Phần thứ nhứt ― CHƯƠNG THỨ NHÌ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
tất cả các sự-kiện rời-rạt kia, làm thành một ức-thuyết. Ức-thuyết ấy phải cắt-nghĩa được tất cả những hiện-tượng mình đã quan-sát kia, mà không phải bị một thực-sự nào phản-đối được, chừng ấy mới được xem là đúng-đắn thôi. Bằng không, phải bỏ đi, và tìm một ức-thuyết khác đủ lý hơn và ăn khớp với sự thật hơn.

3. – Nhà khoa-học, bấy giờ, tìm cách kiểm-tra, thí-nghiệm ức-thuyết ấy lại.

Qui-nạp theo nhà khoa-học, là tư-tưởng mà biết huỡn lại sự phán-đoán của mình, không kết-luận ‹‹ bướng ››, không hấp-tấp, vội-vàng. Hoài-nghi của nhà khoa-học, là hoài-nghi để mà chiêm-nghiệm, không phải lối hoài-nghi của người theo chủ-nghĩa hoài-nghi triệt-để đâu. Muốn tập tư-tưởng cho đúng-đắn ít bị lầm-lạc, cần phải theo phương-pháp làm việc và suy-nghiệm của nhà khoa-học về thực-nghiệm, vì phương-pháp ấy tự buộc phải giữ luôn-luôn sự liêm-khiết đối với mình. Người ta thường hay có bụng thiên-vị, cho nên chỉ nhớ những điều gì thuận với lòng mình ao-ước thôi. Nhà khoa-học, dầu sao cũng trước hết là người như mọi người, lẽ cố-nhiên cũng có những sự thiên-kiến đối với lý-thuyết của mình. Bởi vậy, những bằng-chứng, những lý-lẽ nghịch với lý-thuyết mình, họ thường hay bỏ qua không để-ý đến. Darwin cũng vì lẽ ấy, tập tánh hay biên ra liền, và biên một cách thành-thật những ý-kiến, những bằng-cứ nghịch với lý-thuyết của ông, vì theo ông, những ý-kiến ấy dễ quên lắm. Đó ông gọi là đức ‹‹ liêm-khiết khoa-học ››.

Tôi, thời thường, thích cái học của Lão-Trang. Nhưng đọc sách, lại rất ưa đọc những sách bài-bác Lão-Trang. Những lý-lẽ người ta đã viện ra để kích-bác cái học ấy, tôi hay biên ra để cho dễ nhớ. Là vì tôi muốn đi sâu vào học-thuyết ấy mà khỏi phải bị một thiên-kiến gì cả. Khi mình đã có ưa thích một điều gì, mình phải biết lo ngừa có sự thiên-lệch về điều ấy. Bất-kỳ là học cái chi, tôi nhớ đến phương-pháp nầy luôn, đến nó đã thành một thói-quen rồi vậy.

Cái đức đầu-tiên, mà phương-pháp khoa-học thực-nghiệm đam lại cho con người, là đức khiêm-tốn. Nó giúp ta bỏ bớt cái lòng tự-đắc kiêu-căng đi. Qui-nạp mà cho đúng phép, nghĩa là hoàn-toàn theo khoa-học thực-nghiệm, giúp cho tư-tưởng mình được sáng-suốt và đúng-đắn, dẫu không phải là chân-lý, cũng không xa chân-lý mấy. Qui-nạp theo thói thường hay biến thành ra ngụy-luận, sẽ bàn ở một nơi khác trong quyển nầy.

3. LOẠI-SUY

Loại-suy, là lối luận đơn-sơ hơn hết.

Nhân hai vật, vừa giống nhau mà cũng vừa khác nhau ; nhưng phần giống nhiều hơn, ta kết-luận cho cái nầy giống như cái kia.

Đó là phép loại-suy.

Tỉ như : Trái đất, là một hành-tinh có người ở ; ta bèn nghĩ ngay đến hành-tinh Mars có lẽ cũng có người ta ở.

Chất sắt đốt nóng giãn ra ; ta bèn kết-luận : chất đồng mà đốt nóng có lẽ cũng giãn ra.

a) Bản-chất :

Loại-suy, bản-chất nó như thế nào ? Ta hãy so-sánh nó với phép diễn-dịch và qui-nạp sẽ thấy dễ-dàng hơn.

a') Diễn-dịchLoại-suy, mới thấy sơ qua thì mường-tượng với nhau, nhưng nếu đam cái kết-luận của hai phương-pháp ấy mà quan-sát lại kỹ, ta sẽ thấy nó khác nhau xa.

