Hồi Hai Mươi Chín: Con Tạo xoay vần (d)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trước lúc về Kiến Hòa, Đặng Xương Tuyết ghé qua quán cà-phê "Sóng Nhạc" biếu anh chủ quán cà-phê hai ký điều vườn ăn lấy thảo.  

Anh bạn cùng họ lớn hơn vài tuổi vẫn đang tất bật với hàng nước của mình. Ban ngày anh ta làm ở đây, tối về lại mở lớp dạy võ. Hỏi tới chuyện vợ con anh ta chỉ cười cười cho qua lề. 

- Điều vườn? Cha! Lâu quá mới thấy nghen. Ngoài chợ nhiều người bán điều Tàu mà trưng biển điều vườn; cắn vô muốn rụng răng luôn. 

- Điều vườn hình dạng lớn nhỏ không đồng đều, màu sắc của mỗi trái cũng không giống nhau, khi chín ăn rất mềm và thơm, vị hơi chua nhưng ngọt hậu. Còn điều Tàu trái nào trái nấy to hơn trái banh tennis, màu sắc mười trái như một, ăn vô cứng hơn đá và mùi thơm không dễ chịu một xíu nào. Trái điều là một bài thuốc dân dã phòng và chữa bệnh rất đáng quý; tuy nhiên những người yếu bao tử nên hạn chế ăn và người mạnh cũng không nên ăn lúc bụng đói, tại vì nó cào bao tử ngang ngửa với trái khóm. 

- Anh kiếm mua ở đâu hay vậy?

- Tôi đi làm vườn cho nhà của vợ chồng bác Tư, thấy mấy cây điều sai trái quá nên hỏi hai bác có bán không, hai bác mới nói nếu con muốn thì cứ hái dìa ăn, hái hết luôn cũng được... Tôi chia cho anh một ít, các đồng nghiệp trong toà soạn một ít và những người bạn hữu mướn nhà chung một ít.

Đặng Thừa Tân rửa sơ mấy trái to nhứt, rồi đem mời các nhân viên nếm thử. Họ tấm tắc khen ngon, rồi nói tiếc rằng còn thiếu muối tôm Tây Ninh nữa là số dzách.

Gã điên gọi một ly trà nho ít ngọt nhiều đá. Ghé riết rồi quen, ai cũng biết khẩu vị của anh ra sao, nhưng anh vẫn dặn để tránh hiểu lầm gây mích lòng.

Anh chủ quán đang trả lời thắc mắc cho một người khách bận áo sơ-mi trắng, đeo cà-vạt sọc xanh - trắng:

- Theo băng nhạc "Tâm Anh 8 - Quê Hương Chiến Tranh" thì bài "Tình cố đô" được thành hình dựa trên phần nhạc của Lam Phương và lời của Mạnh Thường. Nhưng đương nhiên để cho lời bài hát trau chuốt, gãy gọn và ăn khớp với giai điệu thì cụ Phương cũng có sửa đôi chỗ theo ý mình.

- Băng nhạc này có bài nào độc đáo không anh?

- Tôi thấy có mỗi bài "Hận Đồ Bàn" của nhạc sĩ Xuân Tiên là nổi tiếng nhất, số còn lại không có gì quá đặc sắc. À, còn bài "Sầu ly hương" của đôi nhạc sĩ Lam Phương - Lê Mộng Bảo cũng hay lắm; đây cũng là một trong những ca khúc cụ Phương dành tặng cho những người Bắc Kỳ vô Nam sinh sống.

Bạn đồng nghiệp của anh ta đã đi vệ sinh xong, nên anh ta nói lời cáo từ với anh chủ quán, rồi cùng bạn đồng nghiệp trở về sở làm.

Hai người đó vừa đi khỏi, Đặng Thừa Tân liền quay sang bắt chuyện với anh bạn cùng họ:

- Nhiều người hay lẫn lộn bài "Sầu cố đô" của ca - nhạc sĩ Duy Khánh viết về đất Thần Kinh và bài "Tình cố đô" của hai vị Lam Phương - Mạnh Thường" viết về đất Thăng Long. Khác có một chữ thôi mà địa danh được đề cập trong nhạc phẩm đã thay đổi hoàn toàn.

