Cổ Loa Thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cổ Loa là một trong những địa danh xuất hiện sớm nhất trong thư tịch cổ Việt Nam, bởi lẽ vùng đất này là cái nôi của nền văn minh sông Hồng và là kinh đô thứ hai của Việt Nam trong thời kỳ lập quốc. Năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, Cổ Loa một lần nữa lại được Ngô Quyền chọn làm kinh đô.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội 17 km về hướng bắc, Cổ Loa là một ‘làng Việt’ điển hình ở châu thổ sông Hồng, thanh bình và trù phú. Song nơi đây chính là một địa chỉ văn hóa đặc biệt của Hà Nội và của Việt Nam, bởi đây là nơi đang lưu giữ một quần thể di tích hàng ngàn năm tuổi gắn liền với lịch sử dựng nước và chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là các di tích khảo cổ học của các thời kỳ đồ đá, đồ đồng và đồ sắt, mà đỉnh cao là nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ; là Loa Thành huyền thoại, tòa thành đầu tiên trong lịch sử kiến trúc Việt Nam; là quần thể di tích đình, đền, miếu, am… thờ phụng và tôn vinh các nhân vật lịch sử của buổi đầu dựng nước và giữ nước: An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu, tướng Cao Lỗ…; là những dấu tích phi vật thể gắn liền với đời sống kinh tế - xã hội và phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cư dân bản địa từ bao đời nay. Cổ Loa chính là miền đất của những huyền thoại và sử tích.
* Theo dòng huyền thoại
Khoảng nửa sau thế kỷ III trước Công nguyên, Thục Phán, người đứng đầu bộ tộc Âu Việt đã hợp nhất với bộ tộc Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, đặt vương hiệu là An Dương Vương, chọn vùng đất Phong Khê (Cổ Loa ngày nay) làm kinh đô. An Dương Vương cho xây dựng ở nơi này một tòa thành bằng đất, theo hình xoáy trôn ốc, gọi là Loa Thành. Tuy nhiên, thành cứ xây sắp xong thì lại bị đổ sụp, bởi sự phá hoại của yêu quái trong vùng. Sau nhiều lần thất bại, An Dương Vương cầu xin sự trợ giúp của thần linh để diệt trừ yêu quái. Nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy (rùa vàng) đến từ sông Hoàng, yêu quái bị tiêu diệt, An Dương Vương mới hoàn tất việc xây dựng Loa Thành ở kinh đô Phong Khê, thiết lập triều chính, cai trị đất nước. Thần Kim Quy còn trao cho An Dương Vương một chiếc móng rùa, để dùng móng này để làm lẫy nỏ, từ chiếc móng rùa này, Cao Lỗ thuộc tướng của An Dương Vương đã chế tạo ra nỏ liên châu (nỏ thần) bắn một phát ra nhiều mũi tên. Nhờ đó đã giúp An Dương Vương mấy lần đánh bại ngoại xâm.
Là kẻ thù trực tiếp của Âu Lạc ở phương Bắc, Triệu Đà nhiều lần xâm lược bằng quân sự không được. Y bèn dùng kế hôn nhân để làm nội gián. An Dương Vương đã gả con gái là công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, với ước vọng dùng quan hệ hôn nhân để giữ hòa hiếu, duy trì hòa bình với lân bang. Nào ngờ, lợi dụng lòng tin của cha con An Dương Vương - Mỵ Châu, chàng rể Trọng Thủy đã lấy cắp nỏ thần rồi làm nội gián dẫn đường cho quân Triệu Đà tấn công Âu Lạc. Thành tan, nước mất, An Dương Vương tức giận chém chết con gái yêu Mỵ Châu rồi tự vẫn. Trọng Thủy hay tin vợ bị vua cha chém chết đã nhảy xuống giếng tự tử để giữ trọn tình với Mỵ Châu.
