Điônidôx bị vua Liquyếcgơ (Licurgue) bạc đãi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thần Điônidôx lãnh sứ mạng truyền dạy cho mọi người biết nghề trồng nho và nghề ép rượu. Cùng với một đoàn các vị thần tùy tùng đông đảo, Điônidôx đi tới đâu là gieo rắc sự vui tươi, hoan lạc, cuồng nhiệt ở nơi đó. Các nữ thần Băccăng quấn trên người một tấm da sư tử, ngực để trần, tay cầm gậy tiếc xơ, một cây gậy dài như một ngọn lao có một dây nho quấn trên thân hoặc một dây trường xuân (lierre). Cùng đi với những nữ thần Băccăng là những nữ thần Mênađ. Có người bảo, Băccăng với Mênađ chỉ là một và thực ra không phải là những nữ thần mà và những viên nữ tư tế, những cô đồng. Tiếp đến những Thiađ (Thyades) những thiếu nữ hiến mình cho những nghi lễ thờ cúng và các tập tục hành lễ diễn xuất thầm kín (mystère) của việc phụng thờ Điônidôx. Sở dĩ gọi những thiếu nữ này là Thiađ là do sự tích sau đây. Thia (Thya), con gái Caxtaliôđ được thần Apôlông đem lòng yêu mến. Nàng sinh được một con trai tên gọi là Đenphơ. Chính tên người anh hùng này được dùng để đặt tên cho ngôi đền thờ nổi tiếng của đất Hy Lạp ngôi đền hàng năm thu hút con dân Hy Lạp từ khắp mọi miền mọi nẻo đến để xin những lời sấm truyền, tiên đoán của thần Apôlông. Cha của Thia vốn là viên tư tế thờ phụng thần Điônidôx, vì thế Thia nối nghiệp cha cũng hiến mình cho việc thờ phụng vị thần này. Nàng là người đàn bà đầu tiên hiến mình cho việc thờ phụng Điônidôx. Nàng cũng và người đặt ra những nghi thức cúng tế, trong đó có tập tục mỗi năm một lần những phụ nữ Aten phải lên đỉnh núi Parnax ở miền Trung Hy Lạp để hành lễ, ca ngợi công đức của Điônidôx. Từ đó trở đi những thiếu nữ hiến mình cho việc thờ phụng vị thần này mang tên là Thia. Nhưng nói đến những tùy tùng của Điônidôx ta không thể quên thần Păng, những thần Xatia (Satyres) và ông già Xilen (Silène). Xatia và những vị thần nửa người nửa dê (mặt người, đâu có sừng, tay người, chân dê và có đuôi dê, râu tóc bờm xờm), tính nết thô lỗ, ham mê tửu sắc, thường đeo trước ngực một cái dương vật bằng gỗ. Vì lẽ đó ngày nay Xatia chuyển nghĩa chỉ những người hiếu sắc, dâm đãng, thô tục, phóng túng. Còn Xilen là một ông già thân hình thô kệch, rậm râu, sâu mắt, trán hói, mũi tẹt, bụng to. Chính Xilen đã có một thời gian được Dớt giao phó cho việc nuôi dưỡng và dạy dỗ Điônidôx vì Xilen là người nổi tiếng về tài tiên đoán và học rộng biết nhiều. Nhưng ông già Xilen chẳng ưa chuyện trí thức mà chỉ ham mê chuyện "nhậu nhẹt" khoái lạc. Miệng lúc nào cũng sặc hơi rượu, đi đứng lảo đảo, chân nam đá chân xiêu. Áo quần chẳng mặc chỉ quấn một miếng vải ngang hông thay cho chiếc quần đùi, trên đầu quấn một vòng dây nho, quả nho, lá nho rủ xuống trán lòa xòa. Chẳng mấy ai hỏi xin ông già này được một lời tiên đoán, bởi vì, không phải tại ông cụ khó tính, mà do ông cụ lúc nào cũng say mèm, ăn nói huyên thuyên. Chỉ có cách lừa lúc ông cụ đang ngủ, đến vật nài, khẩn khoản cầu xin thì, có lẽ vì tiếc giấc ngủ, ông cụ mới chịu nói để rồi được ngủ tiếp. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, người ta cho rằng ông già Xilen là cha đẻ ra các thần Xatia và các thần Xilen khác nữa.
Tất cả những "nữ thần" quỷ thần hay tùy tùng này của Điônidôx đi hộ tống bên cỗ xe của Điônidôx do những con báo kéo, vì thế thường thì các thần tùy tùng cũng quấn da báo trên người thay cho áo quần. Trong các vị thần của thế giới Ôlanhpơ chẳng có vị thần nào đi tới đâu mà lại ầm ĩ, huyên náo như Điônidôx. Trống giong, cờ mở, thanh la não bạt khua vang, đàn sáo, ca hát, hò hét nhảy múa cứ loạn cả lên. Đúng là một đám rước nhưng chẳng có quy củ, trật tự gì cả. Tự do, phóng túng, cuồng nhiệt, là "đức tin" của những tín đồ Điônidôx. Các Xatia nhảy múa giậm giật quanh cỗ xe, ông già Xilen ngồi ngất ngưởng trên lưng lừa, kè kè bên hông một bình rượu nho, tay cầm một chiếc cốc vại cứ khua múa huyên thuyên trước mặt. Các Xatia cũng cẩm cốc, có "vị" cẩn thận dắt lừa cho ông già Xilen và có ''vị'' đi kèm bên để dỡ cho cụ khỏi ngã.

