8. Mùa xuân tĩnh lặng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nhưng đây là nét chữ của cô." "Vâng, nhưng tôi chép hộ người khác

thôi."

"Hộ ai?"

Bình thường ở đại đội có gặp phải chuyện gì, Diệp Văn Khiết cũng rất hiếm khi tự biện hộ cho mình mà chỉ lẳng lặng nhận lấy phần thiệt thòi, lẳng lặng chấp nhận mọi sự ấm ức, càng không bao giờ để liên lụy đến ai. Nhưng lần này thì khác, cô hiểu rất rõ thế này có nghĩa là gì.

"Chép hộ một phóng viên của báo Đại Sản Xuất mấy tuần trước đến đại đội phỏng vấn, anh ta tên là..."

"Diệp Văn Khiết!" Cặp mắt chủ nhiệm Trương tựa như hai họng súng đen ngòm chĩa vào cô, "Tôi cảnh cáo cô, vu cáo người khác sẽ làm cho vấn đề của cô càng thêm nghiêm trọng. Chúng tôi đã điều tra rõ phía đồng chí Bạch Mộc Lâm rồi, anh ấy chỉ nhận lời nhờ vả của cô mang thư đến Hohhot(*) gửi đi thôi, không hề biết nội dung bức thư là gì."

(*) Đây là thủ phủ đồng thời là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của khu tự trị Nội Mông Cổ.

"Anh ta... nói như vậy sao?!" Diệp Văn Khiết thấy trước mắt tối sầm lại.

Chủ nhiệm Trương không trả lời cô, mà cầm cuốn sách kia lên, "Cô viết bức thư này, nhất định là do nó khơi gợi." Anh ta giơ cuốn sách lên cho đại đội trưởng và chính trị viên, "Cuốn sách này tên là Mùa xuân tĩnh lặng, được xuất bản ở Mỹ năm 1962, có ảnh hưởng rất lớn trong thế giới tư bản chủ nghĩa." Kế đó, anh ta lấy trong cặp táp ra một cuốn sách khác, bìa da trắng chữ đen, "Đây là bản dịch tiếng Trung của cuốn sách này, do cơ quan hữu quan phát hành tham khảo nội bộ, dùng để phê phán. Hiện nay, cấp trên đã đưa ra nhận định đối với cuốn sách này: đây là một lùm cỏ độc phản động, cuốn sách này xuất phát từ quan điểm duy tâm lịch sử, tuyên truyền luận thuyết tận thế, mượn danh vấn đề môi trường để tìm cớ thoái thác cho kết cục mục nát tàn lụi của thế giới tư bản chủ nghĩa, bản chất của nó hết sức phản động."

"Nhưng cuốn sách này... cũng không phải của tôi." Diệp Văn Khiết yếu ớt nói.

"Đồng chí Bạch Mộc Lâm là một trong những người được cấp trên chỉ định dịch cuốn sách này, anh ấy mang theo cuốn sách là hoàn toàn hợp pháp, tất nhiên, anh ấy cũng có trách nhiệm bảo quản, không nên để cô nhân lúc mình đi lao động không đề phòng mà lấy trộm đi đọc... bây giờ, cô đã tìm được trong cuốn sách này vũ khí tư tưởng để tấn công vào chủ nghĩa xã hội rồi."

Diệp Văn Khiết im lặng, cô biết mình đã rơi vào hố bẫy, giãy giụa thế nào cũng chỉ uổng công.

Trái với một số ghi chép lịch sử mà người thời sau được biết, ban đầu Bạch Mộc Lâm không hề có ý hãm hại Diệp Văn Khiết, lá thư anh ta viết gửi lên trung ương ấy có khả năng là xuất phát từ trách nhiệm thật tâm. Thời đó, người viết thư trực tiếp cho trung ương với các mục đích khác nhau rất nhiều, đại đa số đều như đá chìm đáy biển, cũng có một số ít vì chuyện này mà trong một đêm chắp cánh bay cao hoặc vướng họa ngập đầu. Hệ thần kinh chính trị khi ấy cực kỳ phức tạp và lằng nhằng, là một phóng viên, Bạch Mộc Lâm tự cho rằng mình đã hiểu được hướng đi và những chỗ nhạy cảm của hệ thống thần kinh này, nhưng anh ta đã tự tin quá đà, lá thư này của anh ta đã chạm phải bãi mìn mà trước đây anh ta chưa từng biết. Sau khi nhận được tin tức, nỗi sợ đã áp đảo hết thảy, anh ra quyết định hy sinh Diệp Văn Khiết để bảo vệ chính mình.