* Tìm về sử tích
Những câu chuyện về Loa Thành, về nỏ thần, về chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy thực ra không hẳn là huyền thoại bởi những vết tích ngàn năm liên quan đến các câu chuyện này vẫn hiện hữu ở Cổ Loa.
Rời khỏi sự huyên náo ở nội đô Hà Nội, chúng tôi đi ngược lên phía bắc, vượt qua sông Hồng, để tìm về Cổ Loa. Sau hơn 40 phút đi xe máy, băng qua phố phường nhộn nhịp và những cánh đồng vàng ươm màu lúa chín, cuối cùng chúng tôi cũng chạm đến vòng Thành Ngoại bao quanh Cổ Loa. Con đường khúc khuỷu chạy quanh rìa làng sau mấy lần cắt ngang những bờ thành bằng đất của Thành Ngoại và Thành Trung, sau cùng, cũng đưa chúng tôi đến với Thành Nội, vòng thành trong cùng của Loa Thành.

Theo huyền sử, Loa Thành có 9 vòng thành đắp bằng đất, song sau nhiều lần khai quật Cổ Loa, các nhà khảo cổ học đã xác định Loa Thành chỉ có 3 vòng thành: Thành Ngoại chu vi 8 km, Thành Trung chu vi 6,5 km, Thành Nội chu vi 1,6 km. Vết tích của các vòng thành nay vẫn hiện hữu trên thực địa với những cồn đất cao 6 – 10 m, dài cả cây số. Xen kẻ với những đoạn tường thành là những gò, đống vốn là những ụ, lũy… phòng thủ thuở xưa. Loa Thành không chỉ là tòa quân thành đầu tiên trong lịch sử quân sự Việt Nam mà còn là tòa thành kinh đô đầu tiên trong lịch sử đô thị Việt Nam.
Song đó là chuyện của đời xưa, còn bây giờ, trên nền đất Loa Thành xưa là một quần thể sử tích mà nhiều thế hệ người Việt thời kỳ hậu An Dương Vương kiến lập để suy tôn công ơn các bậc khai quốc. Đó là khu đền Thượng thờ Thục Phán An Dương Vương và thần Kim Quy; là tòa bi đình cổ kính với những tấm bia 4 mặt khắc ghi những đạo dụ, huấn từ của vua chúa các đời sau truy niệm công lao và phụng thờ các vị chủ nhân của Loa Thành; là miếu thờ Cao Lỗ, vị tướng đã sáng chế nên nỏ thần liên châu khiến quân thù bao phen thảm bại; là tòa đại đình Ngự triều di quy uy nghi, nơi thờ tự các bậc quân vương từng ngự trị trên mảnh đất Cổ Loa ngàn năm văn hiến; là am thờ công chúa Mỵ Châu vì tình mà phải chịu oan khuất; là giếng Ngọc, nơi chàng rể Trọng Thủy đã trầm mình để giữ trọn thủy chung sau khi hoàn thành nhiệm vụ nội gián cho vua cha…
Với chúng tôi, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong hành trình về với Cổ Loa là lúc bước chân vào am thờ công chúa Mỵ Châu. Pho tượng đá cụt đầu phủ chiếc áo choàng lông thờ trong miếu và chiếc vương miện lấp lánh ánh kim treo lơ lững bên trên pho tượng đã gieo cho chúng tôi nỗi buồn khôn tả. Những câu thơ của Tố Hữu mà chúng tôi từng học trên ghế nhà trường chợt như văng vẳng đâu đây:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
Nào ai biết phu quân là giặc? Tình yêu có xứng đáng phải trả giá đắt như thế hay không? Đó sẽ là nỗi ám ảnh đọng lại trong ký ức của những ai vừa dời bước khỏi miếu thờ công chúa Mỵ Châu trong hành trình viếng thăm Cổ Loa, miền đất của huyền thoại và sử tích.
[Nguồn: Heritage 137. August 2013]


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dẫn