- Cũng như bài "Trăm nhớ ngàn thương" của nhạc sĩ Lam Phương và bài "Trăm mến nghìn thương" của nhạc sĩ Hoài Linh. Hai nội dung hoàn toàn khác nhau mặc dù cái tựa đề na ná.

Bỗng dưng, anh chủ quán đổi đề tài:

- Nhiều nhạc sĩ đọc xong một bài thơ hoặc một bài văn bỗng nảy ra cảm hứng sáng tác, nên dù nội dung bài hát có liên quan tới và sử dụng câu chữ của bài thơ hoặc bài văn hay không, các nhạc sĩ vẫn ghi rõ rằng "Ý thơ của....", thậm chí có người còn đính kèm tên cây viết ấy bên cạnh bút hiệu sáng tác của mình như một người đồng tác giả, điển hình là bài "Chân trời tím" của Trần Thiện Thanh, bác lấy bút hiệu là Anh Chương và kèm theo tên Nguyễn Văn Hạnh là tác giả của tiểu thuyết "Chân trời tím". Đây một cách để tri ân thi sĩ - văn sĩ vì đã cho mình ý tưởng và thi hứng sáng tác rất cao đẹp và sòng phẳng.

Còn nếu ghi "Thơ của..." hoặc "Lời của..." thì chắc chắn có sự đồng sáng tác giữa hai người; nói cụ thể là một người viết lời và một người gọt giũa lời theo giai điệu khuôn nhạc.

- Đáng ra bài hát "Chiều thương đô thị" nên để rõ tên nhạc sĩ sáng tác là "Song Ngọc - Hoài Linh" mới đúng. Vì ý tưởng viết bài này là của nhạc sĩ Song Ngọc, nhạc sĩ Hoài Linh là người giúp đỡ ông Ngọc hoàn thành tác phẩm. Hai người đều có chung mục đích là dùng bài hát này đánh dấu kỷ niệm nhập ngũ của ông Ngọc. Ghi thiếu một trong hai thì thiệt thòi cho người còn lại quá.

Đó là lời nói của người khách tới uống cà-phê lần trước.

- Không sao. Lầm lẫn thôi mà.

Không để người trai đáng tuổi con mình phân trần, Vệ Thu đã khoát tay cười xòa, rồi gọi một ly cà-phê đen thật đậm.

- Thưa ông, ông có muốn nghe bài nào không? Coi như là quà đền bù...

Vệ Thu gật đầu:

- "Xác em nay ở phương nào?" do Mai Hương trình bày, nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Ngọc Khôi. 

Giọng hát thật hay của cố danh ca Mai Hương đã tôn thêm nét đẹp và sự bi thương cho một bài "Tưởng Niệm ca". Cái đoạn ngân nga nghe sao day dứt đến quặn lòng.

- Bài buồn quá ông bạn già ơi.

Vệ Thu nghe ông bạn đi uống cà-phê cùng chắc lưỡi, thở than như vậy chỉ biết lắc đầu cười trừ. Quay lại buổi tụ họp hôm nay, những người bạn lính của ông chỉ còn lại vài thằng, thương tật thời trẻ đã bào mòn sức khỏe của tụi nó, khiến tuổi già của tụi nó lụi tàn mau hơn.

- Rất nhiều bài hát nhạc ngoại lời Việt không có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng vẫn bị một số người khiên cưỡng nhận lầm. Nói cụ thể như là bài "Rico Vacilon" của Cuba, được nhạc sĩ Hồng Kông viết lại lời Hoa và do cô ca sĩ Trương Lộ biểu diễn; băng nhạc ấy mang tên "Trương Lộ chi ca". Sau đó mới tới tai những người Hoa sống ở Chợ Lớn, họ phát bài hát đó và đám trẻ con cùng mấy người ưa giễu nghe xong mới chế lại lời Việt thành: "Chachacha! Ma-ní lấy chồng Chà-và..."

