3. Xạ thủ và Chủ nông trại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày hôm sau là cuối tuần, nhưng Uông Diểu lại dậy rất sớm, mang theo máy ảnh, đạp xe ra ngoài. Là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, đề tài mà anh ưa thích nhất là những vùng hoang dã vắng dấu chân người, nhưng dầu gì cũng đã bước vào tuổi trung niên, không còn tinh lực để hưởng thụ cái thú xa xỉ đó nữa, hầu hết thời gian chỉ có thể đi chụp phong cảnh trong thành phố mà thôi. Nửa vô tình nửa cố ý, anh thường chọn những góc toát lên vẻ hoang sơ trong thành phố, như đáy hồ cạn trong công viên, thửa đất mới đào ở công trường xây dựng, cỏ dại mọc trong những rảnh bê tông. Để loại trừ những sắc thái lòe loẹt của thành thị trong bối cảnh, anh chỉ dùng phim đen trắng, không ngờ lại thành một trường phái riêng, dần dần cũng có chút tiếng tăm nho nhỏ, tác phẩm hai lần được chọn tham gia triển lãm ảnh lớn, còn gia nhập cả hiệp hội nhiếp ảnh gia. Mỗi lần ra ngoài chụp, anh đều đạp xe đi tha thẩn trong thành phố, tìm bắt cảm hứng và bố cục cần thiết cho bức ảnh, có lúc đi lòng vòng cả ngày trời.

Hôm nay, Uông Diểu cảm thấy hơi lạ. Lối chụp của anh dựa trên sự trầm ổn của phong cách cổ điển, nhưng hôm nay, anh lại thấy rất khó khăn khi tìm kiếm cảm giác ổn định cần thiết để tạo ra những bố cục kiểu như thế trong đầu, anh cảm thấy thành phố đang thức tỉnh giữa ánh ban mai này dường như được xây dựng trên nền cát chảy, sự ổn định của nó chỉ là hư ảo. Từ đêm trước, hai viên bi a nọ vẫn luôn chiếm cứ giấc mộng dài của anh, chúng bay loạn xạ không theo quy tắc nào trong không gian màu đen, trên nền đen, không nhìn thấy viên bi đen đâu, chỉ những lúc ngẫu nhiên va đập vào viên bi màu trắng nó mới thể hiện sự tồn tại của mình.

Lẽ nào bản nguyên của vật chất là không có quy luật? Lẽ nào sự ổn định và trật tự của thế giới chỉ là điểm cân bằng động tạm thời trong cái góc vũ trụ này? Chỉ là một xoáy nước ngắn ngủi giữa dòng nước chảy hỗn loạn mà thôi?

Bất giác, anh đã đạp xe đến chân tòa nhà CCTV mới xây xong. Anh dừng xe lại ngồi ở ven đường, ngước nhìn tòa kiến trúc hình chữ A nguy nga cao ngất, cố thử tìm lại cảm giác ổn định. Theo hướng đỉnh chóp đang lấp lóa dưới ánh Mặt trời buổi sớm, anh nhìn về phía bầu trời xanh sâu không thấy đáy kia, trong đầu chợt hiện lên hai từ: Xạ thủ, Chủ nông trại.

Khi các học giả trong tổ chức Biên giới Khoa học tiến hành thảo luận, họ thường dùng một từ viết tắt: SF, từ này không phải chỉ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (science fiction), mà là viết tắt của hai từ trên (shooter, farm owner).

Chuyện này bắt nguồn từ hai giả thuyết, đều đề cập đến bản chất của hai quy luật vũ trụ.

Giả thuyết "xạ thủ": có một tay xạ thủ, cứ cách 10 cm lại bắn thủng một lỗ trên tấm bia. Giả sử trên bề mặt tấm bia này có một loài sinh vật có trí tuệ, tồn tại trong không gian hai chiều, các nhà khoa học của bọn họ sau khi tiến hành quan sát vũ trụ của mình đã phát hiện ra một định luật vĩ đại: "Cứ cách 10 cm, ắt hẳn phải có một cái hố." Chúng đã coi hành vi tùy hứng của tay xạ thủ kia thành quy luật thép trong vũ trụ của mình.

