III. Chữ "Trung" Cùng Gánh Một Khi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đợi khi quan lớn đã hoàn toàn khuất dạng, Trinh mới thấy ông huyện đủng đỉnh đi vào, cái lưng lúc này đã thẳng đuột như tre mía, chẳng còn đâu bóng dáng khúm núm vừa rồi. Ngồi lên sập bắt chân chữ ngũ, ông cầm bình tự rót lưng một bát rượu, tay còn lại vẩy vẩy bâng quơ.

"Cô Trinh lại đây ngồi hầu bữa cho quan nào."

Chờ nàng lững thững dời bước, ông mới nhắm mắt hít vào một hơi dài rồi mỉm cười khoan khoái.

"Mãi cái thằng ôn thần ấy mới chịu đi. Xem xem, không gian thoáng mát thơm tho hẳn ra."

Trinh thoáng cười, duỗi tay gắp một miếng chả để vào bát sứ đẩy đến trước mặt.

Ông huyện nhìn miếng chả vuông vắn rồi cười to.

"Cô Trinh bỡn quan đấy à? Có mỗi tẹo này thì kẽ răng nhét cũng còn chưa đủ, gắp cho nhiều vào nào."

Nàng ngoan ngoãn khom người gắp tiếp, chờ đến lúc bát đã vun đầy nào thịt nào rau, ông huyện lại trở chứng không ăn nữa.

"Gắp cái gì mà hồ loạn bát nháo lên thế? Thôi, cô Trinh ăn hết cả đi, quan đây tự gắp."

Nói rồi cầm bát khác tự gắp thật. Trinh không tỏ ra bất mãn gì, chỉ dịu dàng nâng bát lên ăn như được dạy. Ăn vơi, ông huyện lại vừa nhai vừa liếng thoắng gắp thêm vào bát nàng, còn thuận tay rót cho bát rượu, nàng đều nhận tất. Ông nhìn bộ dạng đằm thắm của nàng mà khe khẽ cười. Đây mới thật là sự ngoan ngoãn từ trong xương ra của con nhà gia giáo, còn cái điệu bộ thẽ thọt nhún nhường trước mặt lão châu ban trưa... đều là đớn đau kiềm nén tạo thành cả.

Không hiểu sao, nhìn nàng thành thật như thế trước mặt mình, ông lại thấy vui vui, miếng cơm nuốt vào cũng trơn hơn một tẹo.

Cuộc ăn xong xuôi lại đến cuộc chè, Trinh nhận cái trà kỷ từ bà bếp rồi bê lên cho chủ, rất tự nhiên ngồi xuống đối diện, khom người tráng chén chuẩn bị pha chè.

Ôi là cái dáng điệu thanh tao kiều nhã làm sao, khác hẳn mấy ả đào xun xoe đon đả, đúng là con ông đồ có khác, đến cái tướng pha chè cũng đoan trang như thế.

Đưa tay đón lấy chén quân* từ Trinh hớp vào vài ngụm, ông huyện lan man hỏi.

(*chén quân: chén nhỏ trong bộ trà cụ, dùng để uống trà rót từ ấm ra)

"Cô Trinh năm nay bao tuổi nhở?"

Nàng đưa tay ra dấu, mười tám.

Ông cười. "Thế mà lá gan nở to còn hơn bà già tám mươi cơ đấy."

Nàng chỉ cười hiền, nghiêng người cầm chén tống* rót tiếp một ít vào bát quân trên tay chủ.

(*chén tống: chén lớn dùng đựng nước cốt trà)

"Chẳng bù với quan đây này, càng già gan càng teo lại."

Ấy rồi ông ậm ờ than thở về cái lưng đau do vái chào nhiều quá, cái ruột nẫu bởi chè rượu liên miên, cái cổ rát do mắng mỏ đám tá điền, cái chân mỏi sau mấy cuộc đòi thuế, củ hành vỏ tỏi đủ chuyện phiền của đám người cao tuổi. Trinh nghe qua mà chỉ muốn ù ngay ra bếp phì cười cho thỏa.

"Xem kìa, cô Trinh toan cười nhạo quan đấy ư? Cái thân tội vạ của quan khiến cô Trinh vui lắm chắc?"

Nàng đỏ mặt vì bị bắt gặp thất ý, vội lắc lắc đầu, ngón tay chấm vào nước chè nguệch ngoạc vài chữ trên mặt sập.

"Quan ông năm nay chắc gì đến tứ tuần mà đã vãn ai cái nhọc nhằn của bậc cao niên?"