Nói tới đó, anh chủ quán che miệng cười rũ. Đợi cho cơn tức cười qua đi, anh mới nói nổi:

- Cho nên không biết rõ nguồn gốc mà đã nhận định nhạc ngoại lời Việt đều của người Hoa hết thì đó là một cái tật xấu cần phải bỏ. Người Nhật và người Hoa cũng lấy nhạc bên mình, bên Tây Phương và các quốc gia khác mà đặt thành lời riêng theo ngôn ngữ của họ.

Như để khẳng định lời mình nói, anh chủ quán bật bản "Johnny mon amour" do một người bạn ca sĩ nghiệp dư của anh hát, đây là lời Pháp của ca khúc "Sầu đông" do nhạc sĩ Khánh Băng đích thân sáng tác.

- Nếu để cho lớp trẻ ngày nay nghe bản tiếng Pháp trước, họ sẽ chụp mũ ông Khánh Băng đạo nhạc liền trong khi chưa tìm hiểu kỹ nguồn gốc nhạc phẩm. Cố nhạc sĩ là người nổi tiếng giỏi tiếng Pháp và nói năng lưu loát như người sinh ra trên mảnh đất này. 

Vệ Thu lại hỏi gốc tích của bài "Sầu Đông":

- Trở về cố hương sau bao năm dài xa vắng, tưởng đâu sẽ dệt mộng uyên ương với cô em năm xưa, ngờ đâu nàng đã có chồng và đã có con luôn rồi; nên ông mới tức cảnh mà viết bài "Tiếng mưa rơi" và "Sầu Đông" để bày tỏ nỗi đau thất tình của mình. Thấy ca khúc "Sầu Đông" thành công quá, nhà sản xuất mới ngỏ lời mời ông viết phần Hai của nhạc phẩm, nhưng ông đã từ chối vì cảm xúc khi đó đã tiêu tan, phần cũng vì không muốn sáng tác nhạc một cách rập khuôn và y như trả bài.

- Nói cụ thể hơn được không?

- Trước lúc về nhà, nhạc sĩ Khánh Băng ghé qua nhà cô em năm xưa. Ai ngờ đâu chưa bước vô cửa, ông đã nghe thấy tiếng hát ru con buồn rười rượi của nàng. Nhưng chẳng lẽ tới đây rồi mà không chào hỏi một tiếng, nên mặc dầu trong lòng đau khổ vô hạn ông cũng ráng bước vô gặp mặt cố nhân. Nàng vừa bồng con đặng dỗ yên giấc ngủ của nó, vừa ngại ngùng trò chuyện với ông. Bỗng nhiên, ông nghe tiếng đằng hắng thật lớn vang lên ở bên kia tấm vách. Rồi một người đàn ông mặc đồ lính bước ra nhìn ông, sau đó đá vô nôi em bé một cái và bỏ xuống nhà sau. Thấy tình hình không xong, và cũng biết chồng nàng đang đuổi khéo, ông bối rối xin phép ra về. Mặc cho bên ngoài trời mưa tầm tã, ông cũng đội mưa mà về chớ không nán lại chờ tạnh mưa.

- Cũng may ông Khánh Băng thức thời rời đi, chớ không là thành "Đá bào" rồi.

Mấy ông bạn già của Vệ Thu, anh chủ quán và gã điên cười rần.

Đặng Thừa Tân bật bản nhạc "Sầu Đông" do Nguyễn Hưng ca; bài này Hùng Cường, Elvis Phương và Thái Châu trình bày cũng rất thành công và hợp giọng, mỗi người đều có cái hay riêng.

- Nhắc mới nhớ, nhạc sĩ Lam Phương đã tự viết lời Pháp cho ca khúc "Cho em quên tuổi ngọc", tức bài "C'est toi". Đáng tiếc bản tiếng Pháp của hai ca khúc đều bị thất truyền và không còn mấy người biết để mà hát lại nữa. May mắn còn lưu lại được tờ nhạc để làm bằng chứng xác minh quyền tác giả của hai cố nhạc sĩ.

