Con người khác

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Loảng xoảng.

Tiếng cái ly thủy tinh rơi từ trên bàn xuống vang vọng khắp nhà, con chó mập đang thiu thiu ngủ dưới đất cũng giật mình mà chạy thẳng ra ngoài. Mảnh vỡ văng khắp nơi, mấy tia nắng bên ngoài cửa sổ rọi vào phản chiếu lên mấy miếng thủy tinh, căn phòng bỗng chốc sáng rực. Thằng Tí nhanh nhảu chạy vào, không nhìn trước ngó sau nên va mạnh vào cái chân ghế ngã sõng soài ra đất. Nó nhắm chặt mắt lại vì sợ hãi, hai tay đưa về phía trước nên không úp mặt xuống đất nhưng cũng vì thế mà tay dính đầy vụn thủy tinh.

Vừa xước do té ngã, còn chà một đường đầy vụn thủy tinh nên tay thằng Tí rỉ máu. Nó bày ra bộ dạng không sao rồi đứng dậy. Tôi đang nhặt mấy mảnh vỡ lớn gom lại cũng không kiềm được mà dõi theo từng cử chỉ của thằng Tí. Cái tính hậu đậu của nó chắc di truyền từ người cô là tôi đây, việc gì cũng hấp ta hấp tấp. Tôi nhìn nó, không hiểu sao lại có chút buồn cười.

- Đau không? Ra ngoài nói con Thư lấy bông băng đi rửa vết thương đi.

Nó nhìn tôi hồi lâu nhưng không đáp, chắc nghĩ tôi sẽ mắng nó một trận to vì không chịu nhìn đường. Mặt cu cậu tái mét. Tôi làm sao có thể nỡ trách mắng nó được chứ, tất cả cũng chỉ do cu cậu muốn chạy vào xem thử tôi có chuyện gì không mà thôi. Thằng Tí lưỡng lự hồi lâu rồi cũng lí nhí dạ một tiếng xong rồi ra ngoài. Trước khi bước ra khỏi phòng nó còn len lén quay lại để chắc rằng tôi không bị thương rồi mới yên tâm rời đi.

Người ta hay nói ngoài cha mẹ ông bà ra thì những người khác cũng chỉ là họ hàng mà thôi, chẳng thể tính là gia đình. Nhưng chắc nó không đúng với trường hợp của nhà tôi. Từ lúc lọt lòng, mẹ thằng Tí đã mất vì khó sinh. Nó từ nhỏ không được hưởng cái gọi là tình mẹ, cha thì không biết nghe ai xuôi mà không nhận nó làm con. Cũng bởi thế nên từ nhỏ tôi đã hóa thân thành một người mẹ để nuôi dạy cu cậu. Thành ra nó quấn quýt bên tôi từ bé, từ chuyện bé đến chuyện lớn, cái gì cũng do một tay tôi chăm bẵm.

Tại sao thằng Tí lại hấp tấp chạy vào phòng khi nghe tiếng ly vỡ tôi đều hiểu nên không nỡ trách nó dù chỉ một câu. Cu cậu sợ bị bỏ rơi lần nữa. Nói đến đây, tôi vì mãi suy nghĩ mà quên béng mất chuyện đang nhặt mảnh ly vỡ. Cho đến khi vết cứa trên tay đã xuất hiện và tay nhói lên vì đau thì tôi mới choàng tỉnh. Tôi chậm rãi cầm chổi quét hết mảnh vụn li ti dồn lại một góc. Làm xong lại rót ly nước mới đặt lên bàn, kéo cái ghế đến trước giường ngồi xuống.

- Đến giờ ăn cơm rồi.

Tôi nhìn người đàn bà trước mắt với khuôn mặt không chút cảm xúc. Ánh mắt bà ấy nhìn tôi có chút tức giận, cái tay không yên đang cố với tới cổ tôi.

