8. Mùa xuân tĩnh lặng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai năm sau, dãy núi Đại Hưng An. "Cây đổ rồi đây..."

Cùng với tiếng hô lanh lảnh ấy, một thân cây thông rụng lá(*) to như cây cột của điện thờ Pantheon ầm ầm đổ xuống, Diệp Văn Khiết cảm thấy mặt đất rung lên. Cô cầm rìu và cưa ngắn, bắt đầu loại bỏ những cành nhánh trên thân cây khổng lồ. Mỗi lần làm việc này, cô luôn có cảm giác mình đang sửa sang lại di thể cho một người khổng lồ. Cô thậm chí còn tưởng tượng: người khổng lồ này chính là cha mình. Những lúc thế này, cảm giác lúc cô ở nhà quàn chỉnh trang lại dung mạo cho di thể của cha mình vào cái đêm thê lương hai năm về trước lại tái hiện. Những mảng vỏ cây bong tróc trên thân cây thông, tựa hồ chính là những vết thương chi chít khắp người cha cô...

(*) Thông rụng lá là những cây có quả hình nóng trong chi Larix, thuộc họ Thông. Cao từ 20-45 m, chúng là cây bản địa tại nhiều nơi thuộc vùng ôn đới của bán cầu Bắc, tại các vùng đất thấp ở phương Bắc và trên các vùng núi cao ở phương Nam.. Thông rụn lá là một trong những loài cây mọc nhiều trong những cánh rừng taiga mênh mông ở Nga và Canada.

Hơn một trăm nghìn người thuộc sáu sư đoàn bốn mươi mốt tiểu đoàn của Binh đoàn sản xuất xây dựng Nội Mông Cổ rải rác khắp vùng rừng rậm và thảo nguyên mênh mông này. Lúc mới từ thành tự đến với chốn lạ lẫm này, rất nhiều thanh niên trí thức trong binh đoàn đều ôm một kỳ vọng lãng mạn: khi đoàn xe tăng của Đế quốc Liên Xô(*) tập kết vượt qua biên giới Trung-Mông, họ sẽ nhanh chóng vũ trang, dùng máu thịt của mình đê xây dựng nên rào chắn đầu tiên của nước Cộng Hoà. Thực ra, đây cũng là một trong những suy nghĩ chiến lược lúc thành lập ra binh đoàn. Nhưng cuộc chiến tranh mà họ khát vọng ấy lại giống như những rặng núi xa tít tắp chân trời trên thảo nguyên, nhìn thấy rõ mồn một nhưng không thể nào tới gần, vì vậy họ chỉ còn biết khẩn hoang, chăn nuôi và chặt phá. Những người trẻ tuổi từng đốt cháy tuổi thanh xuân trong phong trào "Nối vòng tay lớn" ấy nhanh chóng nhận ra, so với trời đất mênh mông ở nơi này, thành phố lớn nhất trong nội địa chẳng qua chỉ là một khu chăn thả cừu mà thôi; ở nơi rừng rậm và thảo nguyên mênh mang lạnh giá này, thiêu đốt chẳng có ý nghĩa gì cả, một bầu máu nóng phun trào ra còn bị đông lạnh nhanh hơn một đống phân bò, mà còn chẳng có giá trị sử dụng bằng phân bò nữa. Thế nhưng, đốt cháy là số mệnh của họ, bọn họ là thế hệ đốt cháy. Vì vậy, dưới lưỡi cưa máy và cưa điện của họ, từng mảng rừng lớn đã hoá thành đất hoang núi trọc; nhờ máy kéo và máy gặt đập liên hợp của họ, từng mảng thảo nguyên đã được cày thành ruộng lương thực, rồi biến thành sa mạc.

(*) Vào thời điểm đó, quan hệ Trung Quốc và Liên Xô rất căng thẳng. Phía Trung Quốc gọi Liên Xô là Đế quốc Xã hội chủ nghĩa.

