Truyện 2: Ngọc Vỡ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiết trời tháng mười sao mà khó ưa thế nhỉ! Ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, bà Tham Vinh vừa chăm chú ngắm nghía cặp môi khô khốc, nhợt nhạt trong mảnh gương cầm tay tròn xoe xoe, vừa xuýt xoa luôn miệng vì xót như cắt. Ôi chao ôi, sự xinh đẹp, yêu kiều của bà vì thời tiết mà dường như giảm đi phân nửa. Mả cha nó, tháng này đúng là tháng trời đày, đã rét căm căm thì chớ, lại còn hanh với chả khô. Da dẻ bà nứt nẻ hơn đất ruộng rồi đây này, tức không chịu được! Tức lắm, bực lắm, nhưng làm gì được trời nào? Bà đành thở dài rồi tìm thỏi son luôn mang theo bên mình. Quệt vài đường, bặm vài cái, đôi môi bà Tham đã đỏ thẫm lại. Ông Tham ngồi đằng trước cười hì hì:

- Gớm thôi, mợ khỏi cần thoa nữa, đẹp quá thể rồi!

Bà Tham Vinh hậm hực liếc chồng, ra vẻ không bằng lòng. Nét mặt bà càng lúc càng cau có.

- Cậu kệ xác tôi.

Người chồng tính đáp lời vợ thì chiếc xe chở hai vợ chồng đột ngột dừng lại khiến hai người suýt nhào khỏi ghế. Một làn khói đen xì bỗng dưng bốc lên đằng trước xe. Anh xe đang cầm vô lăng ấp úng thưa:

- Ông ơi, hình như... chết máy.

Ông Tham Vinh trợn tròn mắt kinh ngạc, mặt mày tái xanh như tàu lá chuối. Rõ ràng con này thuộc hãng Pơ-giô (Peugeot) hẳn hoi, lại còn do một ông bạn sành sỏi về xe cộ đích thân mua hộ. Lúc mua về, nó đã ngốn của ông bạc trăm chưa kể tiền xăng, chết máy là chết thế nào! Cay thật, "dở chứng" đúng lúc đang trên đường đi dự tiệc sinh nhật của một ông đốc tờ thân quen mới đau!

- Bẩm ông bà, hay là ông bà cứ ra quán nước bên kia đường mà nghỉ tạm vậy, để con xem xem cái xe bị gì.

Bà Tham hấp tấp lôi chồng vào hàng nước trú chân. Bà mau chóng gọi ngay hai bát chè tươi nóng hôi hổi uống cho ấm người. Lát sau, bà Tham Vinh xin cô hàng nước vài thìa đường vì bà vốn không chịu nổi vị chát của chè tươi. Đúng lúc cô hàng nước đưa lại cho bà cái bát, bà Tham bỗng rú lên một tiếng khiến ông Tham hồn vía lên mây. Khi đã định thần, ông lay lay vai vợ hỏi dồn:

- Ơ hay, đang yên đang lành lại kêu la làm gì? Mợ bị ma nhập à?

Nghe chồng nói đến từ "Ma" , trong lòng bà Tham càng hoảng hơn. Nhưng bên ngoài, bà cố tỏ vẻ thản nhiên để trả lời chồng:

- À không, có mẩu lá trong bát chè làm tôi tưởng con gì ấy mà.

- Mợ rõ là...

Ông Vinh bật cười khanh khách, phát yêu vào lưng bà mấy cái. Ông chẳng để ý rằng người bà run lên bần bật như phải gió mỗi khi chạm mắt cô hàng nước. Cô ta vấn tóc đuôi gà, mặc áo thâm, trông xuềnh xoàng và quê mùa.

Bà Tham Vinh gắng gượng nặn ra một nụ cười rồi thủ thỉ với cô gái:

- Em xinh thế này, ở quê phí lắm.