Đặng Thừa Tân gật đầu như để xác minh những gì anh bạn cùng họ nói là đúng, kế anh ta trình bày:

- Thuở xưa, chỉ trừ những bản nhạc có nội dung cổ xúy bạo lực vô nghĩa, ngợi khen chém giết và chiến tranh hay tôn thờ cá nhân, còn lại thể loại nào cũng được bà con hưởng ứng nhiệt liệt và phổ biến rộng rãi. Bây giờ có nạn nghe nhạc "yêu Nước", nếu như bài hát đó hay và ca sĩ đó hát cũng tuyệt vời thì chẳng có gì đáng để nói hết, đằng này nội dung thì không mấy đặc sắc, lời ca tối nghĩa và cố khoa trương "thông điệp ẩn dụ", còn ca sĩ thì chơi chiêu hễ lên nốt cao là cho dàn nhạc điện tử chèn vô mấy tiếng "Ế... Ề... Ê..." hay "Ô... Ố... Ồ... Ô" để lấp liếm cái việc cột hơi bị yếu, vậy mà nhiều trang mạng ráng khen lấy khen để, tâng bốc bằng những mỹ từ quá lố và đương nhiên dù họ đã cố gắng viết bài bằng lối dẫn chuyện tự nhiên nhất có thể, nhưng người đọc vẫn nhận thấy có sự "mua bài". Tôi nói ra mất lòng, chứ các nhạc sĩ thuộc dòng nhạc Tiền Chiến - nhạc Vàng đã làm được điều đó từ trước năm 75 rồi, và họ còn đi trước thời đại và tiên tri luôn tình hình Đất Nước bây giờ nữa kìa.

Ông bạn già đeo kiếng lão ưu tư:

- Cái bệnh chụp mũ đúng ra nên bị xếp vô danh sách "Quốc bệnh". 

Một người đàn ông mặc âu phục trắng bước lại quầy thu ngân và ngồi xuống cái ghế sát cạnh chậu cây cọ kiểng, rồi gọi một ly trà cam thảo đá.

- Việc rũ bỏ Hán - Việt ra khỏi văn chương và âm nhạc đã góp phần làm cho phẩm chất của nền nghệ thuật bị suy giảm. Tôi không biết ai là người đầu têu cho cái phong trào bài trừ Hán - Việt triệt để, xài toàn thuần Việt một cách lung tung và ngớ ngẩn.

Người khơi mào cho cuộc tranh luận mới là một nhà báo về hưu đã gần chục năm. Nay được tòa soạn nơi ông từng làm việc mời tham gia chấm điểm cuộc thi viết "Hoa Không Gian", và ông đã bị chứng kiến nhiều cảnh tượng "hãi hùng" do cách hành văn của cách thí sinh đem lại. Trường hợp mà ông nhắc đến ở trên chỉ là một trong vô vàn lỗi hành văn của các thí sinh.

Một người hay đọc mục báo do ông nhà báo ấy viết gặp được cây viết mà mình mến mộ nên tay bắt mặt mừng, rồi nhờ ông trả lời thắc mắc của mình.

- Nhiều người nói các cụ Việt hóa hết thảy từ A tới Z, anh thấy nhận định trên có đúng hôn?

- Không, thông thường các cụ chỉ Việt hóa tên địa danh thôi; rất ít ai Việt hóa luôn tên nhân vật vì như vậy sẽ làm hư cái hồn của tác phẩm. Có nhiều người thấy những cái tên như Nã Phá Luân, Mạc Tư Khoa,... thì vội vàng chụp cho các cụ cái mũ lậm Hán; trong khi đó, kỳ thực các cụ chỉ Việt hóa một số tên nhân vật nổi tiếng, còn hầu hết các tác phẩm dịch thuật đều giữ nguyên tên gốc của nhân vật. Hệt như anh thấy cửa hàng người ta trưng bày những giỏ bông hồng ở bậu cửa sổ thì vội vàng cho rằng chỗ này chỉ bán toàn là bông hồng vậy, trong khi chưa hề đặt chân vô bên trong cửa hàng.