Ngắm nhìn những chữ tròn trĩnh con con óng ánh trên mặt gỗ, ông huyện trề môi. Song, khóe miệng lại khẽ nhếch.

"Giời, thế còn không chịu là nhạo? Cô muốn kháy quan lèm bèm sáo rỗng chứ gì?"

Nàng chỉ tủm tỉm cười, không gật cũng chẳng lắc. Ông huyện ngẩn ra một lúc, đoạn vỗ chát lên đùi như nhớ ra gì đó uất ức lắm.

"Mà sao cô lại chọn mốc tứ mà chẳng là tam? Ý cô bảo quan già như mấy lão bốn mươi đúng không?"

Khóe môi nàng Trinh ấy lại càng cong tợn. Người gì thế này? Khen trẻ chẳng được, chê già chẳng xong.

"Nói cho cô biết nhé, quan năm nay chỉ mới tam thập nhất tuế, hơn cô có con giáp lẻ chứ mấy. Cô mà chê quan già hơn tuổi là cô sai lắm đấy! Cô không nghe trong làng họ gọi quan thế nào à? 'Thằng huyện' đấy. Chắc chắn là vì nom quan như bọn đôi mươi chúng mới thỉnh thoảng lỡ miệng gọi thế, cô thấy có đúng không?"

Đến đây thì nụ cười trên môi Trinh méo xệch, nàng thoáng sửng sốt nhìn lên vẻ mong chờ trẻ nhỏ trên mặt quan ông. Hóa ra ông ta biết đến cái tên khiếm nhã họ thường vụng trộm gọi mình, thế mà... sao lại chẳng lấy làm tức tối? Thậm chí, còn đem ra làm chuyện vui chọc cười. Người ta nói tài tử Thanh Ba Đinh Văn Trung xưa kia là một bậc văn sĩ giỏi trào phúng, lại chẳng ngờ có ngày lại thoải mái dùng chính sự trào phúng này trên bản thân như vậy...

Thân là quan ông, lại gánh tiếng thằng, nếu chẳng tức, chẳng giận, hẳn là phải đau chứ...?

"Xem ra cô chẳng giỏi che giấu cảm xúc mấy nhỉ? Thương người mà gần mếu đến nơi rồi kia kìa."

Nàng giật mình rũ mắt, tay chân lúng túng không biết để vào đâu.

"Thế mà lúc hầu lão châu, cô kín kẽ lắm kia mà? Làm quan còn sợ đang nuôi phải rắn giả lươn trong nhà."

Răng lún vào môi, Trinh sửng sốt ngẩng nhìn kẻ vẫn đang thản nhiên quạt mát. Thế ra... vừa rồi là ông ta khích thử, xem nàng bao thâm mấy trầm đấy ư? Nàng lại vì ông là người ơn nên chẳng hề phòng bị, thường ngày ra sao cứ ra thế nấy.

Đôi bên nhìn nhau một hồi, ông bỗng đập phẹt cái quạt xuống sập, thõng chân mang giày ống thêu vân bạc vào. "Thôi, cứ nhìn mãi cũng chẳng ra ngô khoai, cô Trinh cắp nón rồi cùng đi với quan."

Nàng ngạc nhiên song cũng không tỏ ra thắc mắc, vội vã chạy ra sau mượn bà bếp cái nón quai thao rồi bước dài ra ngõ. Đến nơi, nàng mới hay ông huyện không đi võng, cũng chẳng có thằng hầu theo che lọng, tay chắp ra sau lưng vừa đủng đỉnh bước vừa í ới gọi nàng nhanh lên. Trinh sụp nón tất tả chạy theo.

Dọc đường, tuy không hề ngước lên, nàng cũng biết người làng dừng việc để nhìn họ nhiều lắm. Tội cho lớp da mặt mỏng, nàng sụp nón sâu hơn, đầu càng gằm cúi lủi thủi bước nhanh như trốn nợ. 

"Ngẩng cao lên nào," kẻ phía trước chợt ra lệnh, cái giọng bình thường phởn phơ nay lại có chút răn đe. "Cô đi hầu quan mà cứ gằm đầu, chúng nó nhạo cho. Ngẩng cao lên."

Đã quen nết ngoan hiền, Trinh chậm chạp làm theo, nhưng lòng nàng rát lắm. Giá mà nàng chưa ăn nằm với ông huyện, nàng cũng dám ngang tàng hất đầu, khổ nỗi...