Cô hàng nước nhoẻn miệng cười. Đoạn, cô khẽ thưa:

- Thưa bà, con nhà quê dốt nát, chả dám lên thành phố, sợ bị lừa lọc đủ đường. Thà con yên phận trong cái quán nhỏ này còn sướng chán. Với cả mấy năm nay người ta kéo lên tỉnh đi ở vú, đi làm con sen hết, cho nên chưa bao giờ con đắt khách như này, con chả muốn bỏ.

- Em người thiên hạ tới đây à?

- Dạ vâng, con người làng Hoàng, tổng Máng.

Bà Tham lắp bắp hỏi tiếp:

- Ái chà, tôi... tôi và em cùng quê. Em con... con nhà ai?

Cô hàng nước ngạc nhiên nhưng vẫn dịu dàng nói:

- Con là con gái ông Cẩm đấy ạ! Bố con từng làm phó lý.

Nghe vậy, bà Tham liền ngã bổng ngửa ra sau, ngất lịm. Ông Tham cuống cuồng gọi người giúp đỡ.

...

Bà Tham Vinh nằm mê man trên chiếc giường bệnh trong nhà thương, một ngày sau mới tỉnh. Tuy nhiên kể từ dạo đó, mặt mày bà lúc nào cũng ủ dột như đưa đám. Con nhài nấu bao nhiêu là món ngon nhưng bà cũng không buồn nuốt, người bà gầy rộc đi. Ông Tham cho mời đốc tờ tới khám. Vị đốc tờ chẩn đoán bà bị trầm cảm, song, nguyên nhân là gì thì ông ta chưa đoán ra. Đốc tờ đâu có biết về thân thế bà Tham...

...

Rất lâu về trước, ông Phí Văn Sang là người giàu nhất tổng Máng. Ông cất tận mấy căn nhà tây to tướng, nằm rải rác khắp tổng. Nhưng gia đình ông thì sinh sống tại ngôi nhà ở làng Hoàng. Căn nhà ấy vừa to vừa đẹp, chả khác gì biệt thự của những tay thương nhân giàu có bạc vạn khét tiếng trên tỉnh. Ông lấy một bà vợ tên Bình, là con quan huyện hẳn hoi. Vì vậy quyền lực ngày càng tuôn vào tay ông y như dòng nước cứ chảy tuồn tuột. Ông bắt chước mấy bậc khá giả nơi thành thị, tập tành bao nhiêu món ăn chơi đang thịnh hành. Nào thì bàn đèn thuốc phiện, tài bàn tổ tôm, xem hát cô đầu... Đến cả cách xưng hô nửa tây nửa ta của họ, ông cũng học đòi cho kỳ được, suốt ngày "toa", "moa" với mọi người để tỏ vẻ học rộng hiểu nhiều, tuy ông dốt đặc cán mai cái khoản chữ nghĩa. Bà Bình chẳng buồn lên tiếng khuyên can mỗi khi chồng mình lao vào cuộc đỏ đen hay nằm bẹp bên bàn đèn, bà chỉ lo ngay ngáy mỗi thú vui vào nhà cô đầu nghe hát, nhỡ vì sắc đẹp của mấy con ả mèo mả gà đồng mà còng cả lưng tôm thì nặng nợ!

Linh tính con người hiếm khi sai! Đùng phát, ông Sang dắt một cô đầu về nhà sau một cuộc chơi bời hoang phí trên tỉnh. Tuy có với bà Bình tận ba mặt con rồi, hai con trai lớn tướng cùng một con gái còn độ trứng nước, ông Sang vẫn nhất quyết lấy cô đầu kia làm vợ lẽ. Âu cũng tại cô ả tươi xinh như hoa, hơn nữa đã lắm phen nhận được tiếng "cắc" của dùi trống chầu trong tay ông Sang¹. Không hổ là ca nương Bích Ánh trứ danh chốn phồn hoa!

Bà cả ghen ghét bà hai ra mặt. Bà hai biết phận mình thấp cổ bé họng nên cũng chẳng dám ho he. Bà hai cúi gằm mặt xuống mà cam chịu việc bà cả đay nghiến, rỉa rói.

...

