CHƯƠNG XI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương XI
Bích Dao Ký
Diên Đào đánh trống tỏ hàm oan
Tuệ Lâm uốn lưỡi dâng cáo trạng

Tuệ Lâm đi thăm dò tình hình ở Khai Phong. Chàng vừa đi vừa nhìn nhìn ngó ngó xung quanh. "Bịch!", Tuệ Lâm bất ngờ đụng trúng ai đó, té xuống đất. "Huynh đài không sao chứ? Cho ta xin lỗi", một bàn tay rắn chắc đỡ Tuệ Lâm dậy.

- À à không sao. – Tuệ Lâm phủi y phục.

- Vô ý quá, xin lỗi huynh. – Vẫn giọng nói lúc nãy.

Tuệ Lâm nhìn lên:

- Không sao không sao, là ta không nhìn đường – Chắp tay – cho ta xin lỗi.

Tuệ Lâm lúc này mới nhìn kỹ trước mặt, hai vị quan nha mặc quan phục đỏ đeo gươm bên hông, người nào thần sắc cũng uy nghi rắn rỏi. Tuệ Lâm không biết đấy là Trương Long và Triệu Hổ của Phủ Khai Phong. Người đụng trúng Tuệ Lâm chính là Trương Long. Hai bên nói mấy câu khách sáo rồi Tuệ Lâm vội rời đi. Một gói nhỏ rơi lại. Lúc Tuệ Lâm đi khỏi, Triệu Hổ mới phát hiện ra gói nhỏ. Chàng nhặt lên, toan đuổi theo trả lại nhưng Tuệ Lâm đã mất dạng.

Bao Đại Nhân mặc thường phục cùng Công Tôn Tiên Sinh đi tản bộ ngoài phố, Triển Chiêu tất nhiên cũng theo sát. Đến một cửa hiệu may mặc, Bao Công bảo Triển Chiêu chờ ở bên ngoài rồi cùng Công Tôn Sách bước vào.

- Ấy da, Bao Đại Nhân, Công Tôn Tiên Sinh, quý hóa quá... - người chủ tiệm quen mặt ra chào.

Bao Đại Nhân đáp lễ. Sau khi người chủ tiệm chào mời thì Bao Đại Nhân không vòng vo mà nói ngay:

- Ta muốn đặt may năm cái áo rét.

Người chủ tiệm có một chút ngạc nhiên. Công Tôn Tiên Sinh bèn đỡ lời:

- Đại nhân muốn làm quà tặng cho Triển Hộ Vệ và Tứ Đại Giáo Úy đó mà.

Người chủ tiệm bật cười:

- Ra là như vậy. Đại nhân thật yêu thương thuộc hạ. – Xởi lởi – Chỗ tiểu nhân có loại lông cừu rất mềm, rất hợp với các vị đại nhân.

Bao đại nhân nói:

- Chủ tiệm cứ chọn là được rồi. Nhưng còn số đo thì sao?

- Cái này thì đại nhân cứ yên tâm. – Chủ tiệm nói rất chắc chắn – Triển đại nhân và các vị giáo úy đều hay đến đây may y phục, tiểu nhân có lưu giữ số đo của họ, đảm bảo sẽ vừa y đúc.

Bao Công gật đầu hài lòng:

- Vậy tốt. Mọi người cứ từ từ may. Khi nào xong thì giao đến Khai Phong Phủ.

- Dạ đại nhân. – Chủ tiệm nhiệt tình – Phiền đại nhân chờ lấy biên nhận.

Chủ tiệm lấy giấy viết biên nhận, Bao Công và Tiên Sinh vừa chờ vừa xem hiệu may làm việc.