Diệp Văn Khiết chỉ có thể miêu ta sự chặt phá mà cô trông thấy bằng tính từ "điên cuồng", những cây thông rụng lá cao lớn của vùng núi Hưng An, những cây thông long não bốn mùa xanh tươi tốt, những gốc bạch hoa thẳng tắp sừng sững, những thân cây sơn dương cao chọc trời, rồi linh sam Siberia, hắc hoa, cây sồi, cây du, cây liễu thủy khúc, liễu xuyên thiên, sồi Mông Cổ... thấy gì là họ chặt cái đó, mấy trăm chiếc cưa máy như một đàn châu chấu bằng sắt thép, đại đội của họ đi tới đâu, nơi đó chỉ còn lại những gốc cây trơ trọi.

Cây thông rụng lá xử lý xong xuôi sẽ được máy kéo bánh xích kéo đi, ở đầu kia của thân cây, Diệp Văn Khiết nhè nhẹ vuốt ve mặt cắt mới tinh ấy, cô thường làm vật một cách vô thức, vì luôn có cảm giác đó là một vết thương lớn, tựa hồ còn cảm nhận được nỗi đau đớn của cái cây. Bỗng nhiên, cô trông thấy trên vết cắt ở gốc cây cách đó không xa cũng có một bàn tay đang vuốt ve nhè nhẹ, sự run rẩy


trong tâm linh từ bàn tay ấy làn truyền ra, cộng hưởng với cô. Bàn tay đó tuy rất trắng trẻo, nhưng có thể nhận ra nó thuộc về một người đàn ông. Diệp Văn Khiết ngẩng đầu, nhận ra người đang vuốt ve gốc cây ấy là Bạch Mộc Lâm, một thanh niên gầy gò đeo kính, phóng viên báo Đại Sản Xuất trực thuộc binh đoàn, mới đến thăm đại đội cô từ hôm kia. Diệp Văn Khiết từng đọc bài viết của anh, câu chữ rất hay, toát lên sự tinh tế và nhạy cảm chẳng liên gì với môi trường phóng khoáng nơi đây, làm cô khó lòng mà quên được.

"Mã Cương, anh lại đây." Bạch Mộc Lâm cao giọng gọi một chàng trai ở cách đó không xa, người này tráng kiên như thân cây thông rụng lá mà anh ta vừa đốn hạ. Anh ta đi tới, phóng viên Bạch liền hỏi: "Anh biết cái cây này được bao nhiêu tuổi rồi không?"

"Đếm thử xem." Mã Cương chỉ vào vòng tuổi trên gốc cây nói.

"Tôi đếm rồi, hơn ba trăm ba mươi tuổi đấy. Anh mất bao nhiêu thời gian để cưa nó xuống?"

"Không đến mười phút đâu, nói cho anh biết nhé, tôi là tay cưa máy nhanh nhất đại đội này đó, tôi đến tiểu đội nào, cờ đỏ liền theo tôi đến tiểu đội đó." Mã Cương trông có vẻ rất hào hứng, những ai được phóng viên Bạch chú ý đến đều như vậy, có thể xuất hiện trên bản tin của báo Đại Sản Xuất cũng là điều hết sức vinh dự.

"Hơn ba trăm năm, mấy đời người đó, lúc nó nảy mầm vẫn còn là triểu nhà Minh kia, trong những năm tháng đằng đẵng ấy, nó đã trải qua bao nhiêu mưa gió, trông thấy bao nhiêu là việc. Vậy mà anh cưa đổ nó trong có mấy phút đồng hồ, anh thật sự không cảm thấy gì à?"

"Anh muốn tôi cảm thấy gì bây giờ?" Mã Cương ngẩn người ra giây lát, "Chỉ là một cái cây thôi mà, ở đây thừa thãi nhất chính là cây đấy, thông già nhiều tuổi hơn cây này còn đầy ra đó."

