LỜI GIỚI THIỆU:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương trình hoành tráng nhất Thế Giới

  Tôi dành những năm tháng đại học làm công việc của một nhân viên phục vụ phòng ở một khách sạn xinh đẹp tại Los Angeles.

  Một người khách thường xuyên lui tới đây là một vị giám đốc công nghệ. Ông ấy là một thiên tài, đã thiết kế và là chủ nhân bằng sáng chế của một bộ phận chủ chốt trong những bộ định tuyến Wi-Fi khi ông đang trong độ tuổi 20. Ông đã khởi dựng và bán vài công ty. Ông ấy cực kỳ thành công.

  Ông cũng có một mối quan hệ với đồng tiền mà tôi mạn phép miêu tả là sự trộn lẫn giữa cảm giấc bất an và sự ngu ngốc của con trẻ.

  Ông mang theo mình một xấp hàng trăm tờ đô-la dày vài inch. Ông rút chúng ra cho bất cứ ai muốn hay không muốn xem chúng. Ông lớn tiếng khoe khoang về của cải của mình, thường là khi đang say và không vì bất cứ lý do gì.

  Một ngày nọ ông đưa cho một trong những người đồng nghiệp của tôi một vài tờ tiền vài ngàn đô-la và nói, "Đến cửa hiệu trang sức ở cuối đường và mua cho tôi một vài đồng vàng 1.000 đô-la."

  Một tiếng sau, với những đồng xu vàng trong tay, vị giám đốc công nghệ và bạn bè ông tụ tập ở một bến tàu nhìn ra Thái Bình Dương. Họ ném những đồng xu đó vào mặt biển, lia chúng như những viên sỏi, cười ngặt nghẽo khi họ tranh cãi xem xu của ai đi xa nhất. Chỉ để mua vui.

  Nhiều ngày sau đó ông làm vỡ một chiếc đèn ở trong nhà hàng của khách sạn. Một vị quản lý nói với ông rằng chiếc đèn có giá trị 500 đô-la và ông sẽ phải thay thế nó.

  "Cậu muốn 500 đô-la?", vị giám đốc hỏi một cách ngờ vực, trong khi rút ra một cọc tiền từ túi và đưa nó cho người quản lý. "Đây là 5.000 đô-la. Giờ thì biến cho khuất mắt ta. Và đừng bao giờ lăng mạ ta như thế lần nữa."

  Bạn có thể tự hỏi hành vi này sẽ kéo dài bao lâu, và câu trả lời là "không lâu lắm". Tôi được biết rằng nhiều năm sau đó ông ấy đã phá sản.

  Ý tưởng của cuốn sách này đó là có nhiều tiền không liên quan nhiều đến việc bạn thông minh như thế nào mà lại liên quan lớn đến cách bạn hành xử. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thực sự thông minh.

  Một thiên tài không kiểm soát được cảm xúc của anh ta có thể dẫn tới một thảm họa tài chính. Điều ngược lại cũng đúng. Những người bình thường không có kiến thức về tài chính có thể trở nên giàu có nếu học nắm trong tay những kỹ năng hành xử không liên quan đến những thước đo chính thống về trí thông minh.

_______________________

  Bài viết trên Wikipedia yêu thích của tôi bắt đầu như sau: "Ronald James Read là một nhà hảo tâm, nhà đầu tư, lao công, và nhân viên trạm xăng."

  Ronald Read được sinh ra ở vùng quê Vermont. Ông là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp cấp ba, và sự thật rằng ông đi nhờ xe đến trường mỗi ngày càng làm điều này trở nên ấn tượng.

  Với những ai biết Ronal Read, không còn nhiều điều khác đáng để nhắc tới. Cuộc đời của ông cũng trầm lắng như cách nó bắt đầu vậy.

  Read sửa xe ở một trạm xăng suốt 25 năm và quét sàn ở JCPenney suốt 17 năm. Ông mua một căn nhà có hai phòng ngủ với giá 12.000 đô-la ở tuổi 38 và sống ở đó đến cuối đời. Ông góa vợ ở tuổi 50 và không bao giờ tái hôn. Một người bạn hồi tưởng lại rằng sở thích chính của ông là chặt củi.

  Read qua đời vào năm 2014, ở tuổi 92. Đó là lúc mà người lao công khiêm nhường được lên bản tin thế giới.

  2.813.503 người Mỹ đã qua đời vào năm 2014. Ít hơn 4.000 người trong số họ có giá trị tài sản ròng quá 8 triệu đô khi họ mất đi. Ronald Read là một trong số những người đó.