Bên ngoài cửa hiệu may, Triển Chiêu đứng chờ đại nhân ra thì chợt thấy một người áo trắng đi ngang qua. Triển Chiêu chợt giật mình: "Ấu Long, là Ấu Long". Bạch y nhân khuất giữa dòng người qua lại, Triển Chiêu muốn đuổi theo nhưng nhớ tới phải bảo vệ đại nhân nên đành thôi. Triển Chiêu tự mình suy nghĩ: "Ấu Long đến kinh thành sao? Tại sao lại đến chứ?". Chợt, chàng nhớ ra: "À. Ta quên mất, Ấu Long thật ra là con trai của Tiên Sinh mà. Có khi nào huynh ấy đến tìm phụ thân và muội muội không nhỉ?". Vừa lúc đó, Bao Đại Nhân và Công Tôn Tiên Sinh trở ra.

- Triển Hộ Vệ. – Đại nhân lên tiếng gọi.

Triển Chiêu theo phản xạ liền nhìn đại nhân mà "dạ" một tiếng.

- Cậu đang nghĩ gì mà thừ người ra vậy? – Bao Đại Nhân hỏi.

- Dạ không. – Triển Chiêu lấp liếm – Thuộc hạ không có nghĩ gì đâu.

Bao đại nhân nhìn vào ánh mắt Triển Chiêu, nhủ thầm: "Tiểu tử này đang nói dối" nhưng ông chỉ nói:

- Không có thì thôi. Có đói chưa? Chúng ta đi ăn chút gì đó nhé? – Quay nhìn Công Tôn Sách – Tiên Sinh thấy sao?

- Tùy đại nhân quyết định. – Công Tôn Tiên Sinh đáp gọn.

Bao đại nhân lại nhìn Triển Chiêu:

- Còn cậu thì sao?

Triển Chiêu cười đáp:

- Dạ thì đại nhân đi đâu thuộc hạ theo đó.

Bao Công nhẹ cười rồi bước đi. Triển Chiêu và Công Tôn Tiên Sinh liền đi theo. Triển Chiêu vừa đi vừa lén nhìn Tiên Sinh và suy nghĩ: "Có nên nói cho Tiên Sinh biết không nhỉ? Nhưng tại sao Ấu Long không về thẳng Phủ Khai Phong? Hướng đó đâu phải đi tới phủ? Chẳng lẽ huynh ấy còn làm chuyện khác? Mà chuyện Ấu Long đến kinh thành chắc Tiên Sinh cũng biết nhỉ?". Ba người đi một đoạn thì gặp Trương Long, Triệu Hổ. Sau phần lễ nghi, Bao Đại Nhân cũng nhã ý mời họ cùng đi dùng bữa. Hai chàng tất nhiên là không từ chối. Trương Long còn liền một mạch kể vanh vách các quán ăn, món ăn để mọi người lựa chọn. Công Tôn Tiên Sinh bất chợt nhìn thấy gói nhỏ Triệu Hổ cầm tên tay. Ông hỏi ngay:

- Triệu Hổ, cậu đang cầm cái gì vậy?

Triệu Hổ thành thật đáp:

- Thưa tiên sinh, cái này là của một người đi đường đánh rơi nhưng y đi nhanh quá nên tại hạ không đuổi theo được. Định mang về phủ xem có ai đến nhận không.

Công Tôn Tiên Sinh liền bảo:

- Đưa ta xem thử.

Triệu Hổ đưa gói. Công Tôn Sách cầm lấy xem. Ông gửi được trên gói nhỏ thoảng một mùi hương rất quen. Tiên Sinh nhíu mày: "Sao lại là mùi trầm hương này chứ?". Tiên Sinh liền tay mở gói. Bên trong là một thứ bột màu trắng mịn. Tiên Sinh có chút kinh ngạc: "Bạch Thuấn?! Không lẽ nó...?". Mọi người không ai hiểu gì. Bao đại nhân thấy lạ bèn hỏi:

- Tiên Sinh có chuyện gì sao?

Công Tôn Tiên Sinh mỉm cười đáp:

- Không có gì đâu đại nhân. – Quay hỏi Triệu Hổ - Cậu còn nhớ người rơi đồ trông như thế nào không?

Triệu Hổ liền đáp:

- Là một nam nhân rất khôi ngô tuấn tú, chỉ chừng 17, 18 tuổi thôi, mặc một bộ bạch y và trên tay có cầm một cây quạt giấy.