Uống xong một hớp bạc-xỉu cho thấm giọng, ông nhà báo mới cất giọng ồ ề trình bày:

- Anh có thể nhìn thấy hậu quả của việc phiên âm theo kiểu "yêu Nước" ở cuốn "Thằng cười" của Victor Hugo; nếu anh không tìm bản gốc theo từ khóa tiếng Anh "The man who laughs", anh sẽ chẳng thể nào biết được tên gốc của các nhân vật và địa danh trong tác phẩm là gì. Và sau khi lướt qua một vài trang để kiểm chứng những gì tôi nói, mời anh tìm đọc cuốn "Con chim trốn tuyết" của Paul Gallico do nhà xuất bản "An Tiêm" dịch thuật để nhìn thấy cái hay và hợp lý của việc sử dụng  luân phiên tên gốc và tên đã Việt hóa trong tác phẩm; xin nói thêm, tên gốc của các nhân vật vẫn được giữ nguyên. 

- Đâu anh thí dụ trước coi.

- "Louis" mà viết thành "Luy", "Henry" thì viết "Hăngri", "Dea" chuyển sang "Đêa". Rồi anh thấy sao? Phiên âm "yêu Nước" mà nhiều người khoái đó.

Nếu muốn rèn học sinh biết cách đọc tên ngoại quốc chính xác thì xin hãy giữ nguyên tên gốc, chớ đừng có phiên âm như vầy rồi tự khen mình "yêu Nước" và không bị "Hán hóa" thì tôi sợ lắm á.

- "Louis" đâu phải đọc là "Luy"... Thiệt là...

Một ông thầy giáo cũng đã về hưu ngồi mé bàn bên phải ông nhà báo buột miệng nhận xét:

- Lòng tự tôn dân tộc không đúng chỗ cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Ông nhà báo trình bày ví dụ của mình:

- Thử thời như câu "Trơ gan cùng tuế nguyệt", chữ "Tuế nguyệt" đổi thành thuần Việt thì cái hay của câu này có còn không? Còn chữ "Uyên nguyên" và "Miên viễn" nữa, tìm đâu ra một chữ thuần Việt hoàn hảo để diễn tả súc tích ý nghĩa của hai chữ trên? Chẳng lẽ lại viết một cách rườm rà rằng: "Miền xa xôi, phiêu diêu tự tại, không còn muộn phiền và nhiều cảnh lạc thú"? Viết như vậy không những diễn giải không sít sao cái nghĩa cao thâm của hai chữ trên mà còn tự biến mình thành kẻ dốt mà hay nói chữ nữa!

Bà vợ của ông thầy giáo xen vào, những mong nếu bà có nói sai thì sẽ được người giỏi giảng giải giùm:

- Thuở trước chúng ta phiên âm có thêm dấu cho những thứ chỉ đồ vật có nguồn gốc mượn từ tiếng Pháp như cát-xét, ba-lô, sô-cô-la, gạc-măng-rê, bi-đông, va-li, bánh ga-tô,... và chúng ta còn áp dụng phổ biến tới ngày nay. 

Không thấy ai phản bác, bà chắc mẩm mình đúng được vài phần.

Ông nhà báo lại lên tiếng:

- Câu hỏi mà tôi cảm thấy ngô nghê nhất là Việt hóa vậy qua nước người ta đâu có áp dụng được; mình qua nước người ta thì mình nói tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ của họ, chớ nói tiếng Việt ai hiểu mà đặt câu hỏi mang tính chất mỉa mai như vậy. 

Người đàn ông mặc âu phục mỉm miệng cười mà nói:

- Bên Đạo bạn tôi cũng có dòng Thánh Đa Minh - Dominic, dòng Thánh Vinh Sơn - Vincent,... đó thôi. 

Đặng Xương Tuyết nêu ý kiến của mình:

- Tôi thích giữ nguyên tên người; nhất là tên các vị Thánh và các nhân vật tôn giáo bên Đạo bạn  anh.  Riêng bên Đạo tôi, nếu không Việt hóa sẽ rất khó đọc và ghi nhớ nên tôi thích chuyển ngữ, như tôn giả Sariputta - Xá Lợi Phất, tôn giả Moggallana - Mục Kiền Liên. Cái gì cũng phải uyển chuyển, chớ bài Tây hay bài Hán cực đoan thảy đều tệ hại hết.

- Anh nghĩ sao về cách phiên âm bên Đạo tôi?

