10.1 Ngọn Sáp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Như thế, Đăng Minh chính thức ở lại Đe Lửa.

Hạnh, không ngờ cũng quyết tâm ở lại, thay vì trở về Hà Nội nhập học.

"Tớ muốn ở lại Lũng Mây," Hạnh quả quyết. "Tớ không muốn về Hà Nội bây giờ. Tớ đi học khoa Lịch Sử vốn để hiểu biết thêm, nhưng giờ tớ có thể học được nhiều thứ ở đây hơn là ở Hà Nội nữa..."

Đôi mắt sâu thẳm như hồ nước mùa thu ánh lên kiên định. Ánh mắt như thế, dĩ nhiên chẳng ai có thể nghi ngờ sự chân thành của người nói, nhưng nội dung câu nói lại khiến Đăng Minh phải nghi ngờ ... tình trạng tâm lý của người thốt ra. Nếu được chọn, chẳng ai lại liều mình bỏ học một năm chỉ vì những giá trị phù du như 'hiểu biết thêm về thế giới' như thế. Có chăng chỉ có thể là vì con bé này hơi bị ... 'hâm', thích làm kẻ mơ mộng hão huyền. Nhưng nói gì đi chăng nữa thì việc Hạnh ở lại Lũng Mây có lợi mười mươi cho Đăng Minh, khi tự dưng có thêm đồng bọn. Nên dù thâm tâm thấy Hạnh đã quá cảm tính và nông nổi, Đăng Minh vẫn chỉ khuyên can vài câu lấy lệ, rồi hí hửng mừng thầm khi Hạnh vẫn 'vững như thạch bàn'. Thậm chí chính Hạnh còn là người gợi ý Đăng Minh nói bố mẹ làm thủ tục bảo lưu kết quả đại học để nhập học vào năm sau.

Thuyết phục được bố mẹ Đăng Minh, à đấy còn cái vấn đề ấy nữa, dĩ nhiên không phải chuyện đơn giản.

Đầu tiên là vấn đề đi lại. Đăng Minh lúc này ko thể tới tận thành phố Hà Giang để gọi điện thoại về cho gia đình. Cách duy nhất là viết email. Mà thậm chí email nó cũng phải viết sẵn bằng giấy bút, rồi đưa Hạnh cất công vào thành phố, ngồi quán net mà gửi giùm. Hạnh mua một chiếc điện thoại, cài sim 3G, nhưng phải mất đến hơn một tuần sau mới mò ra được một vị trí cách cổng phía Nam của Lũng Mây tới hơn năm chục cây số để bắt được sóng mạng. Khoảng cách xa như thế, Đăng Minh không đi nổi, nên vẫn cứ là Hạnh phải ngày ngày đi gửi thư trao đổi giùm. Ít nhất con bé không phải lặn lội hẳn về thành phố Hà Giang. Nó dễ say xe, lần nào về cũng mệt lả trông rất tội nghiệp.

Phương pháp thôi cũng đã khó khăn, còn chưa nói tới thực hành. Hẳn mẹ Đăng Minh đã ngất sau khi đọc lá thư của nó, Đăng Minh đoán thế. Và sau khi tỉnh dậy rất có thể bố mẹ đã miệt mài tra cứu... binh pháp Tôn Tử. Vì bức thư hồi đáp đầu tiên mang đậm phong cách do thám 'Biết mình, biết ta. Trăm trận trăm thắng':

"Con trai thân mến.

Nhận được thư của con, bố mẹ vô cùng bất ngờ. Trước hết, mẹ cũng có chút cảm động vì con trai của mẹ giờ đã biết suy nghĩ cho người khác, cho những đồng bào miền cao thiếu thốn. Tuổi trẻ sức dài vai rộng, nghĩ tới việc đem cái văn minh tới cho những con người lạc hậu là một điều đáng quý. Nhưng bố mẹ hi vọng con hãy suy nghĩ cho thật kỹ càng với chọn lựa của mình. Con người ta cần phải học cách giúp đỡ bản thân mình trước khi giúp đỡ người khác. Tức là cần phải trau dồi về kiến thức, về khả năng và cả tiềm lực kinh tế trước khi có cái 'vốn' để đem ra giúp sức cho đời. Bố mẹ mong con hãy suy nghĩ về lâu về dài. Hãy về Hà Nội học tập, lao động, rồi quay lại giúp đỡ cho đồng bào miền cao trong một tương lai không xa, với một bệ đỡ vững chãi hơn. Khi ấy, không những con có thể làm được nhiều hơn cho họ, mà còn nhiều hơn cho chính mình nữa.

Bố mẹ chờ thư con."