- Mẹ, yên lặng chút nào. Phải ăn cơm mới sống được chứ, mẹ còn phải chờ đến ngày con cưới chồng nữa mà? Ăn đi!

Tôi có chút mất kiên nhẫn, tay cầm muỗng cơm ghì chặt và tách miệng bà ta ra đổ vào. Dùng lực hơi mạnh nên mẹ tôi khẽ nhăn mặt, đôi lông mày tiến sát lại gần nhau. Bấy giờ tôi mới phát hiện nên vội thả tay ra, cơm trong miệng bà cũng phun hết lên mặt tôi. Nước bọt và cơm nát hòa quyện với nhau thành cái hỗn hợp nhớp nháp. Tôi hơi khó chịu, cái đầu vừa gội lúc sáng mà giờ đã dính đầy cơm. Tôi đứng dậy một cách dứt khoát, bát cơm cũng để lại xuống bàn.

- Không ăn thì nhịn, không ai rảnh ngồi cả ngày hầu hạ mẹ ăn uống đâu. Con còn việc của con mà? Mẹ có thể hiểu con chút không!

Tôi tức giận bỏ ra ngoài, tuy bát cơm để rất gần nhưng tôi biết mẹ tôi chẳng thể tự mình ăn được. Đáng đời bà ấy, tôi chẳng rảnh chầu chực cả ngày bên cạnh với cái tính khí thất thường của bà.

Trời sập tối, bên ngoài ồn ào hơn vì mấy bác trong xóm đang lùa bò và vịt về nhà. Thằng Tí ngồi im lặng trên cái xích đu nhìn ra ngoài đường, cái Thư - con hàng xóm thì ôm tô cơm ngồi cạnh nó ăn ngấu nghiến. Chúng nó nghe tiếng chân nên đồng loạt quay đầu nhìn về phía tôi. Thằng Tí thấy đầu tôi đầy cơm, nó hiểu đôi ba phần nên chạy ngay ra sau giếng nước. Con Thư nhìn tôi chằm chằm, vừa nhìn nó vừa cưỡi rõ to.

- Bà lại không chịu ăn. Hihi, cô Chúc không cho bà ăn được.

- Im ngay, lo ăn phần của cháu đi. Láo nháo cô đánh bây giờ.

- Ôi, ai sợ đâu. Lêu lêu.

Con nhóc đứng dậy chạy vòng vòng xung quanh tôi trêu ghẹo, tôi chẳng buồn quan tâm vì khung cảnh này quá quen rồi. Đợi đôi ba phút thì thằng Tí thở hồng hộc chạy lên, người nó chỗ ướt chỗ khô. Tôi còn đang bận gỡ bớt đống cơm trên đầu, cu cậu kéo tay tôi chỉ về phía nhà tắm.

- Cô đi gội đầu đi, con vừa lấy nước lên rồi.

- Ôi trời, nhọc thế. Cảm ơn nhá.

Tôi lê bước về phía nhà tắm, thằng Tí thì đứng phía sau nhìn theo. Đợi khi tôi tắm ra thì con Thư đã bỏ về, căn nhà bỗng trở nên ảm đạm. Bữa cơm tối trôi qua mà không mất một tiếng nói. Ăn xong, Tí quay về phòng học bài. Tôi lẳng lặng đi ra ngoài thềm, trăng trong veo treo vắt vẻo trên trời. Ánh trăng rọi rõ mồn một, ra đường cũng chẳng cần cầm đèn pin. Tiếng mấy cô chú làm ruộng đến tối muộn xì xào ngoài đồng, lại thêm tiếng ếch nhái kêu ồm ộp inh ỏi. Tôi ngồi trong nhà nhìn ra, đầu thì cứ trên mây.

- Cô.

Tôi giật mình vì tiếng kêu của thằng Tí, không biết từ khi nào nó đã đứng sau lưng tôi.

- Ơi, hả?