- Tác phẩm tôn giáo thì phiên âm cho tín đồ dễ hiểu và nắm rõ tên gọi là được, không quá câu nệ phép tắc như các tác phẩm thuộc thể loại khác, ví dụ: Văn học - Nghệ thuật, Thông cáo - Báo chí, Khoa học - Kỹ thuật, Y học Đông - Tây, Luật pháp, Chính trị,... ; đó là quan niệm riêng của tôi. 

- Vậy tên địa danh nào theo anh nên để nguyên?

- Những quốc gia thành lập sau này hoặc những cái tên địa danh đơn giản, Việt hóa khó nhớ và đã thông dụng với đại chúng.

Nhác thấy đã tới giờ xe đò cập bến, Đặng Xương Tuyết bèn gửi tiền trả cho chủ quán, rồi quải ba-lô mà chạy tót ra ngoài trạm ngồi chờ. 

Chưa kịp nói hai tiếng "Miễn phí" thì anh bạn cùng họ đã chạy mất tăm, Đành Thừa Tân đành để lần sau. 

Đã gần bốn giờ chiều nên khách ra về gần hết, chỉ còn lại vài nhóm khách nhỏ ngồi tụm năm tụm ba hưởng ké máy lạnh. Những vị khách này đa số là sinh viên nghèo không chịu nổi cái nóng nơi nhà trọ hộp diêm, phần còn lại là bà con buôn gánh bán bưng xin vào nghỉ chân cho đỡ mệt. Thấy tình cảnh như thế nên anh đã xây hẳn một khuôn viên thật đẹp, sáng sủa và mát rượi để họ có thể tự nhiên ngồi mà không ái ngại chiếm cứ không gian kiếm sống của anh. 

Người khách mặc âu phục trắng như công tử họ Huỳnh đang xem tin tức trên các trang mạng xã hội, anh ta gắn tai nghe không dây vô tai để tránh làm phiền tới mọi người. Chừng thấy ly nước gần cạn, anh ta mới gỡ tai nghe xuống và hỏi Đặng Thừa Tân:

- Bài "Chỉ riêng mình ta" là lấy giai điệu của ca khúc ngoại quốc nào vậy chủ quán?

- Bài "Chỉ riêng mình ta" do nhạc sĩ Lê Xuân Trường đặt lời Việt theo ca khúc Hoa Kỳ  "Love potion number 9" của đôi nhạc sĩ Jerry Leiber - Mike Stoller sáng tác vào năm 1959; đây không phải là nhạc Hoa gì sất.

Để thay đổi bầu không khí trầm lặng của quán vắng, Đặng Thừa Tân bèn bật bản nhạc trên với phần trình bày của ca sĩ kiêm vũ sư Nguyễn Hưng.

- Anh đẹp trai vậy chắc chẳng cần "Love potion number 9" đâu.

Ba Đức bật cười, rồi trỏ tay vào bịch điều mà hỏi anh chủ quán mua ở đâu hay vậy.

Nhớ lời anh bạn cùng họ, nên Đặng Thừa Tân bèn nói tên khu vườn trái cây dưới Thủ Đức để người khách đẹp trai tự tìm đến mua. Rồi rửa sạch một trái, mời anh ta ăn thử. Anh ta khen ngon, và nói rằng chắc sẽ ghé mua luôn kẻo hết.

Ngồi chơi với anh chủ quán thêm nửa tiếng nữa, Ba Đức cất giọng cáo từ.

Sẵn đang rảnh rỗi, thay vì chạy trên những tuyến xa lộ, Ba Đức lại chọn những con đường rợp bóng cây lành của các khu xóm lao động bình dân. Đáp lại sự mến mộ của chàng Mục sư đẹp tựa Thiên Thần, bọn ve sầu thi nhau hát vang trên những nhánh cây xù xì, thô ráp và ken dày những phiến lá biếc xanh. Thỉnh thoảng, chiếc xe hơi do anh cầm lái phải khựng bước vì một lũ trẻ ở đâu bất ngờ nhào ra lấy lại trái banh hay một đứa nhóc băng ẩu qua lộ. Phía sau ánh sáng đô thành là những khu xóm và hẻm nhỏ chứa đựng vô vàn phận người mệt nhoài với đời

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net