Với đoàn tùy tùng này, thần Rượu nho Điônidôx đi khắp mọi nơi. Và sau khi đặt chân lên không biết bao nhiêu xứ sở xa lạ ở phương Đông, thần trở về đất Thrax, Hy Lạp. Nhà vua Liquyếcgơ chẳng những không ra lệnh cho nhân dân phải đớn tiếp thần Điônidôx trọng thể mà lại còn bạc đãi người con của thần Dớt vĩ đại. Liquyếcgơ cho rằng, nếu để cho Điônidôx đến cư ngụ ở xứ sở này thì dân chúng sẽ hư hỏng. Nhìn đám rước của Điônidôx tiến vào xứ sở của mình, Liquyếcgơ lo lắng có ngày dân chúng của mình sẽ cuồng loạn, lố lăng, điên điên dại dại như những vị thần đó. Hơn nữa, Điônidôx theo Liquyếcgơ nghĩ, là một vị thần nguy hiểm, nghe đâu ông ta có một thứ nước bùa mê, cho ai uống là người đó choáng váng, ngây ngất, đi không vững, nói không rành, tâm thần mê mẩn, người đang tỉnh táo khôn ngoan phút chốc bỗng hóa điên hóa dại. Nghĩ thế, Liquyếcgơ bèn ra lệnh tập hợp binh sĩ lại rồi bất ngờ tiến công vào đám rước của Điôniđôx. Các Xatia và ông già Xilen bỏ chạy toán loạn mỗi người mỗi phương. Bình rượu, cốc vại, đàn sáo, thanh la, não bạt bị đập vỡ tung tóe. Điônidôx cũng phải cắm đầu chạy thục mạng mới tránh khỏi bị bắt sống. Nhưng Liquyếcgơ không tha, ra lệnh cho quân sĩ truy đuổi bằng được. Điônidôx cùng đường phải nhảy xuống biển. Nữ thần Thêtix đón được, mời Điônidôx về nghỉ trong một chiếc động xinh đẹp dưới đáy biển sâu. Nghỉ ngơi một ít ngày Điônidôx phải trở lại đất Thrax để trừng trị tên vua vô đạo. Được các vị thần Ôlanhpơ giúp đỡ, Điônidôx giải thoát cho các nữ thần Băccăng, dùng pháp thuật làm cho tên vua Liquyếcgơ mất trí, trở thành một kẻ điên rồ tệ hại. Nhìn đứa con trai của mình, tên vua này tưởng là cây nho, liền vung rìu lên giáng một nhát. Điônidôx còn làm cho đất đai xứ Thrax trở nên khô cằn, kiệt quệ. Thần Dớt trên thiên đình thấy con mình bị bạc đãi cũng nổi giận, trưng phạt Liquyếcgơ, rút ngắn cuộc đời hắn lại. Còn nhân dân xứ Thrax thấy đất đai bị khô cằn, kiệt quệ đã kéo nhau đến đền thờ cầu xin thánh thần cho biết nguyên nhân, của tai họa và chỉ cho cách giải trừ. Một lời sấm truyền cho biết, chỉ có cách trừng trị kẻ đã xúc phạm đến thần Rượu nho Điônidôx thì mới chấm dứt được tai họa. Thế là Liquyếcgơ bị nhân dân bắt, xử theo hình phạt tứ mã phanh thây. Đất đai xứ Thrax trở lại phì nhiêu tươi tốt như xưa, nhân dân đón tiếp trọng thể thần Điônidôx, tiếp nhận báu vật của thần ban cho với lòng biết ơn vô hạn. Và dần dần, người người, nhà nhà đều biết trồng nho ép rượu, ủ rượu. Đền thờ Điônidôx và các nghi lễ tập tục cúng tế vị thượng đẳng phúc thắn này được thiết lập.

Ngày nay những từ Điônidôx, Băccăng hoặc Baccuyx trở thành một danh từ chung chỉ cảnh say sưa, chè chén nhậu nhẹt "tơi bời" vui như điên, say như điên, "Những đồ đệ của Điônidôx hoặc Baccuyx" "Những người tôn sùng Điônidox hoặc Baccuyx" chỉ những người nghiện rượu, hay chè chén say sưa tối ngày. Băccăng (Bacchante) chỉ người đàn bà sống buông thả, rượu chè, sinh hoạt phóng túng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net