Lời lẽ mềm mỏng, lí lẽ thuyết phục vừa cương vừa nhu, nếu bình thường đã rung động những đứa trẻ tuổi teen nổi loạn cứng đầu nhất. Nhưng tình trạng của Đăng Minh bây giờ không cho phép nó làm đứa con hiếu thuận biết vâng lời. Nó tặc lưỡi viết thư trả lời, thể hiện 'tình yêu dạt dào' với 'công tác thiện nguyện', 'giúp đỡ đồng bào khó khăn' của nó hiện tại và hi vọng bố mẹ có thể tạo điều kiện cho nó 'thỏa ước mơ giúp ích cho đời'. Hạnh đã cười ngất khi đọc thư của Đăng Minh, nhưng rồi vẫn lóc cóc thuê xích lô đi năm mươi cây số đường chỉ để gửi thư cho nó.

Thấy lí lẽ không có tác dụng, bức thư thứ hai của bố mẹ Đăng Minh dài hơn gấp hai lần, lần này tập trung đánh vào tâm lí:

"...Nếu thương bố mẹ thì con không nên nói với bố mẹ những lời thiếu trách nhiệm như thế. Con lo cho đồng bào miền cao, nhưng con có nghĩ tới bố mẹ?... Chỉ mới một tuần trước, mỗi khi người ta hỏi con anh thi đại học thế nào, bố còn có thể ưỡn ngực tự hào con đỗ rất cao, mà giờ con bảo bố phải trả lời họ như thế nào? Rằng con bỏ học lên vùng cao ở hay sao? ...Chưa kể đi học chậm một năm như thế, con không nghĩ tới chuyện thua kém chúng bạn? Kiến thức khi ấy cũng quên đi ít nhiều, con liệu có giữ vững được thành tích? ..."

Và đến bức thư thứ ba thì bố mẹ Đăng Minh hoàn toàn chuyển qua phong cách đe dọa:

" ...Người ngoài nhìn vào người ta sẽ đánh giá bố mẹ như thế nào, chẳng nhẽ anh chưa bao giờ nghĩ tới? Bố mẹ phải mang cái danh không biết dạy con cái, để nó chưa biết hiếu thuận với cha mẹ ngày nào đã đi lo chuyện bao đồng bên ngoài mà anh không thấy xót? ...Mẹ anh đã không ăn uống được gì hai hôm nay rồi. Mẹ nói mẹ chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Anh muốn nhìn thấy bố mẹ phải khổ sở thì anh mới hả dạ hay sao?..."

Ai cũng biết là có nói thế, nói nữa thì Đăng Minh cũng chẳng thể rời khỏi Lũng Mây quá hai chục cây số mà không lăn đùng ra đó giãy đành đạch sùi bọt mép. Vì thế mà Đăng Minh, dù cảm thấy vô cùng cắn rứt, hoang mang và sợ hãi, cũng vẫn cứ phải khăng khăng ở lại Lũng Mây. Bố mẹ nó sau chừng chục bức thư dài dòng với đủ lời lẽ dọa nạt, thuyết phục, năn nỉ, cuối cùng đã phải đầu hàng, đồng ý giúp nó lo thủ tục bảo lưu ở trường.

Khác với bố mẹ Đăng Minh, bố mẹ Hạnh lại có vẻ dễ tính hơn nhiều với việc Hạnh quyết định đi học chậm một năm. Nó chỉ gọi điện về nhà có đúng một lần là giải quyết xong vấn đề.

Nhưng nói tóm lại thì cả Đăng Minh và Hạnh đều ở lại Lũng Mây. Không hổ cái mác thiếu gia hào phóng, Tùng Linh thản nhiên tuyên bố sẽ bao ăn ở cho cả hai đứa suốt sáu tháng tới. Không biết trong cái sự hào phóng ấy của Tùng Linh có bao nhiêu phần trăm sốt sắng muốn giúp đỡ một người bạn mới quen trong cơn hoạn nạn, và bao nhiêu phần trăm vì cảm tình trên mức bình thường của thằng này với Hạnh. Nhưng động cơ của Tùng Linh có là thế nào, thì cả Đăng Minh và Hạnh nghiễm nhiên có chỗ ăn ở thoải mái trong xưởng rèn lớn nhất, uy tín nhất của Lũng Mây. Âu cũng là 'trong cái rủi, lại có cái may'.

Từ ngày biết rõ nguồn cơn câu chuyện của Đăng Minh và Hạnh, Tùng Linh cũng trở nên vô cùng tích cực trong việc tìm kiếm manh mối. Nó theo Đăng Minh và Hạnh tới cái cổng bằng rễ cây trên chiếc cầu vắt ngang Thác Bạc, nơi Cháng đã tìm thấy hai đứa này. Lắng nghe chăm chú giả thuyết về 'cánh cổng không gian' giữa hai chiếc cổng vòm bằng rễ cây của Đăng Minh, Tùng Linh phân tích: "Đường Đến là các mạch sáng ngẫu nhiên hình thành khi ánh sáng ở mức cực đại, âm dương hỗn loạn. Không nhất thiết hai đầu của nó phải trông giống nhau. Hai cái cổng vòm bằng rễ cây của mày, tao nghĩ khả năng là trùng hợp."