Nửa thế kỷ sau, các nhà sử học nhất trí đồng thuận rằng, sự kiện xảy ra năm 1969 này là một bước ngoặt của lịch sử nhân loại về sau.

Bạch Mộc Lâm trong lúc vô ý đã trở thành một nhân vật lịch sử quan trọng mang tính chất cột mốc, nhưng bản thân anh ta lại không có cơ hội biết điều này, các nhà sử học đã rất thất vọng khi ghi lại nửa phần đời vô vị còn lại của anh ta. Bạch Mộc Lâm làm việc ở báo Đại Sản Xuất đến năm 1975, lúc đó Binh đoàn xây dựng Nội Mông Cổ bị giải tán, anh ta được điều đến công tác ở hiệp hội khoa học của một thành phố vùng Đông Bắc đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sau đó sang Canada định cư, làm thầy giáo trong một trường tiếng Hoa ở thành phố Ottawa tới năm 1991, rồi chết vì bệnh ung thư. Suốt nửa đời còn lại, anh ta không nhắc chuyện Diệp Văn Khiết với bất cứ ai, có cảm thấy tự trách và hối hận hay không cũng không ai biết được.

***

"Tiểu Diệp à, đại đội đã hết sức nhân nghĩa với cô rồi." Đại đội trưởng phun ra một hơi thuốc Mạc Hợp cay nồng, nhìn xuống đất nói: "Xuất thân và hoàn cảnh gia đình của cô đều không tốt, nhưng chúng tôi không coi cô như người ngoài. Đối với khuynh hướng thoát ly quần chúng, không tích cực mong muốn tiến bộ của cô, tôi và chính trị viên đều đã nhiều lần nói chuyện với cô, muốn giúp đỡ cô. Thật không ngờ, cô lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng thế này!"

"Tôi đã nhận ra từ lâu, cô ta chống đối Đại cách mạng văn hóa rất dữ dội." Chính trị viên đại đội tiếp lời.

"Buổi chiều, phái hai người đưa cô ta và những tội chứng này đến bộ chỉ huy sư đoàn." Chủ nhiệm Trương mặt lạnh tanh nói.

Ba nữ phạm nhân cùng phòng lần lượt bị đưa đi, trong phòng giam chỉ còn lại một mình Diệp Văn Khiết. Đống than nhỏ ở góc tường đã dùng hết mà không ai đến thêm vào, lò sưởi sắp tắt đến nơi rồi, căn phòng trở nên lạnh lẽo, khiến Diệp Văn Khiết phải quấn chặt tấm chăn quanh người mình.

Trước lúc trời tối, có hai người đến, trong đó có một nữ cán bộ đã đứng tuổi, người đi cùng giới thiệu chị ta là đại diện quân đội của Ủy ban quân sự thuộc tòa án trung cấp.

"Tôi là Trình Lệ Hoa." Nữ cán bộ ấy tự giới thiệu, chị ta khoảng hơn bốn mươi tuổi, mặc áo khoác quân nhân, đeo kính gọng to, đường nét trên gương mặt khá dịu dàng, có thể thấy thời trẻ nhất định là người rất xinh đẹp, lúc nói chuyện, chị ta luôn mỉm cười, khiến người khác có cảm giác bình dị dễ gần.

Diệp Văn Khiết hiểu rỗ, người có cấp bậc như vậy mà đến tận phòng giam gặp một phạm nhân đang chờ xét xử là rất bất thường. Cô thận trọng gật đầu với Trình Lệ Hoa, dịch sang bên để nhường cho chị ta chỗ ngồi trên chiếc giường chật hẹp.

