những ngưỡng đàn bà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đời đàn bà Á Đông, từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành đều bị kìm kẹp trong những cái ngưỡng tinh thần, muốn thoát ra không được. Những cái ngưỡng vô hình đó thắt chặt đàn bà ở vị trí yếm thế, cứ vậy, thành ra đời đàn bà khổ.
Có rất nhiều cái ngưỡng được đặt ra thời xưa và đến nay không còn chuẩn xác, nên phụ nữ có thể tùy tình huống, tùy hoàn cảnh để suy xét cho bản thân mình.
Cái ngưỡng đầu tiên, là cánh cửa phòng chẳng phải từ thời con gái lúc nào cũng nghe câu "Khuê môn bất xuất", hiểu nôm na thì con gái không nên ra đường nhiều, chỉ nên ở trong phòng thì mới nên là gái ngoan, là thanh cao thục nữ, còn cứ hễ rong đuổi ngoài đường thì là thứ gái chẳng ra gì. Thực tế hiện tại, cứ ra đường chưa hẳn là hư, còn ở nhà chưa chắc đã ngoan.
Như chuyện bà chị trong công ty cũ, hai vợ chồng suốt ngày đi làm, ông chồng đi công tác, còn bà vợ thì lúc nào cũng làm tới tối mới về, có đứa con gái năm đó 17 tuổi ở nhà. Hai ông bà lúc nào cũng khen đứa con gái ngoan, chẳng bao giờ nó đi đâu, suốt ngày chỉ ở nhà đọc sách coi phim... đùng một cái, con nhỏ có thai ngoài ý muốn, tra hỏi mới biết con nhỏ đã có người yêu mấy tháng nay, tối nào cũng đúng là ở nhà nhưng là dẫn bạn trai qua nhà "chơi" nên thành ra cớ sự. Khổ thân cho hai anh chị phải lo cưới cho đứa con gái ngoan không bước chân ra khỏi nhà.
Cái ngưỡng thứ 2 mà đàn bà phải bước qua là học thức và tài năng.
Nếu nhà nào có phụ huynh lớn tuổi, thế nào cũng từng một lần trong đời nghe câu con gái cần chi học cao, sau này khó  lấy chồng. Chẳng biết vì sao người xưa có tư tưởng này, nhưng ở thời hiện tại, thực tế là đàn ông vẫn thường cảm thấy bất an trước một cô gái có rất nhiều kiến thức trong đầu. Mớ kiến thức và tải nghiệm đó khiến cho đàn bà có đôi mắt tinh tường hơn, để nhận ra trong lời nói của đàn ông, đâu là chân thành, đâu là khoe mẽ, đâu là muốn dẫn mình đến lễ đường, đâu chỉ để kéo mình lên giường mà thôi.
Đàn ông hèn kém, gia trưởng, đúng là không thích dàn bàn học rộng, hiểu nhiều, bởi vì sợ khó khống chế, khó quản lý, khó đe dọa hay mụ mị tinh thần. Trong khi đó đàn ông thông minh sẽ thích đàn bà thông minh vì họ hiểu rằng khi cần một lời khuyên chân thành cho cuộc sống đàn bà thông minh có thể giúp được mình. Mà đàn bà thông minh thì ít tin vào đàn ông, thường tin vào bản thân mình hơn.
Thậm chí, chẳng cần phải làm đến bà này bà kia, chức cao quyền trọng này thì đàn bà cũng nên học đủ cho mình. Học ở đây không chỉ đơn thuần là việc cắp sách đến trường, mà học ở hàm nghĩa rộng là cách cư xử với đời, đối đãi với người, là cách đối nhân xử thế sao cho vẹn toàn, vừa tự trọng mà lại biết tôn trọng.
Đàn bà vì vậy cần học cao, để biết cách chọn chồng và khi sống cùng sẽ không bị chồng hay gia đình chồng khinh khi là người ít học.