"Cô Trinh có biết người ta hay ví quan như 'cướp ngày' hay không?"

Trinh hơi nâng mắt, lại gì nữa đây? Sao cái ông quan này thích hỏi chuyện kẻ câm thế nhỉ? 

Dường như cũng ý thức được nàng sẽ không đáp, ông hềnh hệch cười. 

"Đi với cướp ngày thì cô là kẻ bị cướp, hoặc kẻ cướp. Nếu là vế trước, chúng sẽ khinh cô, nhưng có tội nghiệp. Nếu là vế sau, chúng vẫn sẽ khinh cô, nhưng lại ghen đến đỏ con ngươi. Cô Trinh thích vế nào hơn?"

Trinh tròn mắt ngạc nhiên nhìn lên gáy ông huyện, đột nhiên cảm thấy mông lung. Chưa kịp nghĩ ra nên phản hồi như thế nào, ông đã khụy chân chúi người về phía trước, nàng ở sau mất đà thế là té nhào lên lưng ông. Ngay lập tức ông đứng thẳng dậy. Vẫn với cái dáng bộ khoan thai phớn phở, ông cõng nàng tiếp bước trên con đê ẩm ướt, miệng không ngừng nhão nhoét nói to. "Nào nào... nàng để quan cõng để tránh lấm chân nào...!"

Rồi hơi quay đầu se sẽ với nàng.

"Thế nào? Quan làm giặc, thường ngày cưỡi lên đầu lên cổ chúng nó. Cô Trinh bây giờ cưỡi lên lưng quan, ấy là càng oai phong gấp mười, chúng ghen còn không kịp, có sướng thân không? Không tin cô nhìn mặt bọn chúng, xem quan có nói điêu tẹo nào?"

Mất một lúc dìm xuống sự lúng túng, Trinh sẽ sàng đưa mắt ngó quanh, quả nhiên trông thấy cặp gái trẻ gặt lúa bên đường đang trề môi ngó nàng với ánh nhìn khinh khi, để ý kỹ còn có thể trông ra một chút buồn tủi mơ màng trong bờ môi bị cắn dập, trong vạt áo bị vò nhàu, trong mười ngón chân lấm đầy bùn nhơ run run co quặp.

"Nếu đã định là sẽ bị khinh, thế thì cứ để chúng khinh ganh, dại gì mà đeo cái gánh khinh tội?"

Cái nón thúng lúc này đã đổ hẳn ra sau lưng, Trinh thây kệ, đầu hơi rướn sang phải đón chút nắng vàng trưa giờ luôn tránh né, đôi cánh tay bất giác choàng qua cổ kẻ đang cõng mình.

Ông đang nói về nàng, hay nói về bản thân...?

Trưa ấy, ông cõng nàng lên chùa chôn u.

Không kèn trống linh đình, chẳng cỗ mâm xôi thịt, tang của người vợ tội đồ chỉ là một tấm vải trắng liệm thây, một cỗ quan tài vàng tâm và bát cơm bổng cắm nhang lấy lệ.  Trinh tuy cay đắng trong lòng, nhưng cũng hiểu rằng ở hoàn cảnh của u con nàng, bấy nhiêu đã nhiều hơn quá đủ. Quan tài và bãi đất nhỏ chôn cất cũng là ông huyện cắt lính chuẩn bị thêm cho, không thì nàng chỉ đành quấn chiếu chôn u ở trong rừng, trong núi.

Nhang đèn lễ vái xong xuôi, trời cũng đã tối mịt, nàng cắp nón lủi thủi theo sau ông huyện về nhà, tâm trạng thê lương, má ướt đẫm nước mắt. Ngang qua bãi tha ma cạnh chùa, ông đột nhiên quay lại hỏi.

"Cô Trinh sợ ma không nhỉ?"

Nàng hơi nin nín, lắc đầu.

"Thế thì lên đây đi ngang với quan, ban ngày làm lắm việc ác, đêm về quan sợ vong ám theo lắm...!"

Thế là nàng Trinh nào đó đang lúc thút thít lại bất chợt phì cười. Trên con đê làng cạnh bãi tha ma, hai người sóng đôi bước đi chậm rì dưới ánh trăng chếch choáng, hệt như cặp ma già đến hồi rệu rã.

Cái cách mà cảm tình giữa thằng và con nảy sinh, đúng là thật lạ.

.