"Anh bận gì thì làm đi." Bạch Mộc Lâm lắc đầu, ngồi trên gốc cây khe khẽ thờ dài một tiếng. Mã Cương cũng lắc đầu, phóng viên không có hứng thú đăng bài về anh ta khiến anh ta rất thất vọng. "Đám phần tử trí thức đúng là lắm bệnh nhiều tật." Lúc nói câu này, anh ta còn liến mắt nhìn Diệp Văn Khiết ở cách đó không xa, lời ấy hiển nhiên cũng bao gồm cả cô nữa.

Cái cây đã được kéo đi, những tảng đá và những gốc cây lăn lóc trên mặt đất khiến thân cây to lớn toác vỏ rách cả thịt. Ở vị trí ban đầu của nó, tầng lá mục dày bị giày xéo tạo thành một cái rãnh dài, có nước rỉ ra, lá rụng nhiều năm tích tụ khiến nước có màu đỏ sậm, giống như máu. "Tiểu Diệp, qua đây nghỉ ngơi đi." Bạch Mộc Lâm chỉ vào bên còn trống của gốc cây to, nói với Diệp Văn Khiết, Diệp Văn Khiết quả thực đã thấm mệt, cô bỏ dụng cụ xuống, đi tới ngồi xoay lưng vào lưng anh chàng phóng viên họ Bạch.

Im lặng một lúc lâu, Bạch Mộc Lâm đột nhiên nói: "Tôi nhìn ra được cảm giác của cô, ở đây cũng chỉ có hai chúng ta là có cảm giác ấy thôi."

Diệp Văn Khiết vẫn im lặng, Bạch Mộc Lâm đoán cô sẽ không trả lời. Diệp Văn Khiết bình thường đã ít nói, hiếm khi nào giao lưu với người khác, một số người mới đến thậm chỉ còn tưởng cô bị câm. Bạch Mộc Lâm lại tự nói một mình: "Một năm trước khi đi tiền trạm tôi đã đến khu rừng này, còn nhớ lúc đó là giữa trưa, người tiếp đãi chúng tôi nói hôm nay ăn cá, tôi đưa mắt nhìn quanh gian nhà nhỏ lợp vỏ cây ở giữa rừng ấy, chỉ thấy có một nồi nước, làm gì có cá mú nào; sau khi nước sôi, anh nuôi xách cái chày cán bột ra, đi xuống con sông nhỏ trước nhà đập 'bộp bộp' mấy phát, liền bắt được mấy con cá to... đủ thấy vùng đất này thật trù phú biết mấy, nhưng giờ nhìn con sông đó mà xem, chỉ còn lại một rãnh nước đục ngầu chẳng có gì cả. Tôi thật sự không biết, giờ đây phương hướng mở rộng của cả cái binh đoàn này là sản xuất hay là phá hoại nữa?"

"Suy nghĩ này của anh từ đâu mà có vậy?" Diệp Văn Khiết khẽ hỏi, nhưng không lộ vẻ tán đồng hay phản đối. Có điều, chỉ riêng chuyện cô chịu mở miệng nói chuyện đã khiến Bạch Mộc Lâm cảm kích lắm rồi.

"Tôi vừa đọc một quyển sách, rất cảm động... cô có đọc được tiếng Anh không?" Thấy Diệp Văn Khiết gật đầu, Bạch Mộc Lâm lấy trong túi ra một cuốn sách bìa xanh da trời, lúc đưa cho cô, anh còn nửa vô tình nửa cố ý liến mắt nhìn xung quanh, "Cuốn sách này được xuất bản năm 1962, có ảnh hưởng rất lớn ở phương Tây."

Diệp Văn Khiết xoay người lại nhận lấy cuốn sách, thấy tựa để là Mùa xuân tĩnh lặng, tác giả là Rachel Carson. "Ở đâu ra vậy?" Cô khẽ hỏi.

"Cuốn sách này được cấp trên coi trọng, muốn làm tài liệu tham khảo nội bộ, tôi phụ trách dịch phần liên quan đến rừng rậm."