Ví như, cùng một câu kết-luận : ‹‹ Chất đồng, hễ đốt nóng thì giãn ra ››, mà dùng phép diễn-dịch để tìm ra, thì phải dùng đến một tiền-đề rộng-rãi và gồm nắm cái kết-luận ấy ở trong. Phải lập-luận như vầy :

Phàm kim-khí, hễ đốt nóng, thì giãn ra ;

Mà chất đồng, là kim-khí ;

Bởi vậy, chất đồng, hễ đốt nóng cũng giãn ra.

Trái lại, nếu dùng phép loại-suy, thì chỉ dùng đến một tiền-đề thường nghĩa là không rộng hơn và không gồm nắm cái kết-luận ở trong. Chỉ luận sơ-sài như vầy :

Chất sắt, đốt nóng thì giãn ra ;

Chất đồng, đốt nóng cũng sẽ giãn ra.

Câu kết và câu ở tiền-đề vẫn như nhau, nghĩa là tiền-đề không rộng hơn, không hàm chứa kết-luận ở trong.

b') Qui-nạpLoại-suy cũng không giống nhau. Thử đam hai lối luận nầy mà so-sánh như trên, ta sẽ thấy chỗ khởi-điểm của hai lối luận nầy tuy đồng nhau, mà tới chỗ kết lại không giống nhau.

Tỉ như, cùng một chỗ khởi-điểm là ‹‹ Chất sắt, đốt nóng giãn ra ›› mà nếu dùng phép qui-nạp thì phải kết-luận như vầy :

Chất sắt, đốt nóng giãn ra ;

Bởi vậy, bất-kỳ là những cái gì thuộc về loại sắt, đốt nóng cũng giãn ra.

Trái lại, nếu dùng phép loại-suy thì phải kết-luận như vầy :

Chất sắt đốt nóng giãn ra ;

Bởi vậy, chất đồng đốt nóng cũng sẽ giãn ra.

Qui-nạp thì nhân chỗ đồng-nhất mà kết qua chỗ đồng-nhất, nghĩa là từ chất sắt kết qua chất sắt nhưng rộng hơn ; còn loại-suy, thì nhân chỗ tương-tợ mà kết qua chỗ tương-tợ, nghĩa là từ chất sắt kết qua chất đồng, hai chất tuy cùng một loại là kim-khí nhưng khác nhau.

Thế thì, loại-suy rất khác xa diễn-dịch và qui-nạp. Vậy, thì nó là gì ?

Dường-như lối luận của loại-suy là lối luận vượt bực, luận từ chất rắn vượt qua chất đồng mà không cần đến một trung-gian nào cả. Nhưng thật sự, thời không phải vậy. Trong lối luận loại-suy có hai giai-đoạn :

Giai-đoạn thứ nhứt : Nhân thấy chất sắt nóng, giãn ra, ta bèn nghĩ ngược lại một đại-tiền-đề rộng hơn : phàm là kim-khí, hễ nóng thì giãn ra.

Giai-đoạn thứ hai : Bắt đầu đại-tiền-đề ấy, ta cứ luận theo phép diễn-dịch : phàm là kim-khí hễ nóng thì giãn ra ; mà chất đồng là kim-khí ; cho nên, chất đồng, hễ nóng cũng giãn ra.

Nếu xét cho kỹ, ta thấy giai-đoạn thứ hai nầy, là một lối luận theo phép diễn-dịch thường rất dễ hiểu. Chỉ có giai-đoạn thứ nhứt, là có hơi khó giải-thích một chút. Thật vậy, mới xem qua, dường như nó là một lối qui-nạp :

Chất sắt, nóng thì giãn ra ;

Bởi vậy, loài kim-khí nào nóng cũng giãn ra.

Nhưng, như thế, thì lý-luận không mấy được chính-xác, vì nếu thật theo phép qui-nạp, phải luận như vầy mới đúng :

Sắt, nóng thì giãn ra ;

Bởi vậy, bất-kỳ là ở đâu và bao giờ, sắt hễ nóng thì giãn ra.