  Trong di chúc của ông, người lao công quá cố đã để lại 2 triệu đô cho những đứa cháu dượng và hơn 6 triệu đô cho bệnh viện và thư viện địa phương.

  Những người quen biết Read đều hết sức ngạc nhiên. Ông đã lấy đâu ra toàn bộ số tiền đó?

  Hóa ra chẳng có bí mật nào hết. Không hề có vụ thắng cược xổ số hay thừa kế nào. Read đã tiết kiệm số tiền ít ỏi mà ông có thể và đầu tư nó vào cổ phiếu blue chip. Sau đó ông chờ đợi, hàng thập kỷ trôi qua, khi mà khoản tiết kiệm bé nhỏ đó sinh lời lãi cộng dồn thành hơn 8 triệu đô.

  Chuyện là thế đó. Từ một người lao công thành một nhà hảo tâm.

  Một vài tháng trước khi Ronald Read qua đời, một người đàn ông khác tên là Richard xuất hiện trên bản tin.

  Richard Fuscone là tất cả những gì mà Ronald Read đã không thể trở thành. Một giám đốc của Merrill Lynch (Bộ phận quản lý tài sản của Ngân hàng Hoa Kỳ) được đào tạo bởi Harvard với tấm bằng MBA, Fuscone đã có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực tài chính đến mức ông nghỉ hưu ở độ tuổi 40 để trở thành một nhà hảo tâm. Cựu CEO của Merrill là David Komansky đã khen ngợi "kiến thức kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, những phán đoán hợp lý và chính trực" của Fuscone. Tạp chí kinh doanh Crain's từng đưa ông vào danh sách "40 người dưới 40 tuổi" gồm những doanh nhân thành công.

  Nhưng sau đó - giống như vị giám đốc công nghệ lia đồng xu vàng - mọi thứ tan rã.

  Giữa thập niên 2000, Fuscone đã vay mượn số tiền lớn để mở rộng căn nhà với diện tích 18.000 feet vuông ở Greenwich, Connecticut chứa 11 nhà tắm, 2 cầu thang máy, 2 bể bơi, 7 nhà để xe và phải chi trả hơn 9.000 đô-la một tháng để duy trì nó.

  Sau đó cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra.

  Cuộc khủng hoảng tác động xấu đến tài chính của hầu hết mọi người. Nó hiển nhiên cũng đã biến tài sản của Fuscone thành tro bụi. Khoản nợ lớn cùng tài sản kém thanh khoản khiến ông phá sản. "Hiện tại tôi không có nguồn thu nhập nào", ông thừa nhận với thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản vào năm 2008.

  Đầu tiên căn nhà ở Palm Beach của ông bị tịch thu.

  Năm 2014, đến lượt căn biệt thự ở Greenwich.

  Năm tháng trước khi Ronald Read để lại gia tài của ông cho quỹ từ thiện, căn nhà của Richard Fuscone - nơi mà những vị khách từng tới hồi tưởng lại cảm giác "phấn khích khi ăn tối và nhảy múa trên phần mái xuyên thấu của chiếc bể bơi trong nhà" - đã bị bán trong buổi đấu giá tài sản tịch thu với giá trị ít hơn 75% so với con số mà công ty bảo hiểm đã tính toán.

  Ronald Read thì kiên nhẫn; Richard Fuscone lại tham lam. Đo là tất cả những gì cần thiết để khỏa lấp khoảng cách về giáo dục và kinh nghiệm giữa hai con người này.

  Bài học ở đây không phải là làm giống Ronald hơn và đừng bắt chước Richard - mặc dù tôi có thể nghĩ đến những lời khuyên tồi tệ hơn.

  Điều thú vị về những câu chuyện này là sự độc đáo của chúng đối với tài chính.

  Liệu còn ngành công nghiệp nào khác có trường hợp một ai đó không có bằng cấp, không được đào tạo, không có lý lịch tốt, không có kinh nghiệm, và không có chút mối quan hệ nào lại chiến thắng một người được hưởng nền giáo dục tốt nhất, trải qua những khóa đào tạo tốt nhất, và có các mối quan hệ tốt nhất?

  Tôi khó mà nghĩ ra được.

  Thật không thể nào nghĩ ra câu chuyện về Ronald Read thực hiện một ca ghép tim giỏi hơn một vị bác sĩ đã được đào tạo ở Harvard. Hay thiết kế ra một tòa nhà chọc trời siêu việt hơn cả những kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm nhất. Sẽ không bao giờ có một câu chuyện về một người lao công vượt trội hơn những kỹ sư hạt nhân hàng đầu thế giới.