Mậu - Con gái rượu độc nhất của ông Sang - nhảy chân sáo tới phòng bà Bình, định bụng vòi vĩnh mẹ mua cái tò he hình con cáo chín đuôi đỏ rực mà cô bé thấy một ông già lụ khụ bày bán đầu làng. Đang hí hửng hát véo von, tiếng cãi cọ trong phòng bà Bình khiến Mậu im bặt. Ngoài này, cô bé ba tuổi rón rén áp tai vào tường, nín thở nghe ngóng. Trong kia, Bích Ánh căm phẫn rít lên:

- Khốn nạn, tôi không ngờ chị lén lút bỏ thuốc ngừa thai vào đồ ăn thức uống của tôi. Chị ác quá, ác quá! Thảo nào đã hai năm trời tôi về đây mà... mà vẫn...

Bà hai ôm mặt khóc tu tu trước cái nhìn hả hê của bà cả. Vị đốc tờ ông Sang mời về bảo rằng Bích Ánh vĩnh viễn là "Cây độc không trái, gái độc không con" do tác dụng phụ của lượng thuốc tránh thai khá lớn bà tống vào người trong khoảng thời gian dài. Bà hai đâu có ngu mà tự tước đi cơ hội mang trong mình "giọt máu" họ Phí, hẳn rằng kẻ nào đó rắp tâm hại bà. Sau khi "nắn" mồm đốc tờ theo hình dạng tròn của những chiếc vòng tay bằng vàng lóng lánh, Bích Ánh tạm thời giấu nhẹm được chuyện bản thân bị vô sinh. Bà hai âm thầm để ý rồi biết con Nụ bỏ thuốc ngừa thai vào bát canh rau ngót bà vốn ưa thích. Đương nhiên ngay sau đấy, bà cũng rõ người ra lệnh cho nó là ai. Bích Ánh uất ức tới chất vấn bà cả. Thế nhưng đổi lại chỉ có cái cười khẩy đắc ý cùng giọng điệu thản nhiên đến ghê sợ:

- Đúng, tao làm đấy. Đồ "Xướng ca vô loài" như mày không có quyền đẻ con cho chồng tao.

Bà hai run lên vì tức giận, gào lên the thé:

- Tôi sẽ báo ông Sang.

- Ối chao ôi, nực cười quá! Mày mà thưa gửi thì chỉ thiệt mỗi mày thôi con ạ, hé răng một phát thì ông ý biết luôn mày không thể chửa đẻ. Thử hỏi giữa con gái quan huyện là tao đây với thứ "Cây độc không trái" như mày, ông Sang chọn bênh ai?

Bà Bình bồi thêm:

- Còn nếu mày định kêu quan thì cũng bỏ mẹ cái suy nghĩ vô ích đó đi. Tống cho mấy ông đấy dăm bà đầm xòe² bóng loáng là xong chuyện nhé. Nhà này thiếu những quả tim đựng ái tình nóng bỏng chứ tiền không bao giờ lo thiếu đâu em Ánh ạ!

Bà hai ngã khuỵu xuống nền đất lát gạch đá hoa lạnh lẽo. Bà cả bình thản têm trầu thuốc rồi đưa lên miệng nhai bỏm bẻm. Tà áo lụa trắng muốt thấp thoáng ngoài cửa của cô bé Mậu đập thẳng vào mắt bà hai. Đôi mắt người đàn bà đang đầm đìa thứ chất lỏng mặn chát bỗng dưng ráo hoảnh.

...

Trưa hè nắng chang chang nhưng Mậu vẫn nằng nặc đòi người vú ra vườn đẩy xích đu cho mình. Khi chủ tớ tới vườn thì thấy bà hai đã ngồi trên chiếc xích đu từ lúc nào, tay bà mân mê vật gì đó. Mậu lễ phép khoanh tay:

- Con chào dì ạ.