"Lạnh thế, lò sưởi đâu?" Trình Lệ Hoa tỏ vẻ không hài lòng nhìn trại trưởng trại tạm giam đứng ở cửa, rồi lại quay sang nhìn Diệp Văn Khiết, "Ừm, trẻ thật, cô còn trẻ hơn tôi nghĩ nữa." Nói xong, chị ta ngồi xuống giường, sát cạnh Diệp Văn Khiết, cúi đầu mở chiếc cặp táp ra, miệng vẫn lẩm bẩm như một bà già, Tiểu Diệp ơi là Tiểu Diệp, cô hồ đồ quá, người trẻ tuổi nào cũng thế, càng đọc nhiều sách lại càng lú lẫn, cô đấy..." Chị ta tìm thấy thứ muốn tìm, ôm tập hồ sơ trước ngực, ngẩng đầu lên nhìn Diệp Văn Khiết, ánh mắt đầy sự yêu thương, "Có điều, người trẻ tuổi mà, có ai không phạm sai lầm? Tôi cũng thế, hồi ấy tôi ở đoàn văn công Quân đoàn dã chiến số 4, hát ca khúc Liên Xô rất hay, một lần trong buổi học tập chính trị, tôi nói chúng ta nên sáp nhập với Liên Xô, trở thành một nước cộng hòa mới của Liên bang Xô viết xã hội chủ nghĩa, như vậy thì sức mạnh của cộng sản quốc tế càng lớn lao hơn... Thật ấu trĩ, nhưng ai mà chưa từng ấu trĩ cơ chứ? Vẫn là câu nói đó thôi, đừng ôm gánh nặng tư tưởng, có sai thì nhận sai sửa sai, sau đó lại tiếp tục làm cách mạng thôi."

Những lời này của Trình Lệ Hoa đã kéo gần khoảng cách giữa chị ta và Diệp Văn Khiết, nhưng trong hoạn nạn, Diệp Văn Khiết đã học được cách cẩn trọng, cô không dám tùy tiện nhận thiện ý xa xỉ này.

Trình Lệ Hoa đặt tập hồ sơ ấy lên giường trước mắt Diệp Văn Khiết, đưa cho cô một cây bút, "Nào, ký tên trước đi, rồi chúng ta từ từ nói chuyện tháo gỡ gút mắc tư tưởng cho cô." Giọng điệu của chị ta như đang dỗ đứa trẻ con uống sữa vậy.

Diệp Văn Khiết lặng lẽ nhìn tập hồ sơ, không nhúc nhích, cũng không nhận lấy bút.

Trình Lệ Hoa cười khoan dung, "Cô có thể tin tưởng tôi, tôi đem danh dự ra đảm bảo, nội dung của tài liệu này không liên quan đến vụ việc của cô, ký tên đi."

Người đi cùng đứng cạnh nói: "Diệp Văn Khiết, đại diện Trình muốn giúp đỡ cô thôi, mấy hôm nay chị ấy đã tốn khá nhiều tâm sức vì việc của cô đấy."

Trình Lệ Hoa xua tay ngăn anh ta nói tiếp. "Tôi hiểu mà, cô bé này, ừm, bị dọa cho phát hãi rồi. Trình độ quán triệt chính sách của một số người bây giờ quả thức là quá kém, từ ở Binh đoàn xây dựng, rồi cả Tòa án chúng ta nữa, phương pháp thô vụng, tác phong thô bạo, thật chẳng ra gì cả! Được rồi, Tiểu Diệp, nào, đọc đi, đọc cho kỹ đi."

Diệp Văn Khiết cầm tập tài liệu lên, lật xem trong ánh đèn vàng vọt của phòng giam. Đại diện Trình không gạt cô, tài liệu này quả thực không liên quan gì đến vụ việc của cô, mà là về người cha đã chết. Trong đó có ghi lại tình hình qua lại và nội dung nói chuyện của cha cô với một số người, người cung cấp tài liệu là em gái của Diệp Văn Khiết, Diệp Văn Tuyết. Là một Hồng vệ binh cấp tiến, Diệp Văn Tuyết đã tích cực chủ động tố cáo cha mình, viết rất nhiều tài liệu tố giác, trong đó có một số tài liệu trực tiếp dẫn đến cái chết thảm khốc của cha cô. Nhưng Diệp Văn Khiết vừa nhìn đã nhận ra tập tài liệu này không phải do em gái mình viết, tài liệu tố cáo cha của Diệp Văn Tuyết hành văn mạnh mẽ dữ dội, đọc từng hàng cứ như thể đang nghe từng băng từng băng pháo nổ vang vang, nhưng tài liệu này được viết một cách rất bình tĩnh, rất chu đáo, nội dung tỉ mỉ chính xác, người nào gặp người nào ở đâu vào năm nào tháng nào ngày nào, nói những chuyện gì đều có ghi lại, người ngoài xem thì thấy giống một cuốn sổ thu chi bình thường, nhưng bên trong lại ngầm ẩn chứa nguy cơ chết người, trò trẻ con của Diệp Văn Tuyết không thể so sánh được.