Từ sau đợt ấy, thỉnh thoảng ông huyện lại hứng chí gọi Trinh lên hầu dùng bữa, dùng chè. Nàng tuy thường ngày lầm lì, những khi hầu quan lại luôn tinh ý, nếu không cũng chẳng phát hiện cái sự hứng chí này chỉ trỗi lên khi quan ông có việc buồn phiền trong bụng.

Ví nhưng lần ông sốt nổi ban, nhà lại chẳng có lấy một mẩu đàn bà lo toan mọi sự, sư gia bèn theo lễ nghĩa lệnh thằng hầu chạy xuống làng Khóa báo tin cho bà thái* họ Đinh để bà liệu bề khăn gói lên huyện chăm nom con trai. Ngờ đâu... thằng ấy trở về báo, bà thái không chịu đến, còn bảo rằng nhà bà không đẻ đứa nào bỏ khinh tiết khí đi đầu quan cho giặc.

(*bà thái: vợ của ông Thái học sinh - một học vị dành cho những người đỗ kỳ thi Hội ở thời Lý - Trần)

Trinh nghe xong thì thảng thốt vô cùng, nhưng rồi ngồi ngẫm một hồi cũng ra hết cơ sự. Làng Khóa ấy sát bên làng Ẻn của nàng, cả hai đều là hạng thượng văn đề cao khí tiết nho gia. Họ Đinh Văn lại là một họ lớn khắp cái Thanh Ba, con cháu họ mạc dễ chừng lên đến hàng trăm, ai nấy đều là bậc quang minh lỗi lạc. Năm đó khi ông huyện ra đầu quan cho giặc, bà thái hẳn đã vô cùng tức giận rồi từ luôn mặt ông. Trách sao... cả tháng ở đây, nàng chưa hề trông thấy bất cứ họ hàng thân nhân nào đến thăm ông cả.

Nhưng đến cả bệnh hoạn cũng chẳng thèm thăm... thì đau đớn quá..

Thương xót trong dạ, nàng dốc lòng chăm sóc cho ông chóng khỏi. May thay cơn sốt kia không phải hạng lấy mạng người, hai hôm sau ông đã dậy được. Không biết sư gia hành sự kiểu nào, những lời tàn nhẫn của bà thái lại truyền đến tai ông, bữa chiều đó Trinh liền được quan đòi lên hầu hạ.

Cầm bát cháo gừng nguội lạnh trong tay, nàng chẳng biết dùng cách gì để cạy mồm ông huyện ra mà bón. Công nàng nấu suốt cả buổi trưa, lẽ nào lát nữa phải đem đổ vào máng lợn? Nàng tiếc rẻ miếng ăn nên o ép ông mở miệng, đến một lúc nào đó dường như chịu không nổi nữa, ông trở cơn gàn hất đổ luôn bát cháo.

Rồi khi nhìn thấy nàng cặm cụi dọn dẹp đống vỡ nát trên sàn, dường như ý thức được mình quá đáng, ông lại bảo xuống bếp múc bát mới bón cho ông.

Lần này ông chịu ăn, nhưng là ăn láo ăn lếu như mấy thằng phải gió, mỗi một muỗng nuốt xuống lại nhăn nhó ra chiều đau đớn lắm, ai không biết nhìn vào còn tưởng nàng bón thuốc chuột cho chủ.

"Cháo dở lắm sao?" nàng khẽ thở dài viết lên mặt giường, "Hay là để con xuống bếp nấu lại nồi khác?"

Ông nhìn nàng một lúc, lắc đầu.

"Không, ngon lắm, vị giống hệt cháo u tôi thường nấu."

Nàng sững sờ, ấy rồi cúi gằm đầu ra chiều hối hận.

Xin lỗi, nàng mấp máy mãi mà tiếng chẳng chịu thoát ra.

Xem ra, đời này nàng không bao giờ phải nấu cháo gừng nữa.

Ăn xong, nàng bê bàn cờ sừng trâu cũ uế lên sập cùng ông chơi cờ, hy vọng chút mưu lược cuộc kỳ sẽ phần nào khuây khỏa nỗi ưu thương trong lòng quan lớn. Ở trên văn kỷ đầu sập thật ra cũng có một bộ bằng ngà voi vô cùng quý giá, ai ghé qua thăm ông cũng lôi cái bộ ấy ra chan chát lấy mẽ, còn bộ sừng trâu cũ kỹ này ông lại giấu nhẹm ở trong tủ thờ, chỉ khi một mình mới tự đem ra chơi với bản thân.