Theo phép qui-nạp, ta không có quyền kết-luận từ chất nầy qua chất kia, nghĩa là từ chất sắt qua chất đồng mà chỉ được phép kết từ bây giờ đến sau nầy và mãi-mãi nghĩa là từ một thời-gian ngắn đến một thời-gian dài hơn. Ta phải luận như vầy : Giờ đây, miếng sắt nầy, đốt nóng thì giãn ra ;

Vậy, bất-kỳ là ở vào buổi nào, nếu đam chất sắt mà đốt, thì nó cũng sẽ giãn ra như bây giờ. Đây mới thật là luận theo phép qui-nạp. Còn luận như trên : bắt từ chất sắt mà kết-luận đến tất cả loài kim-khí, đâu còn gọi được là qui-nạp nữa, mà là một lối vừa qui-nạp vừa loại-suy mà trộn lộn lại thôi.

Cho nên, giai-đoạn thứ nhứt nầy cũng chưa giải-quyết được. Ta quả-quyết nó không phải cùng một loại với qui-nạp. Vậy, nó là loại gì ?

Nó, thật ra, cùng một loại với diễn-dịch, nhưng diễn-dịch nghịch-hành nghĩa là diễn-dịch nhân kết-luận mà trở ngược về đại-tiền-đề. Như ta đã thấy ở trên : nhân thấy miếng sắt nóng giãn ra, ta bèn nghĩ đến một đại-tiền-đề rộng hơn : phàm là kim-khí, hễ nóng thì giãn ra.

Đến khi tìm được đại-tiền-đề của nó rồi, bấy-giờ ta cứ theo con đường diễn-dịch thuận-hành mà đi như thường :

Phàm là kim-khí, hễ đốt nóng thì giãn ra ;

Mà chất đồng là kim-khí ;

Vậy, chất đồng đốt nòng cũng giãn ra.

Tóm lại, luận theo loại-suy, có hai giai-đoạn : diễn-dịch nghịch-hành, và tiếp theo đó diễn-dịch thuận hành, nghĩa là theo con đường tự-nhiên của phép diễn-dịch. Hay, nói một cách khác, luận theo phép loại-suy không có vượt bực, nghĩa là, nhảy từ ‹‹ ca ›› thứ nhất qua ‹‹ ca ›› thứ hai, từ chất sắt nhảy qua chất đồng, mà là luận theo một lối diễn-dịch ngược lên để tìm đại-tiền-đề, rồi diễn-dịch thuận xuống để kết-luận.

b) Giá-trị :

Muốn định giá-trị của phép luận nầy, nghĩa là muốn biết nó đáng tin nhiều ít như thế nào, thì phải căn-cứ vào đâu ?

Cố-nhiên là phải căn-cứ nơi chỗ sai-biệt của hai ‹‹ ca ›› mà ta muốn dung-hiệp đó. Nếu chỗ sai-biệt nhiều hơn chỗ giống nhau thì kết-luận của ta đáng hoài-nghi. Nhược bằng, chỗ giống nhau lấn hơn chỗ sai-biệt, thì kết-luận của ta đáng tin hơn là ngờ-vực. Nhưng tin một cách quả-quyết tuyệt-đối thì không nên, vì lối luận nầy bao-giờ cũng đáng ngờ, bởi hai vật đều giống nhau đến đâu, bao-giờ cũng có chỗ khác nhau. Trong vạn-vật không bao-giờ có hai vật giống nhau như một đặng.

Tỉ như : ta nhân con người có trí-huệ, có tình-cảm mà kết-luận rằng con thú cũng có trí-huệ và tình-cảm. Lẽ cố-nhiên là cái kết-luận nầy đáng ngờ lắm. Tại sao ? Vì giữa con người và con thú, biết bao là điều khác nhau.

Tuy-nhiên, không phải chỉ đếm cho được nhiều sự sai-biệt là đủ, ta còn phải biết cân-nhắc nó nữa. Một chỗ sai-biệt thôi, lắm khi cũng đủ làm cho ta ngờ-vực và không dùng đến loại-suy được. Ví như loại-suy với trái đất mà ta quả-quyết rằng trên mặt trăng cũng có người ở như ở đây, ta đâu có cần phải thấy được nhiều chỗ sai-biệt để phá-hoại câu kết-luận. Chỉ cần biết rằng trên đó không có không-khí như đây, là đủ cho câu kết kia tự-hủy. Cho nên, một điểm sai-biệt thôi, nếu nó thật quan-trọng cũng đủ thủ-tiêu kết-luận của ta liền. Cái phẩm, thường trọng hơn cái lượng.