Nội dung tài liệu thì cô đọc không hiểu lắm, nhưng lờ mờ cảm giác được nó liên quan đến một công trình quốc phòng quan trọng. Là con gái của một nhà vật lý, Diệp Văn Khiết đoán được đó là công trình chế tạo hai loại bom nguyên tử và bom hydro làm cả thế giới chấn động vào năm 1964 của Trung Quốc. Vào thơi ấy, muốn đánh đổ ai đó có vị trí rất cao, thì phải có được tài liệu đen ở các lĩnh vực mà y phụ trách quản lý, nhưng công trình chế tạo hai loại bom này là một lĩnh vực rất gai góc đối với các nhà âm mưu, công trình này thuộc diện bảo hộ trọng điểm của trung ương, có thể tránh được gió mưa từ cuộc Cách mạn văn hoa, bọn họ rất khó mà thọc tay vào được.

Do vấn đề xuất thân mà không qua được kiểm tra chính trị, nên cha cô không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu chế tạo hai loại bom mà chỉ làm một số công tác lý thuyết ngoại vi, nhưng muốn lợi dụng ông thì dễ dàng hơn lợi dụng những nhân vật trung tâm của công trình này. Diệp Văn Khiết không biết những nội dung của tài liệu này là thật hay giả, nhưng có thể khẳng định, từng dấu chấm dấu phẩy trên đó đều có khả năng gây ra vết thương chính trị trí mạng. Ngoài mục tiêu tấn công, còn có vận mệnh của vô số người sẽ vì tài liệu này mà rơi vào vực sâu bi thảm. Phần cuối tài liệu là chữ ký to tướng của em gái cô, còn Diệp Văn Khiết phải ký tên với tư cách nhân chứng phụ, cô chú ý thấy, ở vị trí đó đã có ba người ký tên vào rồi. "Tôi không biết cha tôi và những người này nói những lời này." Diệp Văn Khiết trả tài liệu về vị trí cũ, thấp giọng nói.

"Sao lại không biết? Rất nhiều cuộc nói chuyện đều diễn ra ở nhà cô, em gái cô còn biết mà cô lại không biết?"

"Tôi thật sự không biết."

"Nhưng nội dung của những cuộc nói chuyện này là chân thực, cô phải tin vào tổ chức."

"Tôi không nói là không xác thực, nhưng tôi thật sự không biết, vì vậy không thể ký tên được."

"Diệp Văn Khiết," người đi cùng Trình Lệ Hoa bước lên một bước, nhưng lại bị chị ta ngăn lại. Chị ta ngồi xích lại gần Diệp Văn Khiết hơn một chút, nắm lấy một bàn tay lạnh giá của cô:

"Tiểu Diệp à, tôi trao đổi với cô nhé. Vụ án này của cô có tính linh động rất cao, nói giảm nói tránh đi thì là thanh niên trí thức bị sách báo phản động che mắt, chẳng phải chuyện gì to tát, cũng không cần theo trình tự tư pháp, tham gia một lớp học tập, ngoan ngoãn viết mấy bản kiểm điểm là cô có thể trở về binh đoàn; còn nếu muốn to chuyện ra thì Tiểu Diệp à, trong lòng cô cũng rõ rồi mà, hoàn toàn có thể phán tội phản cách mạng đấy. Đối với những vụ án chính trị như của cô, hệ thống công an, kiểm sát, tòa án bây giờ thà thiên tả chứ không thiên hữu, thiên tả thì là vấn đề phương pháp, còn thiên hữu lại là vấn đề đường lối, phương hướng cuối cùng vẫn là đê bên Ủy ban quân sự quyết định. Tất nhiên, những lời này chỉ có thể nói riêng giữa chúng ta với nhau thôi."