- Trên người còn có mùi thơm của trầm hương nữa. – Trương Long tiếp lời.

Triệu Hổ hỏi ngay:

- Sao huynh biết người ta thơm mùi gì?

- Là ta đụng trúng người ta, còn đỡ người ta lên nữa, dĩ nhiên là ngửi được. – Trương Long đáp.

Công Tôn Tiên Sinh nghe Long, Hổ nói thì cười khẽ một cái, nói thầm: "Tiểu tử này đến cũng nhanh thật đó." Triển Chiêu thì có chút sửng sốt khi nghe hai đệ đệ nói.

- Hai đệ nói sao? Bạch y nhân trên tay cầm quạt giấy còn có mùi trầm hương trên người sao? – Triển Chiêu thận trọng hỏi lại.

Long, Hổ gật đầu. Triển Chiêu liền đưa mắt nhìn Công Tôn Sách.

- Tiên sinh... - Ngự Miêu dường như muốn nói lời gì đó.

Công Tôn Tiên Sinh gói lại gói bột đưa cho Triệu Hổ, nói với Triển Chiêu:

- Ta đã biết rồi, cậu không cần nói. Nên tới thì phải tới thôi.

Bao đại nhân càng thắc mắc khó hiểu:

- Công Tôn Tiên Sinh, Triển Hộ Vệ, hai người đang nói gì vậy?

Công Tôn Tiên Sinh tỏ ra rất điềm tĩnh:

- Đại nhân đừng bận lòng, chuyện gì nên nói học trò tự khắc sẽ nói.

Trương Long chợt lên tiếng:

- A... đói a. Đại nhân, không phải đại nhân nói chúng ta sẽ đi ăn sao?

Bao Công mỉm cười nhìn Trương Long:

- Được, đi ăn thì đi ăn. Cậu dẫn đường đi.

Trương Long hí hửng ra mặt. Mọi người theo Trương Long đi đến quán ăn, cùng ăn uống rất vui vẻ.

Thư phòng Khai Phong Phủ.

- Hồi bẩm đại nhân, chúng thuộc hạ đã thu thập đủ chứng cứ. – Vương Triều kính cẩn bẩm.

- Đưa ta xem. – Bao đại nhân nói.

Mã Hán dâng lên các ghi chép thu thập được. Bao đại nhân đọc qua, tỏ ý rất hài lòng. Vương Triều còn nói:

- Đổng Thị và Trọng Tân đồng ý sẽ ra công đường làm chứng.

Bao đại nhân mỉm cười:

- Các cậu làm khá lắm.

Triển Chiêu vuốt sợi dây đỏ trên mũ, hỏi:

- Hai đệ làm cách nào mà hay vậy?

Mã Hán nói:

- Đại ca, hai người đó đã hoang mang dao động lắm rồi, bọn đệ bày trò dọa cho chúng sợ tới xanh mặt rồi sao đó lại giả bộ làm thần nhân cứu tinh, dùng lời lẽ dụ chúng tự cung khai.

Mã Hán nói tới đây thì Vương Triều tiếp lời, tuần tự kể lại các bước hành động của họ.

Nghe xong câu chuyện, Công Tôn Tiên Sinh chợt lên tiếng:

- Cái này gọi là "Công Tâm Kế".

Bao Đại Nhân bỏ xấp giấy xuống bàn, nhấp một ngụm trà rồi hỏi:

- Nói thật đi, là có cao nhân chỉ điểm cho các cậu phải không?

Vương Triều gật đầu:

- Dạ, không dám giấu đại nhân, đúng là có cao nhân đã chỉ điểm cho chúng thuộc hạ.

Công Tôn Tiên Sinh gác bút lên giá, từ tốn nói:

- Để ta nói thử xem có đúng không nhé, vị cao nhân của hai người là một tiểu tử chỉ chừng 17, 18 tuổi, khá tuấn mỹ, toàn thân bạch y, trên tay lúc nào cũng cầm một cây quạt giấy và miệng lưỡi thì rất sắc bén. – Nhướng mày – Đúng chứ?