Lại còn một nguyên-nhân nữa làm cho lối luận nầy đáng ngờ, là chỗ mù-mờ ta chưa khám-phá được hết về sự sai-biệt giữa hai vật, mà ta muốn dung-hợp kia. Như giữa thần-trí con người và thần-trí con vật, còn có nhiều chỗ sai-biệt vô-hình mà ta chưa khám-phá được hết, làm cho sự so-sánh của ta rất khó lòng mà quyết-đoán được. Luận bằng loại-suy thật là một lối luận mong-manh hết sức.

c) Công-dụng :

Trong các lối luận, chỉ có loại-suy là thường dùng hơn hết. Trong ngôn-ngữ hằng ngày, trong đời sống của ta hằng buổi đây, dường như luôn-luôn, ta chỉ có lý-luận bằng loại-suy thôi : ta thấy người kia có cặp mắt hay giọng nói giống em ta, ta liền tưởng cho họ cũng có một tánh-tình như em ta vậy. Ta thường tưởng cho ai cũng có một tánh-tình như ta : nếu ta là người chân-chất thật-thà, ta tưởng cho ai cũng chân-chất thật-thà. Nếu ta là người ưa dối-trá xảo-ngụy, thì lại tưởng cho ai cũng dối-trá xảo-ngụy như mình. Ở đời, bao giờ có hai cục đá giống nhau, hoặc hai cọng lá giống nhau. Ở nơi con người, thì sự sai-biệt lại còn rõ-rệt hơn nữa.

Về lịch-sử, người ta cũng hay dùng phương-pháp loại-suy lắm, vì ở đây, nếu không dùng loại-suy thì không thể nào làm gì mà rõ biết được thời xưa ra sao cả. Ở đây, người ta không thể dùng phương-pháp thí-nghiệm được, nên phải buộc lòng dùng phép loại-suy. Nhân nay mà xét xưa, thật là mơ-hồ không dám trọn tin, như ta tin ở các ngành khoa-học khác.

Bởi vậy, người ta dụ-dự không chịu đam lịch-sử mà gọi là khoa-học. Những quan-niệm về siêu-hình, nhứt là cái học về huyền-bí thời lại phải dùng toàn phương-pháp loại-suy [18]. Ở đây cũng như ở lịch-sử, người ta nhân đời sống kiếp nầy mà nghĩ đến đời sống kiếp sau, tóm lại, nhân cái chỗ thấy được để độ chỗ không thấy được, vì thế mà những cái học nầy, không đủ cho người ta tin cậy.

Dùng đến loại-suy, thường là để tiên-liệu hoặc lý-giải một điều gì.

Nhân thấy ‹‹ gió heo may chuồng-chuồng bay ›› thì định là sẽ có bão-tố. Là vì ta nhớ một khi kia đã có xảy ra một vụ như vậy. Lối dự-liệu như thế thì không mấy được chắc-chắn, bởi còn nhiều điều-kiện khác mà ta bỏ qua hay thiếu-sót. Nhưng mà lối dự-liệu nầy, người ta lại ưa dùng nhất trong khi tiên-đoán những sự sẽ xảy ra trong lịch-sử.

Theo khoa-học thực-nghiệm, loại-suy chỉ dùng để tạo ức-thuyết mà thôi, vì nó không phải là một lối luận chặt-chẽ khít-khao như qui-nạp. Nó là một sự ước-định, và chỉ là một sự ước-định thôi.

Nhà khoa-học, cũng dùng nó để dự-đoán. Vì đã có nhiều lần chứng-kiến, hễ cho uống thuốc xổ là sẽ đi sông. Cho nên, khi ông thầy thuốc cho bệnh-nhân uống thuốc xổ, ông tin rằng, người ấy sẽ đi sông như các bệnh-nhân khác mà ông đã mục-kích. Cho người bệnh uống một món thuốc nào, là ông chỉ chờ người ấy báo tin cho ông biết nó sẽ như lòng ông đã tiên-liệu. Nhà thí-nghiệm, mỗi khi đam hai chất mà phối-hợp với nhau trong nồi, là đã dự-đoán nó sẽ hóa-chuyển như thế nào, vì dưới mắt ông đã thấy nhiều lần sự hóa-chuyển như thế. Cho nên loại-suy, là để mà dự-đoán.