Thế nhưng cái sảnh bề thế nhà ông không chỉ có bộ cờ ngà voi ấy là quý, từ sập gụ khắc phượng đến các món trầu cụ thếp vàng, từ ống nhổ sừng tê ngưu đến bộ hoành phi bằng đồng Đại Bái, vơ bừa cái dao bạc bổ cau cũng bằng với tiền công của thợ gặt một năm, bảo sao mà người ta không kháo cái thằng huyện Thanh Ba kiết, thằng huyện Thanh Ba tham? Không kiết không tham thì lấy đâu ra cơ ngơi huy hoàng như thế?

Nhưng nàng biết, sự huy hoàng kia cũng chỉ dừng lại ở cái sảnh.

Ngoài mấy món đẹp lạ ấy ra, buồng ngủ, gian con... đều trống huơ trống hoác.

Mấy thằng hầu trong nhà bảo, ông huyện sĩ diện nên mới thế, mặt trước vì để người xem nên tô vẽ cho giàu sang vào, phía sau lại sợ trộm nên giấu nhẹm đi hết.

Ừ thì cứ cho là thế, nhưng rồi giấu là giấu đi đâu? Chúng thật sự nghĩ tin đồn về hầm vàng ông đào dưới gầm giường để giấu của tham là thật?

Cái nhà này nó hệt với con người chủ nó, ngoài mặt giàu sang đến sỗ sàng, bên trong... hoang tàn xác xơ.

"Sao cô Trinh lại không lấy cái bộ ngà voi nằm sẵn nơi kia?" ông huyện lấy làm ngạc nhiên, đoạn nghĩ gì đó rồi bày ra nụ cười đầy trêu chọc. "Ngón tay nõn nà thế này thì phải cầm đồ sang quý mới hợp."

Trinh chỉ cười nhẹ rồi bày cờ ra, đoạn chấm ngón vào nước chè viết một dòng lên sập.

"Vậy nên con mới chọn bộ này, quan ông đừng hòng tiếc của."

Ông huyện ngẩn ngơ một hồi, cuối cùng bật ra hai tiếng cười xòa.

"Lại bị cô Trinh nhìn ra rồi..."

Thế rồi họ lặng thinh chơi cờ, già hơn nửa cuộc thì ông huyện lại trầm tư nhả giọng.

"Hồi đấy khi lão Hữu tham chính đến dụ tôi ra làm quan, có bảo rằng ông đã trù sẵn một kẻ dự bị phòng khi tôi tự vẫn."

Nàng dừng tay lại, ngẩng mặt chăm chú lắng nghe. Nàng biết những lúc ông vô ý xưng tôi thế này, lời thoát ra đều thật tâm thật dạ.

"Cô Trinh biết không, u tôi quyết liệt lắm, ba lần bảy lượt dọa thắt cổ tự vẫn để giữ vững danh giá họ tộc nếu tôi chọn đầu quan. Quẫn quá, tôi cũng đã định học theo các cụ xổ khăn tự vẫn để giữ trọn tiết khí. Nhưng rồi ma xui quỷ khiến thế nào, tôi nghe đến tên thằng dự bị, ý định kia bèn bay biến mất."

Đuổi một con xe chát lên con tốt của nàng, mắt ông bỗng trong thoáng chốc dấy lửa hung tợn.

"Là thằng Dương Chả."

Dương Chả? Ông lý Chả bây giờ?

Trinh rũ mắt, thì ra là vậy.

Ai mà chẳng biết cậu Chả nhà họ Dương khét tiếng ác độc vô lương, đến đàn bà có thai thiếu nợ nhà nó mà còn bị đạp chết. Giả dụ ngày đó ông bỏ ngỏ chức quan huyện cho nó, cả cái Thanh Ba này đã sớm ra cảnh tóc tang, xác hoang đầy đồng.

Nàng nhìn ông, đột nhiên muốn khóc.

Khóc cho nỗi đắng cay của người chọn sống vì dân, chứ không liều thân vì tiết.

Chữ "trung" cùng gánh một khi
Thác thì ra thánh, sống thì ra ma.
Thơm tho tóe chạy hết nhà
Để phân nó hốt rồi la nó lầy.

Ừ thì kẻ chạy đi nức danh muôn thuở, người ở lại nghìn kiếp chịu nhơ. Chí làm trai ở buổi non nước vật vờ... sao mà đau đớn quá.

Hứng một giọt lệ nóng rơi khỏi má hồng nhan, ông huyện run giọng khẽ khàng.

"Cô Trinh này... cô lại khóc cho ai đấy...?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net