Mã Hán sửng sốt:

- Tiên Sinh, sao Tiên Sinh nói đúng quá vậy?

Triển Chiêu bật cười:

- Hai đệ à, hai đệ gặp người nhà không biết đó.

- Người nhà?! – Vương, Mã tròn mắt nhìn nhau.

Công Tôn Sách khẽ cười. Triển Chiêu trơn miệng nói ra:

- Người đó chính là Ấu Long trước đây ta đã có lần nhắc tới, cũng là con trai của Tiên Sinh đó.

Vương Triều và Mã Hán càng kinh ngạc hơn nữa. Bao Đại Nhân thì tỏ ra rất hứng thú: "Ấu Long là hậu duệ của Ẩn Long, đáng lý bổn phủ phải đoán ra ngay từ đầu chứ nhỉ...".

Quán trọ Hoàng Nha. Tuệ Lâm bước vào phòng hỏi Diên Đào:

- Chu đại tẩu, tẩu đã chuẩn bị kỹ càng chưa? Chúng ta sẽ đến nha môn cáo trạng.

- Ta đã sẵn sàng rồi. – Diên Đào rất tự tin – Công tử cứ yên tâm.

Tuệ Lâm cười mỉm:

- Mấy ngày nay ta đã để ý thăm dò, Khai Phong Phủ quả nhiên danh bất hư truyền, họ làm việc rất nhanh chóng và hiệu quả, thái độ cũng hòa nhã chứ không hống hách như quan lại khác. – Ngữ ý tự hào – Chả trách phụ thân ta quyết ý theo Bao đại nhân.

Diên Đào chỉ cười khẽ. Tuệ Lâm lại nói:

- Tẩu cứ chờ một lát. Ta viết cáo trạng xong sẽ cùng tẩu đi đến công đường.

Diên Đào gật gật đầu, hoàn toàn tin tưởng ở Tuệ Lâm.

Công đường Khai Phong Phủ. Bao đại nhân vừa xử xong một vụ án. Một cái đầu vừa rơi. Tiếng hô "bãi đường" vừa dứt, Bao đại nhân còn chưa kịp rời khỏi vị trí xử án tthì ngoài cửa công đường lại vang lên tiếng trống.

"Truyền người đánh trống vào công đường.... ường....", tiếng nha lại dõng dạc hô. Diên Đào được nha lại dẫn vào công đường.

- Dân phụ Chu Diên Thị, nhũ danh Diên Đào bái kiến Thanh Thiên Bao Đại Nhân. – Diên Đào rụt rè hành lễ.

Bao đại nhân đập mộc bài hỏi:

- Chu Diên Thị, ngươi là người ở đâu? Vì sao đánh trống?

Diên Đào cúi mặt tâu:

- Bẩm Bao đại nhân, dân phụ người Lư Lăng, đánh trống là vì muốn kêu oan cho nhị thúc nhà chồng.

Bao đại nhân lại hỏi:

- Có cáo trạng không?

Diên Đào đáp:

- Hồi bẩm đại nhân, dân phụ có cáo trạng. Nhưng... - Diên Đào lấp lửng.

- Tại sao không nói tiếp? – Bao đại nhân hỏi tới.

- Đại nhân, xin cho triệu người đi cùng dân phụ vào công đường, cáo trạng do người ấy giữ. – Diên Đào khấu đầu bẩm.

Bao đại nhân thấy lạ nhưng vẫn phán:

- Truyền người đi chung với Chu Diên Thị vào công đường!

Sai nha y lệnh lặp lời. Từ ngoài cửa công nha, một bạch y thư sinh nho nhã bước vào. Triển Chiêu sững sốt. Tứ đại giáo úy kinh ngạc. Công Tôn Tiên Sinh thì suýt làm rơi cả bút. Bạch y nhân thủng thẳng vén vạt áo, chầm chậm quỳ xuống công đường.

- Thảo dân Công Tôn Tuệ Lâm khấu kiến Bao Đại Nhân.