Diệp Văn Khiết giở sách ra, rồi nhanh chóng bị thu hút, ngay trong phần giới thiệu ngắn, tác giá đã miêu tả một ngôi làng vắng lặng đang chết dần bởi chất độc của thuốc trừ sâu, đằng sau những ngôn từ bình dị chất phác là một trái tim đầy âu lo.

"Tôi muốn viết thư cho trung ương, phản ánh hành vi vô trách nhiệm này của Binh đoàn xây dựng." Bạch Mộc Lâm nói.

Diệp Văn Khiết ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách, một lúc lâu sau mới hiêu được ý của anh, cô không nói không rằng, lại cúi đầu xuống đọc sách tiếp.

"Cô muốn đọc thì cứ tạm giữ lấy, nhưng tốt nhất đừng để người khác trông thấy, thứ này, cô biết rồi mà..." Bạch Mộc Lâm nói đoạn lại đưa mắt nhìn quanh quất, rồi đứng dậy rời đi.

Ba mươi tám năm sau, trong thời khắc cuối cùng, Diệp Văn Khiết hồi tưởng lại ảnh hưởng của Mùa xuân tĩnh lặng với cuộc đời mình. Trước khi tiếp xúc với cuốn sách, mặt ác của loài người đã rạch lên tâm hồn thơ trẻ của cô gái Diệp Văn Khiết một vết thương lớn không thể nào khép miệng, nhưng cuốn sách này đã khiến cô lần đầu tiên suy nghĩ một cách lý tính về mặt ác của con người. Đây vốn dĩ là một cuốn sách rất bình thường, chủ đề không rộng, chỉ nêu lên tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu đối với môi trường, nhưng góc nhìn của tác giả đã khiến Diệp Văn Khiết rung động mạnh mẽ: Việc sử dụng thuốc trừ sâu của con người mà Rachel Carson nói đến, đối với Diệp Văn Khiết là một hành vi chính đáng và bình thường, chí ít thì cũng là hành vi trung tính; nhưng cuốn sách này lại khiến cô nhận thấy, đứng ở góc độ của thiên nhiên, hành vi này và Đại cách mạng văn hóa chẳng có gì khác biệt, tác hại của nó đối với thế giới của chúng ta đều nghiêm trọng như nhau. Vậy thì, còn bao nhiêu hành vi khác của con người mà mình thấy bình thường, thậm chí còn thấy chính nghĩa, lại là xấu xa nữa đây?

Tiếp tục suy nghĩ, một suy luận nảy ra khiến cô không lạnh mà run, chìm sâu vào vực sâu sợ hãi: có lẽ, quan hệ giữa con người và sự xấu xa, cũng chính là quan hệ của đại dương và những tảng núi băng trôi nổi trên đó vậy, cả hai đều là những khối nước khổng lồ do cùng một loại vật chất tạo nên, núi băng sở dĩ có thể nhận ra một cách dễ dàng chẳng qua vì hình thái của chúng khác biệt mà thôi, thực chất chúng chỉ là một phần cực nhỏ của cả khối nước khổng lồ ấy... Muốn con người tự giác sống thực sự đạo đức là điều không thể, cũng giống như họ chẳng thể nào tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất vậy. Muốn làm được điều này, chỉ còn cách nhờ vào những sức mạnh phi nhân loại.

Suy nghĩ này, cuối cùng đã quyết định cuộc đời của Diệp Văn Khiết.

Bốn ngày sau, Diệp Văn Khiết đi trả sách. Bạch Mộc Lâm ở trong phòng tiếp khách duy nhất của đại đội, Văn Khiết đẩy cửa, thấy anh đang mệt mỏi nằm trên giường, người toàn bùn đất và mạt gỗ, trông thấy Diệp Văn Khiết, anh vội vàng nhỏm dậy.

"Hôm nay đi làm à?" Diệp Văn Khiết hỏi.

