Khái Quát tỉnh Lạng Sơn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”

   Câu ca dao lưu truyền từ bao đời ấy cất lên như mời gọi du khách hãy một lần lên thăm xứ Lạng -  mảnh đất địa đầu của Tổ quốc để cùng khám phá vẻ đẹp hòa quyện của núi và mây, của hang và động, của phố và chợ - một vẻ đẹp huyền ảo và thơ mộng mà tạo hoá đã ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên xứ Lạng, để rồi đắm mình trong những làn điệu Then, Sli, lượn Tày, Nùng ngọt ngào đằm thắm, để cùng khám phá những nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây hay để nghiêng ngả say trong men rượu trên đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ…

  Lạng sơn là một tỉnh miền núi biên giới, thuộc khu vực Đông bắc của Tổ quốc Việt nam:Diện tích là 830.521 ha ( 8.305,21Km2) , đường biên giới với Trung Quốc dài 253 km.

    Một lần đặt chân đến với Lạng Sơn, hẳn bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ “sơn thuỷ hữu tình” của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Cùng với dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược về phương Bắc nằm giữa lòng thành phố như một điểm nhấn ấn tượng là quần thể di tích Nhị - Tam Thanh – “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng” và nổi tiếng hơn với biểu tượng về lòng chung thuỷ sắt son của người phụ nữ Việt Nam – nàng Tô Thị bồng con đứng ngóng chồng nơi ải Bắc…

   Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có 253 km đường biên, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia, cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa với nước láng giềng Trung Quốc. Đây là những nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hoá của tỉnh Lạng Sơn. Từ hàng nghìn năm, bằng ý chí độc lập tự cường dân tộc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những di sản văn hóa truyền thống Lạng Sơn đã trở thành nét tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam. Với những lợi thế về địa lý và truyền thống văn hóa sẵn có, văn hoá Lạng Sơn đã tạo được nét chấm phá riêng, độc đáo và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách mỗi khi đến với Lạng Sơn.

   Lạng Sơn - miền địa đầu của Tổ quốc, nơi sinh tụ của các dân tộc anh em: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán chay,... cũng là quê hương của biết bao lễ hội truyền thống hấp dẫn, thú vị. Trải qua hàng nghìn năm dựng làng, giữ nước, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã sáng tạo nên truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng. Từ chiếc nôi văn hóa dân tộc ấy, lễ hội Lạng Sơn luôn được nhìn nhận như một thành tố quan trọng với những nét riêng và độc đáo.

   Lễ hội Lạng Sơn nhiều về số lượng, phong phú về nội dung, loại hình. Đặc biệt, lễ hội Lạng Sơn vừa mang những đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam và vùng Việt Bắc vừa mang sắc thái riêng của vùng văn hóa Xứ Lạng. Các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng riêng đến tháng tư âm lịch hàng năm. Các lễ hội đều mang nội dung xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa - du lịch sâu sắc.

    Trong cuộc sống hiện đại đầy những lo toan, bộn bề, trở về không khí lễ hội, du khách như bỏ lại đằng sau những tháng ngày mệt mỏi, cùng hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, sôi nổi, tham gia vào những trò chơi dân gian giản dị và thú vị hay trở lại những quan niệm tâm linh thời xưa. Tất cả những cảm giác đó như mãi là lời mời gọi du khách đến với Lạng Sơn để cùng tham dự một lễ hội truyền thống đầy chất huyền

   Lạng Sơn là nơi có rất nhiều lễ hội như hội chợ Mẹt(Thị trấn Hữu Lũng) tổ chức ngày 12 tháng giêng, ngày 27 tháng 3 âm lịch, ngày 12 tháng 8 âm lịch, ngày quốc khánh 2 tháng 9 dương lịch; hội chợ Phổng (xã Vân Nham) tổ chức vào ngày 20 tháng giêng; hội chợ Bắc Lệ (xã Tân Thành) tổ chức vào ngày 15 tháng giêng. Có nhiều hội đền như hội đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), đền Suối Ngang (xã Hoà Thắng), đền Quan Giám Sát và đền 94 (xã Hoà Lạc), đền Ba Nàng (xã Cai Kinh); hội Trò Ngô (xã Yên Thịnh).

    Nơi đây có ngôi chùa mang tên Bắc Lệ, là một ngôi đền cổ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn. Đền Bắc Hà nằm ở trên đồi cao, ở dưới là bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Với dáng vẻ cổ kính kết hợp với yếu tố hiện đại đã tạo nên sự lôi cuốn của nơi đây đối với du khách thập phương vừa cúng bái lại vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên

     Lạng Sơn còn có một ngôi chùa đặc biệt là
Chùa Tam Thanh, ngôi chùa được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Một ít phú nữa thôi, chúng ta sẽ được đến thăm ngôi chùa này . Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích.

    Ngoài ra, Lạng Sơn còn nổi tiếng với rất nhiều loại ẩm thực như:

   -Phở chua xứ Lạng: Đây là đặc sản của xứ Lạng, được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua Lạng Sơn phải ăn nhẩn nha mới thưởng thức hết hương vị đặc biệt của nó. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phần khô trước hết phải kể đến bánh phở. Cũng vẫn là thứ bánh phở quen thuộc nhưng cái khác ở đây là bánh phở được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai. Tiếp đó là món khoai tây thái chỉ và miếng doang được thoa qua mỡ sao cho thật giòn và vàng rộm lên. Gan lợn thái mỏng bằng nửa lòng bàn tay rán cháy cạnh. Thịt lợn ba chỉ loại ngon và dạ dày lợn đem quay trong chảo mỡ. Phần nước phở gồm: nước báng tỏi, dấm, đường, mì chính... Chính thứ nước hỗn hợp này làm cho người ăn không không cảm thấy ngấy. Còn nước lèo chính là thứ nước múc từ bụng con vịt quay, vừa có vị ngậy của mỡ vịt, vừa thơm phức nhờ những gia vị ướp trước khi quay.