QUa ngưỡng học thì lại đến ngưỡng trinh tiết, người xưa đặt ra 4 chữ "trung trinh tiết liệt" để răn đe.
Đúng là trinh tiết là thứ đàn bà phải giữ và trân trọng, hãy trao nó cho người xứng đáng. Nhưng không có nghĩa là khi mất trinh tiết thì có nghĩa đời đàn bà cũng vứt xó. Nếu không may, đàn bà là nạn nhân của một vụ cưỡng bức hay xâm hại tình dục thì họ càng phải được thương yêu, trân trọng hơn, nhưng không thể chỉ vì việc đó mà nhìn đàn bà với ánh mắt coi thường hay thương hại,
Đàn bà nên nhớ, trong tình huống xấu nhất, không thể kháng cự, thì mạng sống của mình quan trọng hơn trinh tiết. Pháp luật sẽ trừng trị bọn đốn mạt kia, còn việc của mình là phải giữ lại mạng để ngồi nhìn chúng ngồi tù và trả giá.
Ở giai đoạn hiện đại, trinh tiết không quan trọng bằng việc dạy cho phụ nữ những cách nagwn ngừa bệnh tật có thể mắc phải vì thiếu thông tin, cũng như việc đừng để mang thai ngoài ý muốn như trường hợp vừa kể ở trên.
"Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử."

Câu này ngày xưa có thể đúng, nhưng từ góc nhìn hiện đại có thể suy nghĩ, thì đây là câu nói mang tính chất triệt tiêu quyền làm chủ bản thân của đàn bà. Và đặt đàn bà vào cái ngưỡng của giai cấp bị trị.
Ở gia đình thì nghe lời cha, điều này đảm bảo chữ hiếu, nhưng không phải cứ nhất nhất nghe mà bất phân đúng sai. Người lớn cũng là người, cũng có lúc sai phạm và nhầm lẫn, chữ hiếu của phận làm con là nhận ra điểm chưa đúng của người làm cha và tìm ra cách, tìm lời nói cho phải phép, phải đạo chứ không phải mù quáng nghe theo rồi dang dở đời mình. Ở những quyết định mang tính thành bại của cuộc đời mình, như nghề nghiệp, hôn nhân, có thể tham khảo lời khuyên, hướng dẫn của cha, chứ không nhất thiết cha muốn gì thì mình hoàn toàn không thích, không phù hợp cũng phải làm theo.
Khi lấy chồng thì nghe lời chồng. Nhưng đó là khi người chồng đảm bảo được việc lo cho gia đình, chia sẻ cùng vợ, biết cách dạy con nhưng nếu đó là hạn vũ phu bạo hành, bất phân trắng đen, gia trưởng độc đoán thì làm sao mà "tòng". Hôn nhân là sự kết hợp bình đẳng giữa hai người, đã qua lâu lắm rồi cái thời phong kiến chồng chúa vợ tôi, nên nếu có việc gì cũng phải thương lượng cùng nhau. Có bất hòa, vợ chồng chưa hiểu thì ngồi xuống cùng nha, hay nằm xuống cũng được, rồi từ từ mà dạy bảo nhau, góp ý cho nhau để cùng tốt hơn, vì mục đích chung là sự gắn kết khắng khít giữa hai người, chứ không phải có việc gì là phải răm rắp nghe theo lời chồng dù không phục mới là đàn bà ngoan

Đến khi chồng tạ thế phải nghe lời con. Nếu chồng mất khi đàn bà con trẻ, ở vậy nuôi con đúng là điều đáng mừng, nhưng lỡ nếu cuộc đời khó khăn quá, may mắn tìm được người đàn ông khác đến vì yêu thương mà chọn cách bên cạnh thì phải cũng chúc mừng cho đàn bà, không phải bài xích, bỉ bôi rằng phải ở vậy nuôi con mới là phận đàn bà tốt, không lăng loàn trắc nết. Còn nếu ở vậy đến khi con lớn, con lớn rồi, cứ sống đời con, mẹ còn đời mẹ, nếu mình thương cháu thì có thể giúp con trông cháu, nhưng phải để con mình trưởng thành bằng cách nó phải có trách nhiệm với con của nó. Còn mình ư, nghỉ ngơi, đọc sách, uống trà chiều, vẽ tranh, chơi đàn, thêu thùa, nấu ăn, đi du lịch hay làm đẹp....tất cả những thứ khi còn trẻ đã đánh đổi để nuôi con, giờ mình tận hưởng khi về già. Không phải nhất thiết cứ tò tò theo con thì làm mẹ hiền.
