3. Đạo (道)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

– "Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn tìm cầu giải thoát."[1] Đây là di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.

Nàng vừa nói vừa cắn miếng kẹo đậu phộng Trần Khâm đem đến. Khi nói những lời này, nàng mỉm cười. Nụ cười điềm đạm không phô diễn, chỉ thoáng ẩn hiện, nhưng Trần Khâm vẫn cảm thấy hoa dung thật xinh đẹp.

– Hữu vi là gì, tại sao lại vô thường?

– Là sự vật do nhân duyên tạo tác, tức cả thân tạo tác và tâm tạo tác. Người Sa môn có những câu kệ động tâm này: "Các pháp hữu vi thật không bền vững. Nó có tánh sanh diệt là thường vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên thường hay có sự khổ não." Vậy phải buông bỏ, không vướng mắc pháp hữu vi thì mới được giải thoát khỏi khổ, khỏi vòng luân hồi sanh tử.

Trần Khâm ngồi xếp bằng dưới đất, mặt ngước nhìn nàng, ánh mắt non trẻ ngày một say sưa. Đã mấy năm nay, hàng tháng cậu lên Yên Sơn thắp hương rồi lại tiện đường tạt ra sau chùa thăm nàng. Hầu hết trong những lần ấy, nàng chỉ dạy cậu tham thiền. Sau đó hai người sẽ im lặng tọa thiền đến khi dứt vọng tâm, chân tâm hiện. Những ngày không tọa thiền, nàng lại cao hứng nói về giáo pháp. Chủ đề này thật tẻ nhạt với người không có lòng, nhưng nàng có thể nói cả ngày, Trần Khâm cũng có thể nghe cả ngày.

Cậu gật gù:

– Hữu vi là lạc nhỏ, nếu không buông bỏ sẽ không có được lạc lớn. Nhưng phải làm sao để buông bỏ hữu vi?

– Nhận ra pháp vô vi thì sẽ thoát khỏi Bát pháp[2] hữu vi đảo điên của trần thế này. – Nàng đáp – Niết bàn là pháp vô vi, nên hướng về Niết bàn cũng chính là hướng về pháp vô vi.

– Ngộ vô vi pháp là thế nào?

– "Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu. Tâm bất hệ đạo, diệc bất kiết nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng. Bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối. Danh chi vi đạo."[3] Muốn chứng ngộ điều này, phải thông qua tham thiền cầu đạo.

– "Đạo do tâm ngộ, khởi tại tọa dã?"[4]

Nàng không ngờ cậu bé lại đối đáp láu lỉnh như vậy, không nhịn được cười phá lên:

– Điện hạ hiểu lời Lục tổ dạy nhưng hiểu chưa toàn vẹn. Điện hạ đã biết chủ đích Thiền tông chính là giác ngộ chân tâm. Chân tâm không có hình tướng nhưng diệu thể của nó lại hiển lộ trong vũ trụ vạn pháp, vậy thiền cơ há chẳng tồn tại khắp nơi sao? Tĩnh tọa không phải thiền, thiền không phải tĩnh tọa. Nếu tâm đã ngộ thì đi là thiền, đứng là thiền, mọi oai nghi[5] đều là thiền. Có điều điện hạ mới là người sơ cơ, nên ngồi tập trước đã, tập thuần thục rồi thì dần dần sẽ thông cả bốn oai nghi.

Trần Khâm nghiền ngẫm một hồi rồi cho là phải, nghiêm túc gật đầu.

Trời chiều ngả úa, bóng hai người một trên cao, một dưới thấp nhòe dần vào bóng mai.

Khắp già lam thanh tịnh giờ vang vọng tiếng đọc tụng bái sám đều đều. Vì đã sang giờ Dậu nên nàng biết đây là thời sám thứ ba, sám tị căn,[6] do đích thân thái thượng hoàng[7] biên soạn.

Những tội như thế, vô lượng vô biên,

Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ.

Trải nghìn muôn kiếp, mới được làm người,

Dù được làm người, quả báo bệnh mũi...

Thời kinh chấm dứt, người đánh chuông gia trì thỉnh một hồi và ba tiếng chuông diệt tứ. Tiếng chuông trong trẻo vang lên, ngân rung, rồi tan dần vào không khí như làn khói huyền.

----------

[1] Trích Kinh Đại Bát Niết bàn, bộ kinh mà Đức Phật thuyết trước khi qua đời.

[2] Bát pháp hay Bát phong (tám ngọn gió): tám điều làm ô nhiễm tâm thức của con người. Bát pháp đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc.

[3] Dịch: "Trong không có chỗ chứng đắc, ngoài không có chỗ mong cầu. Tâm chẳng trói buộc vào đạo, cũng chẳng tạo thêm nghiệp quả. Không chỗ niệm tưởng, không tạo tác, chẳng tu chẳng chứng. Chẳng trải qua các quả vị, tự nhiên cao tới tột bực. Đó gọi là đạo." Trích lời Phật trong Kinh bốn mươi hai chương, bản dịch của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến.

[4] Dịch: "Đạo được bừng tỉnh từ tâm, há chỉ ở tư thế ngồi?" Trích trong Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng.

[5] Tứ oai nghi: oai nghi đi, oai nghi đứng, oai nghi ngồi, oai nghi nằm.

[6] Sám tị căn, hay sám căn mũi: một trong sáu thời sám hối trích từ Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối, thực hiện lúc mặt trời lặn. Người tu hành khi không tu thiền thì thực hiện sáu thời này để thanh tịnh sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

[7]  Tức Trần Thái Tông, ông nội của Trần Khâm.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net