Vừa nghe báo danh, Bao Đại Nhân liền đưa mắt nhìn Công Tôn sư gia và nhìn khắp các cận vệ một lượt. Trước thái độ của họ, Bao đại nhân đã biết rõ người vừa vào là ai. Bao đại nhân uy nghiêm đập mộc bài, hỏi:

- Công Tôn Tuệ Lâm, ngươi và Chu Diên Thị có quan hệ gì?

Trái với thái độ lo lắng, sợ hãi của Diên Đào, Tuệ Lâm ngược lại hoàn toàn bình tĩnh, không hề dao động. Chàng đáp:

- Hồi bẩm đại nhân, không có quan hệ gì cả.

Bao đại nhân tiếp tục hỏi:

- Vậy tại sao lại cùng Chu Diên Thị đi cáo trạng?

Tuệ Lâm từ tốn đáp:

- Bẩm đại nhân, Chu Diên Thị vì trên đường dẫn theo con nhỏ đến Khai Phong cáo trạng chẳng may đứa trẻ lâm bệnh nặng, thảo dân tình cờ gặp họ nên mới giúp chữa trị cho đứa bé. Được nghe Chu Diên Thị kể lại nỗi oan khuất, thảo dân tự thấy nỗi oan này một lời khó nói hết, Chu Diên Thị lại là khuê môn nữ tử, ít khi ra ngoài, lo sợ nơi công môn sẽ có điều sai sót, thất kính cao quan nên thảo dân mới mạo muội giúp cô ấy dâng cáo trạng.

- Nói vậy ngươi không phải nguyên cáo? – Bao đại nhân lại hỏi.

- Dạ phải. – Tuệ Lâm gật đầu đáp. – Thảo dân chỉ là người viết cáo trạng và thay Chu Diên Thị đối đáp để tránh sơ sót. Cũng có thể xem như là trạng sư (*) của cô ấy.

Bao đại nhân bèn phán:

- Vậy ngươi có thể đứng lên nói chuyện.

- Tạ đại nhân. – Tuệ Lâm khấu tạ rồi đứng dậy.

Bao đại nhân lại hỏi:

- Chu Diên Thị nói ngươi đang giữ cáo trạng, vậy cáo trạng ở đâu?

Tuệ Lâm hai tay nâng cuộn giấy:

- Bẩm đại nhân, cáo trạng ở đây.

Trương Long bước xuống lấy cáo trạng trình lên Bao Công. Bao đại nhân xem qua cáo trạng rồi phán hỏi:

- Chu Diên Thị, bổn phủ hỏi ngươi, ngươi nói tri huyện bắt lầm Chu Đức, vậy tại sao tri huyện lại bắt hắn?

- Bẩm đại nhân, vì lúc sai nha tới thì thấy Chu Đức trên tay cầm một con dao dính máu ngồi cạnh xác của tệ phu. – Diên Đào đáp.

Bao đại nhân lại hỏi:

- Vậy bổn phủ hỏi tiếp ngươi, nha môn địa phương đã cho khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân cái chết hay chưa?

Diên Đào đáp:

- Dạ có. Ngọ tắc (**) khẳng định nguyên nhân cái chết là do bị dao đâm chí mạng.

- Vậy tình cảm huynh đệ giữa Chu Trí và Chu Đức có tốt hay không? – Bao đại nhân hỏi tiếp.

Diên Đào ngập ngừng một lúc rồi đáp:

- Hồi đại nhân, vốn dĩ là rất tốt, nhưng dạo gần đây họ có chút xích mích.

Bao Đại Nhân hỏi đến đây thì nghiêm mặt lại:

- Như lời ngươi nói thì Chu Đức quả là tình nghi lớn nhất rồi, ngươi còn kiện cáo cái gì nữa?

- Đại nhân – Diên Thị dập đầu – Dù là vậy nhưng dân phụ tin là nhị thúc bị hàm oan. Dù có thế nào thì dân phụ cũng cho rằng Chu Đức không thể giết đại ca mình được. Cầu xin đại nhân hãy minh oan cho nhị thúc và tìm ra hung thủ thật sự đã sát hại tệ phu.