Hai tay nó đan chặt vào nhau, mắt không dám nhìn thẳng mặt tôi mà cứ cúi gằm xuống đất. Điệu bộ trông rất khó xử, tôi không nói gì mà chỉ ngồi chờ nó. Hai ba phút sau nó mới lên tiếng.

- Mai đóng tiền học thêm ạ. Ba trăm nghìn...

- Ôi giời, tưởng chuyện gì. Ừ đấy, vô học bài tiếp đi. Mai cô để tiền lại cho.

- Dạ.

Tôi từ nhỏ đã không được cho ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ vốn thương anh trai hơn thương tôi, bà sinh tôi ra như một sự cố ngoài ý muốn. Anh tôi được cho ăn học đàng hoàng, tiền gì mẹ cũng chi thẳng tay không tiếc. Nhưng anh không học, anh bỏ học sớm rồi chạy theo chơi với mấy tên đầu đường xó chợ. Cá độ, đánh bài không việc gì vắng mặt anh. Năm tôi vừa học xong cấp hai, chuẩn bị thi lên cấp ba thì hay tin dữ. Anh trai lâu ngày chẳng về nhưng hôm đó lại về từ tờ mờ sáng, ông gom góp hết đồ có giá trị trong nhà, vơ vét thêm ít tiền rồi bỏ đi. Trước khi đi còn để lại món nợ to cho gia đình.

Thế là ước mơ được đi học của tôi đã bị đá bay. Tôi phải nghỉ học đi làm phụ mẹ kiếm tiền trả nợ. Kể từ lúc tôi bắt đầu có nhận thức riêng của bản thân thì không ngày nào tôi không bị mẹ chì chiết, mắng chửi. Bởi mẹ đâu muốn tôi được sinh ra, tôi như cái gai trong mắt bà.

"Thứ như mày đi học làm gì cho tốn tiền!"

"Mày đi làm kiếm tiền về phụ anh mày trả nợ người ta kìa."

"Thứ vô dụng."

"Tao không có đứa con như mày."

"Đáng lẽ tao không nên sinh mày, lúc mày chưa biết đi nên bóp chết mày!"

"Con gái thì sao bằng con trai. Mai mốt mày có nuôi tao được ngày nào đâu!"

Những câu nói của mẹ lúc nào cũng văng vẳng trong đầu tôi, cũng vì nó mà tôi hoàn toàn biến thành con người khác. Tôi cật lực chạy khắp nơi xin việc làm, cái gì kiếm ra tiền tôi đều nhận hết. Để rồi chắt chiu được bao nhiêu đều trả nợ cho bọn vay nặng lãi, không thì cũng bị anh trai quay về nhà cướp sạch. Năm tôi mười tám tuổi, tôi đã bị gã đi một lần.

Ngày ấy vì không đủ tiền trả gấp mà mẹ đem tôi bán cho một lão già ở xóm ngoài. Ông ta sắp chết nhưng lại ham mê cưới thêm vợ, thế là nợ đã trả hết, tôi cũng về nhà chồng. Mẹ không mảy may suy nghĩ cho tôi, đến ngày cưới cũng chỉ lo đến tiền mừng xem có đủ trả nợ hay không. Cái váy cưới cũng là váy cũ của vợ lão già ấy, tôi thật sự rất hận, hận tất cả!

Nuốt ngược nước mắt vào trong khi nghĩ về chuyện năm nào. Cưới tôi xong thì sang tuần sau lão già đã chết tươi, mấy đứa con bu vào tranh nhau chút tài sản của lão. Tôi cứ thế lặng lẽ xách đồ về nhà mẹ đẻ, tôi thành góa phụ ở tuổi mười tám.

Đám muỗi vo ve bên tai khiến tôi nhức đầu, chộp tay vài phát thì đã đầy máu. Tôi cũng thoát khỏi mớ suy nghĩ về chuyện quá khứ. Nhìn tấm ảnh anh trai trên bàn thờ, tôi chỉ nhẹ nhàng nở một nụ cười.