Mắt cô bé sáng rực lên khi thấy con cáo bằng bột đang nằm gọn trong tay Bích Ánh. Bà hai chầm chậm ngẩng lên, nhoẻn miệng cười với Mậu:

- Dạ, chào cô út. Nắng nôi thế này mà cô không ngủ trưa cho khoẻ người? Cô Mậu ra đây ngồi xích đu, tôi đẩy cho. Chị vú xuống bếp nằm nghỉ tí đi.

Người vú mau mắn dạ vâng rồi đi mất. Bà hai đưa cho Mậu con tò he khiến cô bé mừng rối rít. Cô bé cười khanh khách đầy thích thú mỗi khi chiếc xích đu được đẩy lên cao. Lát sau, con sen nhà ông Sang đi ra vườn tìm bà hai. Dạo gần đây bà hai cứ sống dở chết dở, thỉnh thoảng đặt tay lên bụng cất tiếng ru à ơi, hại nó sởn gai ốc. Chỉ một tiếng động con con cũng khiến Bích Ánh giật thót mình, người run như cầy sấy. Thấy bà hai nhìn Mậu bằng ánh nhìn là lạ, mắt bà cứ láo liên, đảo qua đảo lại như rang lạc, con sen hoảng hồn, vội chạy đến kêu thét lên:

- Bà đang ốm, bà đừng dang nắng³ chứ bà.

Đoạn, nó bảo cô chủ:

- Bà hai nhọc trong người, chị Mậu ngoan chị không quấy rầy bà nhé! Chị vào phòng ngủ một giấc rồi chiều trở dậy tôi làm bánh ngọt cho ăn. Nhé?

Ngọt nhạt mãi, cô bé mới phụng phịu rời đi. Góc vườn vàng ươm nắng chỉ còn hai người đàn bà đứng nhìn nhau. Con sen tha thiết van nài:

- Bà chớ nghĩ quẩn bà ơi. Trẻ con nó có tội tình gì?

- Thế tôi có tội tình gì mà con mẹ của con ranh đấy đành tâm đày đọa thân tôi? Đây đã bất hạnh, xấu số đến dường này thì chúng bay đừng hòng yên thân.

Đứa ở ôm Bích Ánh, khóc lóc thảm thương. Nó lạy bà hai đừng để tay vấy máu người. Những kẻ thất đức rồi sẽ bị gươm trời búa nguyệt giáng xuống đầu. Mình không tạo ác nghiệp kẻo phải tội với trời. Con sen thương bà lắm, nó không muốn đời bà bị hai chữ "Trả thù" trói thật chặt, đè thật nặng. Bà hai chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng quay gót về buồng. Đánh má hồng, tô môi đỏ, Bích Ánh theo con Nụ lên nhà trên. Ông Sang đã dậy, ông cho gọi người vợ lẽ tới phòng khách hát mua vui. Lão già tí tởn cầm dùi, gõ liên hồi sáu tiếng trống giục. Bích Ánh gõ phách, thân thể run rẩy từng hồi theo nhịp phách. Ông Sang bất chợt quay qua, ôm quàng lấy người vợ hai rồi cất giọng phều phào:

- Nay mày hát chán quá! Tao nghe chẳng lọt tai. Cho về buồng, mai vẫn giở cái giọng cho bò nghe đấy thì liệu hồn. Mẹ kiếp, tốn bạc trăm mua về mà chả được cái quái gì, chỉ tổ tốn cơm áo gạo tiền.

Sau khi bà hai đi khuất, ông sai thằng xe chở ông xuống nhà cụ Lý đương làm mấy ván tổ tôm. Bài bạc chán, các ông rủ nhau lên tỉnh đi hát. Tiền tốn bao nhiêu, ông Sang trả. Cụ Lý hài lòng lắm!

...