- Ngươi một mực khẳng định Chu Đức bị oan, có chứng cứ gì không? – Bao đại nhân lại hỏi.

- Dân phụ... - Diên Đào ngại miệng – dân phụ... không có.

- Vậy tại sao ngươi dám khẳng định? - Bao đại nhân hỏi.

Diên Đào lời nói rất chắc chắn:

- Là Chu Đức nói mình bị oan.

Tiếng mộc bài khô khốc, Bao đại nhân quở trách:

- To gan! Chuyện án mạng giết người sao có thể chỉ dựa vào lời nói của một phía?

Diên Đào sợ hãi, vội dập đầu nói:

- Xin đại nhân tha tội. Tuy dân phụ không có chứng cứ nhưng dân phụ dám bảo đảm nhị thúc bị hàm oan.

Lúc này, Tuệ Lâm mới chắp tay nói:

- Đại nhân, thảo dân xin phép nói vài lời.

- Ngươi nói đi. – Bao đại nhân cho phép.

Tuệ Lâm vái tạ rồi ung dung xòe phiến, điềm đạm nói:

- Bẩm đại nhân, Chu Diên Thị vừa chịu nỗi đau mất chồng lại một mình dẫn ba con nhỏ từ Lư Lăng xa xôi đến tận Phủ Khai Phong này để kêu oan cho kẻ tình nghi giết hại chồng mình, đại nhân không thấy có điều khuất tất hay sao? Chu Gia đó là dòng dõi danh gia vọng tộc, hậu duệ của Chu tướng quân thời Tam Quốc, tuy không thể dựa vào danh thế mà kết luận mọi chuyện nhưng một gia đình lai lịch như vậy mà xảy ra án mạng đệ đệ sát hại huynh trưởng thì thật sự khiến người ta khó tin. Còn nữa, thảo dân không biết huyện lệnh Lưu Lăng là quan thế nào nhưng theo lời nói của Chu Diên Thị, sai nha lại có mặt ở hiện trường vụ án ngay khi người nhà vừa phát hiện nạn nhân bị sát hại, tình tiết này thật sự rất đáng ngờ. Thảo dân không dám lộng ngôn trước mặt cao quan nên chẳng dám nhiều lời. Cũng biết rõ đại nhân phán án là dựa vào chứng cứ, tuy Chu Diên Thị không thể đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho Chu Đức nhưng dựa vào sự thành tâm thành ý của cô ấy và những điều vừa nêu thì thảo dân dám khẳng định thật sự có oan tình, nếu không thì thảo dân cũng chẳng xen vào chuyện này làm gì. – Gấp quạt – Thảo dân biết rõ, nếu kiện cáo bậy bạ cũng sẽ mang tội nhưng thảo dân tin Chu Diên Thị nói thật – nhìn lên bức hoàng phi nơi cao tọa – Cũng tin Bao đại nhân phán án như thần, công chính liêm minh nên mới giúp Chu Diên Thị kêu oan với đại nhân. – Chắp tay cúi đầu – khẩn xin đại nhân chủ trì công đạo.

Bao Đại Nhân nhìn Tuệ Lâm, có một chút kinh ngạc: "Không ngờ còn trẻ như vậy mà lại có khẩu khí lớn như thế." Đại nhân đưa mắt nhìn Công Tôn Tiên Sinh. Tiên Sinh thủy chung không tỏ thái độ gì. Triển Chiêu ghé tai nói nhỏ với Bao Công:

- Đại nhân, người đó là...

Bao Đại Nhân đưa tay ra hiệu cho Triển Chiêu im lặng. Đại nhân đập mộc bài phán:

- Chu Diên Thị, cáo trạng ngươi đã đưa đến Khai Phong Phủ, bổn phủ tất nhiên sẽ thụ lý. Nếu thật sự có oan tình, bổn phủ nhất định sẽ làm sáng tỏ. – Nghiêm mặt – nhưng nếu ngươi dám bịa đặt thì bổn phủ sẽ nghiêm trị.