"Xuống đại đội lâu như vậy rồi cũng không thể cứ thõng tay đi ngó quanh mãi thế được, phải tham gia lao động, ba cùng mà. Ồ, chúng tôi đi làm ở núi Radar, rừng chỗ đó rậm rạp thật đấy, lá mục dưới đất dày ngang đầu gối, tôi sợ nhất là dính phải chướng khí đấy." Bạch Mộc Lâm nói.

"Núi Radar?!" Diệp Văn Khiết rất kinh ngạc khi nghe thấy cái tên này.

"Đúng vậy, nhiệm vụ khẩn cấp của tiểu đoàn, phải chặt cây tạo thành một vành đai cảnh giới xung quanh nó."

Núi Radar là một nơi thần bí, ngọn núi dốc đứng ấy vốn không có tên, vì trên đỉnh núi có một ăng ten parabol rất lớn nên mới có tên này. Kỳ thực, những người có chút thường thức đều biết đó không phải là ăng ten radar, tuy rằng mỗi ngày phương hướng của nó đều thay dổi, nhưng chưa bao giờ nó chuyển động liên tục. Trong gió, chiếc ăng ten ấy phát ra những tiếng "u u u" trầm thấp, ở xa tít tắp cũng nghe thấy được. Người trong đại đội chỉ biết nó là một căn cứ quân sự, nghe người bản địa kể, lúc cây dựng căn cứ hồi ba năm trước, từng huy động một lượng lớn nhân lưc nối một đường dây điện cao thế lên tận đỉnh núi, rồi còn mở ra một con đường xe chạy thông lên đỉnh núi, rất nhiều vật tư được vận chuyển lên bằng con đường này. Nhưng sau khi căn cứ xây dựng xong, người ta đã hủy con đường ấy đi, chỉ còn để lại một con đường nhỏ khó đi ở giữa rừng, thường xuyên có trực thăng cất và hạ cánh ở trên đỉnh núi.

Chiếc ăng ten đó không phải lúc nào cũng xuất hiện, khi gió quá lớn nó sẽ được hạ xuống, lúc nó được dựng lên lại, sẽ có rất nhiều việc kỳ quái xảy ra: động vật trong rừng trở nên nhốn nháo bất an, lũ chim bị kinh động xao xác bay lên từng đàn lớn, con người cũng có rất nhiều triệu chứng không hiểu vì sao như váng đầu, buồn nôn. Những người sống gần núi Rader còn rất dễ rụng tóc, nghe người bản địa nói, chuyện này mới xảy ra sau khi xuất hiện cột ăng ten kia.

Núi Radar có rất nhiêu truyền thuyết thần bí: một lần có tuyết lớn, cột ăng ten kia dựng lên, tuyết ở trong bán kính ấy dặm đều lập tức biến thành mưa! Trong giá lạnh, mưa rơi xuống cây đông cứng lại thành băng, mỗi thân cây đều đeo những chuối băng lớn, cả khu rừng biến thàng cung điện thủy tinh, bên trong không ngừng vang lên những tiếng "rắc rắc" của cành cây bị băng đè gãy và tiếng "bịch bịch" của các khối băng rới xuống đất. Có lúc, khi ăng ten dựng lên, giữa trời quang sẽ xuất hiện sấm sét, trên bầu trời đêm có thể trông thấy những quầng sáng kỳ dị... Núi Radar được canh gác rất nghiêm ngặt, sau khi đại đội của Binh đoàn xây dựng đến đây đóng quân, việc đầu tiên đại đội trưởng làm chính là yêu cầu tất cả mọi người chú ý đừng tự tiện đến gần núi Radar, bằng không các trạm canh trong căn cứ có thể nổ súng mà không cần cảnh cáo. Mới tuần trước, hai chiến sĩ đi săn trong đại đội đuổi theo một con hươu, bất giác đuổi tới chân núi, lập tức bị trạm canh ở lưng chừng núi bắn dồn dập, may nhờ rừng rậm, hai người mới chạy được trở về mà không bị thương, một người còn sợ đến vãi cả đái ra quần. Ngày hôm sau, đại đội mở cuộc họp, cả hai đều bị xử phạt cảnh cáo. Có thể vì chuyện này, bên phái căn cứ mới quyết định chặt cây tạo thành một vành đai cảnh giới ở khu rừng rậm xung quanh ngọn núi, đồng thời, từ việc nhân lực trong binh đoàn có thể cho họ tùy ý điều động cũng thấy được cấp bậc hành chính của họ rất cao.

