Chùa Trấn Quốc - Hà Nội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tồn tại với thời gian suốt 1500 năm, chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa có tuổi thọ lâu đời nhất ở Hà Nội. Trước kia chùa có tên gọi là chùa Khai Quốc (mở nước), được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế, đến thời vua Lê Thái Tông thế kỉ 15, chùa được đặt tên là An Quốc. Đến ngày nay, người dân thủ đô vẫn biết đến ngôi chùa với tên gọi là chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc nằm ở phía đông Hồ Tây (quận Tây Hồ) với lối kiến trúc cổ kính, uy nghi hòa quện cùng cảnh quan sông nước mênh mang, toát lên vẻ tĩnh mặc, cổ kính hiếm có giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương, và thượng điện, nối thành hình chữ công.
Tiền đường hướng về phía tây, hai bên nhà thiêu hương là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.
Nét độc đáo và riêng biệt của chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp có 11 tầng, cao 15 mét. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen 9 tầng, được gọi là Cửu phẩm liên hoa, cũng bằng đá quý. Bảo tháp được xây dựng đối xứng với cây bồ đề trong vườn sau của chùa . Sư trụ trì Thích Thanh Nhã đã giải thích sự đối xứng đó là hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân như, sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.
Đến với chùa Trấn Quốc, người ta có thể cảm nhận thấy được cái hồn của Thăng Long xưa giao hòa cùng thiên nhiên đất trời. Vẻ đẹp ấy đã thu hút và níu chân rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến vãn cảnh.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dẫn