Sau cuộc vui ấy, ông Sang trở nên hom hem hơn bao giờ hết. Tại vì ông bắt đầu nghiện thuốc phiện. Trước kia có hút nhưng ông chỉ dám hút ít để tránh bị lệ thuộc vào ả phù dung⁴. Ai ngờ ông lại thành dân bẹp tai chứ, kiểu này là hôm đấy mấy cô đầu tiêm nhiều thuốc cho ông hút rồi. Rượu chè be bét, ông đâu đủ tỉnh táo mà hất văng ả phù dung đầy mê hoặc. Giờ đây, ngoài đánh bạn với ả phù dung, ông Sang chẳng thiết làm gì nữa. Cơ nghiệp của tổ tiên đội nón ra đi hết cả, sức khoẻ ông thì suy nhược thấy rõ. Cảnh nhà bắt đầu sa sút, ông nhạc của ông cũng bị dính líu tới vụ tham ô tham nhũng gì đó, chuẩn bị tù mọt gông. Hai thằng con trai ông Sang nằm chết dí ở tiệm hút, thanh niên trai tráng không còn mấy nả sức, xem chừng chẳng còn sống được bao lâu. Bà vợ cả bồng bế đứa con gái trốn biệt tăm. Kẻ hầu người hạ chẳng còn một mống. Biết bản thân đã tới bước đường cùng, chỉ chờ chết, ông Sang gọi người vợ hai tới trăng trối vài lời. Cảm động thay, ai cũng bỏ ông mà đi, mỗi Bích Ánh ở lại khiến ông thấy ngôi nhà đỡ quạnh quẽ. Nhưng thôi, sinh khí đã đến hồi cạn kiệt, níu giữ người ta làm gì? Ông định bảo người vợ hãy đi lấy chồng mới.

Bà hai vào nhà chưa đầy một canh giờ, bên trong đã tràn ngập tiếng chửi rủa. Những lời chửi mắng cố thoát ra từ lồng ngực ọp ẹp nên nghe thật ớn lạnh, tựa như vọng lên từ âm tào địa phủ:

- Con khốn, con voi giày ngựa xéo.

Bích Ánh cười điên dại. Bà trừng mắt, bóp chặt đôi tay gầy guộc của ông Sang khiến ông co rúm người.

- Câm ngay, mày già mồm bảo tao không chung thủy, tao phản bội mày ư? Đời tao nát bấy như tương nên tao chỉ mong một cái chết thanh thản, chẳng dám mong có kèn trống hay được ai khóc thương. Thế mà mày cố kiết xin xỏ mụ chủ hòng lấy bằng được tao về. Em gái tao ngã nước, tao đi sẽ không ai chăm nom nó, nó sẽ bị đuổi khỏi nhà trò mày biết không?

Tao tưởng mày có lòng nhân đức, vì vậy tao cố gắng chiều chuộng mày. Ba năm ở đây tao đã ăn ở đơn sai một tí nào chưa? Tao tu chí, đứng đắn, nhưng vợ chồng mày vẫn hành tao, giày vò tao thậm tệ. Thử hỏi mày có tư cách mắng tao không? Thằng già đốn mạt. Vợ chồng mày hại tao tuyệt đường cái con, mày nghĩ tao để yên ư?

Ông Sang khúm núm van nài:

- Tôi lạy bà, tôi cắn rơm cắn cỏ lạy bà, tôi biết sai rồi. Xin bà tha cho con gái tôi, nó nhỏ dại, xin bà.

- Nằm mơ giữa ban ngày.

Mấy hôm sau, hàng xóm láng giềng phát hiện ông Văn Sang nức tiếng hách dịch lìa đời từ bao giờ. Mặt cái xác rúm ró, vặn vẹo, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

...

Bích Ánh lần được tung tích của mẹ con bà Bình bèn vội vã tìm đến. Bà Bình khẩn trương đem con giấu xuống bồ thóc rồi lên tiếp Bích Ánh. Đối diện với vẻ mặt ai oán của người nọ, bà Bình không dám thốt lên nửa câu. Nhưng bà vẫn phải mở lời:

- Tôi thề, tôi không hề có ý tước quyền làm mẹ của cô. Đúng là tôi từng có suy nghĩ bỏ thuốc vào bát canh, nhưng sau tôi sợ, tôi không dám làm.