QUa khỏi ngưỡng bị trị, đàn bà cần phải vượt qua ngưỡng nhan sắc.
Buồn cười ở chỗ là mặc dù được cho rằng đẹp là đặc quyền của đàn bà, nhưng mà đẹp quá cũng thành cái để người đời dè bỉu. Đẹp quá mà đi đóng phim, dù điễn giỏi đến đâu thì người ta cũng cho là có qua lại với đạo diễn nên mới được vai. Đẹp quá mà đi cùng với người đàn ông giàu, thì bất chấp việc có yêu thương thật lòng hay không người ta cứ mặc định là chân dài cặp với đại gia. Đẹp quá mà thành công về kinh doanh, thì cũng cho là dùng nhan sắc đổi hợp đồng. Vì vậy, đẹp thì tốt nhưng mà đẹp quá thì dễ bị phũ nhận tài năng.
Rồi qua được ngưỡng này, lại phải vào ngưỡng của bổn phận chu toàn, "Đảm việc nước, giỏi việc nhà."
Nếu phân chia công việc theo kiểu đàn ông ra ngoài kiếm tiền, đàn bà phải ở nhà chăm sóc gia đình thì tại sao phải bắt việc đàn bà giỏi cả việc nước mà không yêu cầu đàn ông phải giỏi việc nhà tương tự, sao đàn ông không có phong trào thi đua. "Giỏi việc nước, giỏi cả việc nhà." mà đàn bà lại có. Cái ngưỡng chu toàn đặt đàn bà vào thế ôm đồm tất cả mọi việc vào bản thân, đầu tắt mặt tối ra ngoài đường xong còn phải về nhà, như vậy mới là giỏi.
Thế nên, hãy để phụ nữ được thoải mái làm những điều họ cho rằng có ý nghĩa với cuộc đời họ, dù là ở nhà hay ra ngoài xã hội, đừng bắt buộc hay gò ép họ phải gồng mình làm tròn nhiều lúc nhiều bổn phận công việc mà có khi đàn ông cũng không thể làm.
Đôi khi, đời đàn bà cũng có lần đi qua khỏi ngưỡng, như cái ngưỡng chịu đựng sự phản bội.
CHị bạn có chồng con đề huề, chỉ tội ông chồng không tốt tính, thường khi say về hay kiếm chuyện nặng lời, có khi còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị. Nhưng chị chịu đựng được hết, vì con. Chỉ đến một ngày, chồng về nhà có mùi nước hoa lạ, trong điện thoại có tin nhắn tình nhân, chị hỏi cho ra lẽ, chị biết được sự thật thì quyết định ly thân, chờ ngày ra tòa ly dị. "Với chị, đàn ông thay lòng là không còn dùng được." - ngưỡng chịu đựng của chị chỉ ở đó thôi là cùng.
Đời đàn bà, thỉnh thoảng cũng nên ngồi tự vấn coi đâu là ngưỡng của mình, để còn biết sướng biết khổ với nhau, chứ tay đàn bà vốn mềm, giữ nhiều quá làm chi rồi có khi vuột mất, trắng tay, mở lòng bàn tay ra, thấy toàn vết trầy xước, thấy máu chứ chẳng còn gì.
Đời đàn bà chung quy cũng nằm trong cái ngưỡng đời, có khi qua đời rồi mới hết khổ. Nên thương lắm cái kiếp đàn bà đa truân...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#ngitiu