Diên Đào mừng rỡ khấu tạ:

- Tạ Thanh Thiên đại nhân. – Sực nhớ ra – Đại nhân, dân phụ còn có một thỉnh cầu.

Bao đại nhân hỏi:

- Thỉnh cầu gì?

Diên Đào nói:

- Cầu xin đại nhân hãy cho người tới Lư Lăng yêu cầu huyện thái gia ngừng việc dụng hình ép cung, dân phụ sợ rằng Chu Đức sẽ chịu đựng không nổi. Nếu nhị thúc bị tra tấn đến chết thì oan tình này có rửa cũng bằng không. Cầu xin đại nhân.

Bao đại nhân lập tức sầm mặt:

- Có chuyện này nữa sao? – Nói với Diên Đào – Được, trước khi điều tra ra sự thật, bổn phủ sẽ giữ lại mạng của đương sự.

Diên Đào lạy tạ. Bao Đại Nhân liền truyền gọi:

- Triển Hộ Vệ!

Triển Chiêu liền bước ra trước, cung kính:

- Có thuộc hạ.

Bao Công ra lệnh:

- Ngươi lập tức đến ngay Lư Lăng xem xét tình hình, tùy cơ ứng biến, nhất định phải giữ lại mạng sống cho Chu Dức.

Triển Chiêu cúi lễ:

- Thuộc hạ nhận lệnh.

Triển Chiêu lui mấy bước, vừa định rời đi thì Công Tôn Tiên Sinh cản lại.

- Triển Hộ Vệ khoan vội. – Tiên Sinh đứng lên.

Bao đại nhân hỏi:

- Công Tôn Tiên Sinh có chuyện gì?

- Đại nhân – Công Tôn Tiên Sinh hướng đại nhân tâu – Lư Lăng không thuộc quản hạt của Khai Phong, e là Triển Hộ Vệ sẽ hành sự bất lợi. Xin đại nhân hãy ban cho Triển Hộ Vệ Thượng Phương Bảo Kiếm để dễ bề ứng phó.

Bao Công nghe nói liền gật đầu:

- Tiên Sinh nói đúng. – Truyền lệnh – Người đâu?! Thỉnh Thượng Phương Bảo Kiếm.

Vương Triều, Mã Hán lập tức mang Thượng Phương Bảo Kiếm ra. Bao đại nhân cẩn thận dặn dò Triển Chiêu:

- Hãy tới đó, làm được gì thì cứ làm nhưng nhất nhất phải thận trọng, y pháp hành sự. Chờ bổn phủ xin được thánh chỉ xuất tuần thì sẽ đến đó sau.

Triển Chiêu kính cẩn nhận kiếm, đáp:

- Thuộc hạ nhớ rõ. Đại nhân yên tâm.

Bao Đại Nhân gật đầu:

- Đi nhanh đi.

Triển Chiêu cầm Thượng Phương Bảo Kiếm nhanh chóng rời khỏi công đường. Bao đại nhân nói với Diên Đào:

- Chu Diên Thị, vụ án này bổn phủ sẽ điều tra. Bây giờ ngươi có thể về, chờ bổn phủ vào cung xin thánh chỉ xuất tuần sẽ đến Lư Lăng làm rõ. Khi bổn phủ tới đó thì ngươi nhất định phải có mặt ở đó. Có biết chưa?

- Dân phụ đã biết. – Diên Đào tỏ ra rất phấn chấn – Khấu tạ Thanh Thiên.

Tuệ Lâm khẽ cười, hướng Bao Công bái lễ:

- Bao đại nhân anh minh.

Đến đây, Đại Nhân đập mộc bài và phán: "Bãi đường!".

Những chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra? Chờ hạ hồi phân giải.

-----

Chú thích:

(*) Thật ra mình cũng không rõ thời Tống đã có trạng sư hay chưa nhưng vì là truyện hư cấu nên viết đại vậy. Nghề của Lâm ca chính là "kiện và cãi" nha.

(**) Ngọ tắc: quan nghiệm thi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net