Bích Ánh cười nhạt:

- Tôi biết rồi, lão Sang không muốn thứ "Xướng ca vô loài" mang thai con lão, lão khiến tôi uống thuốc ngừa thai rồi đổ vấy cho bà. Thế tại sao hôm đó bà bảo chính bà sai con Nụ bỏ thuốc vào canh? Nếu không phải hôm qua tôi kề dao vào cổ ép nó khai thật, có lẽ tôi chẳng biết được chân tướng.

Bà Bình thở dài:

- Tôi bị sự tức tối che mờ lý trí, tôi muốn chọc cô tức điên lên, làm cô quẫn trí phải bỏ đi. Ai ngờ... Giờ tôi hối chẳng kịp nữa.

Bà Bình thú thật rằng bà mắc nan y rồi, đành cậy nhờ Bích Ánh nuôi nấng cô bé Mậu. Bà Bình lặng lẽ thu vén quần áo, nâng chiếc cửa liếp lên.

- Bà đi đâu đấy? Không tính dắt cô Mậu theo ư? Để nó bơ vơ giữa đời... - Bích Ánh gọi giật giọng.

- Không, kẻ mắc bệnh hiểm nghèo đâu có đường sống nữa, còn nước vào rừng đợi chết thôi. Tôi mang nó theo làm gì cho khổ thân nó. Tôi biết tất có ngày cô tìm đến nên chuẩn bị xong đâu vào đấy rồi. Cô làm ơn nhận lấy cái Mậu. Con bé nằm ngủ trong bồ thóc ở gian bếp. Cô ở lại mạnh giỏi. Chào cô, tôi đi.

Bích Ánh quay vào gian bếp kiếm Mậu. Nhấc nó ra khỏi bồ, bế nó trên tay mà nó vẫn say giấc nồng. Con bé mới bốn tuổi, giống y đúc bố. Bích Ánh bỗng rùng mình, bà quyết định đem Mậu tới nhà ông phó lý làng Hoàng rồi khăn gói lên Hà Nội. Trông thấy vợ chồng phó lý ôm ấp Mậu, bà Bình bấy giờ mới yên tâm vào rừng chờ chết.

Còn Bích Ánh, bà vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội thì được tin đứa em gái mới mất. Bích Ánh quyết định không quay lại nhà trò mà buôn bán ở chợ kiếm cơm áo. Ở vậy mấy năm trời, Bích Ánh gặp ông Tham Vinh - Một người ngoài ba mươi, chưa thành gia lập thất. Chẳng nề hà xuất thân của bà, ông Tham cưới Bích Ánh. Những niềm vui dần xuất hiện trong cuộc đời bà.

Thỉnh thoảng tâm trí Bích Ánh bị ám ảnh bởi chuyện dĩ vãng nên đập phá đồ đạc, đánh cả ông Tham. Tham Vinh không quở trách vợ một câu nào, kiên nhẫn chăm bẵm Bích Ánh. Ông bà Tham nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ ngoài công viên. Cậu con trai ấy đang học lớp đồng ấu, thầy cô chúng bạn khen rằng cậu thông minh sáng sủa. Bích Ánh tạm nguôi vết thương lòng. Nhưng lần gặp lại cô Mậu - cô hàng nước quê mùa - khiến bà đau nhói ở tim. Bà Tham thấy tội lỗi vì làm gia cảnh cô Mậu tan nát, bà thấy mọi bất hạnh của gia đình cô đều do bà gây ra. Bà bị những ý nghĩ ấy bức phát điên.

...