Người đi cùng chị ta nói: "Đại diện Trình thật lòng muốn tốt cho cô, bản thân cô cũng thấy rồi đó, đã có ba nhân chứng ký tên rồi, cô có ký hay không cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Diệp Văn Khiết, cô đừng nhất thời hồ đồ nữa."

"Đúng đấy, Tiểu Diệp, nhìn cô gái có tri thức như cô bị hủy hoại như vậy, tôi đau lòng lắm! Tôi thật sự muốn cứu cô, cố nhất thiết phải phối hợp với tôi đấy. Nhìn tôi đây này, lẽ nào tôi lại hại cô chứ?"

Diệp Văn Khiết không nhìn Trình Lệ Hoa, cô chỉ thấy máu của cha mình. "Đại diện Trình, tôi không biết những chuyện viết trên đó, tôi sẽ không ký tên đâu."

Trình Lệ Hoa im lặng, nhìn chằm chằm vào Diệp văn Khiết một lúc lâu, bầu không khí giá lạnh tựa như đông cứng lại. Sau đó, chị ta chậm rãi cất tài liệu vào cặp táp, đứng dậy, nét hiển từ trên gương mặt vẫn không biến mất, mà chỉ đông cứng lại, như thể đang đeo một tấm mặt nạ bằng thạch cao. Chị ta cứ đeo một bộ mặt hiền từ ấy đi tới góc tường, ở đó có một thùng nước để rửa mặt rửa tay, chị ta nhấc thùng nước lên đổ một nửa số nước bên trong lên người Diệp Văn Khiết, một nửa lên đống chăn nệm, động tác gọn gàng vững vàng, sau đó ném thùng quay người đi ra cửa, buông lại một câu chửi: "Đồ con hoang ngoan cố!"

Trại trưởng trại tạm giam là người đi sau cùng, anh ta lạnh lùng nhìn Diệp Văn Khiết toàn thân ướt sũng, đóng của đánh "rầm" một tiếng rồi khóa lại.

Giữa mùa đông giá lạnh của vùng Nội Mông, cái lạnh thấm qua lớp áo quần ướt sũng tựa như một bàn tay khổng lồ bóp chặt Diệp Văn Khiết ở bên trong, cô nghe thấy răng mình va vào nhau lạch cạch, sau đó âm thanh này cũng biến mất. Cái lạnh thấm vào tận cốt tủy khiến thế giới hiện thực trong mắt cô biến thành một màu trắng sữa, cô có cảm giác cả vũ trụ này là một khối băng lớn, còn mình là thể sống duy nhất trong khối băng ấy. Cô là cô bé sắp bị chết cóng, trong tay thậm chí còn không có lấy một que diêm, chỉ còn lại ảo giác...

Khối băng mà cô ở bên trong dần trở nên trong suốt, trước mắt cô xuất hiện một tòa nhà lớn, trên nóc nhà có một cô gái đang phất cao lá cờ, thân hình mảnh khảnh của cô và lá cờ to tướng hình thành một sự đối lập rõ rệt, đó là Diệp Văn Tuyết, em gái Diệp Văn Khiết. Từ sau khi con bé cắt đứt với gia đình học phiệt phản động cảu mình, Diệp Văn Khiết không nghe được tin tức gì về em gái nữa, mãi đến cách đây không lâu, cô mới biết em gái mình đã chết thảm trong một cuộc đấu tranh vũ trang từ hai năm trước. Lại một thoáng ngẩn ngơ, người phất cờ đã biến thành Bạch Mộc Lâm, cặp mắt kính của anh ra phản chiếu anh lửa bên dưới tòa nhà; sau đấy, người đó lại biến thành đại diện Trình, biến thành bà Thiệu Lâm mẹ cô, thậm chí biến thành cha cô. Người cầm cờ không ngừng thay đổi, song lá cờ vẫn phất cao không hề gián đoạn, tựa như một con lắc vĩnh cửu, đếm ngược tính mệnh chẳng còn bao nhiêu của cô.

Dần dần, lá cờ trờ nên mơ hồ, tất cả đều trở nên mơ hồ, khối băng tràn khắp vũ trụ ấy lại nhốt cô vào trung tâm của nó, lần này, khối băng đã thành màu đen.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tamthe #tâm