"Anh à, vui nhỉ?"

Thằng Tí cũng học xong, nó chạy qua đưa cho tôi cốc nước rồi dè dặt nhìn. Tôi hiểu ý nên đưa ly nước lên uống hết nhanh chóng.

- Đi ngủ đi. Mai đi học, cô dậy sớm đi làm nên mai không kêu được. Tự dậy đi học nhé?

- Dạ.

- Ừ, đi ngủ thôi.

Tôi khóa chặt cửa ngõ và cửa chính rồi cũng quay về phòng riêng. Cái chuông gió treo bên trên vừa hay rung kịch liệt dù không có chút gió. Tôi lại chẳng thèm để tâm những thứ ấy, vì vốn căn nhà cũng không sạch sẽ gì mấy. Tiếng mẹ tôi dưới gian bếp lại rú lên vài lần, bà lại bắt đầu điên loạn. Tôi ôm cái gối chạy sang phòng thằng Tí ngủ cùng vì sợ nó không ngủ được. Phòng nhỏ nên tôi nằm hẳn ra đất, nó không muốn tôi bị cảm nên cứ chèo kéo lên giường nhưng cái giường bé tẹo làm sao nhét đủ hai người cơ chứ.

Ngay khi cái đèn lớn vừa tắt, tiếng bước chân đã vang lên. Nó cứ chậm rãi đi tới đi lui khắp căn nhà, tôi sợ hãi nhắm chặt mắt, tay bịt miệng và nhẹ nhón gót đi về phía giường thằng Tí. Cu cậu chưa ngủ nên khẽ nhích người sang nhường chỗ cho tôi. Hai cô cháu cứ thế co ro trên giường vì sợ hãi thứ bên ngoài. Nó bắt đầu đập phá căn nhà, tiếng gà kêu la vang vọng nhưng tôi không dám ra xem. Cộng thêm tiếng mẹ rú lên mỗi đêm, tôi không tài nào yên giấc nổi. Tay tôi run rẫy cầm chặt tay thằng Tí, nó ôm chặt tôi đến mức không thở được. Qua mười hai giờ thì mọi thứ trở nên im lặng, cuối cùng chúng tôi cũng có thể an tâm đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, tôi dậy khá sớm. Đồng hồ điểm vừa đúng năm giờ sáng nhưng tôi đã thấy thằng Tí ngồi trên bàn học bài. Tôi hơi khó hiểu vì kì thì vừa qua nên làm gì còn bài để học. Thế mà nó cứ cắm đầu ghi ghi chép chép.

- Dậy sớm thế, bài nhiều vậy à?

Nó không đáp lại tôi lấy một tiếng. Thường ngày tôi nói gì nó cũng sẽ đáp lại, dù câu trả lời không dài nhưng cũng sẽ dạ lấy lệ.

"Quái lạ, thằng này hôm nay sao thế nhỉ..."

- Này? Con sao đấy.

Lần này có tiếng bút kêu răng rắc vang lên. Tôi đã hoảng sợ đôi chừa khi nhìn biểu hiện của nó. Thế nào mà nó đột ngột đứng lên, trên tay là cây bút chì nhọn hoắt hướng về phía tôi. Đến tận lúc này tôi mới chợt nhận ra người trước mắt tôi không phải là thằng Tí, nó mang hình dáng của thằng bé nhưng khuôn mặt lại be bét máu.

Đường nét trên khuôn mặt phỏng chừng rất giống anh trai tôi. Cây bút chì ghim thẳng vào cổ tôi, máu ào ra ngoài như nước, tôi chưa kịp phản ứng đã vội ôm cổ để ngăn máu chảy. Tôi khó khăn bò lết ra khỏi phòng, máu kéo thành một đường dài từ giường ra cửa. Đặt trước cửa là tấm ảnh thờ của anh trai tôi, nực cười làm sao, tôi mất máu quá nhiều và ngất đi...