Nằm thất thần trên giường bệnh đã hai hôm, Bích Ánh chưa nguôi ngoai nỗi muộn phiền. Bà không ngủ được, thức trắng cả đêm, bà thấy mình chẳng đáng được sống. Đến đêm thứ ba thì bà chợp mắt được một lát. Lúc ông Tham đẩy cửa bước vào, tuy ông cố đẩy thật khẽ, bà vẫn tỉnh giấc. Bà Tham lắng nghe chồng nói chuyện với đốc tờ. Ông Tham ngậm ngùi bảo:

- Khốn nạn, tôi biết mợ nhà tôi bị thế đã lâu, không tiện hỏi vì sao nhưng tôi đoán mợ trải qua điều gì kinh khủng lắm. Tôi cố chăm mợ từng li từng tí mà vẫn không sao khỏi hẳn. Mấy hôm nay, cứ khi nào tôi về ngó nhà cửa, thằng Phú lại hỏi mẹ nó được về chưa. Nó mong ngóng mẹ nó như vậy làm tôi xót cả ruột.

Nước mắt bà Tham ứa ra. Tấm thân nhơ nhuốc và bàn tay đã nhuốm máu tanh của bà xứng đáng được chồng con trân trọng ư? Bà hại cô Mậu mồ côi cha mẹ, thậm chí còn toan tính kế kết liễu mạng sống Mậu, sao có thể vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình! Ông trời bắt Bích Ánh sống trơ trơ chẳng qua để đày đọa bà, ép bà chết chìm trong bể hối hận, dằn vặt tột cùng.

Hai người đàn ông nháy nhau ra ngoài, tránh làm phiền người ốm. Ông đốc tờ ghé tai ông Tham Vinh, nói nhỏ:

- Anh Tham này, tôi xem anh cũng là người trí thức, được ăn học đàng hoàng, ắt sẽ không chịu cảnh bị đè đầu cưỡi cổ...

...

Trong phòng bệnh, bà Tham đã gượng dậy. Bà nhìn thấy bát cháo bốc hơi nghi ngút được đặt trên bàn. Tuy mệt đứt hơi, bà Tham vẫn cố ăn hết bát cháo. Đúng lúc đó, ông Tham rón rén bước vào. Nhìn chiếc bát sạch trơn, ông Tham Vinh mừng rỡ. Ông âu yếm hỏi han:

- Mợ đỡ nhọc chưa? Có ăn thêm gì không để tôi mua?

Bà Tham lắc đầu, xúc động hỏi chồng:

- Mấy bát cháo... bị thiu rồi?

Tham Vinh chối:

- Hôm nay tôi mới mua ấy chứ, mấy hôm trước tôi có mua đâu.

Bà Tham cười, tỏ ý nói ông đừng dối bà. Bà nấc lên nghẹn ngào:

- Tôi không đáng cho cậu nâng niu như của báu trong nhà. Cậu bỏ quách tôi đi, tôi van cậu.

Ông Tham khổ sở giữ tay, giữ chân vợ. Không đời nào ông mặc kệ Bích Ánh, bà là người bạn trăm năm của ông, người ông thương vô hạn. Bà Tham mệt quá nên thôi không giãy giụa nữa. Tham Vinh cẩn thận đặt Bích Ánh nằm xuống giường rồi ngồi thừ ra ngắm vợ. Bệnh của bà Tham không thể một sớm một chiều mà khỏi được, nhưng chẳng sao, ông ở đây chăm lo cho bà trọn đời trọn kiếp.

...

Chú thích:
¹ "lắm phen nhận được tiếng "cắc" của dùi trống chầu trong tay ông Sang": Khi đi hát, chỗ nào cô đầu (cô đào) hát hay, lên giọng xuống giọng khéo léo thì khách đánh một tiếng "cắc" để khen ngợi.

² Bà đầm xòe: Theo cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam, đồng bạc có mệnh giá 1 piastre được người dân quen gọi là đồng bạc Đông Dương (Piastre de Commerce) hay đồng bà đầm xòe. Điều này được cho rằng có liên quan đến việc trên tiền kim loại Đông Dương, mặt trước thường đúc nổi hình tượng Marianne, hình người phụ nữ đầu đội vương miện tỏa sáng, tay phải cầm cây thiền trượng. Đây là biểu tượng của nền cộng hòa Pháp.
³ dang nắng: Phơi trần ngoài nắng.
⁴ ả phù dung: Thuốc phiện.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net