    Phở chua là món ăn hàn thực nên nó được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Phở chua được coi là món ăn đặc sản đáng tự hào của người Lạng Sơn, bởi vậy nó là món không thể thiếu trong các dịp đón khách quý tới nhà.

  -Món khâu nhục: Đây cũng là món ăn chế biến cầu kì từ thịt lợn, món ăn này được tiếp nhận kỹ thuật của người Hoa ở Lạng Sơn và từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản, thường được dùng trong cỗ bàn sang trọng hoặc để tiếp khách phương xa. Muốn có món khâu nhục ngon phải công phu từ khâu chọn thịt. Thịt ba chỉ của con lợn 70-80kg là vừa không bị béo quá, phải là thịt ba chỉ ngon (không lấy thịt ba chỉ bị long), ước lượng mỗi bát khâu nhục là 8 miếng, mỗi bát khoảng 0,5kg thịt, làm bao nhiêu bát thì cứ thế nhân lên.
Thịt ba chỉ cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước, cắt miếng to khoảng 0,5kg cho vào nồi luộc chín tới. Vớt thịt ra để nguội rồi dùng que nhọn đâm chi chít nhiều lần liên tục lên bì lợn, châm thịt kỹ để bì có khả năng hấp thụ nước cho thật mềm, càng châm kỹ miếng thịt sẽ càng ngon mềm hơn. Cho thịt vào chậu giấm ngâm, sau đó vớt ra tẩm tiếp húng lìu, xì dầu và bỏ vào chảo mỡ chao vàng miếng thịt; lấy ra để ráo mỡ và nguội. Khoai môn hoặc khoai lang gọt vỏ, thái miếng cho vào mỡ chao giòn, vớt ra để nguội. Gia vị của món khâu nhục rất cầu lì. Lá tàu soi (một loại rau muối mặn dùng để làm thức ăn mặn của người Hoa, Tày, Nùng ở Lạng Sơn), đem rửa cho hết sạn và độ mặn, băm nhỏ rồi trộn đều với tương tàu choong, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang.
Thái thịt thành từng miếng độ dày mỗi miếng khoảng 1,5cm (mỗi bát 8 miếng) xếp thịt lên trên đĩa thành hình tròn, úp bát to vào lật lại để nguyên đĩa, xếp từng bát thịt vào nồi hấp cách thủy độ 3-4 giờ cho thịt chín và mềm nhừ; khi xếp cỗ hoặc bày mâm bê bát khâu nhục ra ăn nóng. Mùi vị thật thơm ngon.
Món vịt quay: Thịt vịt quay cũng là món ăn chế biến công phu và có hương vị riêng của xứ này, muốn làm thịt vịt quay ngon phải chọn giống vịt bầu Bắc Kinh, mỡ ít, thịt dày. Thất Khê, một thị trấn của huyện Tràng Định đã lai tạo được giống vịt này, dùng để quay hay luộc đều ngon. Vịt làm sạch lông, chú ý không để rách da vịt, mổ vịt lấy bộ lòng ra để làm món xào hoặc canh gừng. Dùng ống đu đủ hoặc ống nhựa thổi cho phồng da con vịt lên, đem nhúng qua nước sôi rồi treo từng con vịt lên để ráo nước (cũng có nơi không nhúng qua nước sôi).
Trước khi đem quay, người ta dùng mật ong pha chút giấm và nước sôi bôi đều lên mình vịt. Quạt than cho hồng, bắc dàn sắt lên đặt con vịt vào sấy đến độ da bên ngoài se lại, sau đó tẩm ướp vịt bằng các loại lá mác mật, lá gừng băm nhỏ trộn đều với xì dầu và tương tàu choong chưng lên múc vào trong lòng vịt (độ 1 muôi), khâu kín bụng vịt rồi thả vào chảo mỡ đang sôi để quay. Khi quay đảo thật đều đến khi nào vịt chín ngả màu vàng sẫm thì vớt ra, chặt miếng xếp vào đĩa, dưới nước lủ lên ăn nóng càng ngon. Món vịt quay Lạng Sơn rất nổi tiếng, khách xa gần đến Lạng Sơn đều muốn tìm ăn để thưởng thức hương vị thật độc đáo.

  -Rượu Mẫu Sơn: Rượu mẫu sơn: nổi tiếng thơm ngon, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt. Rượu Mẫu Sơn mang cái ấm nóng xua tan bầu không khí giá lạnh, mang cái vị man mát của núi rừng Mẫu Sơn. Rượu được lên men từ lá cây rừng (men lá) và nguồn nước mạch tinh khiết trên đỉnh núi cao. Sau khi quá trình ủ rượu đã hoàn thành sẽ được chưng cất ở nhiệt độ cao trên đỉnh Mẫu Sơn trong lành quanh năm mây mù phủ kín.
Vẻ đẹp của thiên nhiên, tấm lòng của những con người hiền hoà, chân thật và hết lòng mến khách cùng những nét văn hoá đặc trưng, những lớp lang văn hoá - lịch sử được kế thừa, bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ các dân tộc anh em sống chung trên mảnh đất Lạng Sơn như đang mời gọi bạn hãy một lần đến với Lạng Sơn để cùng cảm nhận và khám phá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dẫn
Ẩn QC