Giả thuyết "chủ nông trại" thì lại mang sắc thái kinh dị khiến người ta bất an: trong nông trại nọ có một đàn gà tây, 11 giờ trưa hằng ngày, chủ nông trại đều cho bọn chúng ăn. Một nhà khoa học gà tây quan sát hiện tượng này suốt gần một năm mà không có ngoại lệ nào, vì vậy nó cũng phát hiện ra một định luật vĩ đại trong vũ trụ của mình: "11 giờ trưa hằng ngày sẽ có thức ăn rơi xuống." Buổi sáng sớm ngày lễ Tạ Ơn, nó tuyên bố định luật này cho lũ gà tây, nhưng 11 giờ trưa hôm đó lại không có thức ăn rơi xuống, chủ nông trại đi vào bắt bọn chúng làm thịt hết.

Uông Diểu cảm thấy mặt đất dưới chân mình đang trôi đi như một vũng cát chảy, toàn nhà cao tầng hình chữ A tựa hồ cũng lung lay dao động, anh vội thu ánh mắt lại.

Để thoát khỏi tâm trạng bất an, Uông Diểu ép mình chụp hết một cuộn phim rồi trở về nhà trước buổi cơm trưa. Vợ anh đã dẫn con đi chơi, buổi trưa không quay về. Thường ngày, Uông Diểu nhất định sẽ vội vàng đem cuộn phim đi tráng rửa luôn, nhưng hôm nay anh lại chẳng hứng thú gì. Ăn qua loa cho xong bữa trưa, anh nằm lăn ra ngủ, vì đêm qua cứ trằn trọc không yên giấc nên anh ngủ thẳng đến gần năm giờ chiều. Lúc này, anh mới nhớ ra cuộn phim chụp ban sang, bèn chui vào phòng tối chật hẹp được cải tạo từ chiếc tủ âm tường để tráng phim.

Cuộn phim nhanh chóng được tráng hết, anh bắt đầu kiểm tra xem có tấm nào đáng để rửa phóng ra thành ảnh không, nào ngờ ngay bức đầu tiên anh đã phát hiện một việc kỳ lạ. Bức này chụp một bãi cỏ nhỏ bên ngoài khu chợ lớn, Uông Diểu thấy ở chính giữa tấm phim có dải gì đó màu trắng, nhìn kỹ thì là một dãy số: 1200:00:00.

Tấm phim thứ hai cũng có số: 1199:49:33.

Nguyên cả cuộn phim, tấm nào cũng có một hàng số nhỏ.

Tấm thứ ba: 1199:40:18; tấm thứ tư: 1199:32:07; tấm thứ năm: 1199:28:51;

tấm thứ sáu: 1199:15:44, tấm thứ bảy: 1199:07:38; tấm thứ tám: 1198:53:09...

tấm thứ ba mươi tư: 1194:50:49; tấm thứ ba mươi sáu, cũng là tấm cuối cùng: 1194:16:37.

Uông Diểu lập tức nghĩ cuộn phim có vấn đề. Anh dùng máy ảnh cơ Leica M2 sản xuất năm 1988, toàn bộ thao tác đều bằng tay, không có bất cứ tính năng tự động nào, càng không thể in chồng lên phim những con số kiểu như ngày tháng thế này. Chỉ tính riêng ống kính và kết cấu máy tuyệt vời, dù ở giữa thời đại kỹ thuật số, chiếc máy ảnh này cũng được xếp vào hàng quý tộc trong số máy ảnh chuyên nghiệp.