Bạch Mộc Lâm nhận lấy cuốn sách, cẩn thận nhét dưới gối, đồng thời lấy ra mấy trang giấy viết chi chít chữ, đưa cho Diệp Văn Khiết, "Đây là bản nháp của lá thư đó, cô xem coi có được không?"

"Thư?"

"Tôi có nói với cô, phải viết thư cho trung ương."

Nét bút trên mấy tờ giấy rất tháu, Diệp Văn Khiết mất khá nhiều công sức mới đọc hết. Lá thư này là lập luận nghiêm túc, cẩn trọng, nội dung phong phú: từ chuyện thảm thực vật núi Thái Hành trù phú trong lịch sử bị phá hoại đã biến thành núi trọc khô cằn ngày hôm nay, đến chuyện thời nay hàm lượng cát bùn sông Hoàng Hà đang gia tăng nhanh chóng, để đưa ra kết luận hành vi khẩn hoang của Binh đoàn xây dựng Nội Mông Cổ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Diệp Văn Khiết thấy văn phong của anh rất giống với Mùa xuân tĩnh lặng, giản dị, chính xác, lại bao hàm ý thơ, khiến người xuất thân từ khoa học tự nhiên như cô đọc cảm thấy rất dễ chịu.

"Viết hay lắm." Cô thật lòng khen ngợi.

Bạch Mộc Lâm gật đầu, "Vậy tôi sẽ gửi đi." Nói đoạn, anh lấy ra một tập giấy mới toan chép lại, nhưng tay run quá, không viết nổi chữ nào. Người lần đầu tiên dùng cưa máy đều như vậy, tay run đến nỗi bát cơm cũng không bưng nổi, nói gì đến viết chữ.

"Để tôi chép lại hộ anh nhé." Diệp Văn Khiết nói, đoạn cầm lấy cây bút Bạch Mộc Lâm đưa cho bắt đầu chép.

"Cô viết đẹp thật đấy." Bạch Mộc Lâm nhìn hàng chứ đầu tiên chép ra trên tờ giấy, nói. Anh rót cho Diệp Văn Khiết một cốc nước, tay vẫn run dữ dội, nước vãi ra khá nhiều, cô vội dịch tập giấy viết thư sang một bên.

"Cô học ngành vật lý à?" Bạch Mộc Lâm hỏi.

"Vật lý thiên văn, giờ thì chẳng dùng làm gì được nữa rồi." Diệp Văn Khiết trả lời, không ngẩng đầu lên.

"Thế tức là nghiên cứu hằng tinh nhỉ, sao lại không dùng làm gì được chứ? Giờ đại học đều đã mở lại rồi, nhưng nghiên cứu sinh thì không tuyển nữa, nhân tài như cô mà lại chui rúc ở xó xỉnh này, chậc..."

Diệp Văn Khiết không trả lời, chỉ cắm đầu chép lại lá thư, cô không muốn nói với Bạch Mộc Lâm mình có thể gia nhập vào Binh đoàn xây dựng này đã là may mắn lắm rồi. Đối với hiện thực, cô không muốn nói gì cả, cũng chẳng có gì để mà nói cả.

Căn phòng trở nên tĩnh lặng, chỉ có tiếng sột soạt của ngòi bút máy di chuyển trên giấy. Diệp Văn Khiết có thể ngửi được mùi mạt gỗ thông trên người anh chàng phóng viên bên cạnh mình, từ sau khi cha cô chết thảm, đây là lần đâu tiên cô có cảm giác ấm áp, lần đầu tiên thấy thân tâm được thả lỏng, tạm thời hạ hàng rào cảnh giác với thế giới xung quanh xuống.

