là vui tai.

Có lẽ, trận này ta thắng rồi. Em muốn vực dậy, muốn hô hào hai tiếng Tổ quốc thân thương. Nhưng, mắt em chẳng thể mở nổi, chắc có lẽ em nên ngủ một giấc. Chỉ một giấc thôi, rồi em sẽ dậy chung vui với mọi người, hòa mình trong chiến thắng của chúng ta.

Nhưng ba mươi chưa phải là Tết, một quả bom rơi thẳng xuống đất, ầm một tiếng.

Lẫn giữa tiếng bom ác liệt, Thái Hanh nghe thấy tiếng hát thân thương. Phải rồi, tiếng hát của mẹ, của cái Thanh, và của Điền Chính Quốc.

"Ai làm cho khói lên giời,

Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly.

Ai làm cho Nam - Bắc phân kỳ,

Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân."

(Đời Thừa - Nam Cao)

to be continued.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net