- Cô! Cô ơi. Cô sao thế?

Tiếng thằng Tí đánh thức tôi, nó kéo tôi ngồi dậy, tay cầm cái khăn ướt lau mồ hôi cho tôi. Giờ tôi mới hiểu, những thứ nãy giờ đều là mơ. Vì tôi mơ vung tay loạn xạ nên làm thằng Tí thức giấc, nó đã hoảng sợ biết bao nhiêu. Tôi nhìn nó đang lo lắng cho tôi mà đau lòng. Tôi nhìn lên đồng hồ, năm giờ mười bảy phút.

- Con ngủ tiếp đi.

- Dạ thôi, con dậy luôn.

- Ừ, thế thôi.

Tôi rửa mặt cho tỉnh táo rồi thay đồ đi làm, vừa dịp đi lướt qua phòng mẹ, tôi ghé vào nhìn bà một cái. Mẹ tôi đang nằm trên giường thở hơi lên, bà như người sắp chết đến nơi. Nhưng mỗi mình giỗ biết, mạng của bà rất dài. Thằng Tí lại tiếp tục học bài, nhìn nó học mà tôi không khỏi rùng mình liên tưởng đến giấc mơ khi nãy. Tôi đi lên cái bàn thờ phía nhà trên, nhìn cái ảnh thờ trước mắt mà chán ghét. Tiện tay tôi ụp luôn cái ảnh thờ xuống.

- Hôm nay cô về tối ạ?

- Không, nay về sớm.

- Dạ.

Tôi rời nhà khi trời vừa ló dạng, tiếng xe đạp kêu cọt kẹt vang lên. Mọi người trong xóm cũng đã dậy làm việc từ sớm. Tôi thực sự đón chờ ngày mới bắt đầu một cách không mấy vui vẻ.

Thứ công việc tôi nhận làm là ở vườn dưa hấu, công việc thì vất vả nhưng tiền công không được bao nhiêu khiến tôi ngày càng chán nản. Nhìn đôi bàn tay dần chai sạn theo năm tháng, khuôn mặt đầy tàn nhan và làn da cháy đen. Tôi không giống một người con gái tuổi hai mươi lăm mà giống một bà thím gần bốn mươi hơn. Kết thúc một ngày làm việc vất vả, tôi trở về nhà, một đám người túm tụm tại nhà tôi. Nghĩ đã thấy lạ, tôi chen chúc để đi vào bên trong, thằng Tí đã ngồi ôm mặt co ro trong góc nhà. Bên cạnh là con hạc giấy đã bị xé rách.

- Chuyện gì vậy Tí? Sao bảo thích con hạc này mà sao lại xé nó rồi?

- Con... Cô ơi, con sợ lắm... Cô đừng bỏ con nhé?

- Con nói cái gì vậy Tí?

Tôi bàng hoàng nhìn thằng nhóc đang òa khóc trong lòng. Trên con hạc giấy có dính chút máu. Tôi trợn tròn mắt nhìn đống giấy vụn dưới đất, mấy cô chú trong xóm vẫn xì xào bên ngoài. Con Thư cũng chạy vô, nó thấy tôi thì ồ lên rõ to.

- Ơ, cô Chúc không đi với chú Thịnh ạ?

- Ai nói với mày? Ai nói với mày tao đi với cha đó?

- Dạ mấy cô chú kia bảo thế, hôm trước chú Thịnh vừa hỏi cưới cô mà.

- Bớt luyên thuyên. Đi ra đuổi mấy người kia về đi.

- Ò.

Quả thật vài hôm trước Thịnh đã đến tìm tôi và ngõ ý muốn kết hôn. Vì tôi đã có một đời chồng, anh thì không có được vợ nên muốn xem xét về chung nhà. Tôi vẫn đang suy nghĩ cho thằng Tí thì lấy thời gian đâu mà lo kết hôn lần hai.