Cũng phải nói thêm là sau giai đoạn trịch thượng ban đầu với các ngôi xưng hết sức khách sáo kiểu 'anh, tôi', 'bạn, tôi', Tùng Linh đã chuyển qua xưng 'mày, tao' ngọt xớt với Đăng Minh. Dù nếu tính về tuổi tác thì Đăng Minh và Hạnh lớn hơn nó một tuổi. Nó cũng nhất quyết không gọi Hạnh là 'chị', chỉ từ đầu đến cuối 'cậu, tớ'. Ai cũng hiểu nó không muốn xưng 'em'.

Đăng Minh, vốn là kẻ thích đặt nặng vai vế, ban đầu cũng tương đối khó chịu, nhưng chẳng phản đối được, cũng đành chấp nhận cách xưng hô ấy: "Nói vậy thì mày không thể khẳng định tao và Hạnh đã bị đưa đến cây cầu này đầu tiên. Đúng không?"

"Ý là gì?" Tùng Linh đáp cụt.

"Ý tao là Đường Đến có thể dẫn bọn tao tới chỗ khác, nhưng có người đưa bọn tao về chiếc cầu này," Đăng Minh gãi cổ.

"Về lí thì có thể," Tùng Linh nhún vai. "Nhưng sao tự dưng nghĩ thế?"

"Vì cánh hoa đào...." Đăng Minh lùng bùng trong miệng. Nói ra cũng ngượng. Tới giờ nó vẫn không làm cách nào thuyết phục được hai đứa bạn nó rằng những gì nó nhìn thấy không phải là ảo ảnh.

"Mày vẫn còn bị ám ảnh với 'trời xanh, hoa đào' à? Tao đã nói rồi, giờ là tháng Bảy, lấy đâu ra hoa đào cho mày?" Quả nhiên, vừa nghe Đăng Minh nhắc tới, Tùng Linh đã nhăn nhó. Vừa nói, chân Tùng Linh vừa rảo bước tới chiếc cổng rễ cây, sục sạo xung quanh: "Hay mày nhìn nhầm mấy cái rễ cây màu đỏ này? Đầu óc không tỉnh táo, nhìn nhầm cũng có gì là lạ."

Rồi quay phắt sang Hạnh với nụ cười và giọng nói ngọt ngào như kẹo: "Cậu có nghĩ thế không Hồ Thu?"

Đăng Minh trợn mắt nhìn Tùng Linh. Có cố gắng nín nhịn thế nào, nó vẫn không hết rùng mình mỗi khi nghe cái tên 'Hồ Thu' mà Tùng Linh dùng để gọi Hạnh. Đăng Minh biết Tùng Linh không phải kẻ đầu óc trên mây, nhưng chả hiểu sao thằng này có thể 'sến sẩm' và nịnh hót đến mức ấy. Ai đời nhìn vào mắt con người ta, lại ra được hẳn hồ nước mùa thu thăm thẳm bao giờ. Nghe mấy lời đường mật của Tùng Linh, lúc nào Đăng Minh cũng quắn quéo hết cả tay chân. Nhưng thằng này dốc sức giúp đỡ nó và Hạnh, Đăng Minh chẳng tiện tỏ thái độ lồi lõm. Nên chỉ còn cách nhắm mắt bịt tai, coi như không nghe, không thấy.

Tùng Linh còn bắt Đăng Minh kể đi kể lại các chi tiết của buổi tối hôm tụi nó bị đưa tới Lũng Mây, chi tiết hành tung của Đăng Minh và Hạnh từ hôm đó tới giờ. Nhưng vì Đăng Minh vẫn cố ý giấu nhẹm chi tiết về cô gái mắt mèo và chiếc vòng bạc, nên Tùng Linh cuối cùng cũng chỉ có thể đi đến kết luận rằng: manh mối lớn nhất là người đàn ông lạ mặt mặc áo mưa với bông hồng đỏ trên cầu, và cả chất độc kì lạ đã được dùng để đưa slim ki vào cơ thể Đăng Minh.

"Tao thấy người đàn ông đó rất đáng nghi," Tùng Linh vân vê cằm. "Bông hồng đỏ mà hắn dùng... nếu chúng ta hiểu thêm một chút..." Thế rồi nó vỗ tay đánh chát, quả quyết: "Tao biết rồi, mai tao sẽ đưa mày và Hạnh tới Ngọn Sáp."

Đăng Minh cũng vỗ đùi đánh 'đét' hưởng ứng. Muốn bắt được cọp phải vào hang, muốn đi tìm kiến thức, chỉ có thể xông vào Ngọn Sáp.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net