  Nhưng những câu chuyện như vậy lại có xảy ra trong lĩnh vực đầu tư.

  Có hai lý do diễn giải cho sự thật rằng Ronald Read có thể đồng tồn tại với Richard Fuscone. Một là, các kết quả tài chính được định hướng bởi sự may mắn, không phụ thuộc vào trí thông minh hay nỗ lực. Điều đó đúng ở một mức độ nào đó, và cuốn sách này sẽ trao đổi kỹ càng hơn về vấn đề này. Hoặc, hai là (và tôi nghĩ điều này phổ biến hơn), sự thành công trong tài chính không phải là một lĩnh vực khoa học khó nhằn. Nó là một kỹ năng mềm, nơi mà cách bạn hành xử quan trọng hơn điều mà bạn biết.

  Tôi gọi kỹ năng mềm này là tâm lý học tiền tệ. Mục đích của cuốn sách này là sử dụng những câu chuyện ngắn để thuyết phục bạn rằng những kỹ năng mềm còn quan trọng hơn khái cạnh lý thuyết của đồng tiền. Tôi sẽ làm điều này theo cách giúp đỡ mọi người - từ Read đến Fuscone và những người khác nữa - đưa ra được những quyết định tài chính đúng đắn hơn.

  Những kỹ năng mềm này, như tôi đã nhận ra, thường bị coi thường.

  Tài chính được dạy dỗ một cách choáng ngợp như một lĩnh vực có nền tảng toán học, nơi bạn đưa dữ liệu vào một công thức và công thức đó cho bạn biết cần phải làm gì, và cho rằng bạn sẽ tiến hành đúng như vậy.

  Điều này là đúng trong khía cạnh tài chính cá nhân, nơi mà bạn được khuyên mở một quỹ khẩn cấp trong sáu tháng và tiết kiệm được 10% tiền lương của bạn.

  Nó cũng đúng trong đầu tư, nơi chúng ta biết chính xác mối tương quan trong quá khứ giữa tỷ lệ lãi suất và mức định giá.

  Và nó cũng đúng trong các tập đoàn tài chính, nơi mà những CFO có thể đo đếm giá trị chính xác của dòng vốn.

  Không phải những điều trong số này là xấu hay sai lầm. Chỉ là biết được điều cần làm không nói cho bạn biết điều sẽ xảy ra trong đầu bạn khi bạn thử làm theo nó.

________________________

  Hai chủ đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người, dù bạn có quan tâm đến chúng hay không; đó là sức khỏe và tiền bạc.

  Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe là chiến thắng vang dội của khoa học hiện đại, với tuổi thọ trung bình gia tăng trên khắp thế giới. Những khám phá khoa học đã thế chỗ những ý tưởng cũ kỹ của bác sĩ về cách vận hành của cơ thể, và hầu như tất cả mọi người đều khỏe lên nhờ điều đó.

  Ngành tiền tệ - đầu tư, tài chính cá nhân, lập kế hoạch kinh doanh - lại là một câu chuyện khác.

  Tài chính đã tóm lấy những bộ óc thông minh nhất bước ra khỏi những trường đại học hàng đầu trong vòng hai thập kỷ qua. Kỹ thuật tài chính là ngành thu hút nhất ở trường kỹ thuật của Đại học Princeton một thập kỷ trước. Có bằng chứng nào cho thấy nó đã biến chúng ta thành những nhà đầu tư tài giỏi hơn không?

  Tôi chưa thấy được.

  Thông qua một tập hợp những thử nghiệm và sai lầm của nhiều năm chúng ta đã học được cách trở thành những nông dân giỏi giang hơn, những thợ sửa ống nước nhiều kỹ năng hơn, và những nhà hóa học tiên tiến hơn. Nhưng liệu việc thử nghiệm và sai lầm có dạy chúng ta trở nên giỏi hơn trong cách quản lý tài chính cá nhân của chính mình không? Chúng ta hiếm khi lâm vào hoàn cảnh nợ ngập đầu ư? Biết tiết kiệm để dành cho lúc khốn khó hơn ư? Chuẩn bị sẵn sàng cho việc nghỉ hưu? Có những cái nhìn thiết thực về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc cảu chúng ta hơn phải không?

  Tôi chưa thấy một bằng chứng thuyết phục nào cả.

  Phần lớn lý do tại sao, tôi tin, đó là do chúng ta nghĩ về cũng như được dạy về tiền tệ theo những cách quá giống với vật lý học (gồm những quy tắc và định luật) chứ không như môn tâm lý học (với cảm xúc và sắc thái).