Hơn một tiếng sau, bức thư đã chép xong, lại theo lời Bạch Mộc Lâm viết địa chỉ và tên người nhận lên phong bì, Diệp Văn Khiết đứng dậy từ biệt, lúc ra tới cửa, cô ngoảnh đầu lại nói: "Đưa áo khoác của anh đây, tôi giặt hộ cho." Nói xong câu ấy, bản thân cô cũng thấy hết sức ngạc nhiên trước hành động này của mình.

"Không, thế đâu được!" Bạch Mộc Lâm xua tay lia lịa, "Các chiến sĩ nữ của Binh đoàn xây dựng các cô, ban ngày đều làm việc của đàn ông, mau về đi nghỉ đi, sáu giờ sáng mai là phải lên núi rồi đó. Ừm, Văn Khiết à, ngày kia tôi phải về bộ chỉ huy sư đoàn rồi, tôi sẽ phản ánh lại tình hình của cô với cấp trên, có lẽ sẽ giúp được chút gì đó."

"Cảm ơn, nhưng tôi cảm thấy ở đây rất tốt, rất yên tĩnh." Diệp Văn Khiết nhìn rừng cây mông lung của dãy núi Đại Hưng An dưới ánh trăng, nói.

"Có phải cô đang chạy trốn gì đó không?"

"Tôi đi đây." Diệp Văn Khiết khẽ nói, đoạn xoay người bỏ đi. Bạch Mộc Lâm nhìn theo bóng dáng mảnh khảnh ấy của cô biến mất dưới ánh trăng, sau đó, anh ngẩng đầu lên dõi nhìn khu rừng Diệp Văn Khiết vừa nhìn, trông thấy trên đỉnh núi Radar phía xa, cột ăng ten khổng lồ lại chầm chậm dựng lên, lấp lóe ánh kim lạnh lẽo.

Một buổi trưa ba tuần sau đó, Diệp Văn Khiết bị triệu tập khẩn cấp từ khu vực chặt cây về ban chỉ huy đại đội. Vừa vào phòng làm việc, cô liền nhận ra bầu không khí có gì đó không ổn, đại đội trưởng và chính trị viên đều có mặt, ngoài ra còn có một người lạ mặt mày lạnh tanh, trên bàn trước mặt anh ta đặt chiếc cặp táp màu đen, hai thứ bên cạnh rõ ràng là lấy từ bên trong ra, đó là một bức thư và một cuốn sách, bức thư đã mở, còn sách thì chính là cuốn Mùa xuân tĩnh lặng mà cô từng đọc.

Người sống ở thời đại này có một sự mẫn cảm đặc biệt đối với hoàn cảnh chính trị của mình, mà sự mẫn cảm này ở Diệp Văn Khiết còn mạnh hơn bình thường, cô lập tức cảm thấy thế giới xung quanh mình đang thắt chặt lại giống như một cái túi, mọi thứ đều dồn ép về phía cô.

"Diệp Văn Khiết, đây là chủ nhiệm Trương ở phòng chính trị sư đoàn xuống đây điều tra," chính trị viên chỉ vào người lạ mặt nói, "hy vọng cô hợp tác, phải nói sự thật."

"Bức thư này là do cô viết phải không?" Chủ nhiệm Trương hỏi, đồng thời rút lá thư trong phong bì ra. Diệp Văn Khiết đưa tay đón lấy, nhưng chủ nhiệm Trương không đưa cho cô, vẫn cầm lá thư trên tay, lật từng trang từng trang cho cô xem, cuối cùng lật đến trang cuối cùng mà cô muốn xem, cuối thư không có tên họ mà chỉ viết bốn chữ "Quần chúng cách mạng".

"Không, không phải tôi viết." Diệp Văn Khiết hoảng sợ lắc đầu.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tamthe #tâm