Loại-suy, cũng dùng để cắt-nghĩa. Đam một lý-giải về một việc đã qua mà đã biết rõ, để cắt-nghĩa một ‹‹ ca ›› mới, giống như ‹‹ ca ›› trước. Nhiều chứng bệnh cấp-tính người ta đã tìm thấy nguyên-nhân nơi cái độc của vi-trùng. Nay thấy một chứng bệnh cấp-tính mới khác người ta cũng vịn theo cái thuyết vi-trùng mà cắt-nghĩa. Cũng như người ta thể theo điển-học mà cắt-nghĩa những hiện-tượng của thiên-thời như : gió, mưa, sấm, chớp...

Tuy-nhiên, ta nên để-ý kỹ điều nầy : tiên-liệu theo khoa-học không giống với cách tiên-liệu của thường-tình, tiên-liệu như nhà tiên-tri. Lối tiên-đoán nầy không có cắt-nghĩa gì được cả. Nhà tiên-tri chỉ thấy trước và công-bố vậy thôi, chớ không cần phải cắt-nghĩa vì sao sự-tình ấy phải xảy ra. Nhà khoa-học thì khác : Vừa tiên-đoán mà cũng vừa cắt-nghĩa. Nhà thiên-văn tiên-đoán sẽ có nhựt-thực, không phải tiên-đoán theo lối nhà tiên-tri. Trái lại, họ cắt-nghĩa vì sao nhựt-thực phải có ở tại chỗ ấy, ngày ấy và giờ ấy. Cho nên muốn loại-suy mà khỏi phải bị sai-lầm nhiều, nên bắt-chước theo phép loại-suy của nhà khoa-học.

Phép loại-suy, cũng có khi gọi là tỉ-luận. Tỉ-luận, tuy cũng gọi là ‹‹ analogie ›› nhưng ‹‹ analogie ›› nầy khác với ‹‹ analogie ›› nghĩa loại-suy.

Tỉ như câu : ‹‹ Trời không lường trưa, sớm, nắng, mưa.

Người, đâu biết hôm, mai, họa, phước. ››

Đó là lấy việc trời đát, mà ‹‹ ví ›› với việc người.

Lại như câu : ‹‹ Vừng trăng khi khuyết khi tròn ;

Người đời lúc thạnh e còn lúc suy. ››

Đây là nói, đời người lúc thạnh lúc suy, giống như cái cách vừng trăng khi tròn khi khuyết. Ấy là chỉ cái ‹‹ cách ›› giống, chớ không phải chỉ cái ‹‹ thể ›› giống.

Nhà viết văn thường hay dùng lối nầy, là muốn giúp để suy-nghĩ, chớ không phải muốn chứng-giải một điều gì. Khi đọc sách, phải coi chừng lối tỉ-luận cho lắm, bởi có nhiều nhà văn hay lợi-dụng phép nầy để chứng-giải những lý-thuyết lờ-mờ của mình.

Có kẻ lại dùng phép tỉ-luận đam vật có hình để ‹‹ ví ›› với sự vô-hình. Như nói :

Cá không ăn muối cá ương,

Con không nghe mẹ, trăm đường con hư.

Cái đó chưa ắt, vì nó còn tùy... Còn phải coi cách cá ương có trăm phần trăm giống cái cách con hư hay không ; còn phải coi hiệu-quả của lời cha mẹ đối với con, có được hiệu-quả như muối đối với cá hay không.



[13] Câu số 1 gọi là Đại-tiền-đề

   Câu số 2 gọi là Tiểu-tiền-đề

   Câu số 3 gọi là Kết-luận

[14] Dictionnaire Universel (Lachâtre) Art. Dilemme.

[15] Plaidoyer pour Milon (CICÉRON)

[16] Ở đây, xin bỏ những chứng-cứ cho bớt sự dông-dài, dễ bề nhận thấy mạch-lạc của tam-đoạn-luận.

[17] Xem chương Trí Tưởng-Tượng trong quyển Óc sáng-suốt.

[18] Traité élémentaire de la Science Occulte (Papus), trang 1 và 5 bài tựa của ANATOLE FRANCE.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net