Bỗng có tiếng ồn bên ngoài nhà, tôi vuốt ve an ủi thằng Tí rồi cũng vội chạy ra ngoài xem sao. Bước ra thềm thì đã thấy cái lưỡi liềm nằm giữa sân, bên trên còn có vết ố nâu tựa máu bị khô lại.

- Ôi, thế thằng Kiên không phải tự tử à?

- Hay nó vay nợ không trả rồi bị người ta giết?

- Nhưng mà bức thư cuối nó viết làm gì?

Tiếng mọi người bàn tán càng ngày càng to, thấy con Thư không được nên tôi chạy nhanh sang đuổi cả đám đi về. Sáng sớm đã gặp chuyện không hay nên linh tính cả ngày tôi mách bảo chẳng tốt lành gì. Tôi vội gói cái lưỡi liềm vào bao rồi đem vứt, thằng Tí đứng nấp sau cửa, nó nhìn tôi chăm chăm.

- Sao đấy?

- Dạ...

- Tiền học môn nào nữa?

- Dạ không. Có bài tập bắt vẽ trang trí bao lì xì, con không biết nó nhìn ra sao...

- Ngày mai cô mua về cho mà coi. Mà nói mới nhớ, hình như chưa tết nào mày được cha mày lì xì cho. Thôi năm nay để tao cho mày biết cảm giác được lì xì.

- Dạ... Sau suối có chỗ tốt, cô vứt cẩn thận kẻo lại rơi ra.

- Sao?

- Dạ không gì.

- Ừ.

Tôi lọ mọ đi về phía sau nhà, sau khi vứt xong thì lòng cũng yên ổn. Tôi bước nhanh về phía căn phòng của mẹ tôi, bà đang lên cơn co giật. Nhìn thấy tôi như nhìn thấy quỷ, bà la toáng lên rồi bắt đầu đập mấy đồ xung quanh. Tôi lẳng lặng đứng nhìn bà làm trò rồi nở một nụ cười nhẹ nhàng.

- Mẹ à... Mẹ vui không? Ép con đến nước đường này thì vui lắm nhỉ? Nếu mẹ không yên lặng sống để ngẫm lại những thứ mẹ đã đối xử với con, thì mẹ có tin con giết mẹ như cái cách con làm với anh không? Hả!!! Haha, nực cười. Đáng đời, dựa vào đâu hai người có thể sống vui vẻ khi làm cuộc đời tôi tan nát? Bán được một lần lại muốn bán lần hai? Không có đâu!

Mẹ tôi cứng họng, bà cứ mở mắt trân trân nhìn về phía tôi. Chắc hẳn bà hận tôi hơn vì đã cướp mất sinh mạng con trai của bà. Tôi đã trở thành một con người khác, như cách mẹ đã đối xử với tôi sau từng ấy năm. Thằng Tí vẫn đứng ngoài nhìn về phía tôi, giây phút tôi sợ hãi khi nghĩ nó đã nghe được toàn bộ câu nói kia thì nó lại chạy đến ôm lấy tôi. Trong tay nó nắm chặt con hạc giấy.

- Cô ơi, máu bắn lên con hạc giấy. Vứt nó đi...

- Tí...?

- Dạ...

- Con nghe được gì rồi?

Thằng Tí có chút chột dạ, nó ngập ngừng một hồi rồi mới trả lời.

- Con không nghe gì hết.

- Ngoan, vô học bài đi.

Tôi cười tươi nhìn về dõi theo cu cậu khi nó chạy về phòng. Mẹ tôi vẫn giãy giụa như con cá thiếu nước khi lên bờ, tôi đi lên nhà trên, dán lá bùa lại lên cửa chính. Bức ảnh thờ anh trai trên bàn thờ cũng bị tôi ném mạnh xuống đất, vỡ tan tành. Tôi đã đòi lại sự tự do của chính mình theo cách của tôi...



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net