  Và điều đó, đối với tôi, cũng thú vị y như tầm quan trọng của nó vậy.

  Tiền bạc có ở khắp mọi nơi, nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, và khiến phần lớn chúng ta bối rối. Mọi người nghĩ về nó theo những cách hơi khác nhau một chút. Nó mang lại những bài học có thể được áp dụng tới rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, như rủi ro, sự tự tin, và hạnh phúc. Rất ít chủ đề cung cấp một lăng kính phóng to đầy quyền lực giúp giải thích vì sao mọi người lại hành xử theo cách học làm hơn là về tiền bạc. Đó mới là một trong những chương trình hoành tráng nhất trên thế giới.

  Sự trân trọng của bản thân tôi với tâm lý học tiền tệ được định hình bởi hơn một thập kỷ viết về chủ đề này. Tôi bắt đầu viết về tài chính vào đầu năm 2008. Đó là bình minh của cuộc khủng hoảng tài chính và là cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 80 năm.

  Để viết về những gì đã xảy ra, tôi muốn hiểu được ngọn ngành. Nhưng điều đầu tiên tôi học được sau cuộc khủng hoảng tài chính đó là không một ai có thể giải thích chính xác điều gì đã xảy ra, hay tại sao nó lại xảy ra, chứ chưa nói đến cần phải làm gì với vấn đề đó. Mỗi một lời giải thích hợp lý lại có một lời bác bỏ thuyết phục không kém.

  Những kỹ sư có thể xác định nguyên nhân gây sập cầu bởi vì có một sự thống nhất rằng nếu một trọng lượng nhất định được đặt lên một khu vực nhất định, thì khu vực đó sẽ gãy. Vật lý không phải là điều gây tranh cãi. Nó được điều hướng bởi những định luật. Tài chính thì khác. Nó được điều hướng bởi hành vi của con người. Và cách mà tôi hành xử có thể hợp lý với tôi nhưng lại hoàn toàn điên rồ với bạn.

  Tôi càng nghiên cứu và viết về cuộc khủng hoảng tài chính, tôi càng nhận ra rằng bạn có thể hiểu được nó rõ hơn qua những lăng kính của môn tâm lý học và lịch sử, chứ không phải là tài chính.

  Để hiểu được tại sao mọi người lại chôn mình trong đống nợ thì bạn không cần phải học về tỷ lệ lãi suất; bạn cần phải học về quá khứ tham lam, sự bất an, và chủ nghĩa lạc quan. Để hiểu được tại sao những nhà đầu tư lại bán ra khi ở cuối thị trường gấu bạn không cần phải học thuật toán về những lợi nhuận được trông đợi trong tương lai; bạn cần phải suy nghĩ về nỗi đau khi nhìn vào gia đình của bạn và tự hỏi liệu những khoản đầu tư của bạn có đang gây nguy hiểm cho tương lai của họ hay không.

  Tôi rất tâm đắc với góc nhìn của Voltaire rằng "Lịch sử không bao giờ tự lặp lại; nhưng con người thì có." Nó áp dụng quá đúng với cách mà chúng ta hành xử với tiền bạc.

  Năm 2018, tôi đã viết một bản báo cáo vạch ra 20 trong số những khiếm khuyết, định kiến, và nguyên nhân quan trong nhất của hành vi xấu mà tôi đã chứng kiến có ảnh hưởng lên mọi người trong việc đối phó với tiền bạc. Nó được gọi là Tâm lý học tiền tệ, và hơn một triệu người đã đọc nó. Cuốn sách này là phiên bản đi sâu hơn vào chủ đề đó. Một vài đoạn ngắn từ bản báo cáo đó có xuất hiện không qua chỉnh sửa trong cuốn sách này.

  Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay gồm 20 chương, mỗi chương miêu tả yếu tố mà tôi coi là quan trọng nhất và thường đi ngược lại với trực giác về tâm lý học tiền tệ. Những chương sách này xoay quanh một chủ đề chung, nhưng tồn tại riêng biệt và có thể đọc riêng rẽ.

  Đây không phải là một cuốn sách dài. Bạn không cần cảm ơn tôi đâu. Phần lớn những độc giả đều không hoàn thành xong cuốn sách mà họ chọn đọc bởi vì đa số các chủ đề đơn lẻ không cần đến 300 trang sách chỉ để diễn giải. Tôi thà đưa ra 20 ý kiến ngắn mà bạn sẽ đọc trọn vẹn còn hơn một ý kiến dài khiến bạn từ bỏ.

  Bắt đầu thôi.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net