Kiểm tra lại từng tấm phim một, Uông Diểu nhanh chóng phát hiện ra điểm kỳ dị đầu tiên của những con số đó: chúng tự động thích ứng với bối cảnh. Nếu cảnh nền là màu đen, con số sẽ là màu trắng, còn nếu bối cảnh màu trắng thì những con số sẽ là màu đen, như để tạo độ tương phản lớn nhất tiện cho người xem nhìn rõ được. Khi Uông Diểu xem lại tấm phim thứ mười tám, tim anh bỗng đập thìch thịch, cảm tưởng như trong phòng tối có một luồng khí lạnh dọc theo sống lưng mình đi lên.

Tấm ảnh này chụp một cây khô trên nền bức tường cũ, bức tường lốm đốm từng mảng, trong ảnh cũng hiện lên những chỗ đen chỗ trắng đan xen nhau. Trên cảnh nền này, nếu vẫn ở vị trí bình thường, hàng số kia dù màu đen hay trắng đều không thể hiện thị rõ ràng, nhưng nó lại đã dựng lên, đồng thời uốn cong mình, hiện màu trắng men theo thân cây khô sẫm màu, thoạt trông tựa như một con rắn nhỏ bám trên thân cây vậy.

Uông Diểu bắt đầu nghiên cứu quan hệ số học giữa những con số ấy, mới đầu anh cho rằng đó là một loại mã số nào đó, nhưng khoảng cách giữa mỗi nhóm số lại không giống nhau, anh nhanh chóng hiểu ra đây là những con số chỉ thời gian dùng giờ, phút, giây làm đơn vị tính. Anh lấy cuốn bút ký nhiếp ảnh của mình ra, trên đó có ghi chép tỉ mỉ thời gian chụp từng bức ảnh, chính xác đến từng phút. Anh nhận ra, chênh lệch giữa giá trị thời gian trên hai bức ảnh và khoảng thời gian cách quãng giữa hai lần chụp thực tế là đồng nhất. Rất rõ ràng, cuộn phim này đang ghi lại thời gian trôi đi với tốc độ bình thường trong hiện thực theo hướng nghịch đảo. Uông Diểu lập tức hiểu ra nó là cái gì.

Một bộ đếm ngược thời gian.

Bắt đầu từ 1200 tiếng đồng hồ, hiện tại vẫn còn lại 1194 tiếng.

Hiện tại, không phải, đó là thời khắc chụp xong tấm ảnh cuối cùng trong cuộn phim. Bộ đếm ngược này vẫn còn tiếp tục chứ?

Uông Diểu ra khỏi phòng tối, lấy một cuộn phim đen trắng mới lắp vào chiếc Leica, chụp nhanh vài bức trong nhà, cuối cùng lại ra ban công chụp mấy bức ngoại cảnh. Sau khi chụp hết cuộn phim, anh lấy nó ra khỏi máy, chui luôn vào phòng tối tráng rửa. Trên những tấm phim đã tráng, những con số ấy không ngừng hiển hiện trên nền phim như những bóng ma, tấm đầu tiên là 1187:27:39, từ lúc chụp tấm cuối cùng của cuộn phim trước đến tấm đầu tiên của cuộn phim này, vừa khéo cách chừng ấy thời gian. Những tấm sau đó, thời gian cách nhau chừng ba bốn giấy, 1187:27:35, 1187:27:31, 1187:27:27, 1187:27:24...

là khoảng thời gian gián cách lúc anh chụp nhanh.

Bộ đếm ngược vẫn đang tiếp tục. Uông Diểu lại lắp phim mới vào máy ảnh, chụp loạn xạ thật nhanh, có mấy tấm anh còn cố ý đậy nắp ống kính vào để chụp. Khi Uông Diểu chụp xong cuộn phim lấy ra, vợ con anh đã về. Trước khi đi tráng rửa, anh lắp cuộn phim thứ ba vào, đưa máy ảnh cho vợ: "Này, em chụp hết cuộn phim này đi."

"Chụp cái gì?" Vợ anh kinh ngạc nhìn chồng. Trước đây, anh tuyệt đối không cho phép bất cứ ai động vào máy ảnh của mình, tất nhiên vợ và con trai anh cũng chẳng hứng thú gì với món đồ chơi ấy, trong mắt bọn họ, đó chỉ là một món đồ cổ vô vị tốn mất hai vạn tệ mua về.

"Cái gì cũng được, cứ chụp bừa đi."

Uông Diểu nhét máy ảnh vào tay vợ rồi chui vào phòng tối.

"Được rồi, Đậu Đậu, mẹ chụp ảnh cho con nhé." Vợ anh hướng ống kính về phía đứa con.

Trong đầu Uông Diểu đột nhiên hiện lên những con số tựa bóng ma kia, như một sợi dây treo cổ vắt ngang gương mặt con trai mình, anh bất giác khẽ run lên. "Đừng, đừng chụp con, chụp cái gì khác đi."

Cửa trập "lạch xạch" một tiếng, vợ anh chụp tấm ảnh đầu tiên, sau đó kêu lên: "Sao không ấn được nữa thế này?" Uông Diểu dạy vợ gạt một cái cần, "Thế này, mỗi lần đều phải lên phim." Sau đó, anh chui vào phòng tối.

"Thật phiền phức." Người vợ bác sĩ của anh không thể hiểu nổi, tại sao trong thời đại ngày nay, khi máy ảnh kỹ thuật số có khả năng chụp ảnh hàng chục megapixel đã đầy rẫy, lại có người dùng cái món đồ chơi đắt tiền đã hết thời này, vả lại còn chụp bằng phim đen trắng nữa.

Cuộn phim đã được tráng ra, giơ lên ánh đèn đỏ mờ mờ, Uông Diểu thấy bộ đếm ngược thời gian như một bóng ma kia vẫn đang tiếp tục trên những tấm ảnh anh chụp bừa, bao gồm cả mấy tấm đã đóng nắp ống kính lại mà chụp đều hiển thị rõ ràng: 1187:19:06, 1187:19:03, 1187:18:59, 1187:18:56...

Vợ anh gõ cửa phòng tối, báo rằng đã chụp xong, Uông Diểu ra cửa giật lấy máy ảnh, lúc tháo cuộn phim ra, tay anh rõ ràng đang run lên. Anh mặc kệ ánh mắt kỳ lạ của vợ, cầm cuộn phim lại quay vào phòng tối chốt cửa thật chặt. Anh làm rất lộn xộn, thuốc hiện ảnh, thuốc giữ ảnh vương vãi đầy đất, cuộn phim nhanh chóng được tráng ra, anh nhắm cả hai mắt lại thầm cầu khấn: đừng xuất hiện, cho dù là gì chăng nữa, cũng đừng xuất hiện lúc này, đừng đến lượt...

Anh dùng kính lúp soi dọc theo cuộn phim ướt nhẹp, thấy bộ đếm giờ ngược đã biến mất, trên tấm phim chỉ có cảnh tượng trong nhà mà vợ anh chụp, do tốc độ cửa trập thấp, những tấm ảnh thao tác thiếu chuyên nghiệp do cô chụp ra đều mờ mịt, nhưng Uông Diểu lại cảm thấy đây là những tấm ảnh đẹp nhất mà anh từng được xem.

Uông Diểu ra khỏi phòng tối, thở phào nhẹ nhõm, bấy giờ mới phát hiện mồ hôi lạnh đã đầm đìa khắp người. Vợ anh đã vào bếp nấu cơm, con trai cũng vào phòng nó chơi, anh một mình ngồi xuống xô pha, bắt đầu tĩnh tâm suy nghĩ.

Trước tiên, những con số có dấu hiệu của trí tuệ nhân tạo, ghi lại chính xác dòng chảy thời gian trong những khoảng thời gian khác nhau giữa các lần chụp ảnh này không thể nào được ghi sẵn trên cuộn phim, mà chỉ có thể là sức mạnh nào đó đã khiến nó lộ sáng, vậy đó là gì? Máy ảnh có vấn đề ư? Hay một thiết bị nào đó, vô tình hoặc cố ý, đã được lắp vào trong chiếc máy? Anh tháo ống kính, mở máy ảnh ra, dùng kính lúp cẩn thận quan sát bên trong chiếc máy ảnh, kiểm tra từng bộ phận bóng loáng không dính một hạt bụi, nhưng không phát hiện ra điều gì khác thường. Vậy thì, liên tưởng đến mấy bức ảnh chụp khi đóng nắp ống kính lại, nguồn cảm quang rất có khả năng là loại tia bức xạ nào đó có lực xuyên thấu rất mạnh từ bên ngoài, nhưng điều này là không thể về mặt kỹ thuật: nguồn phát xạ ở đâu? Làm sao lại nhắm được chuẩn vào máy ảnh?

Ít nhất với trình độ kỹ thuật hiện tại, loại lực lượng này là siêu nhiên.

Để xác nhận lại là bộ đếm giờ ma quái kia đã biến mất, Uông Diểu lắp vào chiếc Leica một cuộn phim nữa, bắt đầu chụp bừa từng tấm từng tấm một. Lần này, khi cuộn phim được tráng xong, vừa bình tĩnh được đôi chút anh lại bị đẩy đến ranh giới của điên rồ: bộ đếm giờ ma quái kia lại xuất hiện, từ thời gian hiển thị trên tấm phim, có thể thấy nó không hề dừng lại, chỉ là không hiện ra trên cuộn phim vợ anh chụp mà thôi.

1186:34:13, 1186:34:02, 1186:33:46, 1186:33:35...

Uông Diểu lao ra khỏi phòng tối, chạy ra khỏi nhà, gõ cửa nhà hàng xóm, người ra mở cửa là giáo sư Trương đã nghỉ hưu.

"Bác Trương, nhà bác có máy ảnh không? Ừm, không cần loại máy kỹ thuật số, tôi muốn dùng loại chụp phim ấy!"

"Nhiếp ảnh gia mà lại mượn máy của tôi hả? Cái máy hơn hai vạn tệ kia hỏng rồi à? Tôi chỉ có máy ảnh số thôi... cậu không khỏe à? Sắc mặt sao mà khó coi vậy."

"Cho tôi mượn một chút."

Ông Trương nhanh chóng lấy ra một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Kodak rất bình thường. "Đây, mấy tấm bên trong đó xóa đi là được..."

"Cảm ơn!" Uông Diểu hấp tấp cầm lấy máy ảnh và phim, vội vàng chạy về nhà. Thực ra, trong nhà anh còn có ba chiếc máy phim và một chiếc máy số, nhưng Uông Diểu cảm thấy mượn từ nơi khác về đáng tin cậy hơn. Anh nhìn hai chiếc máy ảnh và mấy cuộn phim đen trắng để trên xô pha, ngẫm nghĩ giây lát, rồi lại lắp cuộn phim vào chiếc Leica, sau đó đưa chiếc máy ảnh kỹ thuật số cho vợ đang dọn mâm cơm.

"Nhanh lên, chụp vài tấm đi, giống như lúc nãy ấy!"

"Làm cái gì vậy? Nhìn sắc mặt anh kìa... anh bị sao vậy ạ?!" Vợ Uông Diểu kinh hoàng nhìn anh.

"Em không cần lo, chụp đi!"

Vợ anh đặt đĩa thức ăn trên tay xuống, đi tới nhìn chồng, vẻ hoảng sợ trong ánh mắt lại nhuốm thêm phần lo âu.

Uông Diểu dúi chiếc Kodak vào tay đứa con sáu tuổi đang đi tới chuẩn bị ăn cơm, "Đậu Đậu, con chụp hộ bố. Ấn cái nút này này, đúng, đây là một tấm; ấn thêm lần nữa, đúng rồi, lại thêm một tấm nữa; cứ vậy mà chụp liên tục, chụp chỗ nào cũng được."

Con trai anh nhanh chóng nắm bắt được, thằng nhỏ rất thích thú, chụp nhanh vèo vèo. Uông Diểu quay người cầm chiếc Leica đang để trên ghế xô pha lên rồi cũng bắt đầu chụp, hai bố con cứ "lạch xạch, lạch xạch" chụp như điên, bỏ lại bà mẹ lung túng giữa ánh đền flash chớp nháy, nước mắt trào ra.

"Uông Diểu, em biết gần đây áp lực công việc của anh rất lớn, anh đừng..."

Uông Diểu chụp hết cuộn phim trong máy Leica, lại giằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số trên tay con trai. Anh ngẫm nghĩ một lúc, rồi đi vào phòng ngủ để thoát khỏi sự quấy rầy của vợ, tự mình dùng máy kỹ thuật số chụp thêm mấy tấm. Lúc chụp, anh dùng ống ngắm quang học chứ không nhìn màn hình tinh thể lỏng, vì sợ nhìn thấy kết quả, tuy rằng sớm muộn gì cũng phải xem ảnh.

Uông Diểu lấy cuộn phim ra khỏi máy Leica chui vào phòng tối, đóng chặt cửa lại rồi bắt đầu tráng rửa. Làm xong xuôi, anh nhìn kỹ lại mấy tấm phim, vì tay đang run rẩy, anh buộc phải dùng cả hai tay cầm kính lúp... Trên tấm phim, bộ đếm giờ ma quái vẫn đang tiếp tục.

Uông Diểu xông ra khỏi phòng tối, bắt đầu kiểm tra ảnh trong chiếc máy kỹ thuật số, trên màn hình LCD, trong những tấm ảnh kỹ thuật số vừa chụp, phần con trai anh chụp thì không có bộ đếm giờ ngược; còn những tấm anh chụp, bộ đếm giờ lại hiện lên rõ mồn một, đồng thời thay đổi đồng bộ với những con số trên phim âm bản.

Uông Diểu sử dụng các máy ảnh khác nhau để chụp, mục đích là muốn loại trừ khả năng vấn đề nằm ở máy ảnh hoặc phim, nhưng việc anh vô ý để con trai chụp ảnh, cộng với cuộn phim vợ anh chụp lúc trước, đã làm nảy ra một kết quả kỳ dị hơn: khi dùng máy ảnh khác nhau và các cuộn phim khác nhau để chụp, người khác chụp thì bình thường, chỉ có những bức ảnh do anh chụp mới xuất hiện bộ đếm giờ ma quái kia!

Uông Diểu tuyệt vọng túm lấy đống phim, như tóm cả đàn rắn đang cuộn xoắn lại với nhau, hoặc như một sợi dây thong lọng khó lòng giằng ra nổi.

Anh biết, chỉ với sức của mình thì không thể giải quyết được vấn đề này, nhưng phải đi tìm ai đây? Các đồng sự ở trường đại hoc và viện nghiên cứu thì không được, bọn họ cũng giống anh, đều là những người tư duy theo lối kỹ thuật; mà trực giác lại cho anh biết, chuyện này đã nằm ngoài phạm vi kỹ thuật rồi. Anh nghĩ đến Đinh Nghị, nhưng hiện tại, chính anh ta cũng đang có nguy cơ suy sụp tinh thần. Cuối cùng, anh nhớ đến Biên giới Khoa học, đó là một nhóm người có suy nghĩ sâu sắc, tư duy cởi mở. Nghĩ đoạn, anh bèn bấm số điện thoại của Thân Ngọc Phi.

"Tiến sĩ Thân, tôi có chút chuyện cần phải tới chỗ cô một chuyến." Uông Diểu gấp gáp nói.

"Đến đi." Thân Ngọc Phi nói xong hai chữ ấy liền dập máy luôn.

Uông Diểu lấy làm kinh ngạc, bình thường Thân Ngọc Phi nói năng cũng rất vắn tắt, đến nỗi một số người trong tổ chức Biên giới Khoa học còn gọi cô ta là "nữ Hemingway". Nhưng lần này, không ngờ cô ta còn chẳng buồn hỏi là chuyện gì, khiến Uông Diểu không biết nên cảm thấy được an ủi hay càng thêm bất an nữa.

Anh bỏ đống phim âm bản vào một túi xách, mang theo cả máy ảnh kỹ thuật số, lao khỏi nhà trong ánh mắt lo âu của vợ. Vốn dĩ anh có thể lái xe tự đi, nhưng dù trong thành phố đèn đuốc sáng rực này, anh cũng muốn có người bầu bạn trên đường, nên đã gọi một chiếc tắc xi.

Thân Ngọc Phi sống ở một khu biệt thự cao cấp gần tuyến tàu điện ngầm Tân Thành, ở đây ánh đèn đã thưa thớt hơn nhiều, các nhóm biệt thự quây xung quanh mấy hồ nhân tạo nhỏ có thể câu cá được, đêm về cũng có chút cảm giác thôn dã. Thân Ngọc Phi hiển nhiên rất giàu có, nhưng Uông Diểu bấy lâu vẫn không hiểu tài sản của cô ta ở đâu ra, vị trí nghiên cứu trước đây và cả chức vụ hiện tại của cô ta ở công ty đều không thể kiếm được nhiều tiền đến thế. Có điều, bên trong biệt thự của cô ta lại không có vẻ gì xa hoa, đó là một địa điểm tụ họp của Biên giới Khoa học, bài trí giống như một thư viện cỡ nhỏ, có cả phòng hội thảo.

Trong phòng khách, Uông Diểu gặp chồng Thân Ngọc Phi là Ngụy Thành. Người đàn ông bốn mươi này có vẻ bề ngoài của một trí thức đôn hậu, hiểu biết của Uông Diểu về anh ta chỉ giới hạn ở họ tên, lúc giới thiệu, Thân Ngọc Phi cũng chỉ nói có thế. Hình như anh ta không đi làm, cả ngày chỉ ở nhà, hoàn toàn không hứng thú gì với các cuộc thảo luận của Biên giới Khoa học, cũng đã quá quen với việc đông đảo các học giả ra ra vào vào nhà mình.

Nhưng anh ta không phải kẻ vô công rỗi nghề, rõ ràng cũng nghiên cứu thứ gì đó tại gia, cả ngày đều đắm chìm trong suy tư, thấy ai đến cũng chỉ hờ hững chào hỏi rồi trở về căn phòng trên gác, hầu hết thời gian trong ngày anh ta đều ở trong đó. Một lần, Uông Diểu lên lầu vô ý liếc nhìn vào qua cánh cửa hé mở, trông thấy một thứ kỳ lạ: một dàn máy tính cỡ trung hiệu HP(*). Anh không thể nhìn lầm được, vì thiết bị này giống hệt như dàn ở Trung tâm nghiên cứu nano nơi anh làm việc, vỏ máy màu xám đen, là mẫu RX8620 mới xuất xưởng bốn năm trước. Để thiết bị giá trị hơn triệu nhân dân tệ trong nhà có vẻ rất kỳ quặc, hằng ngày, Ngụy Thành ôm rịt lấy nó một mình, rốt cuộc là muốn làm gì?

(*) Minicomputer hay midrange computer: đây là loại máy tính tầm trung, nhỏ hơn máy tính lớn (mainframe) nhưng tốc độ xử lý thì mạnh hơn máy tính cá nhân rất nhiều lần.

"Ngọc Phi đang dở tay chút việc trên kia, anh đợi một lát nhé." Ngụy Thành nói dứt lời bèn đi lên gác. Uông Diểu vốn định đợi, nhưng thực tình là anh không thể ngồi yên được nữa nên cũng lên theo, liền trông thấy Ngụy Thành đang định bước vào căn phòng để chiếc máy tính kia. Anh ta trông thấy Uông Diểu đi lên theo, dường như cũng không hề bực bội, chỉ tay vào một căn phòng đối diện nói: "Ừm, chính là ở trong phòng đó đó, anh vào tìm cô ấy đi."

Uông Diểu gõ